28 tháng 2, 2013

NGÀY ĐẦU TIÊN ĐI HỌC

“Ai mà chẳng có “Ngày đầu tiên đi học”, mày chỉ không có “Mẹ dắt tay đến trường” thôi”.
Câu nói của thằng bạn thân hồi cấp ba cứ như mũi kim, châm vào tim tôi mỗi dịp khai trường.
Hồi ấy tôi lặng im. Bây giờ (cho đến trước khi viết ra những lời tâm sự này) tôi vẫn lặng im. Tôi rất hối hận khi đã nói lên cái điều năm mươi phần trăm có thể lý giải và 50% không bao giờ ấy. Có đứa giễu: “Thấy người ta vui, muốn kiếm câu chuyện làm quà thì cũng phải hay ho một chút!”. Tôi bật khóc! Một thằng con trai mà khóc, thật không ổn! Nhưng biết làm thế nào, tôi vốn rất dễ bị tổn thương, nhất lại là mình đúng. Sau này, tôi tự rút ra kinh nghiệm, không bao giờ tự làm khó mình vì những câu chuyện kỷ niệm ướt át, hơn thế là chuyện linh tinh nữa. ở đời, nhiều cái thật một trăm phần trăm, nhưng không thể biện minh thì cũng chẳng hơn gì đồ giả, tốt nhất cất làm của riêng; để nó xuất hiện, chẳng khác gì một sự dối lừa, gian trá.
Có lẽ sau quãng thời gian hơn ba mươi năm, ít ai còn nhớ đến từng chi tiết cái ngày đầu tiên được coi là đến lớp, như tôi. Hồi ấy, bố mẹ tôi được tỉnh điều vào vùng sâu thành lập nông trường chăn nuôi. Vì điều kiện công tác nên nhà tôi phải làm trên một dãy núi cao, mà người dân địa phương gọi là Cao Sơn. Ngôi trường duy nhất của xã mà chị em tôi sớm muộn gì cũng phải đến, cách nhà hơn sáu km đường rừng. Thú dữ nhiều, trẻ con hầu hết phải gần bằng người lớn mới được cha mẹ yên tâm cho đèn sách…
“Ngày đầu tiên đi học” của tôi có lẽ vào năm tôi lên sáu, khi nghe lỏm được câu chuyện của cha mẹ là, trẻ con năm tuổi sẽ được nhận vào học vỡ lòng (mẫu giáo lớn bây giờ). Hôm ấy tôi bỏ cơm (bữa cơm nhà tôi thực ra là một trăm phần trăm ngô mảnh, nấu theo kiểu mèn mén của dân tộc Mông). Tôi oán giận bố mẹ lắm. Tại sao chứ? Một năm dài đằng đẵng với ước mơ cháy bỏng được cắp sách tới trường, vậy mà chưa bao giờ tôi thấy bố mẹ đả động đến việc cho tôi đi học. Tôi đã rất thất vọng. Thậm chí suy sụp, vì cả cái xóm Cao Sơn chỉ còn mình tôi ở nhà “lêu lổng”. Tôi đấu tranh bằng tuyệt thực. Nhưng quãng thời gian i ỉ khóc cứ ngắn dần lại. Chẳng ai thèm quan tâm, cũng chẳng có ai ở nhà rỗi để dỗ dành tôi. Tôi tự nín và lục lọi cơm nguội từ lúc nào, chính tôi cũng không nhớ nữa. Điều duy nhất tôi có thể “đấu tranh” cho sự hiểu biết của mình là, dò hỏi các anh chị về ngày khai trường, về lần đầu tiên đi học. Tôi bắt đầu ngưỡng mộ cái dắt tay của mẹ, bộ quần áo, chiếc khăn quàng đỏ, cái cặp, quyển vở và mẩu bút chì mới tinh…
Ngày đầu tiên đi học của tôi đã đến trong một giấc mơ không ngủ!
Cuộc sống của gia đình tôi trở lại bình thường (trên thực tế nó vẫn bình thường, ngoài cơn biến động nho nhỏ, khuất kín bên trong tâm hồn nho nhỏ và non nớt của tôi). Hằng ngày, bố mẹ xuống trụ sở nông trường từ khi tôi và đàn gà mái chưa tỉnh giấc. Các anh, chị thứ của tôi cũng theo cha mẹ đi xuống trường, để đến tối tịt mới lẽo đẽo bám đuôi bố mẹ về. Tôi là con út, ở nhà cùng với chị cả (đã tốt nghiệp lớp bốn ngoài thị xã, nhưng vào đây phải nghỉ học) và một bà chị dâu thứ hai. Cả hai chị đều được làm công nhân chăn bò nhờ suất ưu tiên con em cán bộ. Vậy là hai chị cũng vắng nhà từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối. Nhiệm vụ của tôi là cõng đứa cháu con ông anh trai đang chiến đấu chống Tàu ở biên giới Hà Giang.
Năm tôi lên bảy, một hôm thằng cháu ngủ muộn, đến giờ chị dâu tôi đi làm mà nó vẫn không được bú, nên nửa buổi nó khóc như trúng vía. Không biết làm thế nào để dỗ nó, tôi đành cõng nó đi tìm chị. Trên đường đi qua khu đất trống đội dành ra, để chiều chiều các chú công nhân đá bóng, chẳng biết từ bao giờ, xuất hiện một lớp học mới tinh, nhưng tạm bợ như cái lán đựng rơm cho bò của đội chăn nuôi. Xung quanh lớp học ấy thưng bằng vách nứa, cao ngang ngực tôi (chắc khoảng sáu mươi cm), bên trong có vài bạn học sinh, toàn là người dân tộc Thái, ngồi vắt vẻo trên hai hàng bàn ghế làm bằng mảnh tre ghép. Cô giáo là cô Nhiễu, công nhân của bố, ở ngay dãy tập thể đối diện nhà tôi. Thấy tôi đứng dựa vào vách lớp học, vai địu thằng cháu khóc ngặt nghẽo thèm thuồng ngó vào, cô Nhiễu hỏi:      
   - Sao em đi học muộn thế?
Cổ tôi nghẹn đắng. Cơn nghẹn thúc bách tiếng khóc òa ra. Có phải tôi đi học đâu, tôi địu cháu đi tìm chị để cho nó bú… Cô Nhiễu vỗ về:
   - Bố mẹ em bận nên chưa kịp chuẩn bị cho em đấy, để tối nay cô sang.
Cô quay trở lại bục giảng làm công tác “lập sổ ghi tên ghi đểm” của lớp. Xong, về phần cô, phải hồi lâu mới nói lên được mấy câu mà tôi nhớ như in cho tới tận bây giờ, và sẽ là mãi mãi sau này nữa:
   - Cô không phải là giáo viên, cô cũng chỉ học hết lớp hai trường làng… Lãnh đạo đội cử cô làm cô giáo của các em… Cô không có giáo án, cũng chẳng có sách giáo khoa… Hôm nay cô dạy các em bài… Trăng sáng”.
Và cô bắt đầu hát: “Sân nhà em sáng quá / Nhờ ánh trăng sáng ngời / Trăng tròn như cái đĩa / Lơ lửng mà không rơi…
Buổi học đầu tiên của tôi chỉ là một buổi nghe cô Nhiễu hát. Không có tập tô, không có tập đọc, không có học đếm… mà là tập hát. Chỉ có học thuộc lòng để tập hát, vì cô bảo cô chẳng biết dạy gì. Lớp học đầu tiên của tôi học theo cách ấy được mấy hôm thì giải tán vì cô Nhiễu ốm. Bố mẹ tôi bảo, lãnh đạo đi khắp các đội mà không tìm được cô chú công nhân có khả năng “sư phạm” như cô Nhiễu, nên đành đóng cửa lớp. Năm sau tôi được xuống trường trung tâm. Mười năm sau nữa là mười lần khai giảng, và lần khai giảng nào cũng khiến tôi bâng khuâng, như thể cuộc đời mình còn thiếu một cái gì đó thiêng liêng lắm.
Cô Nhiễu của tôi đã chẳng bao giờ quay về với chúng tôi, và với cả cuộc đời này!
Cho đến mãi bây giờ, lễ khai giảng ấn tượng nhất của tôi có lẽ chính là cái sự tình cờ bắt gặp lớp học mọc vội vàng trên khu đất trống ngày ấy. Bài diễn văn khai giảng hay nhất mà tôi được biết cũng chính là mấy câu giới thiệu làm quen của cô giáo công nhân của tôi. Còn tôi, mãi vẫn không thôi hậm hực vì cuộc đời mình không có “Ngày đầu tiên đi học”. Nhưng có lẽ từ mùa tựu trường năm 2009 - 2010 này, tôi tìm thấy cho mình “Ngày đầu tiên đi học” đặc biệt nhất, khác lạ nhất - nó khác lạ kiểu trên mây, đặc biệt kiểu trên mây, giống như cái nơi chôn nhau cắt rốn của tôi vậy.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét