28 tháng 2, 2013

NGƯỜI GÁNH THƯ TRÊN ĐỈNH LĂNG QUAI


Truyện ngắn 


Dãy núi Vách Thưng Trời vẫn đứng sừng sững như một lời thách thức những bàn chân gang đồng, từ thời Ải Lậc Cậc (truyền thuyết dân gian “Ải Lậc Cậc - tức Bố Khổng Lồ, hay còn ám chỉ là Thần Nông - của người Thái cổ) lấy chân san phẳng núi rừng để tìm viên đá lửa. Vết gạt thành sông Nậm Rốm, còn đất đá té đi một quãng đường đất bằng độ ngón tay của Ải, vãi xuống thành dãy núi Vách Thưng Trời, thành cả muôn núi ngàn đồi Tây Bắc nữa. Phía chói chang nhất có bức vách thưng trời (pha phạ- tiếng Thái) năm tháng đỏ ậc, sừng sững che một góc trời; ở giữa có cái hang giống 2 lỗ mũi con trâu (lăng quai) há ngoác lên tầng không khoe bao nhiêu điều thần bí. Đỉnh Lăng Quai chính là mỏm cao nhất trên dãy núi Vách Thưng Trời.
 Vào thời kỳ đầu Pháp đánh chiếm Điện Biên Phủ thì đỉnh Lăng Quai vẫn còn thâm u, huyền bí đến từng nhành hoa và rình rập đến từng ngọn cỏ. Nghe nói từ lâu lắm, các Tạo Phìa và các vị chúa đất quanh vùng thường xuyên tuyển trai tráng vũ dũng lên núi Lăng Quai để tìm sản vật, bởi lời đồn trên núi có dòng suối tiên nên tất cả cái, con, cây, cành, củ, quả… đều là thần kỳ dược liệu. Chỉ có thể nghe nói, là vì: cho dù các thổ dân chinh lâm phạt cốc được các “người trời” (vua chúa Thái tự xưng là con trời do quan niệm thiên mệnh, thiên lý, thiên ý, thiên uy) tuyển chọn bằng những cuộc so tài khốc liệt, thông thạo kiếm cung, đồng chí sắt… và dù vậy nhưng các mãnh hổ của rừng xanh cũng chỉ có đường đi chứ không bao giờ còn lối về, nên lời đồn là của người ở nhà nghĩ ra. May mắn duy nhất trong số ấy thuộc về một lục lâm bản ngã tên Câm, sau khi đi lấy được sâu chít và ong khoái về giúp cho chúa đất ở Mường Muội đẻ được vương nam nối dõi. Nhưng người anh hùng của Mường ấy đã trở nên điên dại, câm điếc... và không còn biết gì ngoài việc tối ngày vái trời lạy đất.
  Vào khoảng đầu những năm giặc Phẻ tràn sang cướp bóc các dân tộc ven biên, thiên uy địa vũ một phen chứng kiến đoàn nam thanh nữ tú do một thủ lĩnh họ Lò dẫn đầu, vượt qua miệng hùm nanh sói với một khí phách đạp bẹp Vách Thưng Trời. Vẫn chẳng có gì mới mẻ, đoàn người ấy đã không bao giờ trở về cái nơi họ đã ra đi như hàng chục đoàn trước. Bẵng đi chừng vài chục năm, dân trong vùng bắt đầu kháo nhau là có người trời xuống định cư ở đỉnh núi thiêng ấy. Tin này là do một người trong đoàn của chúa đất họ Hà đi tìm bông lau mọc gần suối tiên về làm gối chữa bệnh mộng du và nhai suông cho hoàng tử, nhìn mơ hồ qua lớp cây rừng dày đặc, thâm uất ở khu vực chân núi; rồi anh ta cũng chẳng nhớ gì hơn nữa bởi trời đất bỗng dưng quay cuồng, thần sắc tự dưng xám xịt như trúng một tảng đá to lở vào đầu. Khi tỉnh dậy thấy đã nằm ở ven suối Then gần cung chúa đất, xa thẳm bên tai vẫn còn nghe tiếng chỉ dụ rằng núi Vách Thưng Trời là đường để quân lính Ngọc Hoàng xuống hạ giới tuần quản lãnh địa, gần đây bị quấy quả nên sai người xuống coi giữ. Câu chuyện kể xong, hầu hết ai nấy lặng thinh như chưa từng được biết rồi lui lủi về nhà lên cơn ốm dở. Duy có một vị vương người Khơ Mú là ấm ức, liền dẫn quân đi khiêu chiến nhưng bị đánh bại chạy bạt về mạn Mường Quái; còn những người trời thần bí kia biến mất vào trong sự ngờ vực của mỗi con người. Thường thế, bao giờ trí tưởng tượng của người trần mắt thịt cũng cao siêu hơn các vị thần nhà giời. Hơn cả thế, họ thường huênh hoang rằng, phần đa là nhân định thắng thiên định. Một trong số loài người giải thích rằng, tưởng bở là định hướng đúng đắn nhất và kỳ diệu nhất. Tất cả mọi truyền thuyết và mọi công trình khoa học đều bắt nguồn từ sự tưởng bở siêu phàm! Vị anh hùng ngày xưa tồn tại theo thuyết nghe nói, nghe kể, nhưng khít khịt với hiện thực ở Vách Thưng Trời. Còn bây giờ, Vách Thưng Trời đang hiện hữu một nhân vật được coi là kinh dị, cũng họ Lò, ông này bị thọt một chân nên có tên là Thót. Lò Thót. Cũn cộc thế, mà gọi thưa đầy đủ. Nhưng sự bất bình thường không phải vì cái tên ít giống ai ấy.
Nghe người già kể, cách đây chừng 60 năm, bản Lăng Quai cũng có một thằng Thót. Mới mười tuổi mà nó nghịch như con hổ non, nhiều lần làm phiền lòng người trong bản. Nó dường như chẳng bao giờ chịu buồn, và cũng chẳng chịu chơi lại một trò đến lần thứ hai. Lần này nó thả trộm hai con trâu giống nhà ông Thâng và bà Tiêng cho húc nhau đến lòi ruột, gãy sừng phải mổ. Lần khác nó nhốt con mèo nhà bà Piếng vào chuồng thỏ nhà ông Oan cho mèo xơi hết lũ thỏ non; hay tháo gióng chuồng đuổi đàn dê 5 chục con mới mua của nhà anh Thiềng lên núi, mắc công anh phải thịt mất 3 con dê đãi làng để nhờ đi lùa. Có khi nó xua cả đàn bò nhà này vào nương lúa nhà kia để cho hai nhà đánh nhau, rồi đến hai họ đánh nhau, nó ngồi ngoài cười… Ông Han - bố Thót sau mỗi lần đền làng, và cúng ma bản bằng hàng chục lợn, gà, vịt, gạo, rượu… là một lần gí khẩu súng kíp vào đầu nó, lên cò. Thót trợn trân trân nhìn ông: “Bố sinh ra tôi thì cũng giết được tôi”. Rồi Thót quay sang mẹ: “Mẹ khóc trước đi để bố còn siết cò”. Và lần nào nghe xong, ông Han cũng chõ súng lên trời làm cái roành, đá thêm một phát vào cột nhà hoặc gốc cây gần đấy, rồi bỏ đi. Thót dường như chừa ngay trò nghịch quỉ quái này, nhưng lại tức thì bày ra trò chơi tai ác khác. Một lần, không hiểu do vô tình hay cố ý mà nó làm kinh động đến cả người đã khuất. Một mình một thuổng, nó đào theo con tê tê vào trong một ngôi mả tập thể. Ngôi mả to như một quả đồi con. Nghe đồn, đấy là “ngôi nhà âm” của cả bản người Kháng, gồm ngót hai trăm người theo “thiên mê đạo”. Họ rủ nhau chết để được lên trời, được chia đất và học phép thuật chỉ việc ngồi hô biến là tất tật mọi thứ đất, đá, cỏ, cây… hóa thành trâu, bò, lợn, gà, gạo, rượu… chẳng cần làm cũng có ăn. Cuộc tự sát tập thể diễn ra tại bãi Đin Then (đất trời), bãi đất đã được lão Mo Thia - người sáng lập ra cái thứ đạo viển vông cấp quốc tế kia - cầu cúng ròng rã một tuần trăng, mà mỗi ngày giết một con trâu hoặc bò, ngựa do một hộ nộp để lấy tiết canh, lòng, bì, bốn chân và cái đầu cúng… Chúa. Vụ thảm sát được truyền miệng một cách kinh hoàng cho tới tận bây giờ. Thanh niên trai tráng chủ yếu tự chết bằng cách lao đầu vào đá, hạ cánh từ ngọn cây hay từ trên đỉnh núi xuống vực. Người già, trẻ con thì phải mượn “người ta” dùng dao phạt vào cổ, thọc vào tim hoặc “đùng!” một phát súng kíp vào thái dương… Đống thi hài ngập ngụa máu me được sự chuyển động của tạo hóa lấp dần, lấp dần qua hàng trăm năm, cuối cùng mối, kiến bao đùn thành một quả đồi con con, ngay sát chân núi Lăng Quai.
    Thót mang thuổng đi ăn măng đắng, gặp con tê tê đen trũi chạy qua đường, rồi bỗng dưng rúc đầu vào ngôi mả ấy. Thót lao đến chộp lấy đuôi con tê tê lôi lại, nhưng lớp vảy sừng của nó giương lên cứng như đá tạo thành mũi khoan cứ miết vào thành hố. Mỗi lần con tê tê xoáy tròn mình là lại kéo dần hai cánh tay Thót ngập lút vào trong đất. Bất lực trước sức mạnh của con tê tê, Thót buông tay rồi dùng thuổng đào theo gần hết một ngày, con tê tê chẳng biết chui đi đâu, chỉ thấy cuối cái lỗ khoan của nó là một đống xương đã sứt mẻ, mục rữa. Thót tiếc con tê tê nên bới tung đống xương lên, quăng mỗi nơi một cái. Đêm ấy, Thót lên cơn dại, gào hú rùng rợn một hồi rồi bỏ chạy vào rừng, mất tích. Một người trong bản xưng xưng rằng, tận mắt nhìn thấy Thót chết gục bên cạnh đồi mả. Ông này còn khẳng định, ông nghe được tiếng những “con ma” người Kháng chết trong cuộc tự sát kinh hoàng năm xưa tranh cãi nhau rằng, sau khi chết không lên được trời như trùm đạo Mo Thia nói, nên rất đói, đành ăn nhặt ăn nhạnh xương của nhau, và ăn luôn cả thịt thằng Thót…

***

    Hai mươi năm sau, bản Lăng Quai chứng kiến một người đàn ông tên Thót, quắc thước nhưng thậm thọt trên 1,5 đôi chân, cùng với một bà vợ già hơn mình cả chục tuổi và hai đứa con kín mít lông lá xuất hiện đột ngột như một tiếng gầm của con báo đốm. Bà vợ ông Thót bị câm, ông phân bua: “Bà ấy thất tình nên ăn lá ngón tự tử, nhưng ăn không đúng lá kịch độc (lá mọc hướng đông) nên chỉ bị câm và ngớ ngẩn chứ không chết. Không nhớ đường về nên phải ở lại trong rừng ăn lá ở cành cho tới khi tôi nhặt được”. Nhưng Mo Vạng lại nói: “Không phải như thằng Thót loan khai, nó là cái Linh mẹ người bố khỉ. Không tin sang bản Phang hỏi bà Thùi xem có đúng thế không? Bà ấy đi lấy rau sắng bị con khỉ đột bắt vào hang đá ở với nó 3 năm, có hai đứa con, con Linh là cả, thằng Trưởng là út. Dân bản Phang khi tìm thấy hang bà Thùi thì cái Linh đang được bố dẫn đi tập trèo cây nên không lấy về được, chỉ được thằng Trưởng. Hơn một năm sau, một người thợ săn bản khác bắn chết bố nó, định ăn thịt cả nó nhưng bà Thùi mang trâu sang chuộc. Nó không thích ở nhà bằng ở rừng đâu, nó theo thằng Thót vì thằng Thót có cái chim to, dài hơn người. Bọn khỉ đột cái, ngày không được ba bốn tí đàn ông thì sướng mấy cũng bỏ đi.” Chẳng biết ai đúng ai sai, chỉ thấy gần như tất cả những chỗ hở ra trên mình bà Linh (tiếng dân tộc Thái tức là khỉ) lông lá vàng xuộm. Bà với ông Thót nói với nhau bằng tiếng mắt, tiếng tay thôi, còn miệng thì như đóng ván. Hôm ông Thót về định cư gần Vách Thưng Trời, phía nguồn bản Lăng Quai, già Lò Nọi tìm đến nhận ông Thót là thằng Thót con ông mất tích ngày xưa nhưng ông Thót bảo, chỉ là giống tên. Dù thế thì bố ông vẫn đi khoe cả bản rằng năm xưa ông Thót vào rừng đánh nhau với hổ tận hai chục năm giời. Đàn ông quả là hão và điêu có điểm có phẩy, ấy vậy mà cả bản vẫn tin vẹo hàm, ít nhất cũng là niềm tin ở tâm linh! 
    Hằng ngày, ông Thót vun trồng khoai sắn với vợ, lúc rảnh rỗi xách súng vào rừng kiếm con gà gô, con cu gáy. Lâu dần chuyện nhà ông trở nên quen cũ nếu không có một hôm, một người thợ ăn rừng Lăng Quai đi núi bị nạn, được ông Thót cứu về. Sau khi nẹp đoạn đùi bị gãy cho anh ta, ông Thót lục tục mang tin dữ xuống núi. Đến bữa ăn trưa, anh ta chứng kiến cảnh bà vợ không ăn chín mà nhai ngấu nghiến tất cả những thứ sống sít của loài linh trưởng. Mười bảy đứa con của ông Thót thì chỉ mười đứa là sau lửa, còn năm đứa kia thực tanh theo mẹ. Ngay lập tức, chuyện ông Thót lấy khỉ lại như ngọn lửa gặp cơn gió Lào bùng lên dữ dội. Người ta khẳng định trăm phần trăm bà Linh là linh trưởng bậc cao. Chuyện bây giờ mới lộ là do ông Thót giấu kín quá. Chưa hết, gã thảo khấu gãy chân được ông Thót cứu từ trên vách núi lưng tầng trời xuống còn bảo, gã tận mắt thấy lúc ông Thót đi vắng, bầy đàn nhà ông giao cấu tập thể. Chuyện nghe thối như cái mồm cả đời không biết súc miệng của gã. Dân bản lại tin vẹo hàm. Hy hữu có người vặn gã, sao không thấy mấy đứa con gái nhà ông Thót mang thai? Gã bảo: “Đồng huyết có mang thế đếch nào được. Không tin các ông thử đè em gái, con gái các ông ra xem nó chửa được không.” Rồi gã lại say sưa kể: “Có một đứa thấy tôi là giống người nên mon men đến gạ. Mới đầu tôi cũng định thử xem cái thứ súc vật nó ra thế nào, nhưng khi vạch lớp lông nách lên, mùi hoi nồng nặc như nước đái hổ, tôi co hết cả vòi vào, chạy một mạch về đây” (gã chạy bằng niềm tin và một cái chân gãy dở). Hàng trăm cái miệng Lăng Quai vỡ toác ra như người ta chẻ tre. Nội dung câu chuyện nào về ngôi nhà ma làm ấy cũng bốc mùi hôi thối. Người nói thối mồm, người nghe thối tai, vậy mà chẳng ai là không hăm hở. Họ kể như một chiến công. Họ nghe như một bài học. Tất tật sấm truyền theo sự phình chửa của cái mồm. Thậm chí sự bốc khoác và điêu ngoa phụ thuộc vào học thức và bằng cấp. Học thức và bằng cấp càng cao bao nhiêu thì sự dối trá của câu chuyện càng đáng kính bấy nhiêu. Đến khi chuyện con khỉ đẻ ra bầy khỉ, ăn tươi nuốt sống, giao cấu bầy đàn… hết hấp dẫn thì người ta lại nghĩ ra một sự hấp dẫn khác, thông qua một loạt các thử nghiệm mang tính chất khoa học hóa dị đoan. Một gã thanh niên giấu con ngoé nướng vào trong vạt áo, rồi đi ngang qua trước mặt mấy cô con gái nhà ông Thót đang làm cỏ nương bông trên sát Vách Thưng Trời. Tối ấy, cũng gã thanh niên kia lên thang nhà ông Thót, nháy mắt về phía các cô gái, rồi lập tức xuống thang xuôi về phía bản. Gần như ngay tức thì, cô con gái út nhà họ Lò tên Lò Thoan lặng lẽ theo sau. Đến ngang dốc Tức Thở, bọn thanh niên bản Lăng Quai xồ trong bụi ra, dùng đòn gánh phang chín nhát vào đầu cô bé. Sau đó chúng còn dùng cậng chuối nướng đánh tiếp chín cái nữa, vừa đánh vừa hô: “Ma xó chết này! Ma xó chết này!”
    Cả ngày hôm sau, ông Thót mới tìm thấy xác cô bé. Ông lặng lẽ chôn con cách nơi nó chút hơi thở cuối cùng 17 bước chân - bằng số tuổi cô may mắn được hưởng dương - chếch về Bắc. Xong xuôi, ông dắt con nghé non xuống nhà trưởng bản Lăng Quai để nộp phạt về tội đẻ ra ma xó, mà trong bụng không khỏi lo cho chín đứa con gái còn đang hơ hớ trong nhà! Lăng Quai sau đó được thành lập hợp tác xã, rồi chuyển đổi cơ chế, rút gọn mấy hợp tác xã nữa trong vùng thành xã. Xã Lăng Quai là xã 135, cách trung tâm huyện lị hơn 60 cây số. Với đồng lương phụ cấp vừa thấp vừa chậm, cán bộ xã bỏ về hàng loạt, huyện phải động viên bằng thóc, ngô, khoai, sắn, dầu, muối… cán bộ mới chịu quay lại nhiệm sở. Ông Thót được xã vời xuống giao nhiệm vụ làm bưu tá, mỗi tuần hai chuyến ra Bưu cục cụm xã lấy thư báo, công văn, điện tín. Chẳng phải ông Thót là nhân vật duy nhất khả dĩ làm được bưu tá mà vì khoản thù lao cho 15 cuốc đi về trên tháng để được hưởng mức quốc phí khoản đãi bằng 5,3 ngàn đồng một lần, cộng thêm 1,3 ngàn đồng dân phí nữa. Đã có cả chục con người thử sức chịu đựng, nhưng ngay trong chuyến đầu tiên vượt qua tiếng thở dài của núi, của rừng và ngót bốn chục cây số cả đi lẫn về của con đường mòn liên xã, đã phải quẳng gánh thư đi khi còn chưa kịp ra tới nơi, vào tới chốn. Ông Thót biết trước cú thắng ngược về kinh tế được các bậc cao nhân ưu tiên cho ấy, nhưng vì nó chính là món nợ đời, nợ bản, nợ mường mà ông, vợ con ông tâm niệm trả, nên cứ lùi lụi đi về như thế hơn 20 mươi năm trời. Khi mà ông đã bước sang tuổi bảy mươi, và khi mà cái thời buổi thông tin hiện đại, bên ngoài điện thoại không dây, thư điện tử, rồi trực tuyến… ngồi nói chuyện cách xa nhau cả nửa vòng trái đất vẫn nhìn thấy cái gầy, cái béo trên mặt nhau; cùng lắm mới phải cưỡi trên lưng con minkhơ phóng như bão giật, người ta vẫn bắt gặp ông Thót cành cạch lội bộ như một cuộc tu tỉnh đời mình.
   
***

Năm Bính Tuất ông Thót chết, hưởng dương 77 tuổi. Cái chết của ông là dấu chấm hết cho câu chuyện bi ai. Nhưng không phải! Ấy là tưởng thế thôi, mặc dù, khi tôi biết ông Thót, vợ ông và rất nhiều người con ông dường như đã biến mất từ lâu. Ông Thót ở với hai người con trai giống người như đúc. Tiếng nói cũng của người. Đi đứng, ăn mặc, thậm chí cả cách thức vệ sinh cũng của người. Cả hai ông anh ấy đều lấy được vợ đẹp, đẻ được con khôn. Nhìn toàn cảnh thì không tài nào tìm ra tàn tích của ngôi nhà quái gở năm xưa đâu cả. Có lẽ nó được mai táng trong cái mà người ta gọi là mồm thiên hạ chăng? Tôi đinh ninh thể nào cũng có ngày tôi đè ông Thót ra mà tra tấn về cái quá khứ chưa chắc đã là của ông (và có lẽ cũng chẳng phải của ai cả), nhưng không kịp. Ông ra đi như chạy trốn tôi, chạy trốn cuộc đời vậy. Tôi còn thật nhớ vào một buổi chiều cuối cùng của tháng chạp năm ấy - ngày mà người ta, dù là lao nông hay quan nhân, kẻ sĩ thì cũng đã sum vầy bên mâm cỗ tất niên, nhưng ông Thót vẫn phải mò mẫn ướt sũng trong màn sương giăng dày đặc trên đỉnh núi Lăng Quai; vừa là đi nốt chuyến công thư cuối cùng trong năm, vừa tìm đến nhà tôi nói là có việc (ông Thót cứ ấp úng gần 2 năm trời mà không thốt cái có việc ấy ra được. Chắc ông muốn hỏi về khoản chế độ bưu tá không bao giờ có... chân đi của ông, là tôi đoán mò thế, chẳng biết có phải vậy không). Thật kinh ngạc cho kỳ công của ông Thót. Tôi đã từng nếm mùi vượt Lăng Quai. Ngay khi vừa xuống đến chân núi, tôi liền quì mọp gối, chắp tay vái lạy nghiêm trang như một lời... vĩnh biệt! Tôi thề trước đôi chân sưng húp của mình rằng, vĩnh viễn không bao giờ quay lại nơi cao thiêng dày độc ấy nữa. Nhất về mùa đông, ngay những người bản ngã cũng ớn tận óc khi nghe tới sương mù chót chạp, bởi nó dày đến nỗi vập mặt vào nhau, chưa kịp nhận ra ai thì gió bấc đã vả tới, kéo tuột khỏi những cặp mắt tối như cổ chai nút lá chuối.
Ông Thót chưa đặt mông xuống ghế đã móc trong tay - một loại túi Thái - khoác trên lưng ra cho dăm bắp ngô nếp, cái thứ mà suốt tuổi thơ tôi đã phải gặm, phải rang, phải xay, phải bung... để mà sống nên quả tình ngán lắm, ngán đến cổ; rồi khó nhọc trình bày: “Biết ngày tết người Kinh thích hoa đào. Khi đi, bố đã leo lên Vách Thưng Trời chặt một cành, nhưng lúc xuống ngã gãy rồi”. Tôi cảm ơn món quà mồm bằng một thái độ thành kính. Tết năm sau, vẫn là chuyến công thư cuối cùng trong năm, ông mang tặng tôi một con chim mà theo ông là rất quý bởi cũng như cành đào, nó là con của núi cấm, rừng thiêng. Con chim có bộ lông xanh biếc, to già nắm tay, không biết hót mà chỉ biết kêu; nó kêu quàng quạc như con vịt mái, đến nỗi làm đứa bé mới sinh nhà hàng xóm vừa vất vả lừa ngủ đã lại bật khóc thét lên, rất phiền. Nhưng con bé nhà tôi lại khớp cạ cái con chim vịt ấy. Nó quý con chim nên chăm lắm, không cho thả càng không cho giết. Ngày ngày đút ăn hết chục ngàn tiền hoa quả ngon (loại chim này chỉ ăn hoa quả), món tiền mà theo điều kiện của gia đình tôi chỉ có thể bớt ra từ tiền ăn sáng của chính tôi và nó.
Còn ông Thót, từ đó đến khi ông mất, mỗi lần gặp ông lại hỏi, vừa to vừa cụt, nhưng tỏ rõ sự quan tâm: “Thế nào?”. Tôi bảo: “Đều tốt đẹp!”. Ngớ ngẩn thật. Tôi chẳng biết ông Thót hỏi cái gì là thế nào, và dĩ nhiên ông cũng chẳng biết tôi đang khen những cái nào đều tốt đẹp!
Chỉ biết hơn hai mươi năm gánh thư trên đỉnh Lăng Quai khổ ải và tàn khốc, ông Thót chưa một lần ốm; bằng chứng là tôi chưa bao giờ thấy xã Lăng Quai - xã 135 kinh niên, hoạt động 100% nhờ chỉ đạo của trên qua công thư - bị… ốm đến liệt giường liệt chiếu cả./

M.A 16.9.2005

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét