28 tháng 2, 2013

CHỢ TÌNH BIÊN ẢI


Bút ký in NNVN


     Chẳng biết có từ bao giờ, chợ tình Dào San (Chợ của cụm 8 xã phía bắc của huyện Phong Thổ - Lai Châu) họp 4 phiên một tháng vào các ngày chủ nhật. Ngoài việc mua bán, người ta, ai “Có vợ đem theo vợ/ Có chồng rủ cả chồng/ Không có cứ đến chợ/ Sẽ gặp người đi không… (thơ Trương Hữu Thiêm). Chợ tình là thế, cứ gì phải mua bán. Người ta đi chợ để chơi, để xem, để tìm nhau, hò hẹn nhau, giao đãi nhau… Có người đi chợ mang hàng về. Có người đi chợ mang… vợ về…
     Một vùng đất
     Núi dựng, rừng thiêng xưa nay vẫn là cách để người ta nghĩ về miền biên ải; và Phong Thổ, Dào San cũng vậy. Với 99 ngọn núi; 99 con sông, suối, đầm, hồ tự nhiên xoắn xuýt, quyến luyến bên nhau tạo nên một diện mạo riêng, độc đáo vào cực kì hấp dẫn. Là một xã biên giới, cách Trung Quốc chỉ với con suối nhỏ Pênh Hồ, Dào San vốn là ba đỉnh núi Hổ Ngồi (Tràng Sủa Giàng), núi Con Voi (Chang Cua Đơ) và đỉnh núi Ở Đâu Cũng Nhìn Thấy (Trùng Túa Lùng). Đấy là về mặt địa lí và địa giới hành chính, còn theo một di bản có phần huyền bí của dân tộc Dạo (Dao) thì địa danh Dào San chính là sự ghi nhận của một cuộc khai sơn hoành tráng vào loại bậc nhất miền Bắc ải. Dạo San - theo tiếng Dao là núi do người Dạo khai phá, sau này gọi chệch thành Dào San. Độ cao trung bình của Dào San là 1935m so với mặt nước biển, cho nên mùa đông đây lạnh như cắt thịt. Theo cán bộ biên phòng đồn 281 - quản lí ba xã biên giới Dào San, Tông Qua Lìn, Mù Sang - Nguyễn Thanh Tùng (lấy vợ người dân tộc ở Tông Qua Lìn) thì không riêng gì hôm nay, mà hầu như suốt cả mùa đông, các anh phải ăn “cơm tái” và uống nước chè sống nhăn sống nhở. Để chứng minh cho lời nói của mình, anh lôi chúng tôi xuống bếp ăn của đồn. Nhìn chảo nước làm lông lợn sôi sùng sục trên lò than đá, mà các chiến sĩ ta vẫn thò tay vào được, chúng tôi biết rằng, nước sôi chỉ là lí thuyết của việc tác dụng nhiệt, còn thực tế, lạnh độ ngoài trời đã “trói chân” cái sự sôi ấy chỉ ở ngưỡng 75o. Rõ ràng cái thứ sôi kia chết yểu ngay khi được bắc ra khỏi lò than, vì thế, mặc dù đã nhúng cả con lợn cắp nách vào chảo nước sôi rồi, các chiến sĩ vẫn phải thui như thui chó, mới hết được lông.
     Lạnh quá! Lạnh đến nỗi những cây đào phai, đào mèo, mận trắng, mơ má đỏ… ở chân Dào San 1 và Dào San 2 trơ mốc gọng, không còn một dấu tích nào của mần sống. Ấy vậy mà chỉ cần đợt nắng yếu ớt đầu tiên, bên kia dãy Trùng Túa Lùng tràn về là thứ cây kinh tế đặc trưng ở vùng biên ải xa kịt xa cùng này, lập tức bừng lên một sắc hoa rực rỡ khắp ven biên. Tôi dìu cô bạn nhà báo, mặc cho mấy thanh niên khiêng hộ chiếc xe Minxk (thuê của cánh xe ôm ở chân núi) gục gập cổ, không có thợ sửa chữa, vào nhà một người Mông. Nhìn cái cổ chân sưng bấy vì trật gân của cô bạn, bà chủ nhà lật đật chạy ra bìa rừng, giật về một rọc lá náng dại. Ông cụ Khúa Tra moi trong góc nhà ra một chai rượu ngâm rết xanh và mật gấu:
   - Cán bộ mày “rửa” cái nước này đi, đảm bảo chỉ một lần ngủ là khỏi ngay thôi!
     Đỡ chai thuốc từ tay già Khúa, tôi rùng mình nhớ lại con đường dài hơn 200km từ thị xã Điện Biên Phủ vào tới Dào San đầy ắp đá hộc, đất mùn và lớp lớp đèo dốc cheo leo, dữ dội, mà hai ngày qua tôi và cô bạn không ít lần hạ cánh đẹp như một chiếc mo cau rơi xuống lòng đường. Co ro trong chiếc váy (đắp thay chăn - chỉ khách quí mới được dùng) của vợ chủ nhà, cô bạn nhà báo vừa xuýt xoa cái vết cắn của núi vào gân cổ chân, vừa hí hoáy ghi chép. Còn tôi, xuân này về Dào San không phải để nắm tình hình an ninh trật tự, hay các dự án xóa đói giảm nghèo, mà khao khát một lần, vượt mây, vượt núi đến với chợ tình biên ải, để nghe tiếng lòng mình thổn thức.
     Đêm giọt vào cảm xúc những chùm chín mọng. Một thứ chín ngọt ngon chưa bắt gặp ở đâu trên con đường đời. Từ nay, tôi không còn phải nghe thiên hạ đồn, nào là, ở đây cái gì cũng đẹp; đẹp nhất là tuyết, rồi đến suối, sông, núi, rừng... Tôi lại thấy các thôn sơn Mông hoa là đẹp nhất. Da trắng như mây, tóc xanh như lá, lúc nào cũng hiện hữu một sự yêu đời hơn tất thẩy 54 dân tộc anh em bởi chiếc kèn lá, đàn môi… chỉ im tiếng vào lúc núi rừng ngon giấc.
     Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi đến với bản Mông, tuy nhiên, đây lại là lần đầu tiên chúng tôi không nhìn thấy cảnh những em bé Mông giữa mùa đông lạnh giá, có quần không áo, có áo không quần đứng tím tái cùng gió cắt, tuyết ướp như bất kì một bản Mông nào khác. Và, mênh mông dưới tầm mắt, con “đường 135” từ Mường So (Phong Thổ - Lai Châu) vào, tuy còn lớp lớp đèo dốc, đường nhiều khi như chọc thẳng vào trời xanh, lúc lại đâm cắm đầu xuống vực thẳm, đã bon chân hơn, chứ không còn cái cảnh: Người đi trước gót chân/ Đập vào mặt người sau? Dựng đứng! như xưa nữa. Màu đỏ của những mái trường, mái trạm lẫn vào màu đỏ của thảo quả phơi ngập ngụa sân sau vườn trước. Lại nói đến thảo quả, một anh thanh niên người Mông, có cái giọng “tiếng Việt” khá sõi, ví von rằng, vài năm trở lại đây thảo quả chính là “thần chết” của cái vòi bạch tuộc đói nghèo ở Dào San. Hay!
   Ghé mắt vào cuốn sổ phóng viên của cô bạn, thấy lóe lên những dòng tên vàng của những người dân tộc Mông có thu nhập trên 100 triệu đồng từ vườn thảo quả. Với ai chả biết chứ bản thân tôi, khi mà mốc thời gian còn chưa vượt sang thế kỉ 21, người ta đã có thu nhập gấp 200 lần lương giáo viên cấp 3 của vợ tôi ở nhà thì quả là khủng khiếp chứ còn gì. Người mới “ra khỏi nhà bố mẹ” như vợ chồng Lý A Phờ, Dào San 1 cũng đã thu nhập trên 20 triệu đồng… : “An ninh, chính trị khu vực biên giới tương đối ổn định”. Tôi chẳng biết, dòng chữ ấy về đồng bằng nói lên điều gì, nhưng đã nói đến đây thì nhất thiết phải hồi bút một chút. Vào những năm 80 (thế kỷ 20), Dào San từng là “đại bản doanh” của thổ phỉ. Đầu những năm 90 Dào San lại là “miếng mỡ” để một số tộc người của Trung Quốc sang cướp trâu bò, cướp đất để trồng thảo quả (khu vực Ma Can). Còn đại loại chuyện “Âm mưu diễn biến hòa bình” mà các lực lượng thù địch chống sự nghiệp cách mạng và khối đoàn kết dân tộc của ta ở khu vực biên giới, thì năm tháng vẫn cháy âm ỉ như một con cúi, nhả khói loanh quanh quả bom “chiến tranh tâm lý” và “vấn đề nhân quyền”… vốn hết sức gian nan, nhạy cảm. Bà con thì, như ta vẫn nói: dân trí thấp, cho nên cứ vô tư đi theo Vàng Chứ, di dịch cư tự do, lấy vợ lấy chồng bên kia biên giới để có cơ hội qua lại thăm thân… rồi thì thường xuyên xảy ra nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em; buôn bán ma túy, hàng lậu…
    Đấy là chuyện trước đây, còn bây giờ, Dào San đã trở thành đất vàng, rừng bạc và… chợ tình!
     Một người bạn
     Khuya. Sương mù bưng lấy mắt. Sương làm vàng vọt thêm bếp lửa trong nhà. Thấy tôi im lặng, tưởng tôi buồn, già Khúa lên tiếng:
   - Dào San một năm đón 50 lần tết. Tết người Mông. Tết người Kinh. Và, 48 ngày tết chợ. Cán bộ mày đến hôm nay, buồn một tí, không sao, cứ ngủ tốt đi, ngày mai đón một lần tết đấy.
     Tôi chưa ngủ ngay, vì nhà Khúa Tra chỉ có một chiếc phản khách. Nhường cho nhà báo gái, còn tôi, thừa ra ngoài. Nhìn đi nhìn lại, tất cả đã đâu vào đấy. Cả nhà Khúa Tra dồn vào một cái sạp, làm bằng những thân tre băm ra thành dát, rồi trải lên trên những thân gỗ gậnh ghềnh như con đường núi vậy. Mình tôi ngồi thu lu bên bếp với một con chó săn nòi của Khúa Tra. Nó cũng đang cô đơn. Họ không chuẩn bị cho tôi chỗ ngủ, có lẽ vì họ tưởng tôi và nhà báo gái là vợ chồng. Nghĩ vậy, và thấy chẳng có gì phải trách cứ họ, tôi lặng lẽ dỡ tấm váng chắn cửa bước ra ngoài xem có cái gì còn sống trong đêm không. Tôi lầm lũi vạch sương đi về phía có tiếng kèn lá, khèn bè, tiếng đàn môi, tiếng sáo trúc… uốn lượn bên những đốm lửa vật vờ những những bóng ma trơi, ẩn khuất sau tầng tầng cây lá.
     Bí mật tiếp cận sau lưng một chàng trai Mông đang say sưa độc tấu khèn, chốc chốc lại với tay trở miếng trâu khô đang xì khói khét lẹt trên bếp lửa. Tôi chợt rùng mình, bởi có lần nghe kể, nếu lỡ phạm phải những điều đại kị của họ thì có rúc xuống địa ngục cũng không thoát khỏi những trận lôi đình thịnh nộ. Trót rồi, đành dựa vào ba tấc lưỡi, may ra. Thật may, anh chàng người Mông này đang thả hồn lên một cành cây nào đó, nên coi tôi như một con muỗi, chứ chẳng phải nòi báo giống hùm gì mà phải ra tay. Sau ánh nhìn thân thiện, anh ta tỏ ra vui vẻ vì có người thức cùng:
   - Mình là Trống, ở Tông Qua Lìn, xa lắm nên phải đi trước một ngày. Không mua sắm gì đâu, chợ trước quen được một con gái Mù Sang, nó ra câu đố, làm mình phải nhờ người già sáng tác hộ bài hát đối, đang tập thổi khèn để mai thi đấu.
   - Nếu thắng? - Tôi hỏi:
   - Nó thành vợ mình.
   - Còn thua?
   - Mình không được thích bất kì con gái nào ở Mù Sang.
     Tôi đưa tay về phía những đốm lửa trong rừng:
   - Những người kia đi sớm để làm gì?
   - Gần giống mình. Chúng nó sợ bạn gái quên hẹn nên đi sớm để đón. Có cái lưng, cái tay… người yêu ở trong đầu, nằm nhà cũng không ngủ được đâu.
    Tôi và Trống còn trên trời dưới biển chuyện. Trống thích tôi kể chuyện “xe bay”, “xe dài” như có nhiều cái xe ngắn dính nhau, chạy bằng cái vung chảo; chuyện người Kinh “đắp” nhà cao nhà to như trong cái “đài nhìn” của cán bộ biên phòng… Cuối cùng, Trống ước, một ngày nào đó Trống có thể đổi vườn thảo quả lấy tất cả những thứ đó đem về cho Khùa My (bạn gái mới quen của Trống):
   - Mình có rừng, có núi, có Dào San và tất cả rượu ngô, thắng cố… nhưng mình lại chưa có cái xe đi được trên trời!
     Còn tôi thì lại rất thích chuyện thổi khèn, thổi sáo “chài” con gái của Trống. Cả chuyện đánh tù lu, ta pao, phi ngựa bắn nỏ, uống rượu, chọi chim… để tìm ra người được hát đuổi nhau trên núi. Cứ vậy, chừng quá nửa đêm thì tôi say mềm. Say về thể vận động chứ cảm xúc thì lại tỉnh như vừa bị té nước lạnh. Ngoài trâu khô, rượu ngô, tôi còn say cả những câu chuyện tình như phù phép của người biên ải. Dìu tôi trở về với dãy sạp “tập thể” mà cha, con, chồng, vợ nhà Khúa Tra đã nằm lăn lóc không còn một kẽ nứt. Chẳng cần xin phép, Mã A Trống dùng sức khẻo “như con trâu đực” ủi một cái mạnh làm cả nhà Khúa Tra dồn gọn lại một đống, rồi quăng tôi như một cái nêm, lắp nốt vào chỗ vừa kịp hở ra ấy.
     Một chợ tình
     Nói như già Khúa thì tối nay là “tối 30”, mà chợ Dào San vẫn cửa cài im ỉm. Bên ngoài, trên những vuông nền, hàng cọc chống run lên từng đợt theo những cú đánh đu của gió Bắc. Từng dãy bắp kê thành sạp, thành quầy ngày chợ oằn xuống bởi sức nặng của ngô, của bí, của xâu lưỡi cày… đôi khi là của một ông cụ “ma men” vô ý thức nằm ườn ra như bị trúng gió. Nhưng hôm nay, cũng như suốt tuần qua, nước mốc đã lên men, mộc nhĩ mọc lấm chấm, phủ kín mặt dưới những thân gỗ. Không riêng gì mùa đông, Dào San quanh năm vẫn thế. Ngày thường, người Dào San mải ruộng vườn nương rẫy, thậm chí còn phải làm 300 - 400% sức lực để bù cho những ngày xuống chợ. Chơi vô tư. Say bạt mạng. Nếu cần, ngủ giữa đường như thể một loài thực vật trường sinh, không thú dữ, không gió độc nào có thế quật ngã được.
   Do say dậy muộn, nên tôi không được chứng kiến “chợ lửa” họp từ 3 giờ sáng. Nhưng, trong cái sương mù đặc quánh thì những ngọn đuốc, ánh đèn pin vẫn chưa có cơ hội nghỉ ngơi. Tuy ở vùng xa, vùng cao biên giới, nhưng hàng hóa ở Dào San chẳng thua gì ở một chợ huyện miền núi. Chỉ không có những cửa hàng xe máy, cửa hàng điện tử, vật liệu xây dựng… mà thôi. Người Dào San, chợ Dào San chẳng thấy ai sấp sấp ngửa ngửa, lật đà lật đật. Người mua đủng đỉnh, người bán từ từ. Không nài gọi, không câu kéo. Người bán chỉ bán những thứ người mua cần mua, không gộp, không cộng. Đơn giản mua con dao trả tiền con dao, thả vào lu cở. Xong. Mua thêm cái cuốc, trả tiền cái cuốc. Xong. Mua cái khác… Một vài người được coi là “dám xuống chợ huyện cất hàng về bán” thì phương tiện tính toán chính xác và thuận tiện nhất, đâu đâu cũng có, đó là nhặt đá xếp lên bàn. 2 viên to, 8 viên nhỡ, 5 viên nhỏ là: 28.500 đồng!
     Giao đãi nhau cũng là “công việc” của người đi chợ. Bạn bè thân hữu kiểm chứng mối bang giao vượt thời gian bằng rượu. Đám thanh niên thể hiện “đẳng cấp” và sự sành điệu bằng rượu. Đến bọn trẻ choai cũng khẳng định sự già dơ bằng rượu. Quán chật thì ra đường. Đã gặp, đã mời thì không ai từ chối. Đói ăn uống. No rồi, say rồi mà được mời cũng vẫn ăn uống. Ăn đến vỡ cả lu cở; uống đến thủng cả ô trên đầu. Chợ tình linh hoạt và năng động, nên có đủ cả. Chỉ cần đội cái chảo, cắp nách con lợn, gùi một gùi rượu, ra chỗ đất trống lập quán là kinh doanh được ngay.
     Thắng cố, rượu ngô là thứ nhiều người thích nhất. Chảo bắc như chạm vào đỉnh núi, chóe rượu xếp tràn thung lũng, như ruộng dưa hấu dưới đồng bằng. Ai có tiền thì say tử tế, người không có tiền mà tìm không thấy bạn thì chỉ cần nếm thử các hàng rượu cũng say. Rượu Dào San không tiếc người biết uống, chỉ sợ người uống chẳng thật lòng. Người Dào San say tình như say rượu. Họ không vì bất cứ thứ gì mà hẹp hòi, mà tiếc nhau sự yêu mến. Vì tình, họ có thể quên nắng quên mưa, quên sáng quên tối mà say, say như trúng thuốc vậy. Say đến ngủ luôn dưới chân ngựa, ngủ giữa đường, giữa rừng, say như bỏ xác mới thấy hả hê, mới đáp đủ nỗi niềm trao gửi cho nhau…

*
*    *
     Cô bạn nhà báo ôm chiếc máy ảnh đi đi lại lại, vẻ thất vọng trước màn sương dày đặc. Đã 15 tiếng, kể từ 3 giờ sáng, vẫn chưa có dấu hiệu gì nói lên sắp vãn chợ. Họ vui cho bõ, chơi cho bõ, say cho bõ cả một tuần trời chờ đợi. Tôi lẽo đẽo theo sau mấy đôi trai gái vai kề vai, tóc vùi tóc như thể keo nhau, dính nhau… ra phía mấy quả đồi sau chợ - nơi mà trước đây chỉ dành cho “những con ma nâu” lén lút dúi vào tay nhau những tép giấy trắng, hay cọc vải thẩm lậu qua con suối biên giới Pênh Hồ - thì nay, nhờ vào sự đấu tranh nỗ lực và bền bỉ của cán bộ, nhân dân Dào San, đã trở thành “hậu chợ tình” rừng rực lửa. Lúc đầu tôi còn đỏ mặt trước những cử chỉ ái ân của trai gái chợ tình, sau quen dần, vì thực ra họ có coi tôi là cái quái gì đâu. Trải khắp một không gian rộng lớn trên đồi, dưới thung là những đám đánh quay, ném pao, múa khèn, phi ngựa… Tách ra, rải rác đó đây trên những vạt rừng thưa thoáng là những tay ô, những tiếng kèn lá, đàn môi, những tiếng hát rủ nhau, chài nhau, đuổi nhau… vang vọng tới chân trời.
     Thầm lặng hơn một chút là những cặp, những đôi vừa khèn vừa hát những giọng hát bản trong như nước mưa, trước những cái đài một cửa băng cũ rích, đã bật sẵn nút ghi. Thì ra, tặng nhau những lời hát, tiếng nói, điệu khèn yêu thương đang là mốt của trai mường gái bản. Tôi bỗng nhớ lại giọng hát rinh rích như dế kêu đêm, phát ra từ chiếc băng đài của Mã A Trống và câu giải nghĩa tự hào của anh: “Nó nói nó là con suối, mình là cây to, nếu yêu thì lá rụng xuống nước, đừng để gió thổi qua bờ”.
     Mà cái anh chàng Trống này, bỗng dưng im tang lặng dóng để biến đi đâu thế nhỉ.
    Tôi bất chợt cất tiếng gào vào biên cương: “Trống à! Trống ơi!”.
    Chỉ có tiếng chợ tình tưng bừng đáp lại…

Dào San tết, 2001

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét