15 tháng 3, 2013

NA CÔ SA... GIA TÀI CỦA LÍNH


Tr­­ương Hữu Thiêm
   
Na Cô sa, một lần tôi tới
Tặng đồn Biên phòng 409, Na Cô Sa - Mường Tè - Lai Châu
(nay là đồn Biên phòng 411, Na Cô Sa - Mường Nhé - Điện Biên)
         
                           Rét cắt thịt, Na Cô Sa là vậy
                                   Sương mù giăng trắng cả nỗi nhớ nhà
                                   Bộ quần áo phơi hai ngày còn ẩm
                                   Nửa tháng liền hàn thử biểu âm ba.

                        Lời tâm sự người nghe chưa kịp hiểu
                        Đã đóng băng thành chuỗi ở bên tai
                        Dầu đông cứng, ngọn đèn không cháy nổi
                        Điếu thuốc lào ba tỉnh ngả nghiêng say.

                                    Mỗi lá thư thuộc lòng từ dấu chấm
                                    Đọc xuôi và đọc ngược như nhau
                                    Ảnh người yêu đem dán lên vách liếp
                                    Đồng đội khen như hoa hậu hoàn cầu.

                        Về phép được đôi ba tuần là cưới
                        Sau mấy ngày trăng mật lại đi ngay
                        Bông hoa cưới còn tươi màu hạnh phúc
                        Đã một người ở tít tận chân mây.

                                    Lá thư viết mấy tháng không gửi được
                                    Gửi được rồi, mấy tháng đợi hồi âm
                                    Con dấu tròn trên phong bì lặng lẽ                    
                                    Cũng phôi phai theo gió bấc mưa dầm.

                        Đường lên mốc vạch rừng cắt núi
                        Dẫu đèo cao, vực thẳm, suối sâu
                        Cơn sốt rét bất chợt trên sườn đá
                        Nắm lá rừng quờ vội cứ thế nhai.

                                    Địa bàn rộng con nai còn lạc lối
                                    Lính biên phòng thuộc từng mỏm tai mèo
                                    Tấc đất nào cũng có hình Tổ quốc
                                    Súng trên vai và lửa ở trong tim.

                        Na Cô Sa một lần tôi tới
                        Để bây giờ ngồi nhớ chén quan san
                        Phút giao thừa gửi lòng lên biên giới
                        Nơi các anh đón Tết giữa non ngàn...


Lời bình của Nguyễn Đức Lợi

Na Cô Sa… gia tài của lính
  
       Phải nói ngay rằng “thế giới Biên phòng” là một bức họa muôn vàn kỳ diệu được thiên nhiên “sáng tác”, rồi ban tặng cho những con người tiêu biểu của một dân tộc tự tôn, Tự do - Độc lập. Hơn đâu hết, thiên kiệt tác ấy chính là nhân tố tạo ra một hình thái cảm xúc riêng biệt, độc lập, độc đáo, hết sức thiêng liêng và đặc trưng kiểu… Biên phòng. Tôi đã đi nhiều, nghe, đọc, ăn, ngủ  nhiều với/về con người, vùng đất miền biên viễn, giả như: thầy thuốc quân hàm xanh; thầy giáo quân hàm xanh; anh hùng liệt sĩ quân hàm xanh, rồi cả chàng rể quí quân hàm xanh… và ngộ nhận rằng mình “hiểu biết” Biên phòng như hiểu chính lòng bàn tay mình vậy. Sai bét. Cái “căn bệnh” ngộ biện ấy kéo dài cho tới khi đọc Na Cô Sa, một ngày tôi tới của Trương Hữu Thiêm, in trên báo Điện Biên Phủ số xuân Quý Mùi (năm 2003) mới… hết sạch bảo thủ. Đêm, ngồi giữa lòng thành phố dập dìu xe cộ và chếnh choáng đèn màu mà thấy như đang tắm vào màn sương giăng trắng cả nỗi nhớ nhà; đang lạnh vào cái lạnh giá đóng thành chuỗi lời tâm tình rủ rỉ của những người đồng đội, đến nỗi “thỏi” âm thanh lạnh cóng ấy vừa chạm tới vành tai đã… chẳng kịp hiểu gì! Rồi như đang say lơ say lửng khói thuốc lào cùng với dăm bảy đồng chí mình, mà mỗi đồng chí đến từ một tỉnh…
       Tác giả như một thiết kế gia mê trận khát khao và ham thèm của người đọc. Rất có thể không riêng tôi, mà nhiều thế hệ bạn trẻ sau khi đọc Na Cô Sa, một ngày tôi tới sẽ không khỏi ao ước trong đời được ít nhất một lần, làm người lính Biên phòng để thưởng cái thú vô biên: lá thư của một người là tài sản của cả đơn vị; bố mẹ của một người là bố mẹ của cả đơn vị; và, theo nghĩa nào đó, người yêu của một người cũng là người yêu của cả đơn vị… Được làm lính biên phòng rồi, ai mà chẳng muốn trong hành trang, bên cạnh khẩu súng, bao diêm, gói gạo rang, bộ quần áo, tấm nilon… là mười lăm ngày phép vội vàng cưới vợ. Rồi sau đó là sự xuất hiện bắt buộc của những lá thư viết ra rồi tự đọc, viết xong rồi viết lại, mấy tháng ròng mà không sao gửi được, bởi cái sự ngăn chia cách trở biên khu. Đến khi gửi nỗi niềm đi rồi, thì lại đợi hồi âm đến mòn cả vầng trăng trên vọng gác, chờ đến vẹt cả sườn đá đường biên.
       Quả tình, chưa một lần làm lính biên phòng mà đã thấy lòng thốt lên muôn lời da diết. Tất cả cứ như là tài sản của mình, kỷ vật của mình. Mình đã từng thế kia, mình đã từng thế khác. Sự đồng điệu với nỗi “phôi phai theo gió bấc mưa dầm” của con dấu tròn đóng lên bì thư như một sự đảm bảo chắc chắn là những giọt nước mắt nhớ thương, những dòng mồ hôi nhọc nhằn làm nhạt nhòa bên trong trang viết. “Người” đồng đội song hành cùng đôi bàn chân là con đường vạch rừng cắt núi, là ngút ngát mênh mông trùng tít, đến nỗi con nai còn lạc lối; nhưng người lính biên phòng thì đã từ lâu, thuộc từng mỏm tai mèo. Đồng hành với sự trẻ trung sôi nổi, với ý chí sắt đá can trường là những cơn sốt bất ngờ ập đến ngang sườn dốc. Sự tỉnh táo duy nhất cần có để khả dĩ qua phút lâm chung, là nắm lá rừng vơ vội bên đường...
       Tất cả như là “đặc sản” của lính biên phòng. Từ cuộc sống tác phong, thiếu thốn trăm chiều, đến cái hiểm nguy rập rình từ bên kia cột mốc. Nói cách khác, tất cả những khốc liệt, gian nan và thiêng liêng ấy làm nên hình tượng người chiến sĩ chỉ đinh ninh một khái niệm tấc đất, Tổ quốc, súng và tim. Bức “kỳ họa” Na Cô Sa được Trương Hữu Thiêm vẽ bằng chữ, nhưng người đọc nhìn thấy, sờ thấy một cõi thiêng mãi ven trời xứ sở. Quả không phải mình tôi ngợp trước vẻ đẹp của bức tranh thơ Na Cô Sa, một ngày tôi tới mà ngay sau đó, rất nhiều báo, đài… trong đó có Đài Truyền hình Việt Nam, sử dụng lại bài thơ nhiều lần như một món quà đặc biệt gửi tặng các chiến sĩ nơi phên giậu xa xôi của Tổ quốc. Được biết, nhà thơ Nguyễn Khôi - Hội Nhà văn Hà Nội (Liên hiệp các Hội VHNT Hà Nội) sau khi đọc Na Cô Sa, một ngày tôi đến đã gửi cho Trương Hữu Thiêm một bức thư dài, bày tỏ niềm tri âm; nhưng vì lí do tế nhị, Trương Hữu Thiêm đã giấu biệt cái thư khen đi trong sự khiêm tốn. Nhờ thói “văn thọc mạch”, cuối cùng tôi cũng được đọc lá thư ấy qua kênh người gửi, trong thư có đoạn: “Chỉ cần đọc Na Cô Sa, một ngày tôi tới // Để bây giờ ngồi nhớ chén quan san cũng đủ thấy một bậc thầy về thơ rồi”. Một cuộc lội ngược ký ức tự nguyện kiểu miền núi. Trèo đèo bơi suối đến sưng vù cả bàn chân, nhưng chưa khi nào qua con dốc, bỗng dưng quì mọp gối vái lạy lời vĩnh biệt. Tác giả thân chinh tới đồn Biên phòng 409, Na Cô Sa - Mường Tè - Lai Châu (nay là đồn 411, Na Cô Sa - Mường Nhé - Điện Biên) rồi đi. Ngày ấy, đường lên Na Cô Sa còn khó khăn lắm chứ không dễ như bây giờ. Rồi tác giả đi mãi, với những hành trình văn chương nhọc nhằn khác. Nhưng cái máu nghệ sĩ đã buộc ông làm trọn cuộc hồi ức một mình, lặng lẽ, ngậm ngùi nhớ “chén quan san” trên đỉnh biên cương xa lắc, như đang nhớ chính hồn cốt mình.
       Na Cô Sa, một ngày tôi tới không chỉ đẹp ở cách thể hiện siêu thực, đau đáu, tuần tự và “lắm chuyện” mà còn hay bởi nghệ thuật lập tứ, gợi lẩy cảm xúc người đọc. Cả nhân vật (người chiến sĩ biên phòng) và độc giả đều thấy có bóng mình trong đó. Người hiện hữu, người thứ hữu, tất cả đều mang trong mình nỗi khao khát, ước ao, chia sẻ và, cuối cùng là niềm tự hào cương thổ vẹn toàn:
                                      Tấc đất nào cũng có hình Tổ quốc
                                      Súng trên vai và lửa ở trong tim…

Điện Biên 0 giờ 27.2.2009

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét