28 tháng 2, 2013

MẸ TÔI

        (Thân tặng Chá Chứ Lềnh)    
       Cả đời mẹ tôi úp mặt vào đất, không biết một nửa chữ cái. Số đếm cũng không quá 4.
“Học vấn” ấy là do bà ngoại tôi dạy: tra 4 hạt đậu, 4 hạt bí, 4 hạt ngô, 4 hạt thóc… Đàn con của mẹ, mẹ phải chia ra làm 3 lần mà đếm. Cũng cách ấy, mẹ đếm lợn, đếm gà. Quá 4 lần 4, mẹ chuyển quyền quản lí sang cho bố. Chuyện tiếp thu khoa học kĩ thuật; vận động con cái đến trường; áp dụng đời sống văn hóa… cả chuyện trung thành với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà bố tôi mang từ xã về, không bao giờ nói lại với bà mà đem nói với 4 bức vách. 
       Bố mất, mẹ hay gõ vào vách nhà, chỉ có mấy quyển sổ mầu bồ hóng rơi ra. Mẹ bảo, bố dạy nhiều thế mà bức vách chẳng nhớ được gì. Quyển sổ hồi mới cưới nhau mẹ mua tặng bố ở chợ phiên Thả Sình Thàng, giờ bẩn quá. Màu giấy đã không còn trắng muốt như cánh hoa ban nữa, mà đen đỏ nát ngoằng. Hỏi thì ông bảo là chữ. Một chữ giá trị bằng một bao thóc, một con lợn, hoặc một cái đùi bò… Ông cắp cặp đi tìm con chữ. Ông đã mua thêm đến mấy quyển sổ như thế nữa rồi. Bà ở nhà cố gắng làm ra nhiều bao thóc, nhiều con lợn và nhiều cái đùi bò để xứng đáng với ông.
       Bà ngồi thần ra như thế một tuần. Không có bố làm mẫu, bà chỉ biết thừ ra như vậy. Cái đói, cái rách như về mau hơn, dài hơn. Mẹ thay bố đi họp bản, khi về mẹ thường nhìn chăm chắm vào bức vách rồi lắc đầu. Các con hỏi mãi, mẹ thả ra hai từ mà chăm chú lắm mới nhớ được: Bầu cử! Mẹ quay lại hỏi tôi. Xin nói thêm, tôi là đứa được bố kì vọng nhất trong số đàn con 3 lần 4 của mẹ, nên mới cho học hết cấp I, mẹ chắc tôi biết bầu cử là “con” gì. Cả nhà há hốc mồm: “Thế “nạ” không biết nó là con gì, cây gì à?”. “Chi pâu!”. “Mẹ không biết, chúng con biết làm sao được?”.
       Đêm ấy, mẹ tôi không ngủ. Mười đêm sau nữa mẹ tôi cũng không ngủ. Sáng hôm sau mẹ dậy thật sớm, bà dắt theo tôi xuống núi. Đến nhà chủ tịch xã - người hay lên uống rượu với bố tôi hồi ông còn là trưởng bản. Nhưng kể từ khi mẹ tôi sinh tôi thì ông bị cách chức vì không giữ đúng cam kết ngăn chặn sự gia tăng dân số. Từ bấy, ông chủ tịch xã cũng không lên nhà tôi uống rượu nữa. Mẹ tôi nói tiếng Mông, tôi phiên dịch lại bằng tiếng Thái. Ông chủ tịch bảo bầu cử là tìm người tốt nhất, giỏi nhất ra làm người đứng đầu bản mình, xã mình, huyện mình, tỉnh mình và Nhà nước mình. Mẹ tôi à một tiếng, mắt hướng lên núi, rồi dắt tôi về.
       Trên đường, bà bảo, bố tôi không vượt qua chức trưởng bản được là do chỉ biết một mình khôn, không biết làm cho nhiều người khôn. Có một mình bà thôi mà cũng không dạy được. Ông không cáu gắt bao giờ, cũng không đại khái bao giờ; nhưng sao ông nói gì bà cũng không hiểu. Lâu ngày, ông làm gì thì làm theo ông, thấy vào hơn. Cũng có lần ông nói rồi, rằng ông đi tập huấn bầu cử. Ông còn bảo, không lựa chọn kĩ lưỡng, không chăm chút, uốn nắn là nó chết yểu ngay, phí công Đảng, mất tiền của của dân. Bà lại cứ tưởng bầu cử là con giống nông nghiệp, ông đi tiếp thu kĩ thuật để về làm giầu. Thật xin lỗi Nhà nước, xin lỗi Đảng nhiều nhiều nhé!
       Mẹ tôi lại thức trắng nhiều đêm sau đó. Bà lẩm bẩm, trung ương xa quá, tỉnh xa quá, huyện xa quá bà không biết ai tốt nhất, ai giỏi nhất. Nhưng xã mình, bản mình thì  nhất định bà biết. Chá Chứ Lầu giỏi nhất nhưng tốt chưa nhất. Vàng A Khía tốt nhất, nhưng giỏi thì chỉ xếp 3 lần 3 thôi. Chắc chắn là Hờ Vả Mua rồi, kinh tế giỏi, văn hóa giỏi, lại là người tốt, là người biết làm cho cả bản giỏi và tốt bằng mình, hơn mình. Bà gọi tôi vào bảo: “Biết trước thì bầu Vả Mua chứ không bầu bố mày...”.
       Mẹ tôi chắp tay hướng vào vách nhà. Bà khấn lời xin lỗi bố!
       Tôi nhớ, hôm ở nhà chủ tịch xã, mẹ nói mẹ không biết viết chữ, không biết đọc chữ, mẹ bỏ phiếu bằng hạt ngô được không? Hạt ngô là Vả Mua, hạt đậu là Chứ Lầu còn hạt thóc là A Khía…
       Chủ tịch xã hứa sẽ hỏi cấp trên giúp mẹ.

Mông Lầu, 14.03.2011

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét