Sau hai hai năm học như “nhập thiền”, hết phổ thông, xong
đại học, cuối cùng tôi vẫn vác cái bằng đỏ trở về với đá. Thành phố cao siêu và
khó lường không dung nạp kẻ hiền cốt như tôi.
Có người bảo “hậu quả” ấy là tại
mẹ tôi. Hơn hai mươi năm tôi được nuôi như chim trong lồng, chỉ biết vùng vẫy
trong cái “nhà tù” chữ nên khi được phóng thích ra biển đời, là cứ ngơ ngơ như
người lâu ngày quên mất mình có bao nhiêu giác quan: “Kiến thức xã hội kém hơn
cả đứa lên mười, ế nghề là phải. Ai đời cầu cạnh, quan hệ… mà cứ như học toán,
một cộng một bằng hai thì chỉ có về nhà… ăn đất”.
Tôi chẳng oán ai, vì quả là, tôi vẫn
thấy luống cày chân tình với mình hơn cả. Về quê, học lại từ đầu, làm trẻ chăn
trâu cũng tốt. Quê tôi trùng điệp đá. Gọi là “luống cày” cho nó nên thơ chứ
chẳng có trâu nào cày nổi. Cuốc nhiều chỗ còn không len được lưỡi vào. Cây ngô,
cây bí vươn lên từ hốc đá. Nhưng chỉ mỗi hốc đá thôi thì cũng chẳng gì sống
được, mẹ phải xuống lòng con sông Bùn mãi dưới đáy núi, địu từng nhúm đất lên,
thả vào mắt đá để cho cây bén rễ. Hai mươi hai năm được mẹ nuôi bằng máu đá,
cao hơn mẹ một cái đầu tôi mới phải địu gùi đất đầu tiên lên núi để tự nuôi
mình. Núi dựng đứng. Những lưỡi đá tai mèo liếm vào gan bàn chân bật máu. Mẹ
bảo, mắt đá nào hứng được giọt máu ấy thì cây ngô, cây bí tốt vụt lên. Hai
chiếc quai gùi như cắn vào vai, buốt lên tận óc.
Cả một ngày tôi mới địu được bốn
chuyến, bằng một phần tư mẹ. Bàn tay tôi chùn lại mỗi khi phải vươn ra vịn vào
tai đá. Trên đỉnh núi, nắng và gió sấy khô cả những sợi hơi nước cuối cùng giấu
mình trong những kẽ nứt. Họng tôi khô rát. Mẹ trùm miếng vải mưa lên một hòn đá
lớn. Vài tiếng sau, mẹ nhẹ nhàng hứng những giọt mồ hôi đá gầy guộc, đọng lấm
tấm bên lớp trong của tấm vải nhựa. Tôi từ từ nuốt những giọt mong manh, man
mát, xoa dịu vết cháy đang loang rộng dần trong cuống họng. Trên tay mẹ, hạt mồ
hôi chưa kịp rớm ra đã bị gió cuốn đi.
Nhớ
năm mười tám tuổi, tôi nhận được giấy gọi của trường đại học. Mẹ mừng quá lôi
tôi xuống chợ huyện, may liền hai bộ quần áo mới. Lúc giao tiền cho chủ tiệm,
tôi bất chợt phát hiện ra mẹ có đôi bàn tay của một người đàn ông, đen xỉn, xù
xì và thô tháp. Những đầu ngón tay tòe dẹp, đọng máu. Tôi nhìn xuống hai bàn
tay trắng nõn, thuôn dài và mền mại như mười cái ngó sen của mình, thẹn thùng
với bà chủ tiệm, quay đi…
Sau buổi cõng đất đầu
tiên, mẹ cứ nắm lấy hai bàn tay tứa máu của tôi mà xuýt xoa không ngớt. Vẫn đôi
bàn tay đen đúa ấy, nhưng đanh cứng và trơ lì hơn nhiều so với bàn tay tôi nhìn
thấy năm tôi mười tám tuổi. Chắc có lẽ, chi phí học đại học của tôi đã lấy đi
nét mảnh mai cuối cùng trên hai bàn tay của mẹ. Tôi sờ vào, cảm giác như đang
vịn lên lưỡi đá, lạnh rợn sống lưng. Đôi bàn tay hằng mong tôi không bao giờ phải
trở về với đá. Nhưng rồi một lần nữa, sau những giọt nước mắt buồn rưng rức đón
tôi, bàn tay lại được mẹ sửa sang, như bác thợ rèn sửa lại những chiếc lưỡi cày
đầu vụ…
Tôi ôm và hôn thật lâu lên
đôi bàn tay từng khiến đá phải nẩy mầm!
Thạch Sơn,
24.12.2009
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét