Phạm
Căn cầm tấm giấy dự toán tiền mổ tim của vợ mà hai mắt hoa lên. Cộng tất cả các
khoản: van, máy tạo nhịp, thuốc trợ tim, tiền phẫu thuật… lên tới hơn hai trăm
triệu. Nếu không nhanh bà ấy sẽ chết!
Phạm Căn tần ngần trước cánh cổng điện tử nhà hàng
xóm, giờ đã là giám đốc một công ty riêng giầu có. Ngập ngừng mãi, cuối cùng
Phạm Căn cũng liều đặt tay vào mắt điện tử. Cánh cửa nặng nề hé ra. Trần Phát
xuất hiện với nét mặt rất thân thiện. Vào nhà, Phạm Căn đặt tờ dự toán lên bàn,
chưa kịp mếu máo, Trần Phát đã ngắt lời:
- Là bạn từ thuở hàn vi, không nhẽ anh
cứ khách sáo với tôi mãi. Tôi vừa biết tin chị nhà, đang định đến thăm…
Nói đến đấy, Trần Phát đứng dậy mở
két, lôi ra một bọc đã được gói sẵn:
- Đây, tôi đã chuẩn bị, bảo mang đến
nhưng anh tới tôi đưa luôn cho kịp. Hai trăm năm mươi triệu chẵn, bao giờ có
thì trả…
Phạm
Căn làm nghề thợ xây có tiếng trong vùng, ngặt điều không có vốn nên chỉ phụ
cặp nhì nhằng. Thế mạnh của Phạm Căn là trang trí nội thất và đắp tượng nghệ
thuật, tuy nhiên cũng ít việc vì họa vài nhà có điều kiện mới mời đến ông. Vợ
Phạm Căn từ hồi bị mổ tim, gác đòn gánh lên xà nhà, Phạm Căn chuyển sang xây
phổ thông, tất tật chuồn lợn, nhà cầu, hầm biôga… miễn là có đồng dưỡng tâm cho
vợ. Hai đứa con trai Phạm Căn cũng phải bỏ học ở nhà phụ vữa.
Một hôm, bỗng dưng Phạm Căn nằm liệt.
Vào viện, kết quả x.quang cho biết Phạm Căn bị bệnh thoái hóa cột sống nặng, đã
trẹt vào tủy. Ông bạn hàng xóm Trần Phát thấy Phạm Căn không còn khả năng lao
động bèn lấy lý do thành lập công ty riêng cho con nên cần tiền. Phạm Căn vốn
vẫn biết ơn Trần Phát nên quết định gán mảnh đất mặt đường cả đời bòn nhặt mà
có cho Trần Phát để trả nợ, rồi dọn nhà lui về góc vườn, dựng tạm gian lều ở
qua ngày.
Trần
Phát làm thủ tục sang tên đổi chủ miếng đất, và cất lên đó căn nhà ba tầng,
ngoài cổng có tấm biển đề: “Công ty CNHH Tấn Tài” - tên giám đốc cũng là tên
thằng trưởng của Trần Phát. Trần Tấn Tài mới tốt nghiệp đại học quản trị kinh
doanh, đứa con trai thứ của Trần Phát là Trần Lộc cũng sắp tốt nghiệp đại học
xây dựng khoa thiết kế, cô con gái út Trần Thanh Phúc thì đang học đại học tài
chính. Tương lai hậu bối cao vợi, không làm cho cha thì mở công ty riêng như
cậu cả Tấn Tài.
***
Ngoài khu vườn, sau khi bà vợ Phạm Căn
hết tiền thay chiếc máy trợ tim đã quá hạn, ra đi được một tháng, nỗi buồn
phiền tuổi già và bệnh tật khiến Phạm Căn cũng sụp hẳn. Lúc hấp hối, Phạm Căn
dặn con bỏ chiếc bay xây vào áo quan để ông mang cái nghề mà ông coi là nghiệp
chướng đi cho sạch nhà, vì nó mà ông bà sớm quy về cõi tịch, vì nó mà hai đứa
con ông thất học… Thế nhưng, cậu con cả là Phạm Hiếu lại nghĩ khác. Bố đi rồi,
cậu ta để chiếc bay lên bàn thờ như một vật thiêng và căn dặn em trai Phạm Đức
hãy lấy đó làm nghề tổ!
Từ đấy, anh em nhà họ Phạm chân
chỉ hạt bột, phấn đấu cho nghề xây như là vì cha mình vậy. Không lâu sau, tiếng
tăm tay nghề hai anh em vang xa khắp vùng, công việc cũng theo thế ùn ùn tìm
đến. Để khỏi phụ sự kỳ vọng của cha lúc còn sống, cậu cả nhà họ Phạm bóp miệng
bóp bụng lấy tiền theo học một khóa đại học thiết kế từ xa. Vừa học, vừa làm, vừa
rút kinh nghiệm nên Phạm Hiếu nhanh chóng ghi tên mình vào tốp mười nhà thế kế
nổi tiếng cả nước.
Còn Phạm Đức thì dường như được di
truyền mọi sự tinh hoa của cha về tài đắp tượng nổi. Vốn liếng chỉ là những
trang sách viết tay nhàu nát mà ông Phạm Căn đúc rút kinh nghiệm khi ông phải
treo mình trên không để đắp tượng thần ưng sải cánh trên nóc nhà cao tầng, hay
ngâm mình trong nước để tạo kỳ long vần thủy dưới đáy hồ bơi dậy sóng… Chẳng
bao lâu, Phạm Đức cũng nổi danh trong Nam ngoài Bắc bởi đôi tay được ví
như có thần trợ giúp. Ngay sau khi người anh tốt nghiệp đại học từ xa, cộng với
những uy tín vốn lấy đức nghiệp làm đầu, hai anh em nhà họ Phạm được sự giúp đỡ
tận tình của bạn bè và đối tác mở một công ty lấy tên là “Công ty xây dựng và
trang trí nội thất nghệ thuật Căn - Hiếu - Đức”. Công ty Căn - Hiếu - Đức càng
ngày làm ăn càng phát đạt.
***
Ba đứa con nhà Trần Phát vốn lặn ngụp
trong điều kiện vật chất dư giả, nên tỏ ra chẳng trân trọng gì giá trị đạt được
từ mồ hôi, nước mắt thậm chí cả máu của người cha. Bằng cấp cả ba có được đều
do Trần Phát dùng tiền lo liệu. Dường như biết trước điều ấy nên hai đứa sau,
Trần Phát lôi về công ty để kèm cặp. Nhưng khốn nỗi, từ ngày hai con về giúp,
việc kinh doanh trở nên sa sút nghiêm trọng. Tiền vốn vơi dần như nền công ty
có lỗ nẻ vậy. Sau khi tìm hiểu, Trần Phát mới vỡ lẽ ra rằng hai quý tử là Trần
Lộc và Thanh Phúc vì gen tỵ với Trần Tấn Tài đã rút ruột công ty cha để đầu tư
doanh nghiệp mới. Nhưng vì không có kiến thức, thiếu hụt kinh nghiệm thương
trường, cộng thêm thói ngạo mạn, chủ quan, khinh thường mọi sự nên vừa mới bắt
tay vào kinh doanh đã thất bại thảm hại.
Công
ty TNHH Tấn Tài cũng không hơn gì, sau khi đổ bể, Tấn Tài chọn con đường buôn
lậu và bán hóa đơn giả để vực dậy, nên không lâu sau cũng bị vào tù ngồi bóc
lịch. Lúc Trần Phát biết được mọi chuyện cũng là lúc ông bị một cơn nhồi máu cơ
tim, không kịp đưa đến viện. Số tài sản còn lại, Trần Lộc và Thanh Phúc tranh
giành nhau đến nỗi em thuê người giết anh để chiếm đoạt tài sản, và đã bị kết
án chung thân.
Hai anh em họ Phạm vốn rất biết ơn gia
đình nhà Trần Phát trước kia đã từng giúp đỡ cha mẹ mình và lấy làm thương tiếc
cho gia cảnh nhà họ Trần nên đã bớt ra một khoản tiền lớn trả đậy khoản trốn
thuế, nộp phạt và bảo lãnh để Trần Tấn Tài được tại ngoại. Hơn thế còn mời Tấn
Tài về làm trưởng phòng kinh doanh cho mình.
Tấn
Tài cảm động lắm. Nhưng sau khi ra trại, anh ta đến công ty Căn - Hiếu - Đức
lạy tạ hai anh em nhà họ Phạm, rồi khăn gói vào Nam bắt đầu sự nghiệp của mình
bằng nghề phu hồ.
20.10.2007
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét