9 tháng 7, 2013

NHÓM "MỞ MIỆNG" ĐƯỢC LÀM LUẬN VĂN THẠC SĨ - KỲ I

Luận văn thạc sĩ “Vị trí của kẻ bên lề…”

Đọc luận văn thạc sĩ “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” (từ đây gọi tắt là VTKBL) của tác giả Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) do PGS.TS Nguyễn Thị Bình, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội hướng dẫn, tôi toát mồ hôi, nổi da gà. Chẳng lẽ, “nổi loạn là điều kiện sáng tạo” văn chương? VTKBL thuộc chuyên ngành Văn học Việt Nam, mang mã số 602234, được bảo vệ tại Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vào năm 2010 với điểm 10 tuyệt đối của Hội đồng Chấm luận văn. Đây là một luận văn bàn về văn chương ngoài luồng (mà họ tự gọi là thơ nghĩa địa, thơ dơ, thơ rác…) của nhóm tác giả có tên gọi là “Mở Miệng”. Xin không bàn về những vấn đề học thuật với những triết thuyết, những luận điểm luận cứ, những viện dẫn Đông Tây kim cổ. Không bàn luôn cả những lý giải, hóa giải rất là hầm bà lằng, mà chỉ xin điểm qua những nội dung ô trọc, phi văn hóa và những kiến giải phi nhân tính và rất nổi loạn của luận văn này.



Kỳ I: Nổi loạn là điều kiện để sáng tạo?


MINH TÂM


Đọc luận văn thạc sĩ “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” (từ đây gọi tắt là VTKBL) của tác giả Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) do PGS.TS Nguyễn Thị Bình, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội hướng dẫn, tôi toát mồ hôi, nổi da gà. Chẳng lẽ, “nổi loạn là điều kiện sáng tạo” văn chương? VTKBL thuộc chuyên ngành Văn học Việt Nam, mang mã số 602234, được bảo vệ tại Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vào năm 2010 với điểm 10 tuyệt đối của Hội đồng Chấm luận văn. Đây là một luận văn bàn về văn chương ngoài luồng (mà họ tự gọi là thơ nghĩa địa, thơ dơ, thơ rác…) của nhóm tác giả có tên gọi là “Mở Miệng”. Xin không bàn về những vấn đề học thuật với những triết thuyết, những luận điểm luận cứ, những viện dẫn Đông Tây kim cổ. Không bàn luôn cả những lý giải, hóa giải rất là hầm bà lằng, mà chỉ xin điểm qua những nội dung ô trọc, phi văn hóa và những kiến giải phi nhân tính và rất nổi loạn của luận văn này.
Trước hết, người thực hiện và người hướng dẫn luận văn này là 2 cô giáo. Thế mà họ nhắc tới và lặp lại rất nhiều lần các bộ phận sinh dục nữ, sinh dục nam và các động thái sinh dục (thứ mà bất cứ người tử tế nào thoạt nghe tới cũng đỏ mặt tía tai vì xấu hổ và tự trọng) cứ “tự nhiên như ruồi”. Tự độc thoại và tự hài lòng với độc thoại của chính bản thân mình.
Bài thơ “Vô địch” chỉ có 14 câu mà có tới 4 từ chỉ cơ quan sinh dục nam và nữ và 2 từ chỉ quan hệ tình dục giữa nam và nữ. Bài “Tình tính tinh” cũng có những từ bậy không kém mà chúng tôi không thể trích dẫn ra đây.    Trước khi trích dẫn 2 bài thơ nêu trên, tác giả luận văn đã giới thiệu: Bùi Chát có hẳn một tập thơ theo “ý niệm” chửi bới lộn cái… (chữ tục, chúng tôi xin lược đi - MT)… bỏ đi và những bài thơ chửi rửa (bới lộn). Nếu vượt qua được sự thách thức từ nhan đề tập thơ, người đọc có thể tiếp xúc với một kho từ vựng phong phú, sống động của đời sống của những kẻ dưới đáy, của cái thường nhật của cái tục đã bị áp chế bởi văn minh. Bùi Chát cùng ý hướng với với Nguyễn Quốc Chánh khi khai thác cường độ mãnh liệt của ngôn ngữ bình dân, tiếu lâm, phát huy “… tính” (chữ tục, chúng tôi xin lược đi - MT).
Còn đây, xin bạn đọc gắng bình tâm, kiên nhẫn đọc trọn vẹn một bài thơ có tên là Đường Kách Mệnh để thêm một lần nữa thấy rõ sự phản loạn của thứ văn chương… nghĩa địa này: “Con đường nối những con đường/ Dẫn tới các nhà thương/ Ngồi một mình/ Em nói như mưa/ Thì tại sao chúng ta không lên giường/ Để đào những cái mương/ Giữ mãi lời thề xưa”.
Sau những trích dẫn ấy, tác giả luận văn đã bình luận thế này: “Quan niệm về ngôn ngữ của họ, khi dùng một cách công khai và vô tội (vạ) các từ chỉ bộ phận sinh dục, hành vi tính giao như… (chữ tục, chúng tôi xin lược đi - MT) là nỗ lực, theo họ, trả lại sự bình đẳng cho từ ngữ. Lập luận này, ít nhất, đã có một sức hấp dẫn mạnh mẽ ở tính chất lật đổ của nó.
Và, đó chính là cơ sở để tác giả luận văn kết luận: “Mở Miệng, ở các thực hành thơ, đã là biểu hiện của sự giải phóng, trong nỗ lực giải phóng của nghệ thuật Việt Nam đương đại. Trong sự so sánh với truyền thống thơ của Việt Nam, Mở Miệng là một sự chối bỏ quyết liệt, dù tôi không muốn nhìn họ như một sự đại diện cho thế hệ, nhưng họ đã lên tiếng đòi phá nốt những thành trì kiên cố của sự chuyên chế…”.
Họ to mồm… vu khống như thế để ở những dòng cuối cùng của luận văn này, họ lớn tiếng kêu gọi rất xách mé, mánh qué, và thể hiện rất đầy đủ tà tâm của chính những cái loa rỗng tuếch rằng: “Ở đây, tôi muốn, một lần nữa, gợi đến Thanh Tâm Tuyền: Kẻ nô lệ đòi quyền sống như những người tự do. Như thế nổi loạn là điều kiện sáng tạo”.
Ô hay! Các “’ngài nô lệ” trong nhóm Mở Miệng là “nô lệ của đấng tự do” nào? Ở đâu? Lúc nào? Bị “nô lệ” ra làm sao? Và rồi, “thứ nô lệ” đòi gia nhập đời sống ấy sẽ sáng tạo ra thứ văn chương gì khi được “tự do nổi loạn”?
Rất mong thày và trò của luận văn VTKBL giải trình, giải thích cho bàn dân thiên hạ được sáng mắt, sáng dạ ra.


Kỳ II: Mượn văn chương làm chính trị


MINH TÂM

Để làm sáng tỏ nội dung và bản chất những vấn đề mà nội dung luận văn “Vị trí của kẻ bên lề…” đề cập, chúng tôi đã đề nghị được làm việc với Ban Giám hiệu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng không được. Vì vậy, phóng viên đành phải có cuộc trao đổi với nhà phê bình Văn học Chu Giang, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Văn học.
+ Thưa ông, cô giáo Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) trích dẫn việc nói ngọng (cuần nót - quần lót, đâm ja - đâm ra, ni hôn - ly hôn…) vừa như trẻ con nói ngọng, vừa như là thứ ngôn ngữ lai căng trong thơ ngoài luồng của nhóm tác giả Mở Miệng và coi đó là yếu tố tiếu lâm, cách tân, cách mạng nghệ thuật Việt Nam đương đại. Theo ông, nên hiểu luận điểm này thế nào?
- Những từ, chữ ngọng nghịu mà đưa vào thơ và coi đó là cách tân, cách mạng thì là chưa hiểu gì về cách tân cách mạng nghệ thuật. Và như thế là rất thiếu văn hóa. Đó chính là thứ “lại giống” trở về thời con nít thuở còn chưa biết… chùi!  
           Từ dùng trong đời sống khác với từ ngữ trong văn học nghệ thuật. Văn chương phải tinh lọc. Làm sao nói thật giản dị mà người ta hiểu thật sâu sắc. Đó mới là cái khó của văn chương.  
Còn nói ngọng nghịu tục tĩu như ngôn ngữ của nhóm Mở Miệng là rất kém văn hóa. Người ta giễu cợt vào một lúc nào đó trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó, để mà vui, mà cười, mà vượt qua những khó khăn thử thách nhất thời nào đó. Ví như hò kéo gỗ, hò chèo đò ở Thanh Hóa là rất tục. Người ta hò tục là để tập trung sức lực, là để nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách. Nhưng, một khi đã ngọng nghịu tục tĩu trong văn chương thì nó sẽ trở thành chuyện… chả còn gì để bàn. 
+ Thưa ông, tác giả luận văn còn cho rằng, nhóm tác giả ngoài luồng, ngoài lề đã mang lại sự công bằng ngôn ngữ cho các từ chỉ bộ phận sinh dục  nam, nữ và các hoạt động tính dục của nó (xuất hiện rất dày đặc trong thơ và cả trong luận văn bàn về thơ) và cho đó là… sáng tạo. Ông đánh giá thế nào về luận cứ, quan điểm gọi là “sáng tạo” này?           
- Qua lời phân tích của tác giả luận văn về nhóm Mở Miệng “mang lại sự công bằng ngôn ngữ cho các từ chỉ bộ phận sinh dục nam, nữ và các hoạt động tính dục của nó và coi đó là sáng tạo” theo tôi cũng chứng tỏ là người này chưa hiểu gì về văn hóa cả! 
Về cái quan điểm tục tĩu này, tôi không muốn bình luận gì cả mà chỉ kể câu chuyện ngắn: Có một bộ tộc ở Châu Phi, lạc hậu đến mức không biết đến quần áo và không che đậy gì cả. Riêng đàn ông ra đường phải có một cái bao bằng ống cây để đựng… của quý. Khi đi hỏi vợ, người đàn ông phải mang theo mấy cái bao như thế để làm… của hồi môn. Nếu không thế thì sẽ quần hôn loạn dâm ngay. Cuộc đời loạn luân thì văn chương bình yên làm sao được. 
Ở nhóm ngoài lề, ngoài luồng và cô giáo Thoan thì ngược lại. Cuộc đời đang yên bình văn minh thì họ đã “cầm đèn chạy trước loài cầm thú”, âm mưu kích dục “loạn dâm” trong văn chương nghĩa địa rồi! Thế là đã quá rõ văn hóa của họ là thứ văn hóa nào trong mặt bằng văn hóa văn minh của xã hội ta hiện nay.    
+ Ngoài luận văn này, tác giả còn có một vài tiểu luận kêu gọi mang tính hô hào, lật đổ, ông có bình luận gì không?        
- Tôi nghi ngờ không biết những người này có phải đang toan tính dùng văn chương làm chính trị? Nhưng, làm chính trị đâu có dễ như làm mấy câu thơ rác của họ. Họ làm gì chả ai cấm được họ, kể cả pháp luật một khi họ đã liều, đã nổi điên, nổi đóa (thì họ đòi tự do kia mà). Song, đương nhiên họ sẽ phải lãnh chịu sự tương tác từ đối tượng mà họ tác động vào.    
+ Xin ông bình luận câu tuyên ngôn sau chót của luận văn “Vị trí của kẻ bên lề…”: Như thế nổi loạn là điều kiện sáng tạo?           
- Tôi không dám bình luận gì, chỉ xin phép được hỏi lại họ thôi. Chứ “thần đồng” Trần Đăng Khoa có nổi loạn không mà đã sáng tạo ra cả một “Góc sân và khoảng trời” làm mê mẩn bao nhiêu thế hệ bạn đọc trẻ? Cụ Nguyễn Khuyến có phải nổi loạn với ai đâu (trong bối cảnh một cổ hai tròng khốn đốn ấy) và cũng có cần đến một từ một chữ tục nào đâu mà vẫn sáng tạo ra cả chùm thơ 3 bài vịnh Thu bất hủ thế! Nào, có cần nổi loạn chi đâu mà phải tuyên bố “nổi loạn là điều kiện sáng tạo”!
+ Xin cảm ơn ông!




Nguồn: báo Thanh Tra

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét