28 tháng 2, 2013

EM NỠ VỘI VÀNG

   Em về thưa với mẹ, ngày mai em theo người ta về bên kia núi. Mẹ hỏi em: “Nhất thiết cứ phải vội vàng thế sao con?”.
Em trả lời: “Con đã lớn!” Đúng, so với mẹ hồi xưa, em đã lớn: “Con đã mười lăm tuổi, một tháng, mười sáu ngày rồi mẹ ạ!” Mẹ tần ngần nhìn cái túi sách như cắm rễ trên tường, đã lên thêm màu mốc. Chiếc khung cửi gió lùa lành lạnh. Tấm vải dệt dở, sợi vương trên xa, sợi xà xuống đất. Trên tấm khăn piêu, chiếc kim thêu ngậm ngùi găm vào mầm cây “mọc” ậm ờ, chắc có lẽ chẳng bao giờ được thành hoa, thành nụ.
            Mẹ ra đầu sàn hướng ánh nhìn về phía trời xa, má lăn tròn hai hàng lệ. Chẳng biết mẹ khóc mừng em, hay khóc lo cho bước chân non nớt của em. Mười lăm năm là quãng thời gian quá ngắn cho một hành trình hội tụ nết na và đức hạnh của người con gái. Và sự thật là, khi ở nhà, chưa một lần mẹ dám để mình em nấu trọn vẹn bữa cơm khách. Vì mẹ sợ, tiếng vụng về của đàn bà nhà này, lan sang trăm ngàn ngôi nhà khác. Em cũng biết món nướng, món ghém, món đồ… em chưa học đến những bí quyết cuối cùng. Thế mà giờ đây, ngày nào em cũng phải nấu ba bữa cơm khách. Mẹ dạy em, với cha mẹ chồng, mọi lời nói phải tâm niệm như đang thưa gửi cùng chính thân sinh rà ruột; và từng bữa cơm phải được xem như đang làm thết khách hay cơm cầu: “Mỗi món ăn là một tâm huyết, một sự khéo léo quện chặt vào một bí quyết của nhà mình, con ạ. Có như thế, mẹ mới không bị cười chê là người đàn bà không biết gần con gái”.
            Cha, sau một chuyến đi rừng dài ngày về, cất tiếng gọi não nùng vào núi. Núi vụng về trả lời nguyên vẹn tiếng cha. Cha lặng lẽ đến bên quản, mở thêm một lạch cửa, làm đường cho một người đàn ông nữa bước chân vào nhà với tư cách của một đứa con trai, chứ không phải khách. Cho dù, cha chưa một lần được biết diện mạo của chồng em - người mà cha đã ngầm coi là… “đứa con trai” ấy. Thường ngày, cha thay mẹ dạy anh, em trai của em, để mai này khi mang những người đàn bà của họ về, đã thuần thục biết làm cột, kèo, nóc, mái và không nên làm hết cả phần vách, cửa. Như thế, nửa bên kia vừa được ngủ trọn giấc, ăn trọn bát mà không lo nhà xiêu, mái dột; vừa không cảm thấy bị mất đi tầm quan trọng giữ ấm, giữ lành.
Em học mẹ, nghe lỏm lời cha và nhầm tưởng mình đã thành vách thưng, thành cửa khóa. Hai chữ vội vàng em đã học và em đã quên. Nhưng đêm nay, sau tiếng thở dài của cha mẹ chồng, em lại thấy hai chữvội vàng quen quen, như là của chính mình./

M.A, 09.10.2009

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét