Không biết đã bao nhiêu lần rồi, tôi đi giữa tháng 5 Điện Biên. Vẫn bé nhỏ
trước vóc dáng của một lịch sử sừng sững trong lòng 5 châu. Điện Biên đây, vẫn
vững chãi như bàn thạch nơi biên ải - thật xứng với cái tên vua Thiệu Trị đặt
từ năm 1841 - và, vẫn bình yên như lớp học nằm chênh chếch lưng đồi.
Những
làn gió thơm ngát mùi hoa lúa của cánh đồng số 1 Tây Bắc, hòa vào mùi hương
phảng phất của hàng vạn người con Điện Biên, hàng vạn người con đất Việt đổ về,
thắp vào tháng 5 lòng biết ơn đã rưng rưng theo họ già 1/2 thế kỷ. Cái nòng
pháo xe tăng trên đồi A1 vẫn gục đầu xác nhận cuộc thảm bại lớn nhất trong lịch
sử chiến tranh thuộc địa của thực dân Pháp. Hàng ngàn ngôi mộ ở cả 4 nghĩa
trang của Điện Biên (Nghĩa trang A1; Nghĩa trang Tông Khao; Nghĩa trang Him Lam
và Nghĩa trang Độc Lập) vẫn hắt màu vô danh xám lạnh vào nền trời sâu thăm
thẳm…
Đã hai năm liên tiếp, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ cầu
quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc và cầu siêu cho anh linh
các anh hùng, liệt sĩ, đồng bào tử nạn trên chiến trường Điện Biên Phủ. Chẳng
biết các anh hùng, liệt sĩ… ghi nhận ra sao mà những bát hương ở Nghĩa trang
Độc Lập bùng cháy như reo, như múa làm lạnh sống lưng bạn bè 9 nước quốc tế
tham dự; nhưng lại làm ấm lòng hàng vạn nhân thân, hàng vạn nhân dân đang đêm
ngày đau đáu cho cái sự “mất xác lạc hồn” của hàng ngàn liệt sĩ Điện Biên?
Chẳng biết con đường nào, năm 1754, lãnh tụ nông dân Hoàng Công Chất đã đi qua
và gieo lại bao nỗi khiếp sợ cho bọn giặc Phẻ; để rồi tròn 200 năm sau - năm
1954 - vị đại tướng tài ba của Việt Nam và của nhân loại Võ Nguyên Giáp lại đặt
chân vào đúng vết đi của bậc liệt tướng năm xưa, khiến cho một “gã lực sĩ” thực
dân, một “gã khổng lồ” đế quốc là Pháp và Mỹ, kẻ chết, kẻ què?
Người
anh hùng hậu thế vẫn còn đó. Cái sự sống được trời ban đất thưởng, cái sự sống
được khói thuốc súng hun đúc và tấm lòng mến phục của nhân dân vun đắp đã tròn
một thế kỷ. Sự sống ấy còn được minh chứng bằng đôi mắt đã nhạt nhòa thế sự.
Đôi mắt mà 58 năm trước đã chứng khiến kẻ chưa từng nếm mùi thất bại
Đờ-cát-tơ-ri, phải thất bại cay đắng cùng với hệ thống phong thủ bất khả xâm
phạm lẫy lừng.
Người
anh hùng áo vải của Cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài thì cũng đã được tìm
thấy xác sau 236 năm lưu biệt (1769 - 2005) - nhất là khi từng bị quân triều
đình Lê - Trịnh quật mộ lên rồi chặt làm 3 khúc vứt khắp nơi, để cuối cùng,
nghĩa quân “ăn trộm” lại được thủ cấp, chôn dưới một gốc đa trong thành Bản
Phủ. Niềm hạnh phúc khôn xiết chính là sự chỉ lối đến với phần mộ, chôn thi thể
bị thiêu sống của liệt nữ Lò Thị Nương - người vợ thứ 4 của vị “chúa Mường
Thanh” Hoàng Công Chất (Then Chất).
Tháng
5 Điện Biên năm nào cũng sóng sánh trong bầu cảm xúc của bất cứ ai từng đặt
chân đến. Ngực như bị “cơn gió đồng bằng” ép lại, hơi thở thổn thức theo từng
đợt hương đất mới ùa về. Mắt cay chát vì khói trầm cầu siêu và khói lòng cháy
bỏng bởi những tháng năm mong ngóng, chờ đợi.
Tháng
5 Điện Biên, ai đi đâu thì đi, vẫn luôn khắc vào tâm khảm một tinh thần quật
khởi, lẫy lừng và lòng mến nhớ da diết!
Điện
Biên Phủ, 07.05.2012
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét