28 tháng 2, 2013

PHÁT SÚNG CUỐI CÙNG

   Cơn mưa đêm làm hả hê chồi lá vừa mới rát bỏng dưới cái nắng hè hôm trước. Sáng còn thâm đất, chưa rời khỏi giường đã nghe ơi ới gọi cổng.
Hay hàng xóm có người đi viện? Phải giáp mặt mới rõ, thì ra lão Chiếm thợ săn. Đã mấy tháng lão quên nhà tôi, sao nay lại gở thế. Đẩy cửa vào, lão ném cái xác nặng nề xuống ghế, không nói một câu, chỉ châm thuốc hút. Nom hành tung như buôn bạc giả, càng làm tôi lo lắng cho cái tuổi người ta thường nói là thích nằm hơn thích đi của lão. Vẫn lặng lẽ hút thuốc, nhưng có vẻ bứt rứt và thôi thúc lắm. Nắng lên quá con sào, bỗng dưng lão đứng bật dậy, di mẩu thuốc xuống nền đất, khoát tay: “Đi săn với tao!”. Là bạn vong niên, nể lão nhận lời chứ hàng chục năm nay rừng bị đuổi ra ngoài tầm mắt. Chỉ có tiếng chó, tiếng mèo nhà ăn sương gầm man dại giữa bê tông ngói hóa. Lấy đâu ra thú cho tôi với lão bắn…
            Được cho theo nhiều nên tôi cũng xúc động trước những ngón nghề ăn rừng của lão. Tuy với đôi chân lệch cầu, không chạy được nhưng lão Chiếm vẫn là bậc cao thủ trong phường săn, nhờ khả năng đọc cá tính, thói quen ăn, ngủ và cả mưu cơ tháo chạy của từng loài thú rừng, kèm tài nghệ bách phát bách trúng. Nhìn bộ sưu tập sừng, da, nanh, vuốt… có đến vài chục cá thể; từ thú ăn cỏ đến những loài  thần chết của rừng già như hổ, báo, gấu, chó sói… trên vách nhà lão, cũng đủ thấy khả năng sát thủ đến nhường nào. Nhiều người đồ súng lão tự chế được nên chụm đạn hơn. Như tôi biết thì không phải thế. Súng làm cho khách, lão vẫn nhồi thuốc nhiều gấp năm lần định lượng chuẩn, rồi trói vào gốc cây, đứng từ đằng xa dùng dây “bóp”. Khẩu súng nhẩy dựng lên như bị mìn. Ba lần không vỡ. Rồi bắn lại ba lần thử độ chụm ở nhiều khoảng cách, xem sau khi phá súng có bị lạc đạn không; như vậy không thể là lão lừa đảo. Có lời đồn lão nghe được thú nói chuyện, nên hiểu thú rừng như hiểu vợ mình. Theo tôi lão giỏi do lão may, và may vì lão kiêng tốt. Không cho ai bước qua súng, lại càng không cho mượn, lão sợ cách nhồi đạn, cách ngắm của người khác làm hư súng lão. Câu nói mượn vợ được, không mượn súng được là của lão. Nghe thì không biết, chứ  lão cất tiếng “nói” con nào, quả nhiên con nấy nhầm lão là đồng loại; và tất yếu nộp mạng cho lão trước khi kịp hiểu ra chuyện gì.
            Hôm nay, rừng thì đang ì ạch cuộc tái sinh, thú từ lâu chỉ còn trong chuyện kể. Tôi biết, lão biết và cả thiên hạ biết. Vậy lão lôi tôi đâu? Hay lão muốn làm công an săn bọn buôn thuốc phiện? Lão Chiếm ôm khư khư khẩu súng đen bóng mùi mô hôi, chờ đợi - khẩu súng đã ở với lão ngót 60 năm, đến nỗi đạn ria nạo đầu nòng mòn vẹt như bị rỉ. Không những là đồng vốn vừa đủ ăn, vừa làm giầu, khẩu súng còn là vật thiêng dùng để giữ ma nhà, đuổi ma rừng. Hơn thế, nó chiếm vị trí quan trọng trong tim lão như mối tình thứ ba, có cả vui lẫn buồn… Vẫn dáng vẻ mật phục, lão Chiếm ngồi như chôn ở cửa rừng, thi thoảng lại nhắm mấy điếu thuốc lá phơi vội, mùi khói còn mông mốc, với rượu sơ đựng trong chiếc bóng trâu khô dắt ở hông quần. Mỗi lần tôi giục giã về cách thức săn theo kiểu thất bại này, lão lại bảo: “Để xem đã”, rồi lại thinh lặng, uống rượu và hút thuốc. Nhìn lão như thể tóc bạc thêm từng sợi, não nùng và trăn trở. Hôm xưa, thằng cháu đích tôn hỏi lão, rừng là con gì? Lão trả lời là cây. Nó lại hỏi do ai trồng, có ích lợi gì không mà ông phải mất ăn, mất ngủ. Sao không thả lợn, thả chó, thả gà ra mà săn, hà cớ phải bắn những con thú biết nói, biết làm bác sĩ như các nhà văn vẫn viết? Lão ngậm lưỡi mà nước mắt ứa ra. Những giai thoại hoành tráng một thời của lão, nó coi như phim hoạt hình - thế giới của bầy thú giấy. Tiếng con hổ vẽ gầm na ná mèo hen, nó chưa bao giờ sợ. Chuyện sống nhờ rừng, như “gạo” được hái trên cây, thịt “nuôi” trong nòng súng bị nó hiểu như trò chơi trực tuyến trên intơnet…
            Cả khu rừng cây non vẫn lặng như tờ. Bỗng lão Chiếm giương phắt nòng súng lên trời cao, xiết cò. Tiếng súng khô đục, lạc lõng tìm đi, dội vào vách đá, tạo ra một tiếng gầm ong tai. Rồi lão đột ngột đứng dậy: “Xong rồi, ta về thôi”. Thấy tôi ngơ ngác, lão nói trong những giọt nước mắt đang ứa ra lúc một nhiều: “Là ta vĩnh biệt một kỷ vật, một kỷ niệm thiêng liêng đã từng là sự sống, là sinh mệnh; giống như tập quán, tiễn đưa người về thế giới linh thiêng cũng bằng một phát súng như thế”. Thì ra, đã hàng năm nay, tỉnh có chủ trương vận động thu hồi súng tự tạo cho rừng lại về, thú lại về nhưng cả bản, cả xã không ai chịu nộp vì lý do tín ngưỡng. Lão không chịu hiểu gì, nhưng cuối cùng phải hiểu thằng cháu, bởi nó giúp lão nhìn thấy thủ phạm chính là những khẩu súng, đồng thanh hủy diệt cả những con thú mùa chửa đẻ; khiến nó tưởng thú hoang dã là con lợn, con chó nhà thả ra; còn rừng là… con thú?! ấy là nó còn chưa biết chuyện lâu rồi, nghe nói lão từng bắn chết người và bị tòa xử tù ba năm, nhưng cho hưởng án treo do lỗi vô tình khi đi săn… hay cách nay vài bữa, bọn nghiện đèo Cổ Yểng dùng súng tự tạo để bắn người, cướp của. Lão đã dũng cảm hơn hàng trăm, thậm chí hàng ngàn những người anh em đã từng vào rừng ra thịt. Thế là từ hôm nay, trên vách nhà lão Chiếm, lũ xương thú thì vẫn còn như cái dấu, ghi nhận một thời. Còn súng, lão thay vào một khẩu bằng gỗ, sơn đen, có vóc dáng giống y trang khẩu mà lão từng coi như người vợ… lẽ.
Mùa si chín, 2002

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét