28 tháng 2, 2013

NHỨC NHỐI VÀNG BÒ TÓT


Phóng sự

     Sau 3 giờ đi xe máy trong cơn mưa tầm tã từ thành phố Điện Biên Phủ vào trung tâm xã Phì Nhừ (Điện Biên Đông - Điện Biên), chiếc máy ảnh kỹ thuật số không chịu nổi cái không khí như bị nhúng nước, đã “ra đi” ngay từ khi còn nằm trong túi. Lật tung cả Phì Nhừ  lên, cuối cùng tôi cũng thuê được cái máy cơ không sơn, không chữ của một thanh niên Mông, nhưng phải chờ thêm 2 tiếng nữa, sau khi đã chèo kéo thêm 50 ngàn tiền công đi, anh ta mới đủng đỉnh cuốn dây co vào lốp xe, phi ra thị trấn huyện Điện Biên Đông, mua hộ 2 cuộn phim, nhưng với giá đắt gấp đôi ngoài thành phố…

   Theo dấu ăn vàng

     Vào đầu tháng 4.2007, người dân bản Háng Trợ, xã Phì Nhừ bỗng phát hiện một người lạ ở xã Xa Dung (Điện Biên Đông) vác một cái hòm cũng lạ, đến ăn ngủ trên đỉnh núi Bò Tót (Hờ Nhụ Cù). Thế rồi bẵng đi 2 tháng, không ai trông thấy gã có cái tên cũn cỡn: Chứ Tỉnh ấy đâu nữa, nhưng lại có một sự lạ thường xảy ra vào các buổi chiều, đó là nước con suối Cồ Dề đang trong leo lẻo bỗng nhiên đỏ ngầu như có ai đó đổ tiết trâu xuống. Những người mê tín, người yếu bóng vía thì mổ dê, mổ lợn, mời thầy cúng. Cánh thanh niên lại chọn cách mạo hiểm hơn là lần theo con nước đục lên thượng nguồn, xem có chuyện gì mà kinh thiên động địa thế. Vậy là hành vi ăn trộm đất Háng Trợ, đất Phì Nhừ của Chứ Tỉnh bị bại lộ. Tuy nhiên, theo cái cách ở bản người ta vẫn thỏa thuận khi giặt quần áo chung một vòi nước, thì Chứ Tỉnh nhanh chóng được trả về bên kia Xa Dung làm nhiệm vụ bao tiêu đất, đá mà chỉ người Háng Trợ mới được quyền đào, bới. Mỗi bao đất, đá mang xuống tận bản một cách vất vả bán được 25 - 30 ngàn, nên một thời gian dài chỉ thu hút dân trong vùng đến xem cho thỏa tò mò thôi. Thế nhưng, gần đây thì khác, những tin đồn, đại loại cũng bao đá ấy (15 - 20kg) trôi nổi hơn 70km ra thành phố Điện Biên Phủ; hay Xuân Tre (huyện Mường Ảng - Điện Biên); huyện Tuần Giáo (Điện Biên); huyện Thuận Châu (Sơn La)… có giá từ 5 - 10 triệu đồng. Cái đáng nói là người mua nó, trải qua nhiều tác nghiệp còn thu thêm được vài triệu nữa. Cộng cả nguồn tin từ phía người đào, sau khi rửa sạch những viên đá quặng thì ôi thôi, vàng hiện ra long lanh như có ai đó yểm vào. Người mâu thuẫn nhất cũng chỉ bán tín bán nghi được vài chục lần, chứ 2 tháng trời đằng đẵng, cái tai chỉ thấy mỗi 3 tiếng “vàng nhiều lắm”… Vậy thì chịu thế nào được. Thế là dòng người kéo nhau về Phì Nhừ  ào ào thác thác lũ. Mỏ vàng núi “Bò Tót” thực sự bùng phát vào nửa cuối tháng 8.2007. Lúc cao điểm, trên khoảnh đất vẻn vẹn 5 - 6 ngàn mét vuông mà có tới 3 - 4 ngàn người vừa đào khoét, vừa buôn bán, đánh bạc, lừa đảo và hiếp dâm. Đã nhiều ngày liền Phì Nhừ không ngủ...
   Chuyện chỉ có ở Phì Nhừ
     Tôi từng đi nhiều bãi vàng: Chin Sáng- huyện Phong Thổ, Nậm Coóng - huyện Sìn Hồ (Lai Châu), Xuân Tre (Mường Ảng); huyện Sông Mã (Sơn La)… Mỏ vàng núi Bò Tót - Phì Nhừ không có bưởng, không đầu gấu… tưởng bình yên như một lớp học, ai ngờ nóng bỏng, phức tạp và dữ dội riêng, kiểu… Phì Nhừ. Cái đáng nói nhất chính là chính quyền bản Háng Trợ - nơi có mỏ vàng, chỉ trong chớp mắt bản này đã có đầy đủ các lực lượng nóng của mình với “cái lý”: “Đất của chúng ta mà!”. Ban đầu đặt barie, chặn thu từ 5-10 ngàn cho một xe máy lên thăm mỏ, nhưng sau đó không đơn giản là thu tiền cuốc đường nữa, mà “bảo kê”, bảo lãnh với những khoản thu bạc triệu. Nhất là khi 21 doanh nghiệp (DN) từ Cà Mau, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái nguyên, Sơn La, Lai Châu… và ngót chục DN của tỉnh nhà Điện Biên xe to xe bé ùn ùn đổ về, với nhiều động tác gây sự chú ý, rồi đặt cửa, tranh thủ sự “mở cổng” của bản để đào vàng. Tuy nhiên trước khi làm được việc ấy, mỗi DN, cái nhân ngay lúc đầu phải nộp cho bản 2 - 3 trăm ngàn chỉ để… đứng nhìn; còn muốn chở thiết bị máy móc nhằm phân biệt thực hư trên đỉnh Bò Tót thì 1 - 2 triệu. Trong số đó, nổi bật hơn cả là vị cán bộ tài chính xã Hờ Vả Cấu. Bất chấp lệnh triệu tập của chủ tịch UBND xã Vàng Giống Di, ông này vẫn bỏ nhiệm sở tới ba tháng nay với lời ứng khẩu hoành tráng: “Không cần làm cán bộ Nhà nước nữa, ở nhà làm cán bộ đào vàng thôi” (3 tháng rồi ông Cấu không đi làm nên toàn bộ cán bộ xã Phì Nhừ không có lương). Dưới chân núi, ngoài khoản thu mà anh em ông Cấu không phải đổ mồ hôi do thương thảo, còn có cái máy nghiền đá, sẵn sàng làm việc 24/24 mà theo nhiều người là “vàng nhiều như nước”. Trên đỉnh núi toàn bộ trai sung gái lực trong gia đình ông cũng lao vào giành giật dưới lòng đất, không kể ngày đêm để làm ra cái thứ, như ông Cấu vẫn sung sướng nói: “Đời mình mới được lần đầu”. Đến nỗi, cái “tinh thần lao động bất chấp” của ông lây sang tất cả cán bộ và nhân dân xã Phì Nhừ, hậu quả là nguyên cán bộ địa chính xã Vàng Phái Tà; nguyên cán bộ tư pháp xã Lầu Chái Sếnh cùng 2 người thân, moi móc đến khi hầm sập … mới biết. Thật may cho các vị, nhờ sức mạnh của cả mỏ vàng nên khi lôi lên mặt đất, tim các vị vẫn còn thoi thóp đập. Cho đến nay đã có 8 người bị hầm sập, nặng nhất là Vàng Dũng Hờ (bản Chua Ta A) hiện vẫn nằm liệt giường, cơm bưng nước rót.
     Cả xã duy chỉ có gia đình chủ tịch UBND Vàng Giống Di là không tham gia vào đào bới, cũng như các hoạt động khác liên quan tới vàng. Thấy cái lợi to trước mắt bị sự truy cản gắt gao của thế lực Háng Trợ, người dân trên địa bàn xã đổ về đòi chính quyền chia núi Bò Tót ra từng phần theo đơn vị bản. Để tránh những cuộc “hỏa chiến” đang lăm le nổ ra từ hàng trăm cái đầu rực lửa và hàng ngàn cuốc, xẻng, xà beng chỉ biết làm một nhiệm vụ cứng rắn, đó là đập phá. Trong nháy mắt, một cuộc họp ở cấp độ xã diễn ra cũng tương đối chóng vánh và tạm bợ, đó là cho phép mỗi bản được đào một hầm. Ngay tức thì, thanh niên, người già, đàn bà, trẻ em lao và cuộc chiến biến đá thành tiền. Họ chỉ dừng lại khi nào trưởng bản cảm thấy vừa đủ chia, và khi tất cả đã không còn muốn cầm cái dây, kéo những lu cở đất, đá từ trong hầm sâu tới cả chục mét, rồi ăn ngang vào lòng núi 4 - 5 chục mét nữa. Từng hầm, từng hầm vang lên tiếng điểm danh, rồi một chủ cái đứng ra chia cho mỗi lao công bản mình một vài xẻng đá để họ tùy nghi tiêu thụ. Vàng trải từ mặt đất xuống, có bản may mắn vớ được mạch, chỉ cần bới đất ra mà ghè, mà đập. Vàng như dát vào đá. Đã có hàng trăm cục quặng bằng nắm tay bán được tiền triệu. Còn loại ít vàng hơn một chút, cỡ như một bao 9 kg đá mà làm được 7,8 chỉ vàng như anh Phạm Văn Chi (thợ vàng Ninh Bình) cho biết thì gần như hầm nào cũng được. Lúc đầu chỉ huy động tới thiếu niên, sau cả nhi đồng, cứ đi bộ lên được đỉnh Bò Tót cầm nổi một viên đá về là thành thợ đào vàng. Cả xã Phì Nhừ có 5.676 nhân khẩu, thì trên đỉnh Bò Tót đã hút mất 3 - 4 ngàn. Người càng lên đông, thế lực bản Háng Trợ càng mạnh. Con đường đi nương họ cuốc rộng chừng 50cm, chênh vênh như cái bẫy, lại thêm một khoản qua…bẫy không nhỏ vậy mà xe lên, xe xuống như đan lóng. Người chở đất đá, người chở người, người chở hàng hóa. Một bát nước lã 2 ngàn; một gói mì tôm 5 ngàn, một quả dưa ngày thường 1,5 ngàn thì trên núi 10 ngàn. Một chai rượu 0,5 lít 10 ngàn; 8 miếng thịt gà 50 ngàn; 0,5 lạng cá trôi rán 80 ngàn; que kem đá 200 đồng lên trên núi bán 2 ngàn; đôi pin - phương tiện hỗ trợ đào đêm duy nhất 10 ngàn…
     Ở dưới núi cũng chẳng kém phần dữ dội. Xã Phì Nhừ có 6,6km đường nhựa do Cộng đồng chung Châu âu tài trợ năm 2004 từ ngã tư Phì Nhừ vào đến trung tâm xã. Đường chỉ rộng cỡ 3 mét mà muốn sang được bên kia còn khó hơn sang đường thành phố. Một lít xăng ở đây 15 ngàn, vậy mà trưởng bản Phì Nhừ A, Thào Phá Sỉnh vẫn bán được tới 200 lít/ngày, một lượng mà trước đây phải mất hơn 2 tháng mới bán hết. Hiệu sửa chữa xe máy Ngọc Sơn cho biết, có ngày anh thay tới 50 chiếc xăm, phần vỡ do chở quá tải, phần  bị cắm đinh, bị chọc thủng để cản trở nhau… tiến xa hơn. Những ngày ấy, xa phận Phì Nhừ - Háng Trợ (7km) bị nát… nhừ bởi hàng ngàn chiếc xe máy băm vằm, xẻ, rạch. Trên bãi đã xuất hiện người dân dùng tiền xu, chìa khóa bằng đồng… mài vào đá để lấy ánh vàng rồi phủ đất lên, lừa bán. Nổi phều hơn cả phải kể đến chuyên gia Lầu Vả Khai, thường trú tại bản Từ Xa - Phì Nhừ. Khai từng tuyên bố: “Đố thằng nào dùng keo 502 bắn đồng vào đá làm giả thành vàng giỏi hơn tao”. Tinh vi hơn nữa, tên này còn dùng bạc cục, phủ một lớp vàng cho giống với vàng khò chảy chưa phân kim, và lừa thành công nhiều người, trong đó có phó chủ tịch mặt trận xã Phì Nhừ. Đau hơn là 1 chủ tiệm vàng ở thành phố Điện Biên Phủ, mặc dù đã đầy mình kinh nghiệm mà vẫn ăn phải quả đắng tới 4,9 triệu cho 8,6 chỉ… bạc(!)
     Theo thống kê sơ bộ xã Xuân Tre, Mường Lạn, Nặm Lịch (Mường Ảng); Xa Dung, Phì Nhừ, Suối Lư…(Điện Biên Đông) có tới hàng trăm cái máy nghiền đá đãi vàng. Thành đạt nhất phải kể đến Chứ Tỉnh, ngoài quãng thời gian mấy tháng trời làm chui làm đút, chỉ tính tháng nóng bỏng nhất, có ngày Tỉnh thu tới 40 cây vàng 5 - 6 tuổi. Còn đại loại như máy nghiền nhà Bí thư Đảng ủy xã Lầu Giống Chu, cũng có công suất 4tấn đất, đá/ngày, nhưng được ít vì chủ yếu nghiền thuê với lợi nhuận ăn chia 10 - 20% tùy theo mức độ khó dễ. Dân thì thế, các DN chỉ trừ một vài người núp nhờ tên ai đó có tiếng tăm ở xã, còn hầu hết nằm vạ vật cả mấy tháng trời dưới chân núi để chờ chực, nếu có cơ chế nào đó thì mình chính là người nhanh chân nhất. Chán quá thì đánh bạc, thua thắng mươi triệu là thường. Chán nữa thì hiếp dâm như 2 đệ tử của DN M.H (thành phố Điện Biên Phủ) chắc chưa kịp chùi mép nên phải cay đắng đổi 12 triệu cho 2 danh dự màu nâu đen của mình. Mức độ nóng của mỏ vàng Bò Tót càng ngày càng dữ dội, người ta đã phải dùng đến pháp quy để ngăn chặn những cuộc tranh giành cấp bản, vì lý do hầm nhiều hầm ít. Phó chủ tịch UBND xã Phì Nhừ Vàng Trùng Chu cho biết: “Ngô chín rũ ngoài nương không ai thu, cỏ ngập hết lúa không ai làm, trẻ con không chịu đến trường chỉ để ở nhà đào vàng nhiều tiền quá”…
   Thiết chế được lập lại
   Sự việc đã vượt qua ngưỡng kiếm tiền thông thường, chính thế mà ngày 17.8.2007 UBND huyện Điện Biên Đông Quyết định thành lập tổ công tác liên ngành gồm 18 đ/c là Công an, Bộ đội, Tài nguyên, và UBND xã Phì Nhừ, nhằm kịp thời tuyên truyền, ngăn chặn những cá nhân, DN không hợp pháp tự do đào bới tài nguyên trái quy định. Tuy nhiên, phải cho tới ngày 27.8, khi đoàn công tác lên “định cư” trên đỉnh Bò Tót, mọi việc mới tạm thời được kiểm soát. Biết mình không đủ bản lĩnh cưỡi chiếc Win 110 lên núi, tôi vật nài anh bạn Sủng Chừ Só, bản Phì Nhừ A vừa làm người dẫn đường, vừa lái thuê xe ôm đưa tôi lên bãi chiến trường “treo” lửng lơ giữa trời và đất. Thế nhưng, mặc dù đã có tay lái xịn mà cả xe và người cũng vẫn bị vật ngửa ra dốc. Anh bạn Mông chửi một câu tục tằn rồi ném nó vào bụi, bắt tôi đi bộ ròng rã 1 tiếng 20 phút mới đặt chân lên tới đỉnh núi Hờ Nhụ Cù. ấn tượng đầu tiên dội vào mắt là dãy lán trại, cắm cheo leo ngay trên miệng những chiếc hầm vàng lở lói. Gió gào ràn rạt như thể nhấc những chiếc lán ấy đi bất cứ lúc nào. Tổ trưởng, trung tá, phó trưởng công an huyện Điện Biên Đông Phạm Trường Sơn ra tận đầu dốc đón tôi trong bộ dạng 4 ngày chưa tắm. Việc đầu tiên anh lưu ý là không được rửa tay, bởi nước ở đây không gì ngoài việc trông vào trời. Nếu nắng, các anh phải thuê dân vác bán cho 20 ngàn/can 20 lít. Giữa đồi cỏ gianh lộng gió, không một bóng mát, củi thậm chí đã phải mua tới 50 ngàn/bó. Sinh vật bầm dập, cảnh tượng khô khan. Tôi thoáng thất vọng vì không được diện kiến cảnh giành giật, hỗn chiến của vùng vàng, nhưng lại mừng vì một thiết chế được lập lại như vốn nó vẫn yên bình thế. Tất nhiên, để được như vậy các anh đã phải trả những cái giá không nhỏ, thậm chí nguy hại cả đến tính mạng. Đó là vào quãng 1 giờ đêm 2.9, hai tên Lầu Chù Phía, bản Tào Xa và Vàng Chứ Vừ, bản Trống Mông (Phì Nhừ) cầm đầu hơn hai chục tên, kéo lên núi Bò Tót cướp súng, phá, dỡ lán trại, đuổi tổ công tác: “Ra khỏi đất của chúng tao, nếu không chúng tao sẽ giết hết”. Hơn thế, chúng còn dọa ném mìn, thả thuốc độc vào nguồn nước… Bằng tinh thần dũng cảm và khôn khéo, 18 thành viên tổ công tác cầm cự, trì hoãn, giằng co, thuyết phục chờ trời sáng mới chịu “để chúng kéo” về xã giải quyết. Và đó cũng là thời điểm lực lượng tăng cường ngoài huyện ập vào, xích 2 kẻ cầm đầu đưa đi.
     Đúng lúc một luồng gió và cơn mưa lạnh như nước đá từ đỉnh Keo Lôm giật lại, hất phăng tấm bạt tăng che chỗ ăn, chỗ nằm của các anh xuống lưng đồi cũng là lúc chúng tôi chia tay tổ công tác liên ngành. Từ chối bữa tối thịnh soạn gồm cá khô và bí xào ướt sũng mà vẫn tỏa ra thơm lựng mùi… xú uế lẫn khuất đâu đó được hàng ngàn con người thải ra vô tội vạ những ngày qua, chúng tôi ôm cái bụng đói xuống núi mà trăn trở mãi. Nếu muốn kéo dài sự bình yên trên núi Bò Tót nói riêng, Phì Nhừ nói chung UBND huyện Điện Biên Đông và tỉnh Điện Biên cần phải có sự quan tâm hơn về chỗ ăn nghỉ; về khoản “trượt giá” trên lưng tầng trời; nhưng có lẽ cần làm hơn cả là tạo điều kiện nhanh nhất cho các DN, cá nhân đủ điều kiện pháp lý, đủ năng lực vào tiến hành khai thác. Như vậy, lực lượng không còn phải bảo vệ quá nhiều thứ như bây giờ, và khi đó, chắc chăn sẽ chấm dứt hẳn nạn hằng đêm, hàng chục lượt kẻ trộm bằng sự chở che của núi rừng và bóng tối, vượt qua lớp rào chắn là 4 đ/c làm nhiệm vụ canh gác mỗi ca, vào ăn cắp quặng của Nhà nước mang đi… 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét