28 tháng 2, 2013

DỰ ÁN LÀM NGHÈO THÊM NGƯỜI NGHÈO


Phóng sự

      Người ta từng cáo thị, sau mười năm, mỗi cây quế có giá trị bằng một chỉ vàng. Nay đã 16 năm, tính theo giá vàng Điện Biên thời điểm đầu 2.2009 là 1.950.000/chỉ, thì các ông chủ trang trại phải đốn hạ ít nhất 48,75 cây quế có đường kính gốc 25 - 30cm mới đổi được một chỉ vàng; ấy là với người cần quế cơ, chứ làm củi thì mắt cay như rắc ớt, cốp pha thì quá nặng như bây giờ, cây quế chỉ còn nước… chết đứng.
     Giấc mơ rừng vàng                 
      Đã có hàng chục dự án trồng rừng như: lục hóa Pha Đin, rừng thương phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp… được triển khai tại Tuần Giáo - Điện Biên nhưng chưa dự án nào được người dân kỳ vọng lớn như dự án trồng quế. Không riêng người nghèo, ngay cả cán bộ Lâm trường Tuần Giáo cũng đặt niềm tin tuyệt đối vào cây quế và hy vọng tạo bước đột phá về khoa học kỹ thuật, cuộc cách mạng xóa đói giảm nghèo. Năm 1993, cán bộ Lâm trường Tuần Giáo, Tuần Giáo - Lai Châu (nay là Điện Biên) đi Yên Bái, Lạng Sơn… tiếp thu kỹ thuật, khẳng định: “Sau mười năm, mỗi cây quế là một chỉ vàng”. Chỉ trong nháy mắt, 276 ha rừng nghèo được ngót trăm hộ dân ở thị trấn huyện Tuần Giáo, xã Tênh Phông, xã Chiềng Sinh... hạ giống trọn vẹn. Để rồi cả chục năm sau đó, mỗi lần được hỏi về “thứ muốn được nói nhất”, người nghèo vẫn còn rưng rưng: “10 cây là 1 xe máy, 100 cây là nhà lầu. Chấp bọn buôn thuốc phiện một mắt”(?) Những nhà đã trót tham gia các dự án “cây vàng” khác như: lát, thông, mỡ, dổi, khiết, trẩu, mắc ten, bạch đàn, keo, mơ Vân Nam, mận hậu, xoài, hồng đỏ, cam sành, quýt, bưởi Phúc Trạch, nhãn lồng Hưng Yên… bỗng thấy lạc hậu, thấy “sai lầm” và hơn thế, có hộ dân đã tự “sửa sai” bằng cách “trọc hóa” lại khu vườn của mình để được trồng… quế. Dự án hết giống! Không sao. Nạn ăn cắp cây non đã trồng xảy ra nhức mắt cả lực lượng an ninh khu vực. 441.600 cây quế trồng lần một, và hàng ngàn cây phục vụ trồng dặm trong thời gian 3 năm của Lâm trường Tuần Giáo, cho 276 ha có thiết kế kỹ thuật 1.600 cây/ha luôn nằm trong tình trạng báo động, và được canh phòng cẩn mật...
     Nhờ có sự ủng hộ nhanh nhất, nhiều nhất và triệt để nhất của các cấp thẩm quyền, rất mau chóng, dự án xen quế dưới tán rừng trồng đi vào cuộc sống. Nhưng tiếc thay, đã 16 năm kể từ ngày làm quen thổ nhưỡng, mỗi lần qua lại, ngửa cổ nhìn lên những cánh rừng quế đều thau tháu có đường kính gốc từ 25 - 30 cm, đang ngày đêm làm nghèo những ông bà chủ mà tủi thay cho những người dân vốn dĩ không còn cách nào ngoài việc ký thác những mảnh đời cùng cố vào rừng.
      Ngọt quế - đắng lòng
      Vàng đâu chả thấy, chỉ thấy quế đã và đang như con nghiện trong nhà, mà như ông Lò Văn Thuận, thường trú tại khối 20.7 thị trấn Tuần Giáo -  chủ sở hữu 19 ngàn cây quế (theo thiết kế tương đương 12 héc ta): “Nó là cái bếp đốt tiền, là con lũ ống nhấn chìm chiếc xuồng kinh tế của nhiều “nhà rừng”(?) Tình trạng chung của nhiều hộ trồng quế là không nhà kiên cố, không xe, không ti vi màu. Mỗi ha, họ đã đầu tư ngót 5 chục triệu cho công làm cỏ, bảo vệ... nhưng rốt cuộc được quế “lại ơn” những khúc củi khô, khói cay như rắc ớt vào mắt. Để trồng được rừng quế không đơn giản như bản hợp đồng 3 điều, 4 khoản người dân ký kết: Mỗi ha người trồng được nhận 1.158.600 đồng cho việc rào, bảo vệ, đào hố, trồng, chăm sóc... 3 năm đầu. Từ năm thứ tư trở đi, ngồi chờ thu hoạch… vàng(!) Sự thực, như bà Hoàng Thị Đán, ông Lò Văn Thuận, ông Lò Văn Nọi, ông Điểm - Vá, ông Kiên - Xôm, anh Lò Văn Bình, ông Bùi Văn Xã, hay cả gia đình cố Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo Vừ Dũng Khá… (thị trấn Tuần Giáo) mà chúng tôi có điều kiện tiếp xúc thì mỗi ha, ba năm đầu phải tốn trên 300 công làm cỏ/năm, từ năm thứ ba trở đi hơn 50 công/năm. Gia đình bà Đán có 8 ha quế, 16 năm trời biếng nhác cũng mất 12.400 công dẫy, phát cỏ. Cứ đem nhân với giá lao động phổ thông 45 ngàn/công như hiện ngay thì công lênh bỏ ra lên tới 558 triệu đồng; ấy là chưa kể cơm ăn, áo mặc và hàng ngàn công đào hào, công rào, công bảo vệ thứ cây quí ngày đêm bị trộm rình rập. Mười mấy năm lao lực, chăm như chăm trẻ, rồi từng ngày chờ chúng lớn lên, để chúng chăm lại cái tuổi già với giá... 500 đồng/kg vỏ quế khô; nhưng cũng chỉ tiêu thụ khoảng 70 kg/năm (350.000 đồng), do một thợ làm hương ở thị trấn cần dùng. Bà Đán ước, giá như với 3 không: không ruộng, không nương, không lương của đàn con bà, nếu thêm cái không quế, bà cho đi làm thuê nay có phải triệu phú không: "Giờ mà có phép biến cây quế thành mớ rau thì mấy chục nhà không phải đau đầu chuyện gả chồng, cưới vợ cho con". Tôi có quen một chàng trai tên Nguyễn, thường trú tại khu vực Huổi Củ, thị trấn Tuần Giáo, cậu này cho biết năm nay đã ngoài ba mươi, hai lần dẫn người yêu về, nhìn thấy cảnh nhà luộc sắn mang đi ăn để phát cỏ quế, hai cô dâu tương lai lặn như mất tích.
      Khốn khổ hơn là sự học. Nhà bác Thuận có 6 người con học hành rơi rụng, bác đành tống hai trai “cho bộ đội nuôi hộ”... Nhìn chị con gái lam lũ, cùng với cái tuổi 80 của bác lặc lè tha những khúc củi về, chẻ nhỏ đem bán, tôi không dám hỏi thêm về những người con còn lại của bác. Hầu hết, nếu không mạnh dạn phụ bạc cây quế thì con cái chỉ quanh quẩn trong cánh rừng nhỏ nhưng chưa bao giờ có lối ra. Nhiều nhà, con cái có tư chất học hành cũng chỉ dám cho đi sơ cấp, trung cấp, học nghề... để mau mau có lương giúp bố mẹ trả nợ! Bà Đán than thở, từ 2003 - 2006, nhiều lần bà xuống Lâm trường xin được tỉa quế, bù đắp phần nào khoản nợ mấy chục triệu còn đang phải lo trả cả gốc lẫn lãi, thì được Giám đốc Đinh Đức Thống trả lời: “Lâm trường chỉ phụ trách trồng chứ không có quyền cho chặt tỉa, khai thác. Nếu gia đình có nhu cầu thì lên tỉnh mà xin”. Bí quá, mà tỉnh lại xa, với lại ai dám chắc tỉnh trả lời khác những gì bà mới được nghe nên bà Đán đành liều, cắp dao đi ăn trộm cây của… nhà mình(?)
      Ngót trăm hộ trồng quế, mỗi nhà một nỗi khổ. Không riêng gì tôi (một lữ khách ngưỡng mộ cái màu xanh no mắt ngút ngàn của quế, nhưng lại không cầm lòng trước những hoàn cảnh bi đát vì quế) mà nhiều phóng viên báo, đài địa phương đã tìm đến nhiều ngành, nhiều cấp có trách nhiệm nhưng chỉ gặp sự im lặng. Tôi ôm cái thất vọng ấy đi đến những cơ sở làm hương may ra… và được mách nhỏ một đầu ra lớn ở xã Chiềng Sinh, bởi ông này từng bảo có trả 10 ngàn/kg cũng không bán. Thế nhưng đến nơi, vị “vua rừng” này đã “bỏ của chạy lấy người”. Thì ra là ông Bùi Văn Xã, một người quen cũ, thường trú tại bản Chiềng An, xã Chiềng Sinh (Tuần Giáo) vốn là công nhân Lâm trường nghỉ chế độ, từ năm 2002 trở về trước tại khu vực suối Trâu Chết mà ông và bà con đang sống chăm chút khu rừng quế rộng mênh mông nhưng lại chưa khi nào được làm chủ, vì: “Trông coi hộ Lâm trường”. Không ai hiểu vì sao mà mấy chục ha rừng, Lâm trường Tuần Giáo được xã Chiềng Sinh giao đất 50 năm, nhưng chỉ hợp đồng với dân 5 năm với điều kiện “không làm tốt thì thu lại”. Tiền của đổ cả vào rừng quế. Tài sản nặng ký nhất mà ông Xã có là cái xe đạp và chiếc đài bán dẫn - nhờ nó mà nhà còn có tiếng hát. Tuy nhiên, không cưỡng nổi sự nghèo nàn vật vã, ông Xã từng “lén lút” thu hoạch quế chi - vỏ quế cành - vận chuyển “lậu” về Thái Bình cho chú em bẻ từng mẩu nhỏ trả lại tiền thừa cho khách mua kem. Có điều, vỏ quế không bán hết, sau một tháng là thành vỏ cây vì bị mất hương, mất vị và rất ưa mọt. 10 ngàn/kg cũng không bán vì  vẫn chưa đủ trả công bóc(!) Ai cũng bảo, căn bản dự án là nửa vời nên không hộ dự án nào biết thu hoạch quế ngoài việc trồng và bảo vệ. Ông Xã từng thử nghiệm bóc khoanh mỗi năm một bên thân, nhưng khả năng tái sinh vỏ quế là rất lâu, 3 - 4 năm chưa “hoàn hồn”. Năm 2006, nghe nói trong thành phố Hồ Chí Minh giá quế bán ra được 2 - 3 chục ngàn/kg, ông và vài hộ nữa chung vốn, hăm hở vác mẫu vào, nhưng đối tác bảo: “Quế non!”. Thừa 4 - 5 tuổi mà hàm lượng tinh dầu vẫn thấp quá mức cho phép. Thật là họa vô đơn chí... Nhưng đấy là chuyện mấy năm trước, còn bây giờ thì ông Xã đã “cao chạy xa bay” sau khi bán tống bán tháo ngót 4 ha quế cho một người ngoài thị trấn lấy mấy chục triệu đồng. Nghe nói anh này kỳ vọng xây dựng nhà hàng hay nhà nghỉ sinh thái gì đó. Nhưng đã gần hai năm lặng thinh, chắc do cách quá xa thị trấn (6 km) nên ông chủ mới đã nghĩ lại. 
***
      Hiện, số phận cây quế ở Tuần Giáo đang bắt đầu bị chính chủ thanh trừng để thiết thực cứu cánh cho sự lao đao của họ. Mặc dù chỉ là cây thân mềm, nhưng những cây quế vẫn bị chặt xuống làm đòn tay, chống nhà, bắc cầu, làm giàn giáo và bị bỏ mặc cho cỏ, cho trộm tha hồ chặt. Trước đây, khi được báo, công an còn kịp thời ngăn chặn, giờ cứ thưa dần rồi mất lệ báo trộm. Như vậy là hàng trăm ha rừng kinh tế (quế), giờ không hơn gì rừng tạp chất lượng thấp, chỉ có vai trò phủ xanh núi trọc. Thậm chí, còn chẳng được vinh dự bằng những cánh rừng “ma” bạch đàn, keo, mỡ… đã từng được Chính phủ phê duyệt xây dựng nhà máy gỗ ván dăm Ta Cơn - Chiềng Sinh cách đây hơn chục năm. Cũng may, những người có trách nhiệm sớm phát hiện trừ tỷ lệ che phủ, thì chất lượng rừng vô cùng nghèo kiệt nên nhà máy đã không được thi công, đỡ đi một khoản lãng phí lớn…

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét