28 tháng 2, 2013

LIỆU TRỊ CÔNG BẰNG

Khi còn là một thị trấn cấp xã, nửa mét đất mặt đường người ta chỉ cần “đổi” lấy một nụ cười thân thiện. Chuyện một anh thân mật gọi người láng giềng sang uống trà, rồi ân cần bảo:
“Anh làm nhà mà chỉ có 6 mét 2 mặt đường thì dở dang quá, cứ đào móng sang đất nhà tôi 0,8 mét nữa cho “số” nó đẹp. Nhà tôi 21,8 mét, thừa 80 phân chẳng để làm gì”. Quả là quí hơn vàng. Cái tình như cốt nhục thế, đúng là sống tết chết thờ chứ chẳng nói chơi.
            Thế nhưng khi thành lập huyện, những thứ “sống tết chết thờ” ấy lại được qui ra tiền. Nhiều khi tiền cũng chẳng can thiệp nổi cái lý ganh cựa. Nhà ngoài khủng bố nhà trong vì muốn chiếm con đường, mà lẽ thuận thường phải nên chừa ra cho cộng đồng an cư: “Nó có trả bạc tỉ cũng không bán, cho nó… bay”. Nguyễn Sùng Phổ và Phan Mạch Long vốn là đôi bạn tri giao suốt mấy chục năm, từ thời công nhân nông trường. Ngủ cùng giường, ăn cùng bếp cơm tập thể, rồi lại cùng “từ giã” ngơi thổ trong khe núi bờ rừng ra khai viên lập gia trên cùng một mảnh đất mặt tiền quốc lộ.
            Bắt đầu từ khi có bản quy hoạch chi tiết thị trấn huyện, ở giữa hai hộ này thừa ra 40cm đất. Đã mấy năm trời, hết Địa chính xã đến Tài nguyên môi trường huyện đến xác minh, hoà giải mà không sao chia nốt cho hai nhà được. Cái mắc là ở chỗ, hồi “hai người anh em kết nghĩa” này khai khẩn đã chia chác miếng đất không đều. Dải đất 40cm thừa ra ấy, thì của nhà Sùng Phổ là 30cm phía trước nhà, giáp mặt đường, còn mặt sau nhà, đất giáp núi là 10cm. Ngược lại nhà Mạch Long chỉ có 10cm giáp mặt đường, còn sau núi lại là 30cm. Chính quyền chủ trương thoả thuận để hai nhà đổi đất cho nhau. Nhà Sùng Phổ cắt cho nhà Mạch Long 10cm đất giáp đường, còn Mạch Long trả cho Sùng Phổ 10cm đất giáp núi, vậy là mỗi người đều có 20cm đất chạy dọc suốt từ trước ra sau, nhưng Sùng Phổ không chịu. Anh ta nói, 10cm đất phía trước của anh ta có giá trị bằng 20cm đất phía sau của nhà Mạc Long, vậy nên anh ta phải được 25cm, còn nhà Mạch Long là 15cm, thế mới công bằng. Mạch Long thì lại khăng khăng cho rằng có phải nguyên cả thổ đất đâu, 40cm kẹt giữa hai nhà, ma nó mua mà đòi có giá trị.
            Cứ lý ấy, không ai chịu nhịn nhường ai. Chẳng đợi được, Mạch Long phải xây nhà ba tầng để cưới vợ cho con. Nhà Sùng Phổ cũng không chịu thua kém, xây nhà cao bốn tầng để hơn nhau “cái tầm nhìn”. Cũng bởi duy tâm nên nhà nào cũng xây vuông vức cho cuộc sống được “tròn trịa, vẹn toàn”. Số đất còn lại của mỗi nhà được chủ nhân cới ra vài hàng gạch, rồi xây lên cao vút để giữ đất. Đứng ngoài đường nhìn vào, ai cũng nghĩ miếng đất đã được xây áp tường nhau, không có một khe hở nào. Cái thẹo đất thừa bị hai nhà xây tường bảo vệ nghiễm nhiên trở thành “con sông cạn” bị chặn kín hai đầu, đêm ngày làm nhiệm vụ của một chiếc ngòi, bùng nổ bao nhiêu là tranh cãi, chửi rủa sấm dậy. Sùng Phổ khi ấy xây nhà cao hơn Mạch Long nên có ý dùng đó làm nơi đổ rác để cho đối phương ô nhiễm. Bất kể vỏ bánh, túi đi chợ, bã trà, thức ăn thiu… vợ con Sùng Phổ đều mở cửa sổ đổ cả xuống “con sông” ranh giới. Một thời gian sau, rác đã lên lưng lửng nhà Mạch Long, mùi khắm khú vô cùng khó chịu. Nhà Mạch Long thấy thế bèn đi vay tiền ngân hàng để lên năm tầng và cũng cho vợ con đổ rác xuống cái “bãi rác” ấy. Khi rác đã ngập qua tầng một, nhà Sùng Phổ lên tầng sáu. Rác ngấp nghé tầng hai nhà Mạch Long lên liền hai tầng nữa thành bảy…
            Mùa mưa đến, nước hai nhà dồn xuống, vì bị bịt hai đầu nên nước cứ đưa rác lên. Đầu tiên là nhà Mạch Long xây bịt cửa sổ tầng một, tầng hai… Sau nhà Sùng Phổ cũng xây bịt hết các cửa sổ, cửa thông gió… để cho dòng nước ô nhiễm khỏi xông theo các kẽ hở vào nhà. Mặc dù dòng nước đen ngòm, hôi thối không vào được trong nhà nhưng vì bị ngâm hết tháng này qua tháng khác nên nước cũng ngấm vào tường, làm loang lổ nội thất suốt từ tầng một lên đến tầng bốn. Mùi tanh lòm khiến hai nhà không thể ở nổi từ tầng năm trở xuống.
            Tai hoạ ập xuống nhà Sùng Phổ trước. Bà mẹ hơn tám mươi tuổi của Sùng Phổ do phải lên quá cao, không khí loãng đã choáng váng ngã lăn theo cầu thang từ tầng sáu xuống, qui tiên. Sau đó đến vợ Sùng Phổ ho hắng ra máu lâu ngày, đi khám phát hiện ung thư phổi. Bản thân Sùng Phổ thì bị viêm đa khớp, viêm xoang, đau mắt. Con cái Sùng Phổ thì đứa bệnh nọ, đứa tật kia. Nhà Mạch Long cũng khốn khổ không kém. Nay vợ Mạch Long đi viện chữa nấm đầu, mai Mạch Long đi điều trị tiêu chảy cấp do ruồi nhặng gây ra. Con dâu Mạch Long đã được ưu tiên ở tầng bảy rồi mà khi sinh, cháu đích tôn Mạch Long vẫn bị quái thai… Hai nhà chẳng ai rủ ai, đêm ngày như có tang. Đã lâu, chẳng nhà nào còn hơi sức chửi bới nữa. Đến rác cũng chủ yếu vứt ở bệnh viện, hoạ hoằn có hôm nào về nhà, quăng một vài cái như nhắc nhớ thù hằn.
            Các nhà y học địa phương lấy làm lạ là cả năm trời hai nhà nọ không khi nào vắng người nằm viện, mà lại chỉ tập trung ở những bệnh đường hô hấp, đường tiêu hoá, ngoài da… vả lại thuốc thang gì cũng không khỏi được. Họ xin chính quyền địa phương cấp kinh phí cho một dự án điều tra môi trường sống của hai hộ dân này. Vừa bước chân vào nhà, họ đã phát hiện ra một thứ mùi “đi ô xin”, phong toả đậm đặc. Các vật dụng nhuộm một màu tối đục, hôi hán và vô cùng đáng sợ. Một vị dược sĩ đại học đứng từ trên ban công tầng bảy nhà Mạch Long nhìn xuống “con sông rác”, bị luồng khí sát xông thẳng vào mũi khiến vị này bị sặc, ngất ngay tại chỗ.
            Mấy ngày sau, tại trụ sở uỷ ban nhân dân thị trấn, Sùng Phổ và Mạch Long cùng ký vào biên bản xử phạt xâm phạm môi trường sống ở khu dân cư và một bản cam kết dỡ bỏ tường chắn khe đất giữa hai nhà, và thu dọn rác, rồi dùng thuốc tẩy làm trong sạch không khí. Từ đó, vẫn không nhà nào nói chuyện với nhà nào, nhưng trong ánh mắt cả Sùng Phổ và Mạch Long hiện rõ một ý niệm: “Giá như đừng nhất nhất công bằng!”

04.10.2009

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét