28 tháng 2, 2013

NGÀY BA MƯƠI THÁNG TƯ CỦA MẸ


      


     Đã 37 năm rồi, cứ đến ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mẹ lại dán đôi tai bập bõm tiếng thời gian vào chiếc loa đài bán dẫn đã tăng kịch trần chiết áp. Bản tin đặc biệt chưa đầy nửa phút lúc 11h30 trưa ngày 30/04/1975, phát đi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng thì chẳng bao giờ nghe lại được nữa. Mẹ ốp tai vào để nghe tiếng thắc thỏm tim mình?
    Đúng 15 phút sau khi Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng, Đài TNVN phát đi bản tin thắng lợi: Quân ta đã tiến vào giải phóng Sài Gòn, chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy... . Chỉ cần nghe được bấy nhiêu, trẻ con vỡ òa khỏi lớp. Nông dân, công nhân, trí thức… buông cuốc, buông máy, buông bút… đâm sầm ra đường, hô cả ngày không ngớt: “Quân ta thắng rồi! Quân ta thắng rồi!”. Những con trâu đang còng lưng kéo chiến dịch “tăng gia sản xuất”, “Tất cả vì tiền tuyến”, cũng bất ngờ được buông dàm, tháo cày phóng cẫng trên những cánh đồng không bờ…


    Mẹ không đắm vào “cái tết tinh thần” lịch sử ấy, một phần vì vừa sinh tôi - xin nói thêm, tôi được sinh ra đúng vào 11h30 ngày ba mươi tháng tư kỳ diệu ấy, nên mới có cái tên ghép Nguyễn Thắng Lợi, bày tỏ thành quả phải đổi máu xương mà có - một phần (chỉ sau này tôi mới biết), có lẽ do linh cảm của người phụ nữ trông chồng ngoài mũi tên đầu đạn, rằng có một khúc ngoặt cuộc đời, khúc ngoặt riêng mình sắp dâng ngập cái cõi lòng cứ rối bời lên từng cơn một. Mặc cho việc bắt đầu từ 17h tối hôm đó, đài TNVN phát đi ca khúc đầy tính thời sự của nhạc sĩ Phạm Tuyên: Như có Bác trong ngày vui đại thắng, mẹ vẫn không sao hân hoan được. Linh cảm buộc người phụ nữ 20 phải dằn lòng xuống, phải nén niềm vui to lớn vào trong lòng, để lắng nghe những bồn chồn, thổn thức riêng tư. Thế nên mẹ vẫn nằm lặng yên bên tôi như thế, mắt nhìn diệu vợi qua ô cửa sổ bốn lỗ, vách đất, chớp chới theo những cánh nhạn tránh rét tháng ba, đang mải miết về Nam.
     Và đúng thế, mười lăm ngày sau giải phóng, mẹ nhận được tấm giấy báo tử của cha - một cuộc chia tay tức tưởi ngay trước ngưỡng cửa sự sống! Đã 37 năm trời, đứa con duy nhất minh chứng cho tình yêu không tuổi của mẹ, minh chứng cho sự thủy chung son sắt của người phụ nữ Việt Nam trong mẹ, đã lớn khôn, đã đề huề con cái theo ước vọng của người chồng trước lúc Nam tiến, mẹ vẫn như thể quyến luyến xuân thì. Vẫn chải tóc bằng hương sả, hương bòng; vẫn ướp khăn bằng hương nhài, hương dó. Cháu nội hỏi, mẹ cười: “Hương của ông nội bay đấy. Ông bay còn bảo, ông hạnh phúc nhất là được nằm khểnh ra giường chờ, có hôm đến gần sáng, khi mà bà đã làm xong phận vợ tần dâu tảo, mới vào buông được cho cái màn…”
    Ba mươi tháng tư năm nay không ngoại lệ. Đúng hẹn (11h30 trưa), mẹ lại áp tai vào chiếc loa đài bán dẫn hiệu National tróc gần hết lớp sơn mạ. Làm gì còn bản tin chiến thắng nào nữa? Vậy thì mẹ nghe gì? Đã nhiều lần tôi gặng hỏi. Rồi đến con dâu mẹ gặng hỏi. Mẹ đều im lặng. Nhưng đến lượt đứa bé 5 tuổi nỉ non, thì mẹ ậm ừ: “Bà nội nghe dư âm từ trong tim, mà chỉ giờ này, ngày này mới có”. “Dư âm là gì cơ?”. “Là lời ông nội dặn trước lúc hy sinh”. “Ông nội dặn gì ạ?”. “Ông bảo bà đi bước nữa”. “Đi bước nữa là gì, bà nội?”. “Là đi như hồi bà dạy con tập đi ấy, thế, một bước, hai bước, ba bước…”. “A, ông nội dặn bà nội đi một bước, mà bà nội đi hàng nghìn bước, ra ruộng, ra chợ… . Hoan hô, bà nội giỏi quá!”.


     Đã 36 lần mẹ và tôi lỡ hẹn với cha. Cha vẫn nằm ở đâu đó trong thành phố mang tên Bác. Thắp nén hương khấn vong hồn cha, mẹ hứa, một năm sau, đợi cu Thắng Lợi cứng cáp, mẹ sẽ vào đón cha về. Rồi thì tôi ốm. Mẹ khất cha năm sau. Lại ông nội mất. Bà nội mất. Tất cả vào tháng tư... . Rồi mất mùa lúa. Mất mùa chăn nuôi. Tôi vào cấp hai, rồi cấp ba, rồi đại học. Lần hứa chắc nhất là, khi nào tôi có công việc ổn định, hai mẹ con sẽ vào tìm cha, rước cha về ông bà ông vải. Thế rồi tháng lương đầu tiên lại phải dành dụm để sang cát cho bà nội. Tiếp theo nữa là cưới vợ cho tôi, là vợ tôi sinh cháu bé… . Mẹ vẫn lặng lẽ ôm món nợ cha ngày một lãi mẹ đẻ lãi con ở trong lòng!
     Ba mươi tháng tư năm nay, mẹ không hứa gì nữa. Mẹ bảo mẹ đã không làm ra nổi một đồng. Tôi nghe mà như vừa hứng trọn nhát cắt oán hờn từ mẹ, lại vừa hứng trọn cái lạnh lẽo, cô quạnh của cha. Hai mắt ứa vào trời xanh cay ngăn ngắt.
    Bên cái đài bán dẫn, mẹ vẫn thủ thỉ: “Em chắc anh hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tiếp quản thành phố. Một viên đạn cuối cùng của một kẻ cực đoan cuối cùng… . Anh là người cuối cùng hy sinh, trong cuộc kháng chiến thần thánh cuối cùng của dân tộc…”

Điện Biên Phủ, 30.04.2012

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét