28 tháng 2, 2013

THÊM MỘT MÙA SƯƠNG

   Đông này sương ở đâu đổ về, bầu trời như một bầu sữa. Chẳng phải vì dự báo rét hại, mà vốn dĩ ở nơi, mới nghe cái tên đã thấy gió hú trong lòng. Ba không ngủ.
Chiếc áo bông tróc vỏ cáu vết thời gian và muội khói, ngồi thu lu cạnh bếp củi râm ran hồng. Lát sau mẹ cũng dậy: “Ông cứ hành xác đến bao giờ?”. “Rét đậm làm vết thương nhức quá”. “Sao không bảo tôi đấm cho?”. “Bàn tay bà ban ngày mỏi dao cuốc, tối lại mỏi tôi nữa, liệu…!”. “ừ thôi, kệ ông!”.
            Nói vậy nhưng đêm lạnh nào hai bóng già cũng tựa lưng vào ngọn lửa đến sáng. Ngoài trời, gió bấc giật thùm thùm vào hông rừng. Sống ở niềm Bắc chị em tôi lại gọi cha bằng ba mà chẳng hiểu vì sao; cho đến tận khi có chú Tư, làm ở Vụ Nông trường (Bộ Nông nghiệp) đến Cao Sơn tham quan nông trường của ba, tôi mới biết. Hai mái đầu bạc cuốn chầm nhau, khóc như hồi trẻ: “Tui không ngờ anh Ba lại sống ở đây, nghe đâu anh quê Thái Bình?”. “ừa, đường đời nào tỏ chữ ngờ”. “Anh bị điều đi hay xung phong?”. “Xung phong”. “Lại xung phong?”. “Các cháu ở quê đói quá, mình về trễ không được chia ruộng…”.
Hôm chia tay, chú Tư đưa cho ba miếng giấy chú xé ra từ quyển sổ công tác: “Anh ghi cho anh Ba mấy chữ về anh Ba mới tin lời tui” (Anh Ba mà chú Tư nói, là Tổng Bí thư Lê Duẩn - hồi chiến đấu ở Quân khu bảy, đồng chí Ba Duẩn là Chính ủy của ba tôi và chú Tư). Ba tôi ngần ngừ hồi lâu rồi đưa trả lại chú Tư tờ giấy: “Thôi chú ạ, tôi sống vầy tạm rồi, đừng phiền chi anh Ba nữa. Vả lại, chúng ta là những kẻ “đào ngũ”, đòi hỏi gì đây!”…
Mùa sương năm nay là mùa sương thứ 89 đời dành riêng ba, và cũng là mùa sương thứ 50 Tây Bắc tặng cho ba. Mái tranh nhà mình mỗi năm sương một đè võng mỏi. Và cũng chỉ có sương mới lôi được những tiếng xuýt xoa khe khẽ từ trong thanh quản của ba ra, nhưng cũng chỉ vừa đủ một mình mẹ nghe thấy. Một đời ba xung phong, từ căn cứ ra mặt trận, từ thành phố về nông thôn, từ tỉnh vào rừng… thành lập nông trường cho tỉnh. Và cuối cùng thì bị rừng thôi miên, bị sương níu giữ, chẳng dứt ra khỏi sự thiêng độc được nữa.
Lại một đêm sương mờ mịt tràn tới. Nửa khuya, chuông điện thoại ập đến như một tiếng báo động. Chưa kịp đổ hết đợt, tôi đã vồ lấy ống nghe: “A lô, có phải ở nhà, ba đã… A lô! A lô!...?”. “ Ba đây! Ba chưa sao”. “Vâng, con hết hồn!”. ở đầu dây bên kia, tiếng thở đè trĩu từng câu hỏi: “Con đã đăng tin tìm chị Liễu chưa? Có đúng trên chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” không? Mà ghi là Ba Cánh hay Nguyễn Văn Cánh...? Thế à? Thôi nhé, rét quá…”.
Lạy giời cho một mùa sương nữa bình yên trôi qua, để cặp mắt đục màu sương trắng của ba, chí ít thì cũng còn được đau đáu nhìn về đất phương Nam . Mới đầu tôi không hiểu lắm về món nợ của ba với miền Nam , nhưng sau này, một trong số ít lần ba tình cảm đến thế, ba kể: “Ba là “con nợ” của miền Nam , cả việc nước lẫn việc nhà. Với đồng bào, khi tập kết ra Bắc ba đã giơ cao hai ngón tay ngầm hẹn hai năm sau sẽ trở về giải phóng, vậy mà đi luôn đến tận giờ. Với gia đình, ba nợ một giọt máu. Mẹ cả con bị bom đánh mất xác mà ba không một lần về…”
Điện Biên, 22.12.2009

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét