Hình ảnh của đôi bàn chân xù xì, dăm
nẻ như một lát gỗ phơi nắng cứ ám ảnh tôi suốt mấy chục năm trời. Không ít
người bảo tôi là lập dị, chí ít thì cũng phải là những gót sen hồng, chín mọng…
mới đủ làm cho hồn văn ngơ ngẩn…
Hồi còn bé, tôi thường rụt đôi bàn
chân mềm mịn của mình lại thật nhanh, mỗi khi đôi gót chân chằng chịt những đường
bừa ấy đặt bên cạnh. Trong thâm tâm, tôi không muốn đôi gót chân ấy đi họp phụ
huynh, hay đưa tôi đi tiêm vắc-xin chủng đậu… Tôi bối rối trước bất kì ai, khi
cùng sóng bước với đôi chân bè tỏe, hủi sùi, đơ nhắc như bộ guốc lẻ
ấy. Chính thế mà cho đến tận bây giờ, gặp bất kì người nào trong dòng chảy đời
tôi, tôi đều nhìn xuống gót chân của họ; và không ít lần tôi bật khóc! Những
gót chân bạn tôi càng hồng hào, sạch sẽ và thanh tao bao nhiêu, thì tôi càng
thức thưởi bấy nhiêu…
Hằng đêm, tôi thường mơ thấy cả một
gia đình gót chân hạn hán. Về mùa hạ, đôi gót chân lên nước sừng trâu, trơ lì,
gan góc, đạp đá đá chùn, đạp gai gai nhụt. Nhưng mỗi khi đông về, đôi gót chân
lại sưng trương lên vì cước. Những bước đi trở nên vẹo vọ, chênh chao và lật
đật. Không ít lần, đôi chân ấy đã quẳng cái thân hình cong queo, tiều tụy xuống
giữa đường, giữa làng. Tôi lại xấu hổ. Đôi gót chân như một chướng tật trong
nhà. Tôi ước ao: “Sao không phải là một đôi chân trắng, gót mọng hồng như môi
con gái?”
Lớn một chút, tôi phải đi bộ 6 cây số
đến trường. Chúng tôi không có khái niệm đi giầy, dép vì người lớn chẳng bao
giờ nhắc đến. Sương gió và bụi đời biến đôi bàn chân non mọng của tôi thành
sừng trâu, gỗ phiến. Lên lớp 6, tôi chân trần chạy qua rừng cỏ gianh, đạp bằng
bụi gai đùm đũm. Lâu ngày, muốn sầy cũng không sầy nổi nữa. Muốn máu đổ cũng
không đổ nổi nữa. Tôi tự hào vì đôi bàn chân gang thép của mình. Như rồi đôi
bàn chân ấy lại hành tôi mỗi khi đông đến. Nó phát cước như hai bọc nhọt. Đỏ
tấy và nhức nhối. Đêm đêm, đôi bàn chân kéo về những cơn sốt bất ngờ. Tôi bỗng
thành một phế nhân, không còn đi đứng vững vàng như tạc, như đúc. Một lần nữa,
tôi oán hận sự di truyền quái đảm. Thế là, nỗi thất vọng cứ lấp dần con đường
học. Tôi chỉ muốn giấu đôi gót chân vào trong cặp sách.
Rồi một ngày, tôi bỗng nhìn xuống chân
mình, như một phép mầu nhiệm, tất cả gỗ sừng biến đi đâu hết! Tôi mừng rỡ như
người vừa thoát khỏi kiếp ách chung thân. Nhưng đôi bàn chân của mẹ tôi thì
không thế. Hạ đến, á sừng đóng tầng đóng lớp. Đông về, cước phồng trương như bị
nướng. Lần đầu tiên tôi đưa mẹ đi khám. Ông bác sĩ già ái ngại, lắc đầu. Từ
bấy, việc duy nhất tôi có thể làm là đun một nồi nước lá ngâm, bỏ vào đó vài
hạt muối, rồi ngồi chờ cho đôi gót chân của mẹ mềm bớt, và dùng dao lam cần mẫn
gọt từng lớp, từng lớp cho đến khi màu hồng hiện ra. Nhưng, thấp thoáng sau màu
máu ấy là những đầu xương trắng đục, vọng ra tiếng động khô khốc. Trong tai
tôi, tiếng ông bác sĩ già văng vẳng: “Từ nay, đừng để cho sương gió thộc vào
nữa, cháu ạ!”
***
Trong đâu đó dòng đời hôm nay, tôi vẫn
gặp những gót chân nứt nẻ. Cho dù, đồng áng đã có máy móc lặn lội thay chân,
nhưng tôi vẫn thấy đằng sau nó là cả một sự quẫy đạp mỏi mòn.
Cũng ở đâu đó, tôi gặp hàng ngàn đôi bàn chân sầy cước, bươn bả đèo khe. Cho
dù, màu đỏ của những mái trường đã tìm được đường về gần nhà các em hơn, nhưng
tôi vẫn thấy những khát vọng nhọc nhằn chưa thôi đeo đuổi.
Và ở đâu đó, lẩn khuất trong rừng gót sen hồng mọng, ngọt ngào, tôi vẫn mải
miết đi tìm đôi bàn chân cáu cục, đúa đen và sùi hủi. Bởi với riêng tôi, đôi
bàn chân ấy là tất thảy, cuộc sống, hạnh phúc và cả ước mơ cầm bút - một ước mơ
mà tôi vừa hàm ơn, vừa mắc nợ suốt cuộc đời này.
Mùa
chân cước, 2010
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét