Núi luôn ở
trong tôi. Ngay từ hồi tôi còn rất nhỏ, cha thường bế tôi chỉ lên đỉnh núi mờ
xa: “Cha chôn nhau con trên dãy yên ngựa kia”. Thảo nào mỗi lần đi rừng, tôi
thấy mẹ hay đi về hướng núi!
Nhà
tôi có tới chín chị em. Cha bảo: “Đẻ để đánh Mĩ". Mẹ không thích anh em tôi đi
bộ đội, vì trong da thịt cả cha và mẹ đã có nỗi đau của giặc Pháp cấy vào suốt
quãng thời gian chín năm trường kỳ. Mẹ bảo: “Làm giàu cũng là đánh Mĩ”. Dù cứng
rắn thế, nhưng rồi rốt cuộc, mẹ tôi vẫn đóng góp cho quân đội cả bốn đứa con
trai. Sau khi chuyển ngành, “sự nghiệp dân sự của cha” cũng bắt đầu từ các đỉnh
núi, vì thế mà 9 cuống nhau của chị em tôi được chôn ở chín đỉnh núi xa mờ.
Hằng năm, chị em tôi lẻ lác thăm cha. Căn nhà vẫn leo vào sườn núi. Gần chín mươi
tuổi, đầu gối cha như sắp rời ra sau một đời người bước mòn qua hàng ngàn đỉnh
núi, nhưng
cha vẫn không chịu xuống núi. Hỏi, cha vẻn vẹn một từ: “Ngại!”, như để khẳng
định cho sự “dĩ bất biến” của một người “nệ cổ”. Tôi biết không phải cha ngại
làm nhà, vì cả đời cha, không kể thời gian ở quê, cha đã làm tới mười một lần
nhà, trên mười một đỉnh núi. Chín lần làm cho sự ra đời của chín chị em và hai
lần cha làm nhà cho mẹ.
Ki cóp được tí thời gian nào là tôi lại
đưa cả gia đình về thăm cha mẹ. Lần nào cũng thấy cha bắc ghế đẩu ra hiên tre,
ngồi dõi mắt lên núi. Ánh mắt như đang nóng lòng chờ một mối bang giao. Mười
chín năm thoát li, ít nhất mười chín lần tôi chứng kiến cha ngồi như thế. Màu
xanh thả bóng vào mắt cha thưa dần. Vài năm gần đây, trong đôi mắt đã nhuốm màu
sương muối của cha, chỉ còn những gốc lũa xù xì và khô kiệt. Những tiếng thở
dài yếu ớt va vào vòm lợi, phụt tắt. “Năm nay…” - cha nói đứt quãng - “… chẳng
còn gì để mà ngăn lũ”. Trong mắt cha, núi đổ bóng một màu đỏ ối, nhìn vào nhức
mắt. Cha đau đớn thông báo, người bạn của cha đã mất - người từng có câu nói:
“Mỗi quả núi là một hũ rượu. Tây Bắc có vô vàn hũ rượu…”.
Ước mơ về với núi xanh của ông chẳng thành, thôi thì về
với núi trọc. Củ mỡ, củ mài một thời gian dài thay gạo cứu dân, rủ nhau vào
“mọc” trong sách đỏ. Đâu đó chuyện nước lũ cứ mài vào áo quan, nghe thật chạnh
lòng. Đá mất gốc cũng giận dữ quăng mình xuống làng bản ngày một nhiều. Cha
bảo: “Núi đang bị hoại chân thư”. Mẹ giản dị hơn: “Núi đang gầy trơ xương”.
Trong giấc mơ, mẹ thấy xương núi phơi ra, mẹ trở lại thời gái mười tám, phăm
phăm gánh cây lên che cho núi một khoảnh bóng râm be bé. Cũng trong giấc mơ của
mẹ, cha cười một cách khó nhọc mà bảo: “Tôi cảm ơn bà, cho chín núm nhau của
nhà mình trên ấy được mát mẻ”...
Nghe chuyện, mấy anh em tôi chỉ nghĩ, người già đúng là đa cảm...
Nghe chuyện, mấy anh em tôi chỉ nghĩ, người già đúng là đa cảm...
Mường Ảng, 16.09.2009
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét