Phóng
sự
Đã
50 năm qua, chưa bao giờ Điện Biên rét kinh hoàng đến thế. Những năm 1973,
1986, 1989… rét xuống âm độ, nước ao hồ đóng băng, ta đi mà ngỡ như lạc vào một
góc nào đó của Bắc cực. Nhưng cái khắc nghiệt chỉ kẹp nhau có dăm bảy ngày, vạn
vật chưa kịp nghẹt thở. Năm nay dường như đất trời nổi giận với Điện Biên vậy.
38 ngày rét tựa giáo đâm vào tim gan phèo phổi. Cỏ khô lụi; mạ, cá thối rữa;
gà, vịt, lợn, trâu, bò… chết như thể tai họa giáng xuống từ vũ trụ…
Rét như cắt đường sống
Tất
nhiên là không thể so Điện Biên với Sa Pa (Lào Cai) hay Mẫu Sơn (Lạng Sơn) rét
từ -2 - -50c được; và cũng có lẽ vì rét vừa chớm ngọt đến xương nên
người Điện Biên khoái mà sinh ra chủ quan chăng? Đã cả chục năm nay, Điện Biên
đón Tết Nguyên Đán trong cái nắng gió Lào sạm da cháy thịt. Tết đến, mọi cuộc
sum họp được làm mát bằng cách không thịt mỡ, không bánh chưng, không rượu. Các
hãng nước ngọt đã trở nên quen thuộc với cái vị ngọt bội thu mỗi tết. Nhưng tết
năm nay thì khác. Trời rét, lại khô - một sự ban phát tuyệt diệu dành riêng cho
những cuộc du xuân bách bộ mà không lo bị mồ hôi làm bẩn những bộ cánh cả năm
mới trương ra một bận. Một thứ rét được người ta mong đợi từ lâu, cả vì tính
năng “bảo quản thực phẩm” của nó. Nhưng, sự mong đợi ngọt ngào bỗng dưng trở
thành ác mộng. Tính đến ngày 20.2.2008, Điện Biên đã chìm trong 38 ngày rét đậm
rét hại. Nhiệt độ ban ngày xuống đến ngưỡng từ 0 - 2 oC ở các vùng
núi cao (Pha Đin - Tuần Giáo; đèo Tằng Quái - Mường Ảng…); 6 - 7oC ở
hầu hết các vùng thấp. Như thống kê của Sở NN & PTNT, tính đến 15.2 toàn
tỉnh đã có 1.429 con trâu, bò bị chết do rét, thì ở huyện Mường Ảng có tới 361
con, (chiếm 38,1%). Tuy nhiên, theo con số thống kê chính xác của Phòng kinh tế
huyện Mường Ảng tính tới chiều tối ngày 21.2 vừa qua, số trâu, bò bị chết rét
đã lên đến 834 con (chiếm 58,36% số lượng trâu, bò chết toàn tỉnh) và 187 con
dê, ngựa, lợn… nữa. Mặc dù trời đã bắt đầu ấm và nắng, nhưng dư âm của địch hại
chắc chắn chưa buông tha cho đàn gia súc vốn đã kiệt quệ. Bệnh tả, viêm phổi,
ghẻ, nhiễm trùng uốn ván, suy nhược… đang là nỗi lo chính sẽ cướp đi nhiều
trâu, bò nữa vốn lay lắt lại qua đợt rét. Huyện Mường Ảng vụ xuân năm 2008 cấy
644 ha, thì có tới 386 ha đã chết (theo các chuyên gia nông nghiệp thì sẽ còn
chết hàng trăm ha nữa. Cây lúa nhìn còn leo lét xanh, nhưng khi lội xuống, nhổ
lên thấy hầu hết đã thối rễ và nõn). Suốt từ tết Nguyên đán, chúng tôi vạch
sương mù và giá lạnh đi về các bản vùng cao, vùng sâu của huyện Mường Ảng. Cá
dưới ao như bị ướp đá, chết chìm chán cho đến khi thối rữa mới chịu nổi lên mặt
nước. Dê, ngựa, lợn… sáng còn đủ tỉnh táo và dũng cảm bước ra khỏi chuồng đi
tìm cái bỏ bụng, chiều một số con mắt mờ, chân cứng, sức kiệt do rét và do
chẳng tìm thấy gì ngoài gió với đất nên ngã lại rừng sâu, để chủ đi tìm đến
suýt không thấy cả đường về. Gà thường ít bị chết rét, vậy mà nhiều nhà ở Ẳng
Cang, Mường Đăng, Ngối Cáy… đã được chủ “nuôi khô” cả bầy trên gác bếp để làm
thức ăn dự trữ. Gia súc, gia cầm chết. Cây trồng, cỏ hoang chết. Cả người cũng
sinh bệnh mà quy tiên vì rét. Chỉ trong vòng mươi ngày đỉnh rét trước và sau
tết Mậu Tý, 3 cụ già ở xã Ẳng Cang đã vội vã giã từ con cháu để về trời, trong
khi các con còn chưa lo xong nỗi lo mất mùa, mất của…
Khóc
trâu, khóc mình
Chúng tôi về 2 xã có số trâu, bò thiệt
hại nhiều nhất huyện Mường Ảng là xã Ẳng Cang (183 con) và xã Ẳng Tở
(101 con) thì thấy tràn ngập một không khí ắng lạnh và ai bi. Trong số hàng
trăm hộ có gia súc chết thì phần đa còn rất nghèo, phải vay ngân hàng, phải
nhận nuôi dẽ, nuôi thuê… mới có được một “đầu cơ nghiệp” trong nhà, nhằm đỡ đần
phần nào sức kéo. Đến nhà các anh Lò Văn Pan - phó bí thư Đảng ủy; anh Lường
Văn Tài - phó trưởng công an xã Ẳng Cang … có số trâu thiệt hại nhiều nhất (4
con) thấy đều có chung hiện tượng trâu bò bị đói nhiều ngày, sức khỏe suy sụp
dẫn đến viêm phổi mà chết. Nhà anh Tài có tổng cộng 9 con trâu, thấy rét quá,
anh che gió, nhưng vì thói quen tích lũy từ 50 năm qua, anh Tài cũng như các hộ
dân trong xã không năm nào thu nhặt rơm, rạ về làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò
vì “cỏ trên rừng rất nhiều”. Tuy nhiên, năm nay cái rét dài làm cho cỏ nhanh
chóng khô lụi, trâu bò thiếu cái ăn, anh Tài đã dùng toàn bộ đồng lương phó
công an xã để mua hàng tạ gạo, cứ cách ngày lại nấu cháo cho đàn trâu. Chưa
hết, anh còn mua cả ô tô củi để đốt cho trâu sưởi. Đền đáp lại ân tình của chủ,
từ 25 tháng chạp Đinh Hợi đến 6 tháng giêng Mậu Tý, chỉ có… 4 con bị chết do
không chịu nổi cái rét như liệt cơ, tắc máu. Những con trâu còn lại sau rét gầy
rộc như đang ủ bạo bệnh. Nỗ lực đốt lửa cứu trâu của anh Tài làm một con bỏng
nặng, do: “Nó cứ đút mãi cái mặt vào bếp”. Đến khi da cháy, mỡ nhỏ xuống than
xèo xèo, chủ bật khóc vì đau mà trâu thì vẫn… chưa thấy ấm(!)
Xót
hơn là các ông Lường Văn Hương, bản Noong Háng; ông Lường Văn Lọ ở bản Co Sản…
(xã Ẳng Cang). Không trông chờ gì nhiều vào quỹ ruộng nương ít ỏi chẳng năm nào
đủ ăn, ông Hương nhờ vốn vay giúp đỡ phụ nữ nghèo của vợ mua được con trâu cái,
ông chăm như chăm con mình. Năm trước mất trắng mùa lúa, ông cắm thóc non thành
gạo để nấu cháo, cắm sắn non mua bạt đắp cho trâu, vậy mà sáng ấy, hai mẹ con
nghé ọ gọi nhau ra trước cửa nhà, cả 8 cái chân liệt cứng lại, mẹ con nhà trâu
ngã từ từ xuống tận… âm phủ. Buông tiếng khóc cho mẹ con nhà trâu, dù đã nhờ
bản ăn thịt hộ rồi mà vẫn chỉ thu lại được 1/4 giá trị. Ông Hương lại khóc cho
cái số cún, bòn mãi mà chẳng nên ăn, và khoản nợ ngân hàng đã cận kề ngày trả.
Ông dẫn tôi ra cái chuồng mới được đầu tư “bao tải rách” để chắn gió khi đã…
mất trâu, hình như hơi ấm của mẹ con nhà sửu vẫn còn lảng vảng đâu đó trong mắt
ông già! Ông Lọ thì mặc dù cay đắng cho mình, cho số phận con trâu cái duy nhất
có được “nhờ tiền người” vừa bị xả thịt, nhưng trong lời kể vẫn tự hào bởi “con
trâu nhà ta có phẩm chất anh hùng” và “dũng khí của một kẻ võ”, không chịu
khuất phục dễ dàng trước cái rét đang đóng băng dần từng khoảng không khí quanh
nhà: “Nó chết đứng như… bác Từ Hải chú ạ. Đến khi gọi 4 - 5 người đến đẩy vật
ra, nó vẫn “gồng” cứng lên như hóa thạch…”
Nhà anh Lò Văn Nọi, bản Tọ Nọ, xã Ẳng
Tở, huyện Mường Ảng có 9 khẩu, nhưng chỉ 2 vợ chồng anh là lao động chính. Với
1000m2 ruộng, và gần
1ha nương sắn, đã nhiều năm liền gia đình anh lâm vào cảnh đói kém. Sang năm
2008 này, cái đói càng về nhiều hơn do vụ mùa năm 2007 mất trắng. Tháng 9.2007
vừa qua, anh bàn với gia đình chuyển nhà vào trong nương, vay tiền ngân hàng,
đầu tư ủi được 8000m2 ao
và nhận nuôi dẽ 38 con bò của người ngoài thị trấn để tạo thêm công ăn việc làm
phù hợp với bố mẹ già và con trẻ. Theo thể thức “băm đôi” khi đàn bò sinh sản,
anh hy vọng không lâu nữa, gia đình anh sẽ đổi đời. Nhưng rồi, mới được 3 tháng,
đàn bò chưa kịp đẻ thêm con nào để mà ăn chia thì đã chết đi 24 con. Số còn lại
chưa biết chịu được mấy nả khi mà một loạt bệnh phát sinh vào thời hậu rét.
Những cuộc điện thoại giữa đêm khuya anh gọi về cho chủ đàn bò, họ đã không
buồn nhấc máy. 24 con chết đi như một chiếc thòng lọng đang đợi anh Nọi. Anh
ước: “Mong cái ngày quyết toán đầu năm với chủ bò đừng đến...”
Ở thị trấn Mường Ảng , huyện Mường Ảng
đã từ lâu người say làm kinh tế biết
danh các anh Nguyễn Văn Tính, ông Ngọ - Hơn, anh Mai - Quận, ông Hòe… về tài
nuôi bò “không chuồng, không đồng bãi”; hộ ít nuôi 3 - 4 chục con, hộ nhiều như
anh Tính, ông Ngọ nuôi từ 250 - 290 con bò. Vụ rét vừa rồi người ít chết hơn 10
con, riêng gia đình anh Tính, đến thời điểm hiện tại (21.2.2008) bị chết đến 61
con cả bò và bê tại 9/9 điểm nuôi gửi. Theo ước tính, gia đình anh Tính thiệt
hại trên dưới 150 triệu đồng, chưa kể công chăm dắt, tiền thuốc, tiền thức ăn,
tiền đầu tư chống rét… Lúc chúng tôi chuẩn bị tạm biệt anh, thì một đoàn cán bộ
thị trấn đến thống kê số bò thiệt hại. Anh Tính lặng lẽ đi vào buồng trong. Anh
đang lo ba năm nữa phải làm gì để lãi thật nhanh, bù đắp lại cái mất chỉ trong
chưa đầy nửa tháng…
Sưởi ấm những tấm lòng
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét