Trên trời, tuyết trắng.
Hoa cỏ lào - loài cỏ dại của tuổi
thần tiên vẫn hằng len vào giấc ngủ đã sang ngưỡng trung niên, rật rờn. Bát
ngát và ngào ngạt. Choáng ngợp và tinh khôi. Triền cỏ cứ thế băng ra ngoài tầm
mắt, ngày đêm cần cù đánh thức miền ẩn ức đơn sơ, nhưng rất đỗi diệu kì.
Hoa cứ trắng đến lung linh sau mỗi độ
đêm. Và, sau mỗi độ sương, ngọc trời rắc đều chằn chặn lên từng cánh biếc. Mỗi
chùm hoa là một chùm tuyết, kết thành làn, thành thảm, trải sự khôi nguyên vào
vô tận bình minh, vô tận hoàng hôn. Thảm hoa tuyết ấy khắc dấu nhớ vào tuổi cổ
tích đời tôi. Thật tiếc cho ai đó, chưa một lần nhìn thấy, và đùa
giỡn cùng hoa cỏ lào. Dù chỉ một lần ấy thôi, miền hoa xao xác, leo lẻo
heo may, sẽ sưởi ấm cho những tâm hồn lạnh lẽo; vỗ an những cảm xúc chênh
chao; làm lành những lương tâm bốc khói và, nhất định rồi, hoa cỏ khiến tâm hồn
như trúng bùa, trúng ngải, ám ảnh, phiêu du… đến độ li kì.
Mỗi mùa hoa cỏ lào, là tôi lại một lần trốn
học, để ngắt những chùm hoa nặng trĩu hương thơm, đội lên đầu “hóa phép” thành
một bụi cỏ, tự tin và khoan thai đến cùng tận. Cứ thế bụi cỏ người rung rinh
theo gió, nghiêng ngả theo nắng và lúc lắc, lúc lắc theo mưa. Đến khi bạn trốn
tìm phải thốt tiếng chịu thua mới từ từ đứng lên… Ôi! Cả một miền cỏ như có
cánh, như mọc chân, nhẩy nhót, hoan ca, vần vũ… tựa lớp lớp sóng biển, vừa xanh
đến trẻ thơ và trắng đến nua già.
Đã gần hai chục năm, cuộc sống xô tôi
về nơi bê tông cốt thép. Mỗi độ sương sa, tôi lại có cảm giác về một miền cỏ
lào rưng rưng, thổn thức. Hương cỏ mơn man trong từng nan phổi. Những nhị hoa li
ti, ve vuốt, mơn trớn bên hai vành tai… giống cái thuở suốt ngày rúc bờ, rúc
bụi. Chúng tôi ăn thật nhiều, ngủ thật khỏe để lớn đua cùng những bụi cỏ lào.
Suốt chín tháng trời, cỏ lào chắt lọc
năng lượng trong lòng đất vô biên và sâu thẳm, để vươn mạnh lên không trung.
Mãi đến khi va vào sương, cỏ lào mới chịu cúi đầu xuống, nhắc nhở mình, ép nén
mình cho trào nhựa ra kẽ lá, trào nụ ra đỉnh ngọn, đầu cành. Mỗi bụi cỏ, lúc
này là một ngôi nhà vòm xinh xắn. Trong lòng “nhà”, chằng chịt những con đường
mòn, phần do thú rừng đi, gia súc đi, phần do con người mở để ăn rừng, ăn suối.
Chiều nào không phải học, chúng tôi
thường dong trâu, bò lên thảm cỏ lào mênh mông như thể chẳng bao giờ có điểm
kết thúc. Trong lòng những gian nhà được thiên nhiên kiến trúc vô cùng sinh
động và… “bát quái” ấy, là miên man cỏ, ngập ngụa cỏ… mà đại gia súc rất ưu
thích: cỏ mật, cỏ gà, cỏ lông, cỏ ngô, cỏ cúc… Trâu bò ung dung nằm nhai lại
như thể đang ở trong chuồng, nắng không chạm trán, mưa chẳng ướt sừng. Chúng
tôi thì được dịp chơi đủ trò. Tôi từ ngôi nhà cỏ lào của mình, sang nhà hàng
xóm “ăn cưới”. Tân nương, tân lang đội hoa, mặc hoa, ngồi hoa, mà ngủ cũng hoa,
sóng đôi ra tận “cổng” đón tiếp. Thoắt cái, những chùm hoa được tuốt ra, rắc
lên đầu để biến đôi tân hôn thành một cặp phụ lão lấm tấm hoa râm, đề huề con
cháu… Những vở kịch đời người ấy, không ít lần đã giúp tôi vượt qua vạn nhiêu
ai, khốc nghiệt trong đời sống đầy rẫy thử thách sau này.
Chúng tôi lớn lên bên nhau như thế,
và lớn lên bên những thảm cỏ lào ngút ngàn, bất tận như thế…
Trong dòng đời phiêu dạt của mình,
một lần nữa, cỏ lào nhắc tôi như một phép nhớ, không chỉ là kỉ niệm mà còn là
ân nhân, là cứu khổ cứu nạn của đời mình . Đúng lúc núi ập trước mặt lũ cuốn
sau lưng, hoa cỏ lào lại dang tay ra với tôi, như một vị thần thông có phép màu
vô hạn. Những con ong bé xíu, ngày ngày cần mẫn bòn tích mật, phấn từ mong manh
cỏ lào, đem về chặn giúp tôi những mùa nghèo đói đang ráo riết đuổi ời ợi sau
lưng.
Một lần nữa, thay vì nói sáo, tôi xin
một phút rưng rưng cho bạt ngạt cỏ lào!
***
Sau mỗi một vụ hoa, cỏ lào tự mình
rũa cái xác già nua xuống, để cho những chồi non mơn mởn lại đội nắng, đội gió
vươn lên. Bây giờ thì tôi đã hiểu, vì sao lại có những thảm cỏ lào vượt qua cả
tầm nhìn không gian như thế. Trong cái dòng đời du tranh của loài hoa có cái
tên (theo tôi), như thể những cơn gió Lào suốt cuộc đời lao xao không bao giờ
biết mỏi - một kì công phát tán cho giống nòi sự trường tồn mãnh liệt. Sau
triệu triệu cuộc thiên giao lưỡng tiện của mình, những nhụy hoa mang hình
thù lính dù, đem con cái của mình theo gió đi chu du khắp tám hướng chân trời.
Và, cả trong dòng đời du thực của
hàng vạn con sơn Tây Bắc, sau mỗi vụ trỉa tra cằn cỗi, người ta đã để cho cỏ
lào mọc lên, qua năm tháng loài cỏ này bồi bổ cho đất, dự trữ muôn vàn những
hữu vi hợp ích, để rồi lại trả cho con người bao mùa vàng, bao nụ cười thừa dư
ấm áp.
Xin nhớ, và xin muôn cảm HOA CỎ LÀO!
Mùa hoa cỏ lào, 2010
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét