Tháng 9.
Chúng tôi nhìn vào mắt mẹ, cay cay.
Vừa bước qua được mùa khói nương, sang mùa mưa rừng như đằm mình vào trời đất,
lại đến “vụ đói thứ hai” của năm - đói tháng chín.
Ngô, thóc trong bồ cạn đi theo mỗi khoản đóng góp, sách vở, quần áo… Mẹ dùng than củi ghi lên vách dăm con số liền nhau, giống như một dãy kí tự điện thoại, tài khoản, hay số chứng minh nhân dân… bây giờ. Chẳng biết mẹ viết gì, mỗi tháng 9 ghi một lần, mồ hôi ướt nhèm những con số ngoằn ngoèo, méo mó. Chúng tôi càng lớn, dãy số ấy càng dài ra.
Ngô, thóc trong bồ cạn đi theo mỗi khoản đóng góp, sách vở, quần áo… Mẹ dùng than củi ghi lên vách dăm con số liền nhau, giống như một dãy kí tự điện thoại, tài khoản, hay số chứng minh nhân dân… bây giờ. Chẳng biết mẹ viết gì, mỗi tháng 9 ghi một lần, mồ hôi ướt nhèm những con số ngoằn ngoèo, méo mó. Chúng tôi càng lớn, dãy số ấy càng dài ra.
Hôm đầu tiên tôi lên cấp hai, phải đi
học cách nhà năm cây số đường núi, bố lôi trong buồng ra chiếc xe đạp xuân hoà
nữ, màu bồ quân chín, líp nổ ro ro. Thảo nào bữa chiều qua, không thấy con lợn
cấn hơn tạ hất đổ máng cám ngay từ trên tay tôi nữa. Mẹ dắt chiếc xe ra cổng
cho tôi, và dặn:
- Chỉ mình con mới có xe đạp đi học,
phải giỏi nhất nhà đấy.
Tôi
cúi đầu, lầm lũi dắt chiếc xe đạp đi từ nhà đến trường, rồi từ trường về nhà
như thế một tuần thì biết trôi dốc. Chiếc xe ấy, theo tôi được ba năm cấp II
thì nằm yên một chỗ. Tôi đi học cấp III cách nhà gần ba mươi cây số, cần nó hơn
bao giờ hết thì nó lại nằm bất động. Thủng săm, nhưng chẳng biết lấy đâu ra.
Lần nào mẹ cũng bốc thăm được toàn “nan hoa” phân phối. Nan
hoa có thể tính lên hàng yến. Sau này mới biết, vì săm lốp ai cũng cần nên đã
được “bóc ra” từ đoạn phân phối trên rồi, thay thế vào đó là nan hoa, bàn đạp,
yên xe... Có ông hàng xóm chuyên gia bốc yên xe, hàng chục chiếc chẳng biết làm
gì, đành đem đóng vào chiếc xe gỗ ba bánh cho con chơi…
Năm ấy, và nhiều năm sau
nữa, cho đến khi anh em tôi thoát li, bố mẹ tôi không làm được nhà. Sau ngày
khai giảng, nồi cơm nhà tôi dầy hơn phần ngô, sắn. Mẹ cười, bảo:
- Nhà mình
nghèo trong bụng, giầu ngoài mặt ngoài mình.
Chỉ
là anh em tôi “giầu” thôi, còn cha và mẹ, có lẽ “ngót mười ba năm cho con bú
liên tục”, không may một bộ quần áo mới nào. Cha khoe: “Bộ này chú út phục viên
cho, của quân nhu bền như da thú…”. Mẹ cũng chẳng kém: “Dì hai cho mấy cái áo
thâm đất, chiếc quần láng đã “vận” mấy năm rồi, mà giờ vẫn diện đi họp được…”.
Tháng 9 bây giờ, chẳng ai cay hai con
mắt. Học sinh vùng ba như bọn tôi hồi xưa, đi học được miễn mọi loại đóng góp,
rồi còn được cho sách, cho tiền, cho cả những ngôi nhà “Bán trú” đẹp như “Nhà
khách tỉnh ủy” thời bao cấp. Bên trong còn “giầu” hơn cả bên ngoài. Từ cái tăm,
cái cốc, đến chăn, màn, bàn ghế, điện, nước… cứ long lanh như… nhà nghỉ.
Phụ huynh bây
giờ vừa đẻ ít con, vừa được trên hỗ trợ, dưới hỗ trợ, tháng 9 chẳng làm cho ưu
tư, mất ngủ. Con cái học xong cấp ba cũng không còn là “cái đích phấn đấu” nữa,
mà học đại học còn dễ hơn cả học đục học bào.
***
Tháng 9.
Mỗi độ con gái bi bô khoe chiếc cặp,
đôi dép, bộ quần áo mới… mẹ sắm cho để đi khai giảng, tôi như nhìn thấy cái vụ
đói thứ nhì của những ngày xưa. Trong đó, có đôi vai, bộ ngực gân gồng của cha;
mái tóc, mảnh lưng bỏng nắng, cái nhìn mỏi núi mỏi đồng, và cả cái dãy số ghi
ngày đi vay nợ ngô, gạo, sắn… mà mẹ viết liền tù tì như muốn giấu đám con thơ
dại...
Đồi
Ông Cao, 09.2010
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét