Phóng
sự
Mới nghe phong thanh, tỉnh sẽ lại “nhìn mặt”
cây cà phê sau một thời gian dài được coi như một thứ sinh vật bất lợi, vậy là
chỉ trong 3 tháng mùa mưa năm 2007 đã có hàng trăm hộ dân ở 38 bản, thuộc 4 xã,
của huyện Mường Ảng ồ ạt đầu tư trồng tới 279 ha. Tương lai đến đâu còn chờ mức
độ điều chỉnh và thiết thực quan tâm của tỉnh Điện Biên, chỉ biết rằng, hằng
ngày, hàng ngàn con người thuộc diện dưới nghèo, sống nhờ vào những gánh củi,
dẫn đến hủy diệt hàng trăm ha rừng Nhà nước giao cho trông coi bảo vệ, giờ đã
không còn gánh cơm, gánh áo ngoài chợ nữa…
Khúc
chìm một dạo
Ở
tỉnh Điện Biên, cây cà phê đã từng có mặt từ mấy chục năm trước, cốt để thay
thế cho sự sai lầm của nông trường Mường Ảng thời bao cấp. Cùng với 746 ha
cây công nghiệp ten - trẩu, hàng trăm ha cà phê giống thuần chủng (Caturra) do
người Pháp mang sang Tây Nguyên Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ 20, được khuyến
khích kinh doanh trên phần đất vốn tự hào là tự cung tự cấp. Dù giống này năng
xuất cao, chịu hạn tốt, chất lượng thơm ngon, nhưng lại rất mẫn cảm với bệnh gỉ
sắt, khô cành, khô quả; cộng thêm cách chăm sóc bình quân chủ nghĩa và những kỹ
sư được chuyển tay lái vội vàng từ ten, trẩu sang, nên số phận chẳng khác nào
những ha ten, trẩu. Với 1.200 công nhân và 1 nhà máy chiết xuất tinh dầu
mắcten, dầu trẩu có số vốn đầu tư 400 triệu đồng (là một trong hai công trình
trọng điểm của tỉnh năm 1978) nhằm biến 746 ha cây công nghiệp này thành thứ
hàng hóa tận ngọn. Nhưng rồi, sau 36 năm vật vã, cái rừng cây trùng điệp ấy,
nhờ hơi người nần nẫn như những vòng tay, chưa đầy năm sau bị chính những người
công nhân tiến không có đường đến, lùi chẳng còn chỗ về quật xuống, bổ ra, bày
la liệt hai bên vệ đường với giá thành thỏa thuận mỗi xe bốc đi, chỉ cần quẳng
lại vài ba yến gạo, để cấp cứu cấp tốc cho cái dạ dày đang sôi lên vì… giận(!)
gần ngàn con bò sinh sản, bò thịt… thì dễ giải quyết hơn vì là đồ ăn liền, còn
cái nhà máy một thời vênh vang mày mặt, mà lại chỉ đem về những kho dầu ta-nanh
nằm chình ình quỵt lương công nhân hết năm này sang năm khác đã phải nhờ đến
những người có trách nhiệm, do một phút lơ là với bản thân nên biến thành những
tay đồng nát lúc nào không biết, mổ xẻ, cắt đụng ra thành trăm mảnh.
Đến
đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, cà phê Việt Nam bỗng giành được vị trí thứ 2
trên thị trường Thế giới. Tin người nông dân Tây Nguyên một vụ thu cả tỷ bạc,
khiến những tân chủ nhân ngành cà phê Điện Biên sốt vó khởi động lại vùng đất
chết, mà các lãnh đạo tiền nhiệm đã mạnh dạn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Một hoạch định chiến lược được tung ra, dựa trên cơ sở đánh giá “vùng nguyên
liệu thuận lợi và an toàn” thông qua những nghiên cứu: thổ nhưỡng, khí hậu,
giống, giá thuê nhân công và một đầu ra lý tưởng bên kia bán cầu. Với chính
sách được coi là hiệu quả từ nguồn vốn 135 Chính phủ, ODA, AFD… của các tổ chức
quốc tế nhanh chóng được quy ra phân, giống… cho nông dân vay không lãi. Năm
1996, đơn vị chủ quản là Công ty cây công nghiệp Điện Biên (nay là Công ty TNHH
cây công nghiệp Điện Biên, gọi tắt là Cty) tiến hành quy hoạch, chia đất, ký
hợp đồng 50 năm, rồi đưa một giống cà phê chè mới, ưu thế cao vào sản xuất với
cam kết bao tiêu sản phẩm chắc như dao chém đá. Chứng kiến sự khai sinh của cái
nhà máy chế biến có công suất đồ sộ 1.200 tấn/năm, hàng trăm hộ dân ở Mường Ảng
sau những va đập và đói kém của biến cố cơ chế khi mới bị giải thể, đã chút hết
ngần ngại, bảo nhau: “Chẳng mất gì của bọ, cứ làm thử, nếu chẳng may được
thật thì giàu mình chứ giàu ai”. Do có chính sách tích cực nên chỉ 3 năm sau,
Điện Biên đã có tới 400 ha cà phê, trong đó hơn 367ha được trồng bởi 240 hộ dân
ở Mường Ảng.
Buồn
một nỗi, cây cà phê vừa mon men vào kinh doanh đã vấp ngay phải sự trở mặt của
những người có trách nhiệm. Vì lý do thị trường biến động bất lợi, Cty
buộc 231 bản hợp đồng (9 hộ không năm trong vùng quản lý của Cty) phải bán sản
phẩm cho mình với cái giá mà người nông dân vĩnh viễn không có lãi (6 - 7 ngàn
đồng/kg cà phê trấu). Đã thế còn cấm không cho bán ra ngoài, mặc dù có là gấp
2, gấp 3 giá Cty đưa ra(?) Chiếc cọc cứu đuối duy nhất là cái nhà máy chế biến
của Cty, hàng chục năm liền chỉ làm một chức năng là cho mấy bà bật bông phơi
chăn, đệm và để người ta vẽ vòng số 8 luyện, thi lái mô-tô. Cái lạ ở chỗ, Cty
luôn mồm khóc lóc rằng làm không có lãi. Xin tiết lộ, ở Mường Ảng có anh xe ôm
tên Lương Văn Kha, với hai bàn ta trắng, năm 1999 anh vay ngân hàng được 10
triệu, cộng khoản tiền bán chiếc xe ôm 2 triệu rửa, anh lẩn vào “mua lậu” cà
phê do những hộ không chịu nổi giá Cty, lén lút bán ra vài tạ một. Ngay vụ
2000, anh Kha đã lãi tới 200 triệu, sang năm sau anh mở xưởng chế biến, mua xe
“4 chân” tải trọng mấy chục tấn, rồi học lái, rồi chạy xuyên Bắc-Nam. Hiện,
ngoài số vốn ngót chục tỷ đồng, anh còn có hàng chục ha cà phê và sở hữu ngôi
biệt thự làm tươi mắt cả những người giàu có nhất. Về phía Cty và ông Giám đốc
Trần Nhuận, ngày 17.3.2003 bị cơ quan điều tra công an tỉnh Lai Châu (cũ) khởi
tố vì tội tham ô 380.676.874 đồng; thuế trốn trong vòng 5 năm (1998 - 2002) lên
tới 239 tấn thóc, và 1.300 triệu đồng thất thoát do quản lý trái quy định…
người ta mới ngớ ra cái sự làm và sự ăn của tập thể này. Lạ thật! Một Công ty
Nhà nước có tư cách pháp nhân, có cơ chế, với đầy đủ thế mạnh, có nhiều tỷ đồng
tiền vốn, nguồn nguyên liệu lý tưởng, cùng một đội ngũ 727 công nhân lành nghề,
được đào tạo bài bản và, được đầu tư một nhà máy chế biến có công suất đồ sộ
1.200 tấn/năm… nhưng lợi nhuận cuối cùng chỉ bằng 1/13 anh tư thương ở Mường
Ảng có trình độ quản lý “chạy xe ôm”, với tổng đầu tư là cái máy cành cạch,
được “tam sao” từ chiếc công nông, có công suất thiết kế… 6 tạ/giờ(?) Niềm hy
vọng vàng của người dân bị xúc phạm. Để xoa dịu và tạo nhịp tim sau khi Cty ốm
què ốm quặt, ban lãnh đạo mới nhanh chóng thông qua quyết sách, phần nào cứu
rỗi vùng nguyên liệu lớn không dễ gì có được sau nhiều năm ở Mường Ảng, khi mà
đã nhiều ha đã chịu cảnh ngổn ngang gốc rễ, la liệt lá cành. Đó là cho phép 231
bản hợp đồng kinh tế của Cty được bán sản phẩm ra ngoài, chấm dứt cảnh bị Cty
định giá (theo cái kiểu cốt để nông dân đừng bán được cho mình). Một quyết sách
về lý thuyết có thể gây thất vọng cho bất kỳ ai, nhưng trong trường hợp này,
thậm chí người ta nhảy cẫng lên vì được mùa và vì được bán. Tư thương len lỏi
vào tận bãi thỏa thuận với giá cao hơn, đại trà hơn và thông cảm hơn. Không trừ
quả xanh, quả lép, quả ép; đỡ mất công lọc, đỡ mất công chở và cả công chờ…
Nói
là giá cao, nhưng vì năng lực Cty lớn như… bản kế hoạch vĩnh viễn nằm trên bàn
lãnh đạo, nên bỏ mặc sản phẩm của mình cho tư thương mặc sức… “thòng lọng”. 1kg
cà phê quả chỉ được mua với giá 1-1,5 ngàn đồng, tương ứng với 7- 8 ngàn/1kg cà
phê trấu. Từ đó, 240 hộ dân luôn chịu cảnh lao đao với những kho cà phê nằm đắp
dấm, đón những tay… lái chè vào dề môi dài như gióng cổng rồi
quay ra. Một dạo, nghe nói có 2 “sứ giả” của 2 Cty ở đâu đó trong Tây Nguyên ra
hợp đồng mua với giá cao gấp đôi giá tư thương ép, vắt. Lập tức 2 người này
“được” lôi vào chỗ kín và “bị” dúi vào tay 200 triệu đồng với một lời đề nghị:
“Không nhúng mũi vào!”. Theo phân tích vụ ấy, tư thương đang mua 8 ngàn/kg, Cty
Tây Nguyên làm hợp đồng 15 ngàn/kg; như vậy, vùng nguyên liệu Mường Ảng trên dưới
1 ngàn tấn, đem nhân với 7 ngàn tiền chênh lệch, trừ chi 200 triệu đuổi cạnh
tranh, vẫn rơi vào túi tư thương ngót 7 tỷ đồng(!)
11
năm trồng (1996 - 2005), chăm sóc và kinh doanh. Trừ mỗi đầu ra, còn mọi thứ vô
cùng suôn sẻ. Không có sương muối. Không phải tưới. Giá thuê nhân công rẻ. Chất
lượng được xếp vào hàng đặc biệt (biên độ nhiệt độ chênh lệnh giữa ngày và đêm
lớn nên chất lượng rất thơm ngon). Người ta bỗng nhớ lại những năm 1987-1993,
thảm họa cơ chế khiến nhà nhà rơi vào bi cảnh đói đến mất mạng khi khăn gói
bươn đi khắp vùng, gặp gì ăn nấy: phu hồ, xẻ gỗ, đập đá, phá mìn, đào vàng, đãi
cát... Trước chết dở bởi cái gập ghềnh chính sách, giờ tiếng là vùng kinh tế số
1 của tỉnh thì lại chết thật vì cái cuộc chơi cơ chế thị trường. 367 ha đã cho
thu hoạch (cà phê kinh doanh) đầu tư kém mỗi năm cũng đạt trên 1 ngàn tấn cà
phê trấu. 7- 8 năm liền bán với giá bình quân 7- 8 ngàn đồng/kg, 240 hộ đến kỳ
Cty đòi vốn, đã phải vay lãi ngân hàng, vay lãi đầu nậu để trả nợ và để đầu tư
cho cái thứ cây “kháng thương lái”, nên ngày càng nợ nần chồng chất. Đến mức,
ngân hàng NN&PTNT Mường Ảng nhiều lần được các “khế ước” tình nguyện trả cả
gốc lẫn lãi bằng cà phê, bằng trang trại… nhưng vẫn thà để nợ xấu còn hơn ôm
vào như rơm rặm rốn. Ngân hàng thì thế nhưng đầu nậu lại khác. Những cuộc bủa
vây, xiết nợ cả tình nguyện lẫn cưỡng bức, liên tục xảy ra như những câu chuyện
thời sự trong ngày. Những ha cà phê tốt lụt trời, được cả nhà, thậm chí cả họ
vun vén, chăm chút và rót vào đó hàng trăm triệu đồng, thì lại chỉ được rao bán
vài ba chục triệu, mà vẫn ế dài ế rạc. Nhiều gia đình như anh Hoàng Thế ở Hà
Tây, Nguyễn Phương ở Hải Dương, Lương Hùng ở Hưng Yên… bán ruộng, bán nhà bồng
bế nhau lên Mường Ảng, nhận đất đầu tư. Kết quả là sau 5 năm phải bán tống bán
tháo nhằm lấy lại một chút vốn còm rồi chuyển nghề sang làm đậu nuôi lợn, buôn
kem, bện chổi... Ai cũng bảo nông dân kém nhìn, kém tính. Có một dự án do tỉnh
đoàn Lai Châu (nay là Điện Biên) xây nên với hàng trăm triệu đồng, cho vài chục
thanh niên ưu tú kéo nhau từ khắp nơi về, trồng như được cho không nhiều chục
ha, rồi gọi là “Làng thanh niên” đóng tại khu vực C2, thuộc xã Ẳng Nưa - Mường
Ảng. Chưa đầy 3 năm, dự án này tự do tan rã, người ta bán tống tiễn khoản của
Nhà nước giúp đỡ, để thu hoạch, rồi cũng như nông dân, “bay cao nào, nhảy cao
nào”…
Chỉ
còn chờ chính sách
Theo
tổng hợp của Phòng Kinh tế huyện Mường Ảng hồi đầu năm 2007, diện tích cà phê
vẫn còn tụt trên 20 ha, mặc dù có tới 4 vụ liền, giá 1kg cà phê trấu có khi lên
tới 27 ngàn, tức mỗi ha có lãi từ 5 đến 7 chục triệu. Như ông Đặng Văn Càn,
trạm trưởng Trạm cây công nghiệp của Cty tại Mường Ảng thì vài năm trước, do
người dân đã có của ăn của để nên trồng lại khoảng trên 50 ha, chính xác số bị
đốn làm củi phải là trên 70ha. Thuận lợi thế, nhưng vì bơ vơ nên nông dân vẫn
không khỏi bị những cú mất bất ngờ do trượt giá. Từ năm 2004 trở lại đây, giá
tại bãi lên 22-23 ngàn đồng/kg; chỉ một vụ 2004, 40-50% số hộ nợ thuế, vay vốn
ngân hàng… đã thoái nợ. Vụ cà phê 2005, 2006 quả là trời cho, người dân vốn lam
lũ, nợ nần sấp mặt được dịp lấy lại những gì đã mất. Không những cà phê được
mùa nhất từ trước đến giờ, quả lại mẩy, hình thức đẹp và “đẹp” nhất vẫn là giá
bán ra. Chưa thu ráo mà vùng nguyên liệu hơn ngàn tấn cà trấu đã “cháy” lan đến
cả… gốc cây. Cty khi ấy tung ra cho hơn 200 bản hợp đồng của họ một điều kiện
đầy tính thương mại là nếu ai không bán sản phẩm cho Cty sẽ không được cho vay
phân, cũng như một số quyền lợi khác. Vừa bước vào đầu vụ 2006, Cty làm một
động tác như thể cảnh cáo mọi sự tranh giành của đối phương là chủ động đưa ra
giá mua tới 25.000/kg, và vẫn như năm trước, áp đặt điều kiện cốt để không bị
“mua tranh bán cướp”. Tuy nhiên sau đó, khi mà cơn sốt giao dịch cà phê ảo trên
mạng có phần lắng xuống, các tổ chức, cá nhân có năng lực tích trữ cà phê
chuyển từ “cần làm ngay” sang “cân nhắc kỹ” thì bỗng dưng Cty cũng… vẫy tay
chào.
Và,
vẫn với cách làm cũ rích là thông báo cho công nhân biết thời điểm mua cà phê
của Cty kéo dài vẻn vẹn… 3 ngày, nếu ai không kịp bán, tức là không… bán kịp.
Đánh kiểu ấy thì giá cà phê và cả nông dân… rơi tự do là phải. Chúng tôi đến
thăm nhà anh Hoàng Văn Hoàn, làm 5,5ha cà phê tại khu vực C1, được anh cho
biết: “Gần chục năm làm cà phê thua lỗ, năm ngoái được giá vừa trả xong nợ, năm
nay thấy Cty cả quyết phải bán giá cao cho họ, mừng quá vay ngân hàng xây nhà,
mua xe máy, ai ngờ họ “văn nghệ” với mình một tí cho vui thôi. Còn 2 cái ông
Công ty Thái Hòa và TM Cát Quế Hà Tây phải gió gì ấy, mỗi ngày vào trả 1 giá,
nhưng mà là hạ đi. Kiểu này, đành phải ra bảo ngân hàng xem họ có bắt nợ
không?”. Chúng tôi len lỏi vào các trang trại sâu hơn, nhiều hộ vẫn còn nguyên
không khí hân hoan của một mùa bội thu: “Trước đây lỗ 2 - 3 mươi triệu mỗi vụ
(1ha/năm), giờ lãi 4 - 5 chục triệu/năm, liền 3 - 4 năm rồi mà vẫn thấy tươi
rói, vẫn thấy lạ tai…”. Bên cạnh đó còn một số hộ như ông Phạm Văn Quyền ở C2;
anh Nguyễn Văn Khuynh ở khối 7; chị Nguyễn Minh Duyên ở C3… và còn rất nhiều
nữa (khoảng 1/3 bán trượt giá) không tư vấn, không bảo lãnh, bán vội mất 5 - 6
chục triệu, có hộ mất tới hơn 100 triệu. Ông Phạm Văn Q. vì tiếc cho số tiền bị
mất và tiếc cả cho phận thiếu may “làm mãi mà chẳng nên giàu” đã phải đi cấp
cứu mới qua khỏi… cơn “đột quỵ tiền”. Tuy nhiên, đấy là những giọt nước mắt
tuôn ra, minh chứng cho sự đổi đời đang đón đầu ở phía trước, chứ không như
những giọt nước mắt trước đây chỉ còn mỗi một quầng thâm mịt mùng, vô định,
không có lối thoát. Nhưng, cũng nhờ có một dạo cà phê rơi rớt mà là cơ hội cho
người nghèo như chị Phạm Thị Cam, khối 5, đấu thầu được gần 2ha lúc cà phê bi
đát nhất, và vì thế mới nuôi được 2 con học đại học, 1 lại sắp cắp sách về thủ
đô. Hay như anh Bùi Văn Tuân, khối 8, sau những tháng năm đen tối bởi ma túy,
đến khi người nhà bán chịu cho một trang trại cà phê, vừa tách được môi trường,
cai được nghiện; vừa vực lại nền kinh tế vay, xin nên giờ đã trở thành triệu
phú với tổng tài sản cố định lên tới 8 - 9 trăm triệu đồng…
Việc
Việt Nam gia nhập WTO, theo nhiều chuyên gia uy tín ở Trung tâm nghiên cứu
cây cà phê Ba Vì, Tổng công ty chè, cà phê Việt Nam… thì từ nay, sản phẩm cà
phê nước nhà chấm dứt thảm cảnh bị xử ép, không phải đi qua nước thứ 3, thậm
chí thứ 5, thứ 6… có nghĩa là sẽ được bán tận ngọn. Hơn thế, cây cà phê chè
Mường Ảng nói riêng, cà phê chè Tây Bắc nói chung chưa bảo vệ được thương hiệu
nên chưa có giá riêng; cộng với việc giá cà phê Việt Nam chưa đạt mặt bằng
chung nên dù giá mua vào trên thị trường Thế giới có giảm thì cà phê nước mình
vẫn tăng gấp 2 - 3 lần nữa. Ba cái mừng ấy, cộng thêm cái mừng thứ tư đối với người
trồng cà phê Điện Biên là tháng 9 này, Sở NN & PTNN Điện Biên tổ chức hội
thảo, gồm có UBND huyện Mường Ảng, Công ty TNHH cây công nghiệp Điện Biên, Công
ty sản xuất và thương mại Thái Hòa tham gia, nhằm mở ra một hướng mới cho cây
cà phê và, cho người dân nghèo không có khả năng đầu tư mở rộng. Nếu thành
công, thứ cây này sẽ trở thành cây vàng cây bạc. Nhất là đầu ra cho sản phẩm.
Một hợp đồng mang ý nghĩa lương tâm sẽ giúp cho sản phẩm của nông dân, cũng
giống như được vào WTO, không bị xử ép, không phải đi qua tay ai…
Như
đã biết, nhà khoa học và nhà nông đã gặp nhau hơn 10 năm nay thông qua cây cà
phê trên đất Mường Ảng. Hiện tại, nói là nông dân Mường Ảng đã áp dụng triệt để
khoa học kỹ thuật để sản xuất thì chưa thật đúng, nhưng việc kinh doanh tiến bộ
đã khác hẳn xưa, kể cả giống cũng đã được Trung tâm nghiên cứu cây cà phê Ba Vì
cung ứng đúng chủng loại, phù hợp với chất đất và tạng khí hậu tiểu vùng. Ngay
từ năm 1986, nông dân Mường Ảng đã có trong tay toàn bộ giống cà phê chè mới,
ưu thế cao, chịu rét, chịu hạn, dễ chăm sóc và cho năng suất vượt trội có tên
là Catimo (sản phẩm lai tạo giữa cà phê chè Caturra và cà phê vối Mundonovo).
Và cho đến nay là Catimo F6 - giống hoàn hảo và được ưu tiên số 1 trên toàn
lãnh thổ Việt Nam .
Như vậy, đã có 2 Nhà là nhà khoa học và nhà nông, gần đây Nhà nước cũng vào
cuộc với những chính sách hỗ trợ thiết thực, mặc dù vẫn còn nhiều việc phải
bàn. Vậy chỉ còn nhà Doanh nghiệp (DN), mong muốn xuất hiện nhưng còn chưa được
tạo điều kiện. Theo tôi được biết, ngay từ năm 2005, Công ty sản xuất và thương
mại Thái Hòa đã trình UBND tỉnh Điện Biên, UBND huyện Tuần Giáo (nay là Mường
Ảng) đề án phát triển chiến lược, có chiều sâu, giúp người nông dân nghèo không
có khả năng đầu tư ở hai huyện Mường Nhé (2.000 ha), Mường Ảng (1000ha) được
làm chủ trên chính mảnh đất của mình theo hình thức BOT (tức là DN đầu tư trong
1 thời gian nào đó rồi trả cả đất, cả tài sản trên đất cho nông dân). Cụ thể sẽ
là, DN đầu tư 90 triệu/ha (gồm cơ sở hạ tầng chế biến: 25 triệu; giống, phân;
công làm đất, chăm sóc… 65 triệu), chia thành 3 giai đoạn chính. Từ lúc trồng
mới đến năm thứ 6 - đây là thời gian kiến thiết cơ bản, và những năm đầu thu
sản phẩm, DN bỏ vốn 100%. Từ năm thứ 7 đến năm thứ 10, giao cho hộ dân (nếu là
đất của Nhà nước giao 1ha/hộ) DN đầu tư tất, dân chỉ chăm sóc, thu hái, sản
phẩm ăn chia theo tỷ lệ DN 60%; hộ dân 40%. Năm thứ 11 trở đi, DN 50%; hộ dân
50%. Tỷ lệ ăn chia thay đổi: DN 30%; hộ dân 70% nếu hộ dân đầu tư phân bón… Tuy
nhiên, sự thể ra sao còn phải chờ kết luận của hội thảo tháng 9. Hy vọng, một
cuộc hội ngộ hoàn hảo của 4 nhà được thiết lập, và như thế, chấm dứt được cảnh
người có tiền thì không có đất đầu tư, người có đất thì để đất trôi đi theo sự
lãng phí muôn đời. Để có việc làm, người dân thậm chí đã phải bán đất đi và
biến nhà mình thành những trung tâm “xuất khẩu” lao động mà còn lâu mới cần bàn
đến… uy tín: “Có sức khỏe nhanh nhẹn và bất chấp đêm ngày”. Theo thống kê tin
cậy của ngành kiểm lâm, rừng Điện Biên nói chung, Mường Ảng nói riêng cơ bản bị
phá làm nương và chặt củi bán. Gia đình chị Đặng Thị Khuyên, khối 7 thị trấn
Mường Ảng, vụ 2007 đầu tư trồng mới 7ha tại khu vực Bản Bua, xã Ẳng Tở (Mường
Ảng) cho biết: Chỉ tính riêng công phá hoang, đào hố, ủ phân, tạo đường đồng
mức, trồng… dân Bản Bua đã làm cho chị ngót 3.000 công lao động. Nói như ông
Quàng Văn Nhật, trưởng Bản Bua là 75 triệu đó (3.000 công x 25.000 đồng/công)
mà quy ra củi thì dân bản phải phá đến 10ha rừng trồng (bản Bua là bản phá
nhiều rừng nhất xã); ấy là còn chưa nói đến ngót 5 chục ha cà phê “bao tiêu
nhân công” trên địa bàn bản.
Nhìn
thấy rồi, lại cầm chắc đồng tiền trong tay rồi, những người có lực đã tự tìm
cách bổ sung diện tích vào quỹ tài sản khổng lồ 5 - 7 ha cà phê kinh doanh hiện
có. Trong số đó phải kể đến Gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc, khối 4, với hơn 5 ha
cà phê kinh doanh và 12ha cà phê mới trồng 2006 cũng đã bắt đầu cho quả. Dự
đoán tốt lành rằng, bắt đầu từ vụ 2008, nếu cứ giá ấy, đà ấy thì nhà chị Ngọc
sẽ có doanh thu 7 - 8 trăm triệu/năm. Sản lượng cà phê nhiều nhất Mường Ảng
hiện nay phải nói đến gia đình anh Phùng Bá Năm, khối 7, vụ 2006 vừa rồi anh
thu hơn 20 tấn cà trấu. Không dừng ở con số tài sản cố định trên 1 tỷ đồng từ 7
ha cà phê kinh doanh (trung bình mỗi ha cà phê đã cho thu hoạch, có giá 250
triệu đồng), khi nghe tin Nhà nước có chính sách mới cho cây cà phê, anh đã
mạnh dạn đầu tư thêm hơn 30 ha nữa, để tăng thêm thu nhập cho mình và công ăn
việc làm cho dân làm thuê thời vụ. Cùng với chị Ngọc, anh Năm… còn có hàng trăm
hộ dân nữa ở 38 bản, thuộc 4 xã, của huyện Mường Ảng, ngay trong vụ trồng mới
2007 này đã tiến hành khoanh đất, phá hoang, đào hố, ủ phân… lên tới 279 ha.
Tuy nhiên, Đây chính là điểm bất cập lớn nhất giữa chủ trương và thực tế. Trong
Quyết định QĐ - UBND số 18, ra ngày 9.8.2005 của UBND tỉnh Điện Biên về việc
ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất Nông - Lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh,
là đầu tư 50% giá giống trồng mới, 50% lãi xuất theo định mức 8 triệu/ha/năm,
trong thời hạn 3 năm cho người nông dân; nhưng chỉ khống chế ở mức hỗ trợ hàng
năm cho trồng mới không quá 50 ha (ở Mường Ảng là 40ha/năm). Song Trên thực tế,
theo khảo sát bước đầu của cán bộ dự án Phòng kinh tế huyện Mường Ảng cho thấy,
người dân đã triển khai trên quy mô lớn gấp 7 lần kế hoạch tỉnh giao. Nhận xét
về việc này, phó trưởng Phòng kinh tế huyện Mường Ảng Ngô Cương Quyết khẳng
định: “Sẽ phải có ít nhất 150 ha được người dân tự đầu tư, trồng hoàn chỉnh vì
chính tính kinh tế của nó”. Cũng theo anh Quyết thì Phòng cố gắng tuyên truyền,
vận động nhân dân không vì hỗ trợ của Nhà nước mà kìm hãm sản xuất, nông dân
hãy phát huy tất cả những điều kiện có thể để phát triển. Qua đó anh đề nghị,
chính sách có rồi, điều kiện đầu tư phù hợp rồi, chỉ còn hỗ trợ là quá ít nên
mong muốn tỉnh nâng diện tích lên cho phù hợp với thực tế. Bởi, phần đông nông
dân đã đăng ký trồng, hiện không giống, không vốn, không phân bón, không thuốc
bảo vệ… ngoại trừ tinh thần và ý chí thì đang rất sẵn sàng.
Thiết
nghĩ, các nhà hoạch định chiến lược nên quan tâm đến chỉ tiêu từng được đưa vào
nghị quyết, phấn đấu Mường Ảng phải đạt con số 1.000ha đến năm 2010. Hãy làm
một phép tính đơn giản, hiện tổng diện tích cà phê Mường Ảng là 348 ha, vậy 3
năm còn lại buộc phải phát triển trên 200ha mỗi năm mới mong hoàn thành nhiệm
vụ. Còn nếu khống chế ở mức không quá 40 ha/năm, thì phải mất 15 năm nữa Mường
Ảng mới biến nghị quyết thành hiện thực; mà có thể, đến lúc ấy, thời vận của
cây cà phê đã lôi số phận của người nông dân khác đi nhiều rồi. Một điều tất
yếu mà ai cũng biết, cây cà phê là cây của người giàu, không có 50 triệu/ha
không trồng được. Những nông dân có đủ điều kiện thì đã phát huy hết, số còn
lại chỉ là người nghèo, nếu không có chính sách trợ giúp, họ sẽ quay về với cái
“thế mạnh” nghèo đói bao năm nay chưa xóa được. Thấu đáo điều này, hy vọng UBND
tỉnh và các ngành chức năng sớm xem xét, điều chỉnh lại kế hoạch, bổ sung kịp
thời kinh phí hỗ trợ dựa trên diện tích cà phê thực trồng trên địa bàn toàn
tỉnh. Có như vậy mới mong tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo sản xuất.
Rồi
đây, cùng với 348 ha cà phê tốt bời bời như cỏ, hàng ngàn ha nữa làm nên một
màu xanh tươi tốt cả về ý nghĩa sinh học lẫn nguồn lợi ích áo cơm. Vì như vậy,
không chừng Mường Ảng lại được trả lại cái tên “Thung lũng tiên” một thời rợp
xanh ten, trẩu. Điệu làn thảm từ các tích chèo cổ nổ tiếng xưa nay: “luyện 5
cung”, “lới lơ”, “sa lệch bằng”... mượt mà, duyên dáng lại có dịp vọng về từ
ngàn cây và từ những công nhân kiêm văn công, cất lên nhằm làm ấm vào từng tấm
lưng và no vào từng khúc ruột./
Mường Ảng, mùa cà phê chín 2007
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét