Gặp ông qua thơ. Chưa
biết mặt. Theo thi lộ ông chừng sáu hai. Thơ ông thừa chân dung phụ nữ. Người
ta bảo thơ khoe của thế y kì chẳng có thực. Khát khao yêu.
Thậm chí sẵn sàng
đổi tất cả để được yêu. Đúng thật. Xa mấy nghe tin có phụ nữ độc thân cũng đến.
Ông đề nghị được tài trợ một xe Yamaha, và đã nhận được hợp đồng bán chịu một
Yamaha. Ông tay không cưỡi xe chui qua mắt cảnh sát giao thông. Đến điểm hẹn.
Ông quay gót. “Giá như đừng có con chồng”. Thơ ông than thở.
Vài tháng trôi qua. Cậu thanh niên kề nhà cho ông một địa
chỉ mới, chưa từng có chồng. Đi. Ông ngã xe sầy mặt. Mấy ngày sau đọc thơ. “Sao
nỡ chê anh, để anh buồn”. Ông tự lăng xê bằng thơ. Tìm bạn bằng thơ. Ông
giam chiếc Yamaha vào góc nhà để lên xe khách về quê. Bốn trăm bốn mươi bảy cây
số, ông vẫn khoẻ. Thơ nói ông đang lao về nơi ấy. Rồi ông lên với tâm trạng cô
đơn. “Em xấu quá làm anh già mấy tuổi”.
Nghỉ một thời gian lấy sức. Ông viết nhiều về những thôn
sơn mười tám đôi mươi. Trăng như đổ mật xuống suối. Những mái tóc dài đen
nhánh, chua mùi nước gạo. Trong thau nước đầu sàn, đám mây trắng chậm trôi. Hoa
ban vương xuống tiếng cười trong vắt. Đường hoàng hôn sực ấm hơi người. Làng
vắng. Một người già. Con đã trưởng thành hết. Một người trẻ, cỡ tuổi con. Có
con gái nhưng từ chối không gả. Ông đi đến những thôn xa hơn, rồi xa hơn nữa.
Ông theo sau gùi một cô gái có nước da trắng như hoa ban núi. Trước cổng. Ngập
ngừng. Ông về lúc mặt trời rơi thăm thẳm trong lòng.
***
Trên
bàn, cô bác sĩ trẻ vừa làm vật lí trị liệu, vừa mắng nhiếc nhà thơ nhân thấy
Thái Bạch đang lâng khâng đời mình trên VTV. “Bảo mình lấy nhà thơ, thà ở giá.
Hâm còn chịu được, đằng này điên. Điên lựa chọn. Ôi, kính sợ!”. Tôi cất nhẹm
lai lịch mình vào máu. Bỗng thấy thương ông già làm thơ. Không biết ông có gặp
đôi môi nào xinh đẹp nhưng tàn nhẫn như môi cô bác sĩ. Trời ạ. Cũng phải có
người thích lơ mơ chứ. Tôi gặp rồi. Vợ tôi chẳng hạn. Trong thơ một lần ông
nhắc tới vợ. Một lần nhắc tới bốn cô con gái một bề. Nhàn nhạt. Xa xa. “Đã
yêu anh rồi sao còn nỡ hận thơ?”. Đúng là vợ con ông không yêu thơ ông như
vợ tôi yêu thơ tôi. Lời thơ nhắc vợ ấy, thật tiếc viết xen trong bài điếu. Điếu
mà thừa ai oán, thiếu thương tang. Các con đổ cho ông tội giết mẹ chúng. Lúc
sống ông có ý định lấy vợ hai. Có lẽ như vậy thơ thọ hơn. Chúng cấm vận ông.
Ông sống bằng những giấy mời lĩnh tiền nhuận bút thơ. Lâu lâu năm chục ngàn.
Nhưng thơ day dứt, đau đáu và nhớ dai hơn.
***
Ông
thũng thẵng đi theo những bông lau trắng muốt trên lưng sơn nữ. Chiều theo hai
người về núi. Thảng hoặc sơn nữ quay lại, cười. Đường về không xa nhưng đi mãi,
đi mãi. Trăng ú tim trên ngọn rừng. Sơn nữ lên thang. Ông chào người thanh niên
ngồi ôm đàn tính tẩu bên bếp. Rượu sơ rót ra hai chén. Ông uống bằng số lượng
ngón tay, ngón chân. Trong hơi men, ông gọi người thanh niên bằng bố. Sơn nữ
rót rượu vào bát. Ông dốc cạn. Sơn nữ rót rượu vào bầu. Ông dốc cạn. Sơn nữ
trải đệm. Ông mơ mình đang hạnh phúc.
Ông
đi mòn chiếc cầu bắc qua con suối sang nhà sơn nữ, sơn nữ vẫn chỉ cười. Bố sơn
nữ nói: “Tôi không quan trọng!”. Còn sơn nữ mặt đỏ lựng sau tấm khăn piêu: “Ông
đừng trêu cháu!”. Con chó quen hơi ông. Sơn nữ ngần ngừ. Người thanh niên quên
gọi ông bằng tiếng bác. Ông Hạnh phúc. Đêm tân hôn, bốn đứa con gái kéo về một
lượt. Căn nhà như bị xới lên. Sơn nữ ôm quần áo về nhà mẹ đẻ. Các con ông không
thể chấp nhận con bé dân tộc tuổi hai hai làm mẹ kế. Chúng điên vì bao nhiêu
mối dắt của chúng ông đều khước từ. Ông sợ thơ buồn. Chưa bao giờ ông cần nương
tựa vào nhau cả. Ông bán đất trả tất cả những khoản chúng nó tài trợ từ khi vợ
mất.
Sơn nữ lại theo ông quay về nơi họ đã đọc cho nhau những
bài thơ tình thê thướt.
***
Tôi
bỗng ốm một trận dài. Bạn bè đến như thể để tiễn biệt. Rồi tôi bỗng khoẻ lại.
Tìm hoài không thấy ông trên thi đàn, dù là một câu nhạt cũ dễ quên. Tôi thấy
mình vui lạ, biết chắc ông đang hạnh phúc.
Trong
thơ tôi ngày càng thấy xuất hiện nhiều bóng dáng giai nhân!
21.9.2008
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét