Hồ
Thanh Điền
Cà phê
Trắng
muốt hoa
trong ra ngoài
ngoài vào trong
sau màu trắng
xanh nụ non
đỏ vỏ chín
tưởng mãi ngọt vị trái
cuối cùng hoa trắng là hạt đen
cuối cùng trái ngọt là vị đắng
ai người đam mê đợi chờ
trắng giọt đắng đen
trắng
giọt
đắng đen
trắng
giọt đắng
đen
trắng giọt
đắng
đen.
Lời
bình của Nguyễn Đức Lợi
Từng giọt trắng, đen tí tách vào lòng
Tháng
5.2005, tại trại sáng tác Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức ở
thị xã Tuyên Quang, tôi và nhà thơ Hồ Thanh Điền (anh) thân nhau. Một sớm, mưa
đến mốc cả những bộ quần áo mặc trên người, anh rủ tôi đội nước, ra cổng khách
sạn Công đoàn (Nông Tiến) uống cà phê. Tôi gọi nâu nóng hai lần sữa. Anh xì,...
bảo, uống như thế thì về nhà pha cốc nước đường rồi ực một hơi cho no, bày đặt
cà phê chi cho mệt. Tôi ngượng. Anh chua chát. Ly cà phê phía anh, đen sánh màu
bồ hóng. Nhấm ướt môi, anh ngâm ngợi hai câu thơ mà cả anh và tôi đều không
biết của tác giả nào: “Buổi sáng uống cà phê đen/ Là uống cả hồn hoa
trắng”. Lạ! Nghe xong, tôi bỗng uống tông tốc cà phê đen như bồ hóng,
mà không thấy đắng. Phát hiện và thể hiện trơn bén. Câu thơ khiến tôi có cảm
giác đang uống chính hồn mình, máu mình... để vun xới cho cái sự sống vốn cằn
cỗi của mình thêm tươi tốt. Anh hậm hực, như chửi thề: “Bao năm nung nấu làm
một bài thơ về bông cà phê. Chưa bắt được tứ đã gặp ngay quái thơ, sợ tịt luôn”. Chà,
thế mới biết nhà thơ thứ thiệt họ trọng mình và “sợ” thơ biết nhường nào (Như,
InRaSaRa, nói: Nhà thơ học
biết sợ thơ để bạn đọc còn cần thơ).
Hôm
nay, sau gần bốn năm, từ ngày anh tâm sự và, gần mười năm, từ ngày anh thai
nghén, anh gọi điện báo tin vui, anh đã vượt qua được cái “sợ thơ” chính mình
để làm Cà phê, in trên báo
Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, số 49, ra ngày 29.11.2008, như một sự rấm chín ở trong lòng cái trắng - đen; ngọt - đắng! Cà phê của anh không uống gan uống ruột, nhưng
anh thương đến nồng nàn bông hoa bé nhỏ, sớm nở tối tàn như thương chính anh
vậy. Hành trình ngắn ngủi của cái sự trắng muốt từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong ấy, tựa như con côn trùng từ lúc sinh
ra tới lúc lên “lão”, vẫn ước mong cháy bỏng rằng, dù chỉ một lần trong đời,
được chứng kiến cả thiên bình minh lẫn áng hoàng hôn rực rỡ. Sau màu trắng, là đỏ vỏ chín. Trước tưởng hoa
trắng mãi. Giờ lại, tưởng quả ngọt mãi. Không! Hoa úa để nụ non, quả ngọt để hạt đắng. Một cuộc tiến hóa
ngạt ngào hương vị và lúc lỉu cảm xúc! Để rồi cái đích của, cuối cùng hoa trắng đến trinh bạch cả lòng người ấy là,
trùng trùng những giọt đắng
đen!
Bài
thơ như một chiếc phin pha, tí tách, tí tách nhỏ từng giọt, từng giọt đắng đen vào lòng, vào hồn... và, lẽ dĩ nhiên
là chỉ nhỏ vào những, ai người
đam mê chờ đợi! “Chiếc phin” đen,
trắng, đắng, ngọt ấy chỉ được
sinh ra khi những bông hoa trắng buốt màu sương lạnh đã khai thì. Mênh mông
thảo nguyên, mỗi độ đông về xứ Bắc, xen lẫn màu xanh của lá, màu đỏ của quả
chín gạn mùa, là màu trắng tinh khiết của những nốt hoa nhỏ nhắn xinh xinh, rồi
màu trắng của sương sa, và cả màu của những chiếc nón trắng, ngấm trắng màu mồ
hôi muối... Triệu triệu bông hoa mong manh mệnh phận, cần mẫn như triệu triệu
con ong gom góp niềm vui, nỗi hả hê, và sự sảng khoái cho đời - một cuộc cần
lao truyền kiếp của loài hoa... đắng!
Cà
phê - một cõi thanh thực. Và, cái cõi thanh thực thi nhã đó không thể không có
Hồ Thanh Điền! Anh bị những giọt cà phê đen buốt, ám ảnh! Nên, thơ anh ám ảnh!
Khiến, tôi ám ảnh! Bông hoa trắng tinh khôi đang còm cõi vắt mình, cũng rơn rơn
ám ảnh! Hồ Thanh Điền bắt bạn, ép tôi và có thể là buộc người khác nữa điểm tâm
thơ anh vào mỗi ban mai, khi mà còn chưa có tí gì dằn bụng. Những giọt thơ đen
đắng nhưng lúng liếng, long lanh đang lặn vào da thịt, kích thích sự minh mẫn
và quyết đoán. Cà phê sẽ chẳng là cà phê nếu, Hồ Thanh Điền
đem đổ đường vào giống như cái khẩu vị “ngố tàu” ban đầu của tôi. Hay nói cách
khác, tất cả sự dị thường và chát đắng giấu trong cái bình thường và ngọt ngào
ấy, chính là thơ Hồ Thanh Điền!
Điện Biên Phủ 22h56, ngày 03.12.2008
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét