28 tháng 2, 2013

BẢN LÀM… HỘ


Phóng sự


    Cả bản hành nghề… làm hộ! Thoạt nghe cứ tưởng dư giả rồi thì làm từ thiện, hay đại loại một việc tốt nào đó của những tấm lòng tốt, nhưng không phải thế. Làm hộ là cốt để cái bụng khỏi đói, cái lưng khỏi lạnh, và bọn trẻ con khỏi thất học… 
     Nghèo như bị trời hành
      Cuối vụ, đến Cha Cuông (xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên), mặc dù hương lúa vẫn còn sót lại đâu đó trên các vật dụng tre nan truyền thống, nhưng dường như ở các mâm cơm chỉ còn có sắn. 100% dân số Cha Cuông là người Khơ Mú, (có nơi gọi là Xá Cẩu, Mứn Xen, Phu Thênh, Tênh, Tày Hạy) - cả nước chỉ có  43.000 người, phân bố ở Nghệ An, Thanh Hoá, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Yên Bái. Cho đến nay, người Khơ Mú gần như vẫn trung thành với hình thái kinh tế nương rẫy (ngô, khoai, sắn). Hái lượm và săn bắn cũng từng giữ vị trí quan trọng trong đời sống ưa thích du canh du cư. Mặc dù hiện nay, chất lượng cuộc sống và dân trí của người Khơ Mú đã được cải thiện, đã định canh cư, nhưng vẫn chưa thoát khỏi tư tưởng phó mặc, nhờ trời và số phận… nên năng suất cây trồng không được cải thiện, nhà cửa tạm bợ, đồ đạc ít, không có nghề truyền thống, trừ đan lát.
      Chỉ cách trung tâm xã 2,2km, cách trung tâm huyện lị 4,2km nhưng suốt mấy chục năm qua, Cha Cuông vẫn chưa thoát ra khỏi vạch xuất phát đói nghèo. Đứng từ trên núi Pú Tỉu nhìn xuống, Cha Cuông phơi ra như một dúm cỏ khô được ai đó rắc trên khoảnh đất rộng chừng 3 cái sân vận động. 58 hộ, 377 khẩu, sở hữu 12 ha ruộng, 17,5 ha nương lúa, ngô… mỗi năm thu về 72.800 kg; quy ra bằng 56.291đồng/người/tháng. 51 tấn săn/diện tích 8,5 ha còn lại, được coi như sự “no ấm” duy nhất, thiếu đâu thì đi “làm hộ”. Theo trưởng bản Lò Văn Thắng, hằng năm, bình quân mỗi gia đình ở đây “đói sắn” chừng 4 - 5 tháng. Từ năm 2006 trở về trước, Cha Cuông còn quản lý 76 ha rừng tái sinh diện Ia, Ib... nên cái đói cũng được an ủi phần nào nhờ những cành cây khô, những thân gỗ không khi nào kịp lớn. Từ 2007, để có tiền sửa nhà, chữa bệnh, mua gạo cứu đói... 36/40 chủ rừng nhanh chóng chuyển nhượng 65 ha được Nhà nước giao quyền trông coi bảo vệ với giá từ 2 - 5 triệu đồng/ha cho người ngoài phá đi, trồng cây công nghiệp (ảnh 1). Vẫn biết nhờ có khu rừng đó mà con nước Pú Tỉu duy nhất của bản mới róc rách được về mùa khô…
       Nghèo nhưng vẫn chỉ thích... làm hộ
      Đói thế mà Cha Cuông vẫn bình chân như vại. Đã vài năm nay, ngót ngàn ha cà phê quanh huyện luôn khát lao động, nhưng người dân Cha Cuông vẫn “xấu hổ người ta” không chịu đi làm. Kiếm việc lúc nông nhàn để vun vén cái no, cái ấm được coi như nỗi xấu hổ của nhà, của họ, của bản. Chúng tôi từng đóng vai những chủ nông trại cà phê vào Cha Cuông tìm thuê nhân công. Cả bản ngồi chơi không nhưng vẫn nguây nguẩy từ chối. Lê la cà gạ từ đầu đến cuối bản, rốt cuộc cũng nhận được cái gật đầu của nhóm thanh niên Lò Thị In, Lò Thị Tìn, Lò Văn Tịn... với điều kiện phải vác nông cụ cho họ, còn họ thì vận những bộ quần áo đẹp nhất để ngụy trang, sao cho thật giống người đi hí cảnh.
      Làm thuê thì… chê, nhưng làm giúp thì sẵn sàng! Hầu hết, họ được những bản dân tộc Mông lân cận “mời” lên làm giúp nhà, làm hàng rào, chuồng gia súc, thu hoạch lương thực... với phương thức “nuôi cơm, tặng quà”, khi là con gà, con chó, lúc cả một con lợn béo… thế nhưng quy ra tiền công thì ôi thôi, làm... hộ! Chúng tôi tìm đến gia đình anh Lò Văn Ơn (ảnh 2), cả 6 khẩu nhà anh đều có nghề “làm giúp” như thế. Sau gần 10 ngày biền biệt anh Ơn mang về cho con được 30 kg thóc. Anh bảo, ngoài cơm nuôi (chủ yếu là cá khô và đậu phụ), chủ nhà tặng anh 2 kg thóc cho mỗi bao (40 kg) anh vác vượt qua 4 quả đồi từ nương về nhà: “Quà anh bạn người Mông tặng đấy, không phải trả công đâu. Trả công là xúc phạm người Khơ Mú(!) Anh cho biết thêm, 5 triệu tiền nhà nước hỗ trợ tấm lợp tiêu hết rồi, dự định đi làm giúp người Mông, lúc về họ cho nhiều nhiều, bù dần cũng đủ. Thế nhưng, cứ như thế này thì lại xin Nhà nước hỗ chợ lần nữa, may ra…
      Có khi đi “làm hộ” cả tháng, lúc về chủ nhà gói cho một nắm xôi, cân thịt và vài bát gạo gọi là chút quà về “đón” bọn trẻ. Vợ ở nhà cũng “làm hộ” quanh những bản gần, chờ đỏ mắt, có khi chồng về mà áo chẳng lành, chân… mất dép. Anh Lò Văn Khôn, sau 15 ngày đi xẻ hộ một người Mông ở bản Thổ Lộ, khi về vác theo duy nhất một tấm gỗ. Vợ anh bảo sao không xin con gà, con lợn để mang ra chợ bán, đỡ đần khoai  sắn. Anh Khôn ngậm ngùi: “Nhà nó đói quá, nhìn mà thương”. Chị vợ phàn nàn: “Làm gì đói hơn nhà mình. Hai tháng nay chưa được một bữa cơm. Hôm qua ông anh sang thăm, cho 5 ngàn, đi bộ ra chợ mua được 2 lạng thịt ép (tóp mỡ) mới được gắp theo một miếng. Ngày thường, sắn đồ, rau lượm (rau rừng)”. Sốt ruột vợ nói nhiều, anh Khôn động viên: “Đi làm hộ, ăn sướng, tăng hẳn 5 lạng đấy” (!)
      Theo anh Lò Văn Dên, chủ tịch UBND xã Ẳng Tở - một người con của bản, thì 100% hộ dân ở đây phải đi “làm hộ” như vậy trên khoảng 2/3 thời gian trong năm để lấy cái ăn, cái mặc, cái học, và cái… khỏe. Đang trong cơn xúc động trước những hoàn cảnh như gói trong bọc đói ở Cha Cuông, thì chúng tôi mục sở thị việc anh cán bộ ngành điện huyện Mường ảng vào thu điện phí. Hệ thống điện lưới quốc gia đã vào đến đây vài năm, nhưng lượng tiêu thụ điện cả bản cộng lại không bằng một hộ ngoài thị trấn. Có đến 3/4 số hộ tiêu thụ điện dưới 7.000đồng/tháng; 2/4 dưới 5000đồng/; 1/4 dưới 3000đồng. Thậm chí có những nhà, như bà Lù Thị Nỡi, ông Lò Văn Xuân, ông Lò Văn Choi... tháng nào tháng nấy tính cả thuế GTGT mà vẫn không quá 1.815 đồng (ảnh 3). Số tiền chỉ có thể mua được 1/3 mớ rau ngoài chợ thị trấn, vậy mà anh cán bộ điện lực dăm lần bảy lượt vào ra, cuối cùng phải nhờ trưởng bản thu hộ...
  Những chuyện chỉ có ở Cha Cuông
   Kể từ khi có các chương trình 135, 134 và 135 giai đoạn 2 của Chính phủ, trong vòng vài năm, Cha cuông có 40 hộ được Nhà nước hỗ trợ tấm lợp, trong chương trình xóa nhà tạm. Riêng năm 2007, có 22 hộ được Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng để xóa nhà tranh, nhưng đến nay, đã gần 2 năm rồi mà mới chỉ có duy nhất một hộ làm được nhà, lợp bằng ngói của Nhà nước giúp. 21 hộ còn lại, nhà nát vẫn hoàn nhà nát, mà tiền thì: “Hết lâu rồi!”. Hỏi, đều nhận được một câu trả lời chung là không có gỗ. Nhà nào “trót” có cây que rồi thì không có tiền mở tiệc đãi anh em họ hàng về mừng nhà mới. Các anh Lò Văn Ín, Lò Văn Năn nói “lý người Xá”: “Làm nhà mới phải đi mời, và tiếp ăn tiếp ngủ 2 - 3 ngày cho khoảng 200 vị khách cùng họ, đến từ Mường Phăng, Nà Tấu (huyện Điện Biên); Búng Lao, Xuân Tre (huyện Mường Ảng); Chiềng Sinh, Mường Mùn, Mùn Chung (huyện Tuần Giáo)... để họ mừng cho 10 - 20 ngàn đồng/người tùy theo khả năng kinh tế từng nhà. Già Khún cũng xen vào: “Người Khơ Mú có công việc mà không báo họ, báo mường coi như không phải người Khơ Mú”. Có gia đình, nhiều năm liền khoét vào núi ở như người tiền sử (ảnh 4), chỉ để chạy trốn cái “món nợ họ”  ấy của dân tộc mình.
      Tổ tiên của Khơ Mú lấy họ theo tên một loại chim, thú hay một loại cây trong rừng nên quan niệm cộng đồng của người rất cao. Một người nằm viện, lập tức cả họ, cả bản xúm vào, nhà 500, nhà vài ngàn... gọi là gửi “con ma khỏe mạnh” đến giúp cho người bệnh nhanh lành, nhanh khỏe để còn “ăn thắng” củ mài, củ sắn. Gần đây, các chính sách xã hội đã phần nào tìm đến tận nồi cơm của người dân và họ biết ơn Đảng và Nhà nước lắm. Nhưng trưởng bản Thắng vẫn thắc mắc. Tính thu nhập đầu người thì, 100% hộ dân Cha Cuông phải là chuẩn nghèo, kể cả nhà chủ tịch xã cũng chỉ đạt xấp xỉ180.000/người/tháng; còn trưởng bản thì cố lắm mới được 140.000/người/tháng. Thế nhưng không hiểu sao Nhà nước cứ bắt 15 hộ phải thoát nghèo theo chỉ tiêu. Hỏi, họ bảo: “Nhà nước cho ngói rồi mà vẫn còn nghèo à? Chủ tịch xã, trưởng bản muốn gì thì gì cũng không được nghèo! Để cho bà con còn noi gương”. Một chị phụ nữ gánh củi đi ngang, chòi chuyện: “Ơ hay, Nhà nước cho ngói để xóa nhà tạm chứ có phát lương cho chúng tôi đâu mà bảo hết nghèo”?
      Vâng, chị nói đúng, nhưng người Cha Cuông cũng không phải không sai khi còn ấp ủ nhiều hủ tục và thói quen nằm chờ Nhà nước, chờ chế độ nên mãi mà vẫn không bước qua được vạch đói nghèo.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét