28 tháng 2, 2013

QUY LÁT

C

ùng với tiếng quy lát là một vật lạnh gí vào gáy.
Phía sau tiếng quy lát vang lên một giọng đàn ông khê đục, gầm gừ:

CON CHÓ SỐ NGƯỜI

     Người ta bảo: Chó già thành tinh. Chó già biết (hiểu) tiếng người. Chó già giữ của (có thể biến âm từ câu thành ngữ: “Chó già giữ xương”). Chó già rách việc… . Ông bụng bảo dạ, sẽ không bao giờ nuôi chó già. Sáu bát. Tám bát. Mười hai bát. Bất quá cũng mười ba bát là phải giết. Chó kiến, có khi “bảy bát là hát cả lông”, nuôi thêm cũng chỉ tốn cơm.

CON NHÀ VÕ

     Lũ trẻ con Xóm Mới thường kết thúc tuổi thần tiên khi mới mười lăm, mười bảy. Thiên hạ Xóm Mới có một “miếng võ” kể cũng cungfu, đó là “ép cưới”.

CON VẸT LÔNG ĐEN


      Bác Phu có một con vẹt đen. Một bộ lông tối tăm và quái gở. Vợ bác đòi giết nó để bồi dưỡng cho cô con dâu mới đẻ, nhưng bác không chịu. Chắc có lẽ vì nhờ có nó mà bác thoát được trận lũ ống lịch sử, chưa từng xảy ra trong vòng vài trăm năm ở quê bác.

VĂN NGHỆ SĨ

   Khuệnh khoạng là thương hiệu của hắn.
       Hắn mắc bệnh đi làm muộn, làm về muộn mãn tính. Chẳng có cuộc họp hay hội nghị nào mà cả cơ quan không phải đợi hắn.

CƠ HỘI

(Tặng một nhành cỏ nhỏ)

       Có một anh chàng, nghe nói ở bên kia trái đất có rất nhiều vàng bạc châu báu.

GIA NGHIỆP

       Phạm Căn cầm tấm giấy dự toán tiền mổ tim của vợ mà hai mắt hoa lên. Cộng tất cả các khoản: van, máy tạo nhịp, thuốc trợ tim, tiền phẫu thuật… lên tới hơn hai trăm triệu. Nếu không nhanh bà ấy sẽ chết!

BẢO VẬT


   - Bà ơi, mẹ ơi, các chú các bác ơi, ông nội tỉnh lại rồi!
            Giọng con bé An như vọng về từ cõi cực lạc. Cả nhà xúm đến vây quanh giường bệnh.

GIÁ TRỊ CỦA SỰ HỌC

Chị ngồi như dán xuống bậu cửa, mắt nhìn đăm đắm vào cái mũ anh bỏ quên trên vách. Tuần trước, người bạn gái thân nhất làm giáo viên ở một huyện biên giới biết chuyện chồng chị bỏ nhà đi, đã gửi thư về động viên.

TỨ CHỨNG


Có lẽ đời chỉ cho tôi biết mỗi cái nghiệp cầm bút viết nhì nhằng. Thứ người thích thì ít, thứ người ghét thì nhiều. Ông bạn Thấn của tôi lại khác, cứ buồn buồn là rủ rê tôi la đà trà tửu.

CÁI ROI

Mỗi lần con mắc lỗi, anh lại lấy roi trên vách xuống, quá lắm anh mới vụt một roi. Con khóc, trong lòng anh khóc và... vợ anh khóc. Những lúc như vậy chị thường hay càu nhàu:

KHẮC KHOẢI


Bà Hủi lật ngửa ông già có cái mũi và hai vành tai bị phong ăn đỏ hoẻn ra, rồi chật vật tụt chiếc quần nhàu bẩn khỏi đôi cẳng chân cụt ngủn, vô tri như bằng gỗ.

BỆNH BÓNG ĐÈ

       Làm vợ anh tới ngót hai mươi năm, chưa khi nào Huệ thấy anh xuống mã như vậy. Mái tóc xanh thẫm hồi mới cưới anh vẫn vùi vào lòng mỗi khi làm về mệt, giờ lắc rắc sợi vàng, sợi bạc, vừa khô vừa gãy. Nhưng ớn nhất vẫn là cái lưng.

TRẢ THÙ

      Gã như một người điên, đêm ngày gào réo, săn tìm để trả thù tất cả những ai mà gã cho là có lỗi trong việc gã bị bệnh. Lẽ thường, những người bị “ết” hoang mang, lo sợ, rồi suy sụp; sau đó là những ý nghĩ đen tối cho những kế hoạch trả thù đời.

MỤ ĐIÊN

   Cánh cổng sắt chắn ngang đường chợ vang lên han cáu. Hôm nay mụ điên không còn vươn nổi vai, đứng dậy đón chào một ngày mới - một ngày mới của riêng mụ và chỉ có mụ mới háo hức chờ như con trẻ chờ tết.

TÌM

Bà mù lấy hết sức bình sinh nhích cánh cổng sắt từng ít, từng ít một rồi lách người, đổ nhoài ra. Con đường chỉ là một vệt đen trong hai con mắt trắng.

NGƯỜI THƠ

     Gặp ông qua thơ. Chưa biết mặt. Theo thi lộ ông chừng sáu hai. Thơ ông thừa chân dung phụ nữ. Người ta bảo thơ khoe của thế y kì chẳng có thực. Khát khao yêu.

QUẢ BÁO

   Nhà hắn nghèo kiết xác. Người ta bảo chẳng ai khó ba đời, nhưng hình như từ khi sinh ra, dòng họ Đoàn Lê Nguyễn đã mạt vận rồi.

LIỆU TRỊ CÔNG BẰNG

Khi còn là một thị trấn cấp xã, nửa mét đất mặt đường người ta chỉ cần “đổi” lấy một nụ cười thân thiện. Chuyện một anh thân mật gọi người láng giềng sang uống trà, rồi ân cần bảo:

PHÁT SÚNG CUỐI CÙNG

   Cơn mưa đêm làm hả hê chồi lá vừa mới rát bỏng dưới cái nắng hè hôm trước. Sáng còn thâm đất, chưa rời khỏi giường đã nghe ơi ới gọi cổng.

NGÀY LỄ TRÊN ĐỈNH NÚI

   Lớp học dựng vội bằng cây tươi trên đỉnh núi Phó, nắng và những cơn gió Đông Bắc phơi, sấy làm cho vách nứa co ngót tứ bề.

PHI VỤ CUỐI CÙNG

  Bố hắn muốn hắn trở thành một kỹ sư, vừa thoát khỏi cuộc sống cổ cày vai bừa, vừa làm rạng danh dòng tộc đã nhỏ nhất lại nghèo nhất làng Ngạc Hạ.

NGƯỜI ĐÀN BÀ THÉP

    Khúc cua vặn như một cú santô, khuất sâu trong màn sương tinh khôi, còn chưa kịp bị những tia nhật quang quấy quả.

DỰ ÁN LÀM NGHÈO THÊM NGƯỜI NGHÈO


Phóng sự

      Người ta từng cáo thị, sau mười năm, mỗi cây quế có giá trị bằng một chỉ vàng. Nay đã 16 năm, tính theo giá vàng Điện Biên thời điểm đầu 2.2009 là 1.950.000/chỉ, thì các ông chủ trang trại phải đốn hạ ít nhất 48,75 cây quế có đường kính gốc 25 - 30cm mới đổi được một chỉ vàng; ấy là với người cần quế cơ, chứ làm củi thì mắt cay như rắc ớt, cốp pha thì quá nặng như bây giờ, cây quế chỉ còn nước… chết đứng.

MÙA CÀ PHÊ CHÍN

NGÀY BA MƯƠI THÁNG TƯ CỦA MẸ


      

XIN HÁT MÃI BÀI CA THÁNG 5

    Không biết đã bao nhiêu lần rồi, tôi đi giữa tháng 5 Điện Biên. Vẫn bé nhỏ trước vóc dáng của một lịch sử sừng sững trong lòng 5 châu. Điện Biên đây, vẫn vững chãi như bàn thạch nơi biên ải - thật xứng với cái tên vua Thiệu Trị đặt từ năm 1841 - và, vẫn bình yên như lớp học nằm chênh chếch lưng đồi.

LẠNH!

   Lạnh!
  Không hiểu sao năm nay lại lạnh đến thế? Cái nhiệt kế cơ thể lúc nào cũng hiện hữu một chỉ số… cô đơn!

MẮT ĐÊM

   Mẹ vẫn biết, ở trên đất nước phần đa là chiến tranh này, có đến hàng vạn người như mẹ. Một bà mẹ của những đứa con liệt sĩ!

MẸ TÔI

        (Thân tặng Chá Chứ Lềnh)    
       Cả đời mẹ tôi úp mặt vào đất, không biết một nửa chữ cái. Số đếm cũng không quá 4.

TIẾNG ĐÊM THỦ THỈ

   Đã lâu rồi, tôi và đêm luôn đi suốt cuộc hành trình. Và cũng lâu rồi, tôi phát hiện ra đêm không còn tĩnh mịch, yên ắng như những gì tôi được biết hồi còn tuổi ăn tuổi lớn.

BA NGÀY TẾT NHẤT ĐỊNH CON PHẢI NHỚ

(Kính tặng các thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên)



ĐƯỜNG MÒN

   Trên vùng cao, tìm đến nhà nhau, bản nhau, người ta hay nói: đi qua cánh rừng kia hay, trèo qua dãy núi kia… Hỏi có đường đi không? Lắc đầu!

LÊN MÂY ĐI CHỢ

   Độ dăm bảy ngày người ta lại xếp gọn mọi lo toan vào góc nhà, để mau mải lên chợ. Chợ phiên - cái nơi được coi là “kho tài sản tinh thần” của cả vùng biên viễn, treo lơ lửng trên mãi mây xanh ấy, người ta có mọi thứ; kể cả những ai đã trót quên mất mình thì cũng sẽ tìm lại được chính mình.

MƠN MAN CỎ LÀO

Trên trời, tuyết trắng.
        Dưới đất, trắng tuyết một màu hoa dại.

VỀ VỚI ĐÁ

   Sau hai hai năm học như “nhập thiền”, hết phổ thông, xong đại học, cuối cùng tôi vẫn vác cái bằng đỏ trở về với đá. Thành phố cao siêu và khó lường không dung nạp kẻ hiền cốt như tôi.

NÚI


        Núi luôn ở trong tôi. Ngay từ hồi tôi còn rất nhỏ, cha thường bế tôi chỉ lên đỉnh núi mờ xa: “Cha chôn nhau con trên dãy yên ngựa kia”. Thảo nào mỗi lần đi rừng, tôi thấy mẹ hay đi về hướng núi!

MÙA GẶT CŨ

   Heo may tình cờ khiến cho những mảnh nương vàng óng ả, trả lại màu đất gụ. Một bóng nón trắng như cây nấm trắng, mọc là sà trên đầu những gốc rạ già nua và khô nục.

ĐÔI BÀN CHÂN SẦY CƯỚC

      Hình ảnh của đôi bàn chân xù xì, dăm nẻ như một lát gỗ phơi nắng cứ ám ảnh tôi suốt mấy chục năm trời. Không ít người bảo tôi là lập dị, chí ít thì cũng phải là những gót sen hồng, chín mọng… mới đủ làm cho hồn văn ngơ ngẩn…

NHỚ MÙA ĐÓI THỨ NHÌ



       Tháng 9.
       Chúng tôi nhìn vào mắt mẹ, cay cay. Vừa bước qua được mùa khói nương, sang mùa mưa rừng như đằm mình vào trời đất, lại đến “vụ đói thứ hai” của năm - đói tháng chín.

THẮC THỎM MÙA THI


   Tiếng đồng hồ nhắc thình thịch vào đêm. Mẹ cứ chong chong nhìn về nơi ấy. Một tiếng thạch sùng gõ vào bức vách, mẹ giật mình tưởng tiếng trống báo thi.

MẸ ƠI, CON XIN LỖI!


       Ngày phụ nữ Việt Nam, em mang từ cơ quan về một nhánh sen hồng - loài hoa tượng trưng cho sự hân hoan, vui khỏe. Anh đứng đón em ở cửa, để trao vào tay em một bó hoa hồng đỏ.

MÙA KHÓI NƯƠNG



   Hình ảnh những sợi khói nương lơ đễnh, lẫn mất vào mây cuối ngày cứ nhằng nhẵng theo tôi suốt một chặng đời. Mỗi khi nhà ai đó nhen bếp, là tôi lại thấy trong lòng trồi lên dấu ấn tuổi thơ đầy ắp khó nhọc.

BAN NỞ RỒI LÊN TÂY BẮC ĐI EM



Tháng 3. Cả bầu trời Tây Bắc như một quả cầu lửa, những cơn gió Lào vô tình ném sang từ bên kia biên giới. Cảm giác ngộp thở như đang bị đựng trong quả bầu chật căng khí cacbonic oi nồng.

TẾT NÀY EM Ở ĐÂU?

   Anh van em ở lại nhà mà em chẳng ở. Đã gần một năm kể từ ngày người ta rủ em xuống núi, chẳng có lá thư nào từ phía em chịu cất cánh bay về.

THÊM MỘT MÙA SƯƠNG

   Đông này sương ở đâu đổ về, bầu trời như một bầu sữa. Chẳng phải vì dự báo rét hại, mà vốn dĩ ở nơi, mới nghe cái tên đã thấy gió hú trong lòng. Ba không ngủ.

NGÀY ĐẦU TIÊN ĐI HỌC

“Ai mà chẳng có “Ngày đầu tiên đi học”, mày chỉ không có “Mẹ dắt tay đến trường” thôi”.
Câu nói của thằng bạn thân hồi cấp ba cứ như mũi kim, châm vào tim tôi mỗi dịp khai trường.

SƯƠNG CHIỀU



          Chiều kéo sương về.
            Như một nếp quen cũ, ngay sớm hôm sau, mẹ tôi mở chiếc khóa hòm gỉ sét, lôi áo bông của cả nhà ra phơi cho vơi mùi mốc và ủ thêm hơi nắng vào sâu trong từng sợi bông đã xẹp hết cỡ.

EM NỠ VỘI VÀNG

   Em về thưa với mẹ, ngày mai em theo người ta về bên kia núi. Mẹ hỏi em: “Nhất thiết cứ phải vội vàng thế sao con?”.

MÙA SƯƠNG

   Sương như dải băng trắng bịt vào thị giác vạn vật. Chẳng khác được, từng đàn trâu núi lẩy bẩy vạch cái giá lạnh và cả nỗi “hạn chế tầm nhìn” mà đi, tìm trong kho tàng rét buốt một cọng khô khả dĩ tăng thu năng lượng.

LỜI THANH MINH NGẬM CHẶT

Một lần con trách cha: “Sao cha dễ dãi với người ngoài nhưng lại rất  nghiêm khắc với con?”. Xin lỗi con, vì cha có trách nhiệm với con và vô trách nhiệm với họ.

TẠ LỖI VỚI BẢN MƯỜNG

Mẹ kể, khi sinh tôi, cha vác súng kíp ra bìa rừng. Hai mươi phút sau, mẹ nghe thấy một tiếng nổ chát chúa. Chẳng biết cha săn được con gì mà mẹ thấy cha hì hục chặt, băm, xào, nấu… rộn ràng lắm.

NHỨC NHỐI VÀNG BÒ TÓT


Phóng sự

     Sau 3 giờ đi xe máy trong cơn mưa tầm tã từ thành phố Điện Biên Phủ vào trung tâm xã Phì Nhừ (Điện Biên Đông - Điện Biên), chiếc máy ảnh kỹ thuật số không chịu nổi cái không khí như bị nhúng nước, đã “ra đi” ngay từ khi còn nằm trong túi. Lật tung cả Phì Nhừ  lên, cuối cùng tôi cũng thuê được cái máy cơ không sơn, không chữ của một thanh niên Mông, nhưng phải chờ thêm 2 tiếng nữa, sau khi đã chèo kéo thêm 50 ngàn tiền công đi, anh ta mới đủng đỉnh cuốn dây co vào lốp xe, phi ra thị trấn huyện Điện Biên Đông, mua hộ 2 cuộn phim, nhưng với giá đắt gấp đôi ngoài thành phố…

CHỢ TÌNH BIÊN ẢI


Bút ký in NNVN


     Chẳng biết có từ bao giờ, chợ tình Dào San (Chợ của cụm 8 xã phía bắc của huyện Phong Thổ - Lai Châu) họp 4 phiên một tháng vào các ngày chủ nhật. Ngoài việc mua bán, người ta, ai “Có vợ đem theo vợ/ Có chồng rủ cả chồng/ Không có cứ đến chợ/ Sẽ gặp người đi không… (thơ Trương Hữu Thiêm). Chợ tình là thế, cứ gì phải mua bán. Người ta đi chợ để chơi, để xem, để tìm nhau, hò hẹn nhau, giao đãi nhau… Có người đi chợ mang hàng về. Có người đi chợ mang… vợ về…

KHÓC TRÂU


Phóng sự

     Đã 50 năm qua, chưa bao giờ Điện Biên rét kinh hoàng đến thế. Những năm 1973, 1986, 1989… rét xuống âm độ, nước ao hồ đóng băng, ta đi mà ngỡ như lạc vào một góc nào đó của Bắc cực. Nhưng cái khắc nghiệt chỉ kẹp nhau có dăm bảy ngày, vạn vật chưa kịp nghẹt thở. Năm nay dường như đất trời nổi giận với Điện Biên vậy. 38 ngày rét tựa giáo đâm vào tim gan phèo phổi. Cỏ khô lụi; mạ, cá thối rữa; gà, vịt, lợn, trâu, bò… chết như thể tai họa giáng xuống từ vũ trụ…

“NGÔ H5N1”


Phóng sự

     Từng được Nhà nước phong tặng 2 lần anh hùng: “Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Pháp” và “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới” (năm 2000), nếu chỉ tính riêng cấp xã thì Cò Nòi (Mai Sơn - Sơn La) có thu nhập bình quân đầu người cao vào loại bậc nhất tỉnh (6,7 triệu/người/năm), và đây cũng là xã duy nhất có đất đạt 50 triệu/ha của khu vực Tây Bắc; tuy nhiên, hiện xã anh hùng này đang bị H5N1 “đánh” cho cúm vật cúm vạ…
     Nhiều năm sống nhờ đại lý
      Là xã nông nghiệp với sản lượng lương thực (chủ yếu là ngô) xuýt xoát bằng nông trường nông trường Chiềng Sung; mà theo thống kê nhiều năm, sản lượng lương thực của nông trường cùng huyện này bằng cả huyện đứng thứ 2 tỉnh là Sông Mã. Có người từng nói vui rằng đi đến tỉnh nào cũng gặp “Lai 10” Cò Nòi (giống ngô chủ lực). Như vậy, đủ nói lên rằng, tính năng động của xã miền núi Cò Nòi trong việc sản xuất các sản phẩm lương thực chất lượng cao là đáng nể. Tuy nhiên, đấy là việc của mới đây. Trước kia, ngô Cò Nòi trồng như để ăn vạ nước trên trời và dỗi dằn màu dưới đất, với một mong muốn đủ ngày 2 bữa ăn, bởi làm nhiều cũng không bao giờ bán được. Cả năm, cả người lẫn vài ổ gà ri với con lợn “ba tuổi”, (nuôi uống nước rác cho đỡ phí) thì cũng chỉ vài chục bao ngô bắp, nhờ những con ngựa “xương nhiều thịt ít” thồ về là no cả năm. Nhưng giờ khác rồi. Cả xã với 3.096 hộ, 14.204 khẩu thì có tới 98% bán mặt cho 1.900 ha đất nông nghiệp vốn luôn được coi là “sự sống” duy nhất của các thế hệ nông dân xã. Dù là nhà neo người hay chỉ đủ năng lực cuốc dãi thủ công thì ít cũng làm ra vài chục tấn ngô bắp/hộ, tương đương 4 - 5 mươi triệu đồng ; ấy là chưa kể đến những nhà có “nhiều ha” thuê công nhân làm tới ngót 100 tấn… . Như được trời cho, một ha đất loại 1 Cò nòi có thể cho hơn 100 tạ, so với 25 - 34 tạ ở các nơi khác, cho nên ngô Cò Nòi hầu như đã
       không mất mùa bao giờ lại được giá vào loại nhất khu vực. Hơn nữa, nhờ có “những cây cầu” nối người dân với những thị trường lớn tiêu thụ tới hàng trăm ngàn tấn/năm, với giá: “Không thể lòe được dân Cò Nòi!”, đó là hơn 200 đại lý chuyên thu mua ngô, bất chấp trời hại, người hại và cả cơn bão vi rút H5N1 nữa. Chỉ một xã mà có tới 230 chiếc xe ô tô đặc chủng, “3 cầu”, “cài súp” chuyên “giật” từ vùng sâu ra; “3 chân”, “4 chân” chuyên “tháo” ngô về đồng bằng, cái rẻ trị giá vài chục, cái đắt lên tới 600 triệu có thể vận chuyển một lần  38 - 40 tấn ngô chạy trên tầng cây số. Anh Nguyễn Minh Quang, tiểu khu 1 - một đại lý nhỏ nhất trong các đại lý còn phải nói: “ở nơi nào không biết nhưng riêng Cò Nòi không bao giờ sợ ngô ế ”. Đúng vậy, nông trường Chiềng Sung có những năm ngô thu về cất trữ trong những chiếc kho kiên cố, to bằng 2 – 3 lần nhà ở để chờ… mọt. Thu ráo từ cuối tháng 9 đến tận năm mới mà chưa có ai vào mua. Những con ngựa thồ cúc cắc hết tháng này sang tháng khác cũng chỉ đủ đưa ngô từ 6 - 7 km trên núi cao về kho là đã đột quỵ; lấy gì chở ngô đi 4 - 5 trăm cây số để bán, lại thêm một khoản bù lỗ vận chuyển, khuân vác… cao gấp 4 - 5 lần chuột, mọt ăn đi thì chẳng thà vứt đấy cho đỡ lỗ (?) Những mùa sau đấy có đến 70 - 80% số hộ nghèo không chịu được nhiệt đã tranh thủ bán non, khi ngô vừa gieo, với giá chỉ bằng nửa giá bán ngô già: “Cho ăn chắc!”. Nhưng ở Cò Nòi thì khác. Hơn 10.000 tấn ngô nhân dân làm ra, ngay lập tức được các đại lý tìm đến thu mua theo giá thỏa thuận cao nhất. Như tổng hợp của chủ tịch UBND xã Lò Văn Thái thì hàng năm chỉ có khoảng 20% số hộ trữ nổi ngô để bán tận ngọn, còn lại sống nhờ cả vào các đại lý thu mua; thậm chí còn nhận tiền tiêu trước vài tháng, chỉ để sau này: “Nhớ bán ngô cho tôi nhé”. Phải năm được giá thì cũng chỉ mất 2 giá con, còn rủi như năm H5N1 này thì lãi đến gần 10 giá do các đại lý “tình nguyện” trả trước(!) Theo anh “nông dân chính hiệu” Nguyễn Ngọc Yên, tiểu khu 26.3 thì các đại lý khi “được ăn” cũng chỉ cần 200 đồng/kg, thế là trừ chi phí vận chuyển, xay xát, thuê công nhân… cũng được lãi 50.000  đồng/tấn, nhưng ngược lại: “Không được thì chết kỹ” ; “Chết thay cho nông dân mà lỵ”…
     200 đại lý đang nhiễm cúm gia cầm
       Để bớt đi phần nào căng thẳng mà đã 3 ngày trời bị tốngvào tai, chúng tôi đến đại lý Trần Văn Đỗi, tiểu khu 3 - người được mệnh danh “chân dài nhất năm” bởi anh này kịp “tháo” nên lỗ ít nhất… 90 triệu, anh Đỗi tiết lộ: “Năm tiêu thụ được gia đình thu mua khoảng 3.000 tấn, nhưng năm nay, do H5N1 nên gom có 1.000 tấn, bán lỗ mà vẫn chưa hết”. Hiện trong chiếc kho khổng lồ 20 x 40 mét của anh chỉ còn lại chừng vài chục tấn. Ba chiếc xe cũng chỉ còn cái nhỏ nhất, chuyên chở người đi du lịch là nằm rỗi ở nhà, còn lại đang lang thang ở tỉnh nào chưa có vi rút cúm, anh cũng không biết nữa. Năm 2005 này, ở Cò nòi con số “chết 300 triệu” đã lên tới hàng trăm. Còn “nhẹ nhàng” như nhà chị Hoàng Thị Thuộc, tiểu khu 1 thì cũng lỗ hơn 200 triệu tiền chênh giá tính tới thời điểm hiện tại, chưa kể 400 tấn ngô còn nằm trong kho, chưa kể 300 triệu đồng tiền ngân hàng lãi suất 1,3% và chưa kể 110 triệu vốn phân đạm đã quá 2 tháng hạn mà vẫn “khê” lại ngân hàng cả vốn lẫn lãi vì: “Gia đình đã dốc cạn vào tiền xăng xe để tìm nơi tiêu thụ rồi”.
        H5N1 vốn dĩ là của gia cầm, một số người một phần chưa hiểu biết, một phần không coi trọng nên bị lây nhiễm. Ở Sơn La có 6 nơi bị cúm gia cầm và H5N1, thì điểm gần Cò Nòi nhất là Kho Lay (xã Hát Lót ) cách xa chưa đầy 12 km; tuy nhiên sự lây lan trực tiếp không ai ngại bởi công tác phòng và dập dịch Sơn La làm rất tốt, mà cái đáng nói ở đây là “cơn lốc” tẩy chay gia cầm vô tình đã làm nốc ao ngô Cò Nòi nói riêng, thực phẩm chế biến thức ăn gia súc, gia cầm nói chung của cả tỉnh Sơn La và khu vực Tây Bắc. Người làm nhiều năm từng có của ăn của để rồi còn đỡ, nhiều người tay trắng “vào nghề” đùng một cái quay về âm đi lên. Đại lý Thủy Bản vốn quen làm thợ mộc, thấy người ta làm ngô có nhà lầu xe to nên vợ chồng bảo nhau vay ngân hàng 800 triệu đồng mua được 450 tấn ngô bắp. Phần nhiều do chưa có kinh nghiệm, mua phải ngô Sông Mã nên hao nhiều (ngô xấu hao từ 10 - 12 %; ngô đẹp hao7%); một phần không có xe “tháo” nên hiện giờ còn nguyên 100% chưa bán được trong khi giá cả đã rớt xuống hơn 4 giá so với lúc mua vào. Tiền ngô hao, tiền thuốc mọt (hàng Tàu có mùi thuốc sâu khiến ngô nhiễm độc rất khó bán), tiền gốc lãi ngân hàng… và trăm khoản thua thiệt khác cộng với tiền rớt giá đã lấy mất đi của vợ chồng “người mới” trong làng đại lý ngô Cò Nòi trên dưới 300 trăm triệu tính đến hết tháng 12, bởi còn chậm bán ngày nào lỗ tiền triệu ngày ấy; rồi đại lý Thủy Ngân ngót chục ngàn tấn vv và vv… với thống kê tới 99% số hộ vay vốn ngân hàng để làm, nên có cùng cách “chết” tương tự.
        Theo ước tính thì hiện cả xã Cò Nòi còn hơn 40% những kho ngô với số lượng hàng trăm ngàn tấn chưa bán được. Số thụt két của “tập đoàn đại lý xã” năm nay, theo các nhà kinh doanh ngô kiêm “thời sự gia” ở đây thì: “Chắc chắn phải bằng một trận lũ quyét lớn nhưng không mất người” (vài chục tỷ đồng). Một “đại dịch H5N1 đối với ngô Cò Nòi” mà không ai khác người trồng ngô và người buôn ngô phải chịu theo kiểu “chết dây chuyền” không ai muốn. Hàng trăm ngàn tấn ngô cùng đồng thanh thụt giá (từ 2.600 - 2.700 đồng/kg đầu năm 2005 xuống còn 1.950 - 2.050 đồng/kg cuối năm 2005), 98% của hơn 14 ngàn con người phải “lấy công bù lỗ” và hơn 200 đại lý nhân bình quân với 150 triệu tiền “phá sản” cũng đủ cho vài năm, thậm chí là hàng chục năm làm ăn suôn sẻ. Theo như thông báo của Cục thú y là cả nước hiện chỉ còn 7 tỉnh nhiễm dịch, 10 ngày qua (tính đến 28.12.2005) không phát hiện thêm ổ dịch mới; tuy nhiên những cảnh báo về sự bùng phát có thể quay trở lại vào tháng 1, tháng 2.2006 đã khiến cho hàng triệu gia thủy cầm trên cả nước bị bỏ đói bởi không có cách gì tiêu thụ được trong khi đã “nạo túi” đến những đồng vốn cuối cùng. Hy vọng, bằng những nỗ lực vượt bậc, giặc H5N1 sớm lên đường tuyệt chủng để nhường chỗ cho ngành gia cầm Việt Nam phất lên, kéo theo toa ngô Cò Nòi thoát khỏi cảnh cúm vật cúm vã.

CÂY CÀ PHÊ MƯỜNG ẢNG, TỪ CỦI ĐẾN VÀNG


Phóng sự

    Mới nghe phong thanh, tỉnh sẽ lại “nhìn mặt” cây cà phê sau một thời gian dài được coi như một thứ sinh vật bất lợi, vậy là chỉ trong 3 tháng mùa mưa năm 2007 đã có hàng trăm hộ dân ở 38 bản, thuộc 4 xã, của huyện Mường Ảng ồ ạt đầu tư trồng tới 279 ha. Tương lai đến đâu còn chờ mức độ điều chỉnh và thiết thực quan tâm của tỉnh Điện Biên, chỉ biết rằng, hằng ngày, hàng ngàn con người thuộc diện dưới nghèo, sống nhờ vào những gánh củi, dẫn đến hủy diệt hàng trăm ha rừng Nhà nước giao cho trông coi bảo vệ, giờ đã không còn gánh cơm, gánh áo ngoài chợ nữa…
   

Khúc chìm một dạo
    Ở tỉnh Điện Biên, cây cà phê đã từng có mặt từ mấy chục năm trước, cốt để thay thế cho sự sai lầm của nông trường Mường Ảng thời bao cấp. Cùng với  746  ha cây công nghiệp ten - trẩu, hàng trăm ha cà phê giống thuần chủng (Caturra) do người Pháp mang sang Tây Nguyên Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ 20, được khuyến khích kinh doanh trên phần đất vốn tự hào là tự cung tự cấp. Dù giống này năng xuất cao, chịu hạn tốt, chất lượng thơm ngon, nhưng lại rất mẫn cảm với bệnh gỉ sắt, khô cành, khô quả; cộng thêm cách chăm sóc bình quân chủ nghĩa và những kỹ sư được chuyển tay lái vội vàng từ ten, trẩu sang, nên số phận chẳng khác nào những ha ten, trẩu. Với 1.200 công nhân và 1 nhà máy chiết xuất tinh dầu mắcten, dầu trẩu có số vốn đầu tư 400 triệu đồng (là một trong hai công trình trọng điểm của tỉnh năm 1978) nhằm biến 746 ha cây công nghiệp này thành thứ hàng hóa tận ngọn. Nhưng rồi, sau 36 năm vật vã, cái rừng cây trùng điệp ấy, nhờ hơi người nần nẫn như những vòng tay, chưa đầy năm sau bị chính những người công nhân tiến không có đường đến, lùi chẳng còn chỗ về quật xuống, bổ ra, bày la liệt hai bên vệ đường với giá thành thỏa thuận mỗi xe bốc đi, chỉ cần quẳng lại vài ba yến gạo, để cấp cứu cấp tốc cho cái dạ dày đang sôi lên vì… giận(!) gần ngàn con bò sinh sản, bò thịt… thì dễ giải quyết hơn vì là đồ ăn liền, còn cái nhà máy một thời vênh vang mày mặt, mà lại chỉ đem về những kho dầu ta-nanh nằm chình ình quỵt lương công nhân hết năm này sang năm khác đã phải nhờ đến những người có trách nhiệm, do một phút lơ là với bản thân nên biến thành những tay đồng nát lúc nào không biết, mổ xẻ, cắt đụng ra thành trăm mảnh.
    Đến đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, cà phê Việt Nam bỗng giành được vị trí thứ 2 trên thị trường Thế giới. Tin người nông dân Tây Nguyên một vụ thu cả tỷ bạc, khiến những tân chủ nhân ngành cà phê Điện Biên sốt vó khởi động lại vùng đất chết, mà các lãnh đạo tiền nhiệm đã mạnh dạn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Một hoạch định chiến lược được tung ra, dựa trên cơ sở đánh giá “vùng nguyên liệu thuận lợi và an toàn” thông qua những nghiên cứu: thổ nhưỡng, khí hậu, giống, giá thuê nhân công và một đầu ra lý tưởng bên kia bán cầu. Với chính sách được coi là hiệu quả từ nguồn vốn 135 Chính phủ, ODA, AFD… của các tổ chức quốc tế nhanh chóng được quy ra phân, giống… cho nông dân vay không lãi. Năm 1996, đơn vị chủ quản là Công ty cây công nghiệp Điện Biên (nay là Công ty TNHH cây công nghiệp Điện Biên, gọi tắt là Cty) tiến hành quy hoạch, chia đất, ký hợp đồng 50 năm, rồi đưa một giống cà phê chè mới, ưu thế cao vào sản xuất với cam kết bao tiêu sản phẩm chắc như dao chém đá. Chứng kiến sự khai sinh của cái nhà máy chế biến có công suất đồ sộ 1.200 tấn/năm, hàng trăm hộ dân ở Mường Ảng sau những va đập và đói kém của biến cố cơ chế khi mới bị giải thể, đã chút hết ngần ngại, bảo nhau: “Chẳng mất gì của bọ, cứ làm thử, nếu chẳng may được thật thì giàu mình chứ giàu ai”. Do có chính sách tích cực nên chỉ 3 năm sau, Điện Biên đã có tới 400 ha cà phê, trong đó hơn 367ha được trồng bởi 240 hộ dân ở Mường Ảng.
    Buồn một nỗi, cây cà phê vừa mon men vào kinh doanh đã vấp ngay phải sự trở mặt của những người có trách nhiệm. Vì lý do thị trường biến động bất lợi,  Cty buộc 231 bản hợp đồng (9 hộ không năm trong vùng quản lý của Cty) phải bán sản phẩm cho mình với cái giá mà người nông dân vĩnh viễn không có lãi (6 - 7 ngàn đồng/kg cà phê trấu). Đã thế còn cấm không cho bán ra ngoài, mặc dù có là gấp 2, gấp 3 giá Cty đưa ra(?) Chiếc cọc cứu đuối duy nhất là cái nhà máy chế biến của Cty, hàng chục năm liền chỉ làm một chức năng là cho mấy bà bật bông phơi chăn, đệm và để người ta vẽ vòng số 8 luyện, thi lái mô-tô. Cái lạ ở chỗ, Cty luôn mồm khóc lóc rằng làm không có lãi. Xin tiết lộ, ở Mường Ảng có anh xe ôm tên Lương Văn Kha, với hai bàn ta trắng, năm 1999 anh vay ngân hàng được 10 triệu, cộng khoản tiền bán chiếc xe ôm 2 triệu rửa, anh lẩn vào “mua lậu” cà phê do những hộ không chịu nổi giá Cty, lén lút bán ra vài tạ một. Ngay vụ 2000, anh Kha đã lãi tới 200 triệu, sang năm sau anh mở xưởng chế biến, mua xe “4 chân” tải trọng mấy chục tấn, rồi học lái, rồi chạy xuyên Bắc-Nam. Hiện, ngoài số vốn ngót chục tỷ đồng, anh còn có hàng chục ha cà phê và sở hữu ngôi biệt thự làm tươi mắt cả những người giàu có nhất. Về phía Cty và ông Giám đốc Trần Nhuận, ngày 17.3.2003 bị cơ quan điều tra công an tỉnh Lai Châu (cũ) khởi tố vì tội tham ô 380.676.874 đồng; thuế trốn trong vòng 5 năm (1998 - 2002) lên tới 239 tấn thóc, và 1.300 triệu đồng thất thoát do quản lý trái quy định… người ta mới ngớ ra cái sự làm và sự ăn của tập thể này. Lạ thật! Một Công ty Nhà nước có tư cách pháp nhân, có cơ chế, với đầy đủ thế mạnh, có nhiều tỷ đồng tiền vốn, nguồn nguyên liệu lý tưởng, cùng một đội ngũ 727 công nhân lành nghề, được đào tạo bài bản và, được đầu tư một nhà máy chế biến có công suất đồ sộ 1.200 tấn/năm… nhưng lợi nhuận cuối cùng chỉ bằng 1/13 anh tư thương ở Mường Ảng có trình độ quản lý “chạy xe ôm”, với tổng đầu tư là cái máy cành cạch, được “tam sao” từ chiếc công nông, có công suất thiết kế… 6 tạ/giờ(?) Niềm hy vọng vàng của người dân bị xúc phạm. Để xoa dịu và tạo nhịp tim sau khi Cty ốm què ốm quặt, ban lãnh đạo mới nhanh chóng thông qua quyết sách, phần nào cứu rỗi vùng nguyên liệu lớn không dễ gì có được sau nhiều năm ở Mường Ảng, khi mà đã nhiều ha đã chịu cảnh ngổn ngang gốc rễ, la liệt lá cành. Đó là cho phép 231 bản hợp đồng kinh tế của Cty được bán sản phẩm ra ngoài, chấm dứt cảnh bị Cty định giá (theo cái kiểu cốt để nông dân đừng bán được cho mình). Một quyết sách về lý thuyết có thể gây thất vọng cho bất kỳ ai, nhưng trong trường hợp này, thậm chí người ta nhảy cẫng lên vì được mùa và vì được bán. Tư thương len lỏi vào tận bãi thỏa thuận với giá cao hơn, đại trà hơn và thông cảm hơn. Không trừ quả xanh, quả lép, quả ép; đỡ mất công lọc, đỡ mất công chở và cả công chờ…
    Nói là giá cao, nhưng vì năng lực Cty lớn như… bản kế hoạch vĩnh viễn nằm trên bàn lãnh đạo, nên bỏ mặc sản phẩm của mình cho tư thương mặc sức… “thòng lọng”. 1kg cà phê quả chỉ được mua với giá 1-1,5 ngàn đồng, tương ứng với 7- 8 ngàn/1kg cà phê trấu. Từ đó, 240 hộ dân luôn chịu cảnh lao đao với những kho cà phê nằm đắp dấm, đón những tay… lái chè vào dề môi dài như gióng cổng rồi quay ra. Một dạo, nghe nói có 2 “sứ giả” của 2 Cty ở đâu đó trong Tây Nguyên ra hợp đồng mua với giá cao gấp đôi giá tư thương ép, vắt. Lập tức 2 người này “được” lôi vào chỗ kín và “bị” dúi vào tay 200 triệu đồng với một lời đề nghị: “Không nhúng mũi vào!”. Theo phân tích vụ ấy, tư thương đang mua 8 ngàn/kg, Cty Tây Nguyên làm hợp đồng 15 ngàn/kg; như vậy, vùng nguyên liệu Mường Ảng trên dưới 1 ngàn tấn, đem nhân với 7 ngàn tiền chênh lệch, trừ chi 200 triệu đuổi cạnh tranh, vẫn rơi vào túi tư thương ngót 7 tỷ đồng(!) 
    11 năm trồng (1996 - 2005), chăm sóc và kinh doanh. Trừ mỗi đầu ra, còn mọi thứ vô cùng suôn sẻ. Không có sương muối. Không phải tưới. Giá thuê nhân công rẻ. Chất lượng được xếp vào hàng đặc biệt (biên độ nhiệt độ chênh lệnh giữa ngày và đêm lớn nên chất lượng rất thơm ngon). Người ta bỗng nhớ lại những năm 1987-1993, thảm họa cơ chế khiến nhà nhà rơi vào bi cảnh đói đến mất mạng khi khăn gói bươn đi khắp vùng, gặp gì ăn nấy: phu hồ, xẻ gỗ, đập đá, phá mìn, đào vàng, đãi cát... Trước chết dở bởi cái gập ghềnh chính sách, giờ tiếng là vùng kinh tế số 1 của tỉnh thì lại chết thật vì cái cuộc chơi cơ chế thị trường. 367 ha đã cho thu hoạch (cà phê kinh doanh) đầu tư kém mỗi năm cũng đạt trên 1 ngàn tấn cà phê trấu. 7- 8 năm liền bán với giá bình quân 7- 8 ngàn đồng/kg, 240 hộ đến kỳ Cty đòi vốn, đã phải vay lãi ngân hàng, vay lãi đầu nậu để trả nợ và để đầu tư cho cái thứ cây “kháng thương lái”, nên ngày càng nợ nần chồng chất. Đến mức, ngân hàng NN&PTNT Mường Ảng nhiều lần được các “khế ước” tình nguyện trả cả gốc lẫn lãi bằng cà phê, bằng trang trại… nhưng vẫn thà để nợ xấu còn hơn ôm vào như rơm rặm rốn. Ngân hàng thì thế nhưng đầu nậu lại khác. Những cuộc bủa vây, xiết nợ cả tình nguyện lẫn cưỡng bức, liên tục xảy ra như những câu chuyện thời sự trong ngày. Những ha cà phê tốt lụt trời, được cả nhà, thậm chí cả họ vun vén, chăm chút và rót vào đó hàng trăm triệu đồng, thì lại chỉ được rao bán vài ba chục triệu, mà vẫn ế dài ế rạc. Nhiều gia đình như anh Hoàng Thế ở Hà Tây, Nguyễn Phương ở Hải Dương, Lương Hùng ở Hưng Yên… bán ruộng, bán nhà bồng bế nhau lên Mường Ảng, nhận đất đầu tư. Kết quả là sau 5 năm phải bán tống bán tháo nhằm lấy lại một chút vốn còm rồi chuyển nghề sang làm đậu nuôi lợn, buôn kem, bện chổi... Ai cũng bảo nông dân kém nhìn, kém tính. Có một dự án do tỉnh đoàn Lai Châu (nay là Điện Biên) xây nên với hàng trăm triệu đồng, cho vài chục thanh niên ưu tú kéo nhau từ khắp nơi về, trồng như được cho không nhiều chục ha, rồi gọi là “Làng thanh niên” đóng tại khu vực C2, thuộc xã Ẳng Nưa - Mường Ảng. Chưa đầy 3 năm, dự án này tự do tan rã, người ta bán tống tiễn khoản của Nhà nước giúp đỡ, để thu hoạch, rồi cũng như nông dân, “bay cao nào, nhảy cao nào”…

Chỉ còn chờ chính sách
    Theo tổng hợp của Phòng Kinh tế huyện Mường Ảng hồi đầu năm 2007, diện tích cà phê vẫn còn tụt trên 20 ha, mặc dù có tới 4 vụ liền, giá 1kg cà phê trấu có khi lên tới 27 ngàn, tức mỗi ha có lãi từ 5 đến 7 chục triệu. Như ông Đặng Văn Càn, trạm trưởng Trạm cây công nghiệp của Cty tại Mường Ảng thì vài năm trước, do người dân đã có của ăn của để nên trồng lại khoảng trên 50 ha, chính xác số bị đốn làm củi phải là trên 70ha. Thuận lợi thế, nhưng vì bơ vơ nên nông dân vẫn không khỏi bị những cú mất bất ngờ do trượt giá. Từ năm 2004 trở lại đây, giá tại bãi lên 22-23 ngàn đồng/kg; chỉ một vụ 2004, 40-50% số hộ nợ thuế, vay vốn ngân hàng… đã thoái nợ. Vụ cà phê 2005, 2006 quả là trời cho, người dân vốn lam lũ, nợ nần sấp mặt được dịp lấy lại những gì đã mất. Không những cà phê được mùa nhất từ trước đến giờ, quả lại mẩy, hình thức đẹp và “đẹp” nhất vẫn là giá bán ra. Chưa thu ráo mà vùng nguyên liệu hơn ngàn tấn cà trấu đã “cháy” lan đến cả… gốc cây. Cty khi ấy tung ra cho hơn 200 bản hợp đồng của họ một điều kiện đầy tính thương mại là nếu ai không bán sản phẩm cho Cty sẽ không được cho vay phân, cũng như một số quyền lợi khác. Vừa bước vào đầu vụ 2006, Cty làm một động tác như thể cảnh cáo mọi sự tranh giành của đối phương là chủ động đưa ra giá mua tới 25.000/kg, và vẫn như năm trước, áp đặt điều kiện cốt để không bị “mua tranh bán cướp”. Tuy nhiên sau đó, khi mà cơn sốt giao dịch cà phê ảo trên mạng có phần lắng xuống, các tổ chức, cá nhân có năng lực tích trữ cà phê chuyển từ “cần làm ngay” sang “cân nhắc kỹ” thì bỗng dưng Cty cũng… vẫy tay chào.
Và, vẫn với cách làm cũ rích là thông báo cho công nhân biết thời điểm mua cà phê của Cty kéo dài vẻn vẹn… 3 ngày, nếu ai không kịp bán, tức là không… bán kịp. Đánh kiểu ấy thì giá cà phê và cả nông dân… rơi tự do là phải. Chúng tôi đến thăm nhà anh Hoàng Văn Hoàn, làm 5,5ha cà phê tại khu vực C1, được anh cho biết: “Gần chục năm làm cà phê thua lỗ, năm ngoái được giá vừa trả xong nợ, năm nay thấy Cty cả quyết phải bán giá cao cho họ, mừng quá vay ngân hàng xây nhà, mua xe máy, ai ngờ họ “văn nghệ” với mình một tí cho vui thôi. Còn 2 cái ông Công ty Thái Hòa và TM Cát Quế Hà Tây phải gió gì ấy, mỗi ngày vào trả 1 giá, nhưng mà là hạ đi. Kiểu này, đành phải ra bảo ngân hàng xem họ có bắt nợ không?”. Chúng tôi len lỏi vào các trang trại sâu hơn, nhiều hộ vẫn còn nguyên không khí hân hoan của một mùa bội thu: “Trước đây lỗ 2 - 3 mươi triệu mỗi vụ (1ha/năm), giờ lãi 4 - 5 chục triệu/năm, liền 3 - 4 năm rồi mà vẫn thấy tươi rói, vẫn thấy lạ tai…”. Bên cạnh đó còn một số hộ như ông Phạm Văn Quyền ở C2; anh Nguyễn Văn Khuynh ở khối 7; chị Nguyễn Minh Duyên ở C3… và còn rất nhiều nữa (khoảng 1/3 bán trượt giá) không tư vấn, không bảo lãnh, bán vội mất 5 - 6 chục triệu, có hộ mất tới hơn 100 triệu. Ông Phạm Văn Q. vì tiếc cho số tiền bị mất và tiếc cả cho phận thiếu may “làm mãi mà chẳng nên giàu” đã phải đi cấp cứu mới qua khỏi… cơn “đột quỵ tiền”. Tuy nhiên, đấy là những giọt nước mắt tuôn ra, minh chứng cho sự đổi đời đang đón đầu ở phía trước, chứ không như những giọt nước mắt trước đây chỉ còn mỗi một quầng thâm mịt mùng, vô định, không có lối thoát. Nhưng, cũng nhờ có một dạo cà phê rơi rớt mà là cơ hội cho người nghèo như chị Phạm Thị Cam, khối 5, đấu thầu được gần 2ha lúc cà phê bi đát nhất, và vì thế mới nuôi được 2 con học đại học, 1 lại sắp cắp sách về thủ đô. Hay như anh Bùi Văn Tuân, khối 8, sau những tháng năm đen tối bởi ma túy, đến khi người nhà bán chịu cho một trang trại cà phê, vừa tách được môi trường, cai được nghiện; vừa vực lại nền kinh tế vay, xin nên giờ đã trở thành triệu phú với tổng tài sản cố định lên tới 8 - 9 trăm triệu đồng…
    Việc Việt Nam gia nhập WTO, theo nhiều chuyên gia uy tín ở Trung tâm nghiên cứu cây cà phê Ba Vì, Tổng công ty chè, cà phê Việt Nam… thì từ nay, sản phẩm cà phê nước nhà chấm dứt thảm cảnh bị xử ép, không phải đi qua nước thứ 3, thậm chí thứ 5, thứ 6… có nghĩa là sẽ được bán tận ngọn. Hơn thế, cây cà phê chè Mường Ảng nói riêng, cà phê chè Tây Bắc nói chung chưa bảo vệ được thương hiệu nên chưa có giá riêng; cộng với việc giá cà phê Việt Nam chưa đạt mặt bằng chung nên dù giá mua vào trên thị trường Thế giới có giảm thì cà phê nước mình vẫn tăng gấp 2 - 3 lần nữa. Ba cái mừng ấy, cộng thêm cái mừng thứ tư đối với người trồng cà phê Điện Biên là tháng 9 này, Sở NN & PTNN Điện Biên tổ chức hội thảo, gồm có UBND huyện Mường Ảng, Công ty TNHH cây công nghiệp Điện Biên, Công ty sản xuất và thương mại Thái Hòa tham gia, nhằm mở ra một hướng mới cho cây cà phê và, cho người dân nghèo không có khả năng đầu tư mở rộng. Nếu thành công, thứ cây này sẽ trở thành cây vàng cây bạc. Nhất là đầu ra cho sản phẩm. Một hợp đồng mang ý nghĩa lương tâm sẽ giúp cho sản phẩm của nông dân, cũng giống như được vào WTO, không bị xử ép, không phải đi qua tay ai…
    Như đã biết, nhà khoa học và nhà nông đã gặp nhau hơn 10 năm nay thông qua cây cà phê trên đất Mường Ảng. Hiện tại, nói là nông dân Mường Ảng đã áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật để sản xuất thì chưa thật đúng, nhưng việc kinh doanh tiến bộ đã khác hẳn xưa, kể cả giống cũng đã được Trung tâm nghiên cứu cây cà phê Ba Vì cung ứng đúng chủng loại, phù hợp với chất đất và tạng khí hậu tiểu vùng. Ngay từ năm 1986, nông dân Mường Ảng đã có trong tay toàn bộ giống cà phê chè mới, ưu thế cao, chịu rét, chịu hạn, dễ chăm sóc và cho năng suất vượt trội có tên là Catimo (sản phẩm lai tạo giữa cà phê chè Caturra và cà phê vối Mundonovo). Và cho đến nay là Catimo F6 - giống hoàn hảo và được ưu tiên số 1 trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, đã có 2 Nhà là nhà khoa học và nhà nông, gần đây Nhà nước cũng vào cuộc với những chính sách hỗ trợ thiết thực, mặc dù vẫn còn nhiều việc phải bàn. Vậy chỉ còn nhà Doanh nghiệp (DN), mong muốn xuất hiện nhưng còn chưa được tạo điều kiện. Theo tôi được biết, ngay từ năm 2005, Công ty sản xuất và thương mại Thái Hòa đã trình UBND tỉnh Điện Biên, UBND huyện Tuần Giáo (nay là Mường Ảng) đề án phát triển chiến lược, có chiều sâu, giúp người nông dân nghèo không có khả năng đầu tư ở hai huyện Mường Nhé (2.000 ha), Mường Ảng (1000ha) được làm chủ trên chính mảnh đất của mình theo hình thức BOT (tức là DN đầu tư trong 1 thời gian nào đó rồi trả cả đất, cả tài sản trên đất cho nông dân). Cụ thể sẽ là, DN đầu tư 90 triệu/ha (gồm cơ sở hạ tầng chế biến: 25 triệu; giống, phân; công làm đất, chăm sóc… 65 triệu), chia thành 3 giai đoạn chính. Từ lúc trồng mới đến năm thứ 6 - đây là thời gian kiến thiết cơ bản, và những năm đầu thu sản phẩm, DN bỏ vốn 100%. Từ năm thứ 7 đến năm thứ 10, giao cho hộ dân (nếu là đất của Nhà nước giao 1ha/hộ) DN đầu tư tất, dân chỉ chăm sóc, thu hái, sản phẩm ăn chia theo tỷ lệ DN 60%; hộ dân 40%. Năm thứ 11 trở đi, DN 50%; hộ dân 50%. Tỷ lệ ăn chia thay đổi: DN 30%; hộ dân 70% nếu hộ dân đầu tư phân bón… Tuy nhiên, sự thể ra sao còn phải chờ kết luận của hội thảo tháng 9. Hy vọng, một cuộc hội ngộ hoàn hảo của 4 nhà được thiết lập, và như thế, chấm dứt được cảnh người có tiền thì không có đất đầu tư, người có đất thì để đất trôi đi theo sự lãng phí muôn đời. Để có việc làm, người dân thậm chí đã phải bán đất đi và biến nhà mình thành những trung tâm “xuất khẩu” lao động mà còn lâu mới cần bàn đến… uy tín: “Có sức khỏe nhanh nhẹn và bất chấp đêm ngày”. Theo thống kê tin cậy của ngành kiểm lâm, rừng Điện Biên nói chung, Mường Ảng nói riêng cơ bản bị phá làm nương và chặt củi bán. Gia đình chị Đặng Thị Khuyên, khối 7 thị trấn Mường Ảng, vụ 2007 đầu tư trồng mới 7ha tại khu vực Bản Bua, xã Ẳng Tở (Mường Ảng) cho biết: Chỉ tính riêng công phá hoang, đào hố, ủ phân, tạo đường đồng mức, trồng… dân Bản Bua đã làm cho chị ngót 3.000 công lao động. Nói như ông Quàng Văn Nhật, trưởng Bản Bua là 75 triệu đó (3.000 công x 25.000 đồng/công) mà quy ra củi thì dân bản phải phá đến 10ha rừng trồng (bản Bua là bản phá nhiều rừng nhất xã); ấy là còn chưa nói đến ngót 5 chục ha cà phê “bao tiêu nhân công” trên địa bàn bản.
    Nhìn thấy rồi, lại cầm chắc đồng tiền trong tay rồi, những người có lực đã tự tìm cách bổ sung diện tích vào quỹ tài sản khổng lồ 5 - 7 ha cà phê kinh doanh hiện có. Trong số đó phải kể đến Gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc, khối 4, với hơn 5 ha cà phê kinh doanh và 12ha cà phê mới trồng 2006 cũng đã bắt đầu cho quả. Dự đoán tốt lành rằng, bắt đầu từ vụ 2008, nếu cứ giá ấy, đà ấy thì nhà chị Ngọc sẽ có doanh thu 7 - 8 trăm triệu/năm. Sản lượng cà phê nhiều nhất Mường Ảng hiện nay phải nói đến gia đình anh Phùng Bá Năm, khối 7, vụ 2006 vừa rồi anh thu hơn 20 tấn cà trấu. Không dừng ở con số tài sản cố định trên 1 tỷ đồng từ 7 ha cà phê kinh doanh (trung bình mỗi ha cà phê đã cho thu hoạch, có giá 250 triệu đồng), khi nghe tin Nhà nước có chính sách mới cho cây cà phê, anh đã mạnh dạn đầu tư thêm hơn 30 ha nữa, để tăng thêm thu nhập cho mình và công ăn việc làm cho dân làm thuê thời vụ. Cùng với chị Ngọc, anh Năm… còn có hàng trăm hộ dân nữa ở 38 bản, thuộc 4 xã, của huyện Mường Ảng, ngay trong vụ trồng mới 2007 này đã tiến hành khoanh đất, phá hoang, đào hố, ủ phân… lên tới 279 ha. Tuy nhiên, Đây chính là điểm bất cập lớn nhất giữa chủ trương và thực tế. Trong Quyết định QĐ - UBND số 18, ra ngày 9.8.2005 của UBND tỉnh Điện Biên về việc ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất Nông - Lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, là đầu tư 50% giá giống trồng mới, 50% lãi xuất theo định mức 8 triệu/ha/năm, trong thời hạn 3 năm cho người nông dân; nhưng chỉ khống chế ở mức hỗ trợ hàng năm cho trồng mới không quá 50 ha (ở Mường Ảng là 40ha/năm). Song Trên thực tế, theo khảo sát bước đầu của cán bộ dự án Phòng kinh tế huyện Mường Ảng cho thấy, người dân đã triển khai trên quy mô lớn gấp 7 lần kế hoạch tỉnh giao. Nhận xét về việc này, phó trưởng Phòng kinh tế huyện Mường Ảng Ngô Cương Quyết khẳng định: “Sẽ phải có ít nhất 150 ha được người dân tự đầu tư, trồng hoàn chỉnh vì chính tính kinh tế của nó”. Cũng theo anh Quyết thì Phòng cố gắng tuyên truyền, vận động nhân dân không vì hỗ trợ của Nhà nước mà kìm hãm sản xuất, nông dân hãy phát huy tất cả những điều kiện có thể để phát triển. Qua đó anh đề nghị, chính sách có rồi, điều kiện đầu tư phù hợp rồi, chỉ còn hỗ trợ là quá ít nên mong muốn tỉnh nâng diện tích lên cho phù hợp với thực tế. Bởi, phần đông nông dân đã đăng ký trồng, hiện không giống, không vốn, không phân bón, không thuốc bảo vệ… ngoại trừ tinh thần và ý chí thì đang rất sẵn sàng.
Thiết nghĩ, các nhà hoạch định chiến lược nên quan tâm đến chỉ tiêu từng được đưa vào nghị quyết, phấn đấu Mường Ảng phải đạt con số 1.000ha đến năm 2010. Hãy làm một phép tính đơn giản, hiện tổng diện tích cà phê Mường Ảng là 348 ha, vậy 3 năm còn lại buộc phải phát triển trên 200ha mỗi năm mới mong hoàn thành nhiệm vụ. Còn nếu khống chế ở mức không quá 40 ha/năm, thì phải mất 15 năm nữa Mường Ảng mới biến nghị quyết thành hiện thực; mà có thể, đến lúc ấy, thời vận của cây cà phê đã lôi số phận của người nông dân khác đi nhiều rồi. Một điều tất yếu mà ai cũng biết, cây cà phê là cây của người giàu, không có 50 triệu/ha không trồng được. Những nông dân có đủ điều kiện thì đã phát huy hết, số còn lại chỉ là người nghèo, nếu không có chính sách trợ giúp, họ sẽ quay về với cái “thế mạnh” nghèo đói bao năm nay chưa xóa được. Thấu đáo điều này, hy vọng UBND tỉnh và các ngành chức năng sớm xem xét, điều chỉnh lại kế hoạch, bổ sung kịp thời kinh phí hỗ trợ dựa trên diện tích cà phê thực trồng trên địa bàn toàn tỉnh. Có như vậy mới mong tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo sản xuất. 
    Rồi đây, cùng với 348 ha cà phê tốt bời bời như cỏ, hàng ngàn ha nữa làm nên một màu xanh tươi tốt cả về ý nghĩa sinh học lẫn nguồn lợi ích áo cơm. Vì như vậy, không chừng Mường Ảng lại được trả lại cái tên “Thung lũng tiên” một thời rợp xanh ten, trẩu. Điệu làn thảm từ các tích chèo cổ nổ tiếng xưa nay: “luyện 5 cung”, “lới lơ”, “sa lệch bằng”... mượt mà, duyên dáng lại có dịp vọng về từ ngàn cây và từ những công nhân kiêm văn công, cất lên nhằm làm ấm vào từng tấm lưng và no vào từng khúc ruột./

   
Mường Ảng, mùa cà phê chín 2007

NGƯỜI GÁNH THƯ TRÊN ĐỈNH LĂNG QUAI


Truyện ngắn 


Dãy núi Vách Thưng Trời vẫn đứng sừng sững như một lời thách thức những bàn chân gang đồng, từ thời Ải Lậc Cậc (truyền thuyết dân gian “Ải Lậc Cậc - tức Bố Khổng Lồ, hay còn ám chỉ là Thần Nông - của người Thái cổ) lấy chân san phẳng núi rừng để tìm viên đá lửa. Vết gạt thành sông Nậm Rốm, còn đất đá té đi một quãng đường đất bằng độ ngón tay của Ải, vãi xuống thành dãy núi Vách Thưng Trời, thành cả muôn núi ngàn đồi Tây Bắc nữa. Phía chói chang nhất có bức vách thưng trời (pha phạ- tiếng Thái) năm tháng đỏ ậc, sừng sững che một góc trời; ở giữa có cái hang giống 2 lỗ mũi con trâu (lăng quai) há ngoác lên tầng không khoe bao nhiêu điều thần bí. Đỉnh Lăng Quai chính là mỏm cao nhất trên dãy núi Vách Thưng Trời.
 Vào thời kỳ đầu Pháp đánh chiếm Điện Biên Phủ thì đỉnh Lăng Quai vẫn còn thâm u, huyền bí đến từng nhành hoa và rình rập đến từng ngọn cỏ. Nghe nói từ lâu lắm, các Tạo Phìa và các vị chúa đất quanh vùng thường xuyên tuyển trai tráng vũ dũng lên núi Lăng Quai để tìm sản vật, bởi lời đồn trên núi có dòng suối tiên nên tất cả cái, con, cây, cành, củ, quả… đều là thần kỳ dược liệu. Chỉ có thể nghe nói, là vì: cho dù các thổ dân chinh lâm phạt cốc được các “người trời” (vua chúa Thái tự xưng là con trời do quan niệm thiên mệnh, thiên lý, thiên ý, thiên uy) tuyển chọn bằng những cuộc so tài khốc liệt, thông thạo kiếm cung, đồng chí sắt… và dù vậy nhưng các mãnh hổ của rừng xanh cũng chỉ có đường đi chứ không bao giờ còn lối về, nên lời đồn là của người ở nhà nghĩ ra. May mắn duy nhất trong số ấy thuộc về một lục lâm bản ngã tên Câm, sau khi đi lấy được sâu chít và ong khoái về giúp cho chúa đất ở Mường Muội đẻ được vương nam nối dõi. Nhưng người anh hùng của Mường ấy đã trở nên điên dại, câm điếc... và không còn biết gì ngoài việc tối ngày vái trời lạy đất.
  Vào khoảng đầu những năm giặc Phẻ tràn sang cướp bóc các dân tộc ven biên, thiên uy địa vũ một phen chứng kiến đoàn nam thanh nữ tú do một thủ lĩnh họ Lò dẫn đầu, vượt qua miệng hùm nanh sói với một khí phách đạp bẹp Vách Thưng Trời. Vẫn chẳng có gì mới mẻ, đoàn người ấy đã không bao giờ trở về cái nơi họ đã ra đi như hàng chục đoàn trước. Bẵng đi chừng vài chục năm, dân trong vùng bắt đầu kháo nhau là có người trời xuống định cư ở đỉnh núi thiêng ấy. Tin này là do một người trong đoàn của chúa đất họ Hà đi tìm bông lau mọc gần suối tiên về làm gối chữa bệnh mộng du và nhai suông cho hoàng tử, nhìn mơ hồ qua lớp cây rừng dày đặc, thâm uất ở khu vực chân núi; rồi anh ta cũng chẳng nhớ gì hơn nữa bởi trời đất bỗng dưng quay cuồng, thần sắc tự dưng xám xịt như trúng một tảng đá to lở vào đầu. Khi tỉnh dậy thấy đã nằm ở ven suối Then gần cung chúa đất, xa thẳm bên tai vẫn còn nghe tiếng chỉ dụ rằng núi Vách Thưng Trời là đường để quân lính Ngọc Hoàng xuống hạ giới tuần quản lãnh địa, gần đây bị quấy quả nên sai người xuống coi giữ. Câu chuyện kể xong, hầu hết ai nấy lặng thinh như chưa từng được biết rồi lui lủi về nhà lên cơn ốm dở. Duy có một vị vương người Khơ Mú là ấm ức, liền dẫn quân đi khiêu chiến nhưng bị đánh bại chạy bạt về mạn Mường Quái; còn những người trời thần bí kia biến mất vào trong sự ngờ vực của mỗi con người. Thường thế, bao giờ trí tưởng tượng của người trần mắt thịt cũng cao siêu hơn các vị thần nhà giời. Hơn cả thế, họ thường huênh hoang rằng, phần đa là nhân định thắng thiên định. Một trong số loài người giải thích rằng, tưởng bở là định hướng đúng đắn nhất và kỳ diệu nhất. Tất cả mọi truyền thuyết và mọi công trình khoa học đều bắt nguồn từ sự tưởng bở siêu phàm! Vị anh hùng ngày xưa tồn tại theo thuyết nghe nói, nghe kể, nhưng khít khịt với hiện thực ở Vách Thưng Trời. Còn bây giờ, Vách Thưng Trời đang hiện hữu một nhân vật được coi là kinh dị, cũng họ Lò, ông này bị thọt một chân nên có tên là Thót. Lò Thót. Cũn cộc thế, mà gọi thưa đầy đủ. Nhưng sự bất bình thường không phải vì cái tên ít giống ai ấy.
Nghe người già kể, cách đây chừng 60 năm, bản Lăng Quai cũng có một thằng Thót. Mới mười tuổi mà nó nghịch như con hổ non, nhiều lần làm phiền lòng người trong bản. Nó dường như chẳng bao giờ chịu buồn, và cũng chẳng chịu chơi lại một trò đến lần thứ hai. Lần này nó thả trộm hai con trâu giống nhà ông Thâng và bà Tiêng cho húc nhau đến lòi ruột, gãy sừng phải mổ. Lần khác nó nhốt con mèo nhà bà Piếng vào chuồng thỏ nhà ông Oan cho mèo xơi hết lũ thỏ non; hay tháo gióng chuồng đuổi đàn dê 5 chục con mới mua của nhà anh Thiềng lên núi, mắc công anh phải thịt mất 3 con dê đãi làng để nhờ đi lùa. Có khi nó xua cả đàn bò nhà này vào nương lúa nhà kia để cho hai nhà đánh nhau, rồi đến hai họ đánh nhau, nó ngồi ngoài cười… Ông Han - bố Thót sau mỗi lần đền làng, và cúng ma bản bằng hàng chục lợn, gà, vịt, gạo, rượu… là một lần gí khẩu súng kíp vào đầu nó, lên cò. Thót trợn trân trân nhìn ông: “Bố sinh ra tôi thì cũng giết được tôi”. Rồi Thót quay sang mẹ: “Mẹ khóc trước đi để bố còn siết cò”. Và lần nào nghe xong, ông Han cũng chõ súng lên trời làm cái roành, đá thêm một phát vào cột nhà hoặc gốc cây gần đấy, rồi bỏ đi. Thót dường như chừa ngay trò nghịch quỉ quái này, nhưng lại tức thì bày ra trò chơi tai ác khác. Một lần, không hiểu do vô tình hay cố ý mà nó làm kinh động đến cả người đã khuất. Một mình một thuổng, nó đào theo con tê tê vào trong một ngôi mả tập thể. Ngôi mả to như một quả đồi con. Nghe đồn, đấy là “ngôi nhà âm” của cả bản người Kháng, gồm ngót hai trăm người theo “thiên mê đạo”. Họ rủ nhau chết để được lên trời, được chia đất và học phép thuật chỉ việc ngồi hô biến là tất tật mọi thứ đất, đá, cỏ, cây… hóa thành trâu, bò, lợn, gà, gạo, rượu… chẳng cần làm cũng có ăn. Cuộc tự sát tập thể diễn ra tại bãi Đin Then (đất trời), bãi đất đã được lão Mo Thia - người sáng lập ra cái thứ đạo viển vông cấp quốc tế kia - cầu cúng ròng rã một tuần trăng, mà mỗi ngày giết một con trâu hoặc bò, ngựa do một hộ nộp để lấy tiết canh, lòng, bì, bốn chân và cái đầu cúng… Chúa. Vụ thảm sát được truyền miệng một cách kinh hoàng cho tới tận bây giờ. Thanh niên trai tráng chủ yếu tự chết bằng cách lao đầu vào đá, hạ cánh từ ngọn cây hay từ trên đỉnh núi xuống vực. Người già, trẻ con thì phải mượn “người ta” dùng dao phạt vào cổ, thọc vào tim hoặc “đùng!” một phát súng kíp vào thái dương… Đống thi hài ngập ngụa máu me được sự chuyển động của tạo hóa lấp dần, lấp dần qua hàng trăm năm, cuối cùng mối, kiến bao đùn thành một quả đồi con con, ngay sát chân núi Lăng Quai.
    Thót mang thuổng đi ăn măng đắng, gặp con tê tê đen trũi chạy qua đường, rồi bỗng dưng rúc đầu vào ngôi mả ấy. Thót lao đến chộp lấy đuôi con tê tê lôi lại, nhưng lớp vảy sừng của nó giương lên cứng như đá tạo thành mũi khoan cứ miết vào thành hố. Mỗi lần con tê tê xoáy tròn mình là lại kéo dần hai cánh tay Thót ngập lút vào trong đất. Bất lực trước sức mạnh của con tê tê, Thót buông tay rồi dùng thuổng đào theo gần hết một ngày, con tê tê chẳng biết chui đi đâu, chỉ thấy cuối cái lỗ khoan của nó là một đống xương đã sứt mẻ, mục rữa. Thót tiếc con tê tê nên bới tung đống xương lên, quăng mỗi nơi một cái. Đêm ấy, Thót lên cơn dại, gào hú rùng rợn một hồi rồi bỏ chạy vào rừng, mất tích. Một người trong bản xưng xưng rằng, tận mắt nhìn thấy Thót chết gục bên cạnh đồi mả. Ông này còn khẳng định, ông nghe được tiếng những “con ma” người Kháng chết trong cuộc tự sát kinh hoàng năm xưa tranh cãi nhau rằng, sau khi chết không lên được trời như trùm đạo Mo Thia nói, nên rất đói, đành ăn nhặt ăn nhạnh xương của nhau, và ăn luôn cả thịt thằng Thót…

***

    Hai mươi năm sau, bản Lăng Quai chứng kiến một người đàn ông tên Thót, quắc thước nhưng thậm thọt trên 1,5 đôi chân, cùng với một bà vợ già hơn mình cả chục tuổi và hai đứa con kín mít lông lá xuất hiện đột ngột như một tiếng gầm của con báo đốm. Bà vợ ông Thót bị câm, ông phân bua: “Bà ấy thất tình nên ăn lá ngón tự tử, nhưng ăn không đúng lá kịch độc (lá mọc hướng đông) nên chỉ bị câm và ngớ ngẩn chứ không chết. Không nhớ đường về nên phải ở lại trong rừng ăn lá ở cành cho tới khi tôi nhặt được”. Nhưng Mo Vạng lại nói: “Không phải như thằng Thót loan khai, nó là cái Linh mẹ người bố khỉ. Không tin sang bản Phang hỏi bà Thùi xem có đúng thế không? Bà ấy đi lấy rau sắng bị con khỉ đột bắt vào hang đá ở với nó 3 năm, có hai đứa con, con Linh là cả, thằng Trưởng là út. Dân bản Phang khi tìm thấy hang bà Thùi thì cái Linh đang được bố dẫn đi tập trèo cây nên không lấy về được, chỉ được thằng Trưởng. Hơn một năm sau, một người thợ săn bản khác bắn chết bố nó, định ăn thịt cả nó nhưng bà Thùi mang trâu sang chuộc. Nó không thích ở nhà bằng ở rừng đâu, nó theo thằng Thót vì thằng Thót có cái chim to, dài hơn người. Bọn khỉ đột cái, ngày không được ba bốn tí đàn ông thì sướng mấy cũng bỏ đi.” Chẳng biết ai đúng ai sai, chỉ thấy gần như tất cả những chỗ hở ra trên mình bà Linh (tiếng dân tộc Thái tức là khỉ) lông lá vàng xuộm. Bà với ông Thót nói với nhau bằng tiếng mắt, tiếng tay thôi, còn miệng thì như đóng ván. Hôm ông Thót về định cư gần Vách Thưng Trời, phía nguồn bản Lăng Quai, già Lò Nọi tìm đến nhận ông Thót là thằng Thót con ông mất tích ngày xưa nhưng ông Thót bảo, chỉ là giống tên. Dù thế thì bố ông vẫn đi khoe cả bản rằng năm xưa ông Thót vào rừng đánh nhau với hổ tận hai chục năm giời. Đàn ông quả là hão và điêu có điểm có phẩy, ấy vậy mà cả bản vẫn tin vẹo hàm, ít nhất cũng là niềm tin ở tâm linh! 
    Hằng ngày, ông Thót vun trồng khoai sắn với vợ, lúc rảnh rỗi xách súng vào rừng kiếm con gà gô, con cu gáy. Lâu dần chuyện nhà ông trở nên quen cũ nếu không có một hôm, một người thợ ăn rừng Lăng Quai đi núi bị nạn, được ông Thót cứu về. Sau khi nẹp đoạn đùi bị gãy cho anh ta, ông Thót lục tục mang tin dữ xuống núi. Đến bữa ăn trưa, anh ta chứng kiến cảnh bà vợ không ăn chín mà nhai ngấu nghiến tất cả những thứ sống sít của loài linh trưởng. Mười bảy đứa con của ông Thót thì chỉ mười đứa là sau lửa, còn năm đứa kia thực tanh theo mẹ. Ngay lập tức, chuyện ông Thót lấy khỉ lại như ngọn lửa gặp cơn gió Lào bùng lên dữ dội. Người ta khẳng định trăm phần trăm bà Linh là linh trưởng bậc cao. Chuyện bây giờ mới lộ là do ông Thót giấu kín quá. Chưa hết, gã thảo khấu gãy chân được ông Thót cứu từ trên vách núi lưng tầng trời xuống còn bảo, gã tận mắt thấy lúc ông Thót đi vắng, bầy đàn nhà ông giao cấu tập thể. Chuyện nghe thối như cái mồm cả đời không biết súc miệng của gã. Dân bản lại tin vẹo hàm. Hy hữu có người vặn gã, sao không thấy mấy đứa con gái nhà ông Thót mang thai? Gã bảo: “Đồng huyết có mang thế đếch nào được. Không tin các ông thử đè em gái, con gái các ông ra xem nó chửa được không.” Rồi gã lại say sưa kể: “Có một đứa thấy tôi là giống người nên mon men đến gạ. Mới đầu tôi cũng định thử xem cái thứ súc vật nó ra thế nào, nhưng khi vạch lớp lông nách lên, mùi hoi nồng nặc như nước đái hổ, tôi co hết cả vòi vào, chạy một mạch về đây” (gã chạy bằng niềm tin và một cái chân gãy dở). Hàng trăm cái miệng Lăng Quai vỡ toác ra như người ta chẻ tre. Nội dung câu chuyện nào về ngôi nhà ma làm ấy cũng bốc mùi hôi thối. Người nói thối mồm, người nghe thối tai, vậy mà chẳng ai là không hăm hở. Họ kể như một chiến công. Họ nghe như một bài học. Tất tật sấm truyền theo sự phình chửa của cái mồm. Thậm chí sự bốc khoác và điêu ngoa phụ thuộc vào học thức và bằng cấp. Học thức và bằng cấp càng cao bao nhiêu thì sự dối trá của câu chuyện càng đáng kính bấy nhiêu. Đến khi chuyện con khỉ đẻ ra bầy khỉ, ăn tươi nuốt sống, giao cấu bầy đàn… hết hấp dẫn thì người ta lại nghĩ ra một sự hấp dẫn khác, thông qua một loạt các thử nghiệm mang tính chất khoa học hóa dị đoan. Một gã thanh niên giấu con ngoé nướng vào trong vạt áo, rồi đi ngang qua trước mặt mấy cô con gái nhà ông Thót đang làm cỏ nương bông trên sát Vách Thưng Trời. Tối ấy, cũng gã thanh niên kia lên thang nhà ông Thót, nháy mắt về phía các cô gái, rồi lập tức xuống thang xuôi về phía bản. Gần như ngay tức thì, cô con gái út nhà họ Lò tên Lò Thoan lặng lẽ theo sau. Đến ngang dốc Tức Thở, bọn thanh niên bản Lăng Quai xồ trong bụi ra, dùng đòn gánh phang chín nhát vào đầu cô bé. Sau đó chúng còn dùng cậng chuối nướng đánh tiếp chín cái nữa, vừa đánh vừa hô: “Ma xó chết này! Ma xó chết này!”
    Cả ngày hôm sau, ông Thót mới tìm thấy xác cô bé. Ông lặng lẽ chôn con cách nơi nó chút hơi thở cuối cùng 17 bước chân - bằng số tuổi cô may mắn được hưởng dương - chếch về Bắc. Xong xuôi, ông dắt con nghé non xuống nhà trưởng bản Lăng Quai để nộp phạt về tội đẻ ra ma xó, mà trong bụng không khỏi lo cho chín đứa con gái còn đang hơ hớ trong nhà! Lăng Quai sau đó được thành lập hợp tác xã, rồi chuyển đổi cơ chế, rút gọn mấy hợp tác xã nữa trong vùng thành xã. Xã Lăng Quai là xã 135, cách trung tâm huyện lị hơn 60 cây số. Với đồng lương phụ cấp vừa thấp vừa chậm, cán bộ xã bỏ về hàng loạt, huyện phải động viên bằng thóc, ngô, khoai, sắn, dầu, muối… cán bộ mới chịu quay lại nhiệm sở. Ông Thót được xã vời xuống giao nhiệm vụ làm bưu tá, mỗi tuần hai chuyến ra Bưu cục cụm xã lấy thư báo, công văn, điện tín. Chẳng phải ông Thót là nhân vật duy nhất khả dĩ làm được bưu tá mà vì khoản thù lao cho 15 cuốc đi về trên tháng để được hưởng mức quốc phí khoản đãi bằng 5,3 ngàn đồng một lần, cộng thêm 1,3 ngàn đồng dân phí nữa. Đã có cả chục con người thử sức chịu đựng, nhưng ngay trong chuyến đầu tiên vượt qua tiếng thở dài của núi, của rừng và ngót bốn chục cây số cả đi lẫn về của con đường mòn liên xã, đã phải quẳng gánh thư đi khi còn chưa kịp ra tới nơi, vào tới chốn. Ông Thót biết trước cú thắng ngược về kinh tế được các bậc cao nhân ưu tiên cho ấy, nhưng vì nó chính là món nợ đời, nợ bản, nợ mường mà ông, vợ con ông tâm niệm trả, nên cứ lùi lụi đi về như thế hơn 20 mươi năm trời. Khi mà ông đã bước sang tuổi bảy mươi, và khi mà cái thời buổi thông tin hiện đại, bên ngoài điện thoại không dây, thư điện tử, rồi trực tuyến… ngồi nói chuyện cách xa nhau cả nửa vòng trái đất vẫn nhìn thấy cái gầy, cái béo trên mặt nhau; cùng lắm mới phải cưỡi trên lưng con minkhơ phóng như bão giật, người ta vẫn bắt gặp ông Thót cành cạch lội bộ như một cuộc tu tỉnh đời mình.
   
***

Năm Bính Tuất ông Thót chết, hưởng dương 77 tuổi. Cái chết của ông là dấu chấm hết cho câu chuyện bi ai. Nhưng không phải! Ấy là tưởng thế thôi, mặc dù, khi tôi biết ông Thót, vợ ông và rất nhiều người con ông dường như đã biến mất từ lâu. Ông Thót ở với hai người con trai giống người như đúc. Tiếng nói cũng của người. Đi đứng, ăn mặc, thậm chí cả cách thức vệ sinh cũng của người. Cả hai ông anh ấy đều lấy được vợ đẹp, đẻ được con khôn. Nhìn toàn cảnh thì không tài nào tìm ra tàn tích của ngôi nhà quái gở năm xưa đâu cả. Có lẽ nó được mai táng trong cái mà người ta gọi là mồm thiên hạ chăng? Tôi đinh ninh thể nào cũng có ngày tôi đè ông Thót ra mà tra tấn về cái quá khứ chưa chắc đã là của ông (và có lẽ cũng chẳng phải của ai cả), nhưng không kịp. Ông ra đi như chạy trốn tôi, chạy trốn cuộc đời vậy. Tôi còn thật nhớ vào một buổi chiều cuối cùng của tháng chạp năm ấy - ngày mà người ta, dù là lao nông hay quan nhân, kẻ sĩ thì cũng đã sum vầy bên mâm cỗ tất niên, nhưng ông Thót vẫn phải mò mẫn ướt sũng trong màn sương giăng dày đặc trên đỉnh núi Lăng Quai; vừa là đi nốt chuyến công thư cuối cùng trong năm, vừa tìm đến nhà tôi nói là có việc (ông Thót cứ ấp úng gần 2 năm trời mà không thốt cái có việc ấy ra được. Chắc ông muốn hỏi về khoản chế độ bưu tá không bao giờ có... chân đi của ông, là tôi đoán mò thế, chẳng biết có phải vậy không). Thật kinh ngạc cho kỳ công của ông Thót. Tôi đã từng nếm mùi vượt Lăng Quai. Ngay khi vừa xuống đến chân núi, tôi liền quì mọp gối, chắp tay vái lạy nghiêm trang như một lời... vĩnh biệt! Tôi thề trước đôi chân sưng húp của mình rằng, vĩnh viễn không bao giờ quay lại nơi cao thiêng dày độc ấy nữa. Nhất về mùa đông, ngay những người bản ngã cũng ớn tận óc khi nghe tới sương mù chót chạp, bởi nó dày đến nỗi vập mặt vào nhau, chưa kịp nhận ra ai thì gió bấc đã vả tới, kéo tuột khỏi những cặp mắt tối như cổ chai nút lá chuối.
Ông Thót chưa đặt mông xuống ghế đã móc trong tay - một loại túi Thái - khoác trên lưng ra cho dăm bắp ngô nếp, cái thứ mà suốt tuổi thơ tôi đã phải gặm, phải rang, phải xay, phải bung... để mà sống nên quả tình ngán lắm, ngán đến cổ; rồi khó nhọc trình bày: “Biết ngày tết người Kinh thích hoa đào. Khi đi, bố đã leo lên Vách Thưng Trời chặt một cành, nhưng lúc xuống ngã gãy rồi”. Tôi cảm ơn món quà mồm bằng một thái độ thành kính. Tết năm sau, vẫn là chuyến công thư cuối cùng trong năm, ông mang tặng tôi một con chim mà theo ông là rất quý bởi cũng như cành đào, nó là con của núi cấm, rừng thiêng. Con chim có bộ lông xanh biếc, to già nắm tay, không biết hót mà chỉ biết kêu; nó kêu quàng quạc như con vịt mái, đến nỗi làm đứa bé mới sinh nhà hàng xóm vừa vất vả lừa ngủ đã lại bật khóc thét lên, rất phiền. Nhưng con bé nhà tôi lại khớp cạ cái con chim vịt ấy. Nó quý con chim nên chăm lắm, không cho thả càng không cho giết. Ngày ngày đút ăn hết chục ngàn tiền hoa quả ngon (loại chim này chỉ ăn hoa quả), món tiền mà theo điều kiện của gia đình tôi chỉ có thể bớt ra từ tiền ăn sáng của chính tôi và nó.
Còn ông Thót, từ đó đến khi ông mất, mỗi lần gặp ông lại hỏi, vừa to vừa cụt, nhưng tỏ rõ sự quan tâm: “Thế nào?”. Tôi bảo: “Đều tốt đẹp!”. Ngớ ngẩn thật. Tôi chẳng biết ông Thót hỏi cái gì là thế nào, và dĩ nhiên ông cũng chẳng biết tôi đang khen những cái nào đều tốt đẹp!
Chỉ biết hơn hai mươi năm gánh thư trên đỉnh Lăng Quai khổ ải và tàn khốc, ông Thót chưa một lần ốm; bằng chứng là tôi chưa bao giờ thấy xã Lăng Quai - xã 135 kinh niên, hoạt động 100% nhờ chỉ đạo của trên qua công thư - bị… ốm đến liệt giường liệt chiếu cả./

M.A 16.9.2005