M
|
ùa,
nhưng không có cánh cò dập dờn, cũng chẳng có khói rơm đắng nồng con mắt.
Những đồi cà phê cứ lặng lẽ chín như thế,
từ xào xạc thu vàng đến nhễ nhại sương đông. Từng chùm quả đỏ lựng như bỏ đường
vào mắt, âm thầm làm một cuộc hành trình ngày tháng, từ núi về nhà mà không gây
nhiều sự chú ý.
Thường thì người ta chỉ có cảm giác thân quen với ly cà phê đen
nhức suy tư và thơm ngậy lý trí; chứ chẳng để ý đến cả phần hồn lẫn phần xác
của cái cơn nghiền “ca-phe-in” ấy!
Và, cùng lắm thì, ý thức đưa người ta đến với mùa hoa trắng buốt
lòng; mà không ai muốn đi nốt con đường thời gian để tới được với những… mùa cà
phê chín!
Mỗi một quả, từ khi hình thành bé như một con bọ chó, rồi thì
lớn bằng con ruồi… rúc trong kẽ lá, đã lấy đi của người nông dân một giọt mồ
hôi. Trong số tỉ tỉ “con bọ chó” ấy, rất nhiều “con” phải buông mình xuống đất
giống như lá vàng, để cỗ máy thời gian chế biến thành trùng trùng năng lượng,
rồi trộn với tỉ tỉ giọt mồ hôi, quay trở lại nuôi dưỡng những “con bọ chó” may
mắn được đi nốt hành trình, theo quy luật cạnh tranh sinh học.
Và rồi một ngày, sau ngót một năm đấu tranh sinh tồn với mưa,
với nắng, với khí trời… ngày càng khắc nghiệt và vô vàn các loại địch hại khác,
những “con bọ chó” ấy đã đến được cái đích cuối cùng.
Mỗi quả cà phê chín, bằng một giọt mồ hôi cộng
với một giọt máu của người vun trồng, chăm bón. Máu ngấm vào lớp vỏ ngoài khiến
màu đỏ càng thêm nhức nhối. Máu ngấm vào lớp đường trung gian giữa vỏ và hạt,
cho vị ngọt len vào tận mắt người qua đường. Máu ngấm vào hạt cà phê, cùng với
hương vị được tích tụ từ trời đất, hóa thành một hiệu ứng mang đậm chất nhân
văn của xã hội con người.
Một quả cà phê chín là một nốt đỏ, chấm ở giữa
trời. Mùa cà phê chín là vùng trời đỏ, miếng mảng giữa bao la vũ trụ.
Mới chỉ hơn mười năm trở lại đây, trong những áng văn, thơ viết
về Tây Bắc làm mê mẩn tâm hồn bao thế hệ bạn đọc, hương cà phê xuất hiện như
một âm hưởng mới, tô điểm vào cung bậc non nước bồng liêu, vốn như một bản nhạc
lý dành riêng cho các loại nhạc cụ dân tộc, một diệu khúc du dương, thỏa hí.
Bản nhạc lý ấy, đến một ngày bỗng vút bay nhờ
có sự xuất hiện diệu kỳ của một thứ cây, mà từ khi ra hoa đến khi hưởng thụ,
mỗi giai đoạn là một thứ hương như giấu bên trong cả một trời đường mật, bùa
ngải.
Bản nhạc lý ấy, càng thêm mê hoặc thập phương nhờ sự hiện hữu
của tốp tốp thôn sơn rẽ theo từng hướng núi, để góp phần giúp quả cà phê làm
nốt sứ mệnh, đó là hóa thân từ tự nhiên sang hành vi ý thức hệ của con người.
Những bàn tay mềm như nước suối lướt qua chùm quả, quả chảy vào
ếp, vào bung… tạo nên một hiện tượng mới, một khái niệm mới trong
phương án trù hoạch kinh tế vĩ mô mang chiến lược vùng, và cải tạo
đời sống cư dân miền núi.
Đã từ lâu lắm rồi, vào mùa đông sương trời lơ lửng, người ta mới
lại bắt gặp trên thảo nguyên lộng gió những tha thướt khăn áo, tha thướt nói
cười và thướt tha ánh mắt. Chẳng ai lấy làm tiếc vì không được gặp “câu quan
họ” nào lang thang trên núi đồi lồng lộng hương cà phê; bởi vì ở chính nơi đó
đã vút lên những làn điệu “khắp báo xao” (hát dao duyên) mê hoặc quyến
rũ: Anh hỡi (em hỡi) // Mười nhớ // Chín nhớ // Nước
nguồn cạn chỉ còn bằng chiếc đĩa hãy quên // Nước sông Đà cạn chỉ
còn bằng chiếc đũa hãy quên // Cá bống (biết) nhảy ăn sao hãy quên
// Cá trắng nhảy ăn mây hãy quên // Chim chích ăn hết
nửa vườn mía hãy quên. // Cửa sổ thành vảy (con) trăn hãy quên // Chái
nhà thành tổ (con) trăn hãy quên // Hạt gạo đuổi bắt gà hãy quên // Gà
con biết đan lồng tự nhốt hãy quên // Chim chào mào biết mang đó
đơm cá hãy quên // Cá sấy đuổi bắt mèo hãy quên // Rau
xanh biết ăn sâu hãy quên // Rau luộc lại nảy mầm hãy quên…
Quên tất cả để chỉ nhớ về nhau, cho dù có vật dời sao đổi.
Cũng như thế, cứ mỗi độ đông giăng dày đặc núi non là ta lại
chặn đứng tất cả các ngõ vào của cảm xúc, để được “độc quyền” hưởng thụ cảm
khoái của một mùa cà phê chín - mùa mà đất trời bỗng trở nên đỏ ối như máu ở
trong tim./
Sơn viên, 08.11.2012
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét