14 tháng 3, 2013

HỒN RỪNG

Truyện ngắn

    Một khu rừng thồ lộ non còn sót lại ở Hua Sát


       Chưa sáng, già làng Chống Chịa gọi điện cho tôi.
       Từ hồi có cái cột sóng Viettel trên đỉnh đèo Tằng Quái, người ta tìm thấy ở Hua Sát “một vạch”, ngay bên cạnh gốc sấu thần. Người Hua Sát muốn gọi đi thì chủ động leo 30 phút trên con đường đá, dốc như lên mái nhà, chờ một vạch ổn định thì gọi. Lúc nào rè, hai bên cùng hỏi… thì “top”, gọi lại. Nhiều khi hẹn, người ở nhà đi bộ bở hơi tai thì mây che, gió thổi mất sóng.
       Sáng nay trời nắng đẹp. Một ngày nắng khó khăn giữa mùa mưa rừng, nước tuôn như thiên hà bị nghiêng. Già làng bảo tôi về ngay. Nghỉ tự túc mà về. Nếu không về thì coi như ngoại họ…

***

       Tôi là người Mông đầu tiên của Hua Sát có bằng đại học. Đại học Văn hóa cử tuyển, khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số. Hôm đi nhận việc ở Phòng Văn hóa huyện, bố họp: “Ngày thằng Dế lĩnh lương là ngày mang lợn xuống Nưa Phiềng lễ tổ”. Ở Nưa Phiềng toàn người Thái, làm gì có tổ tiên nhỉ? Thai vì trả lời, bố dắt tôi sang nhà già làng. Ông đặt một miếng đường đen và một nhúm hạt giống các loại lên bàn thờ, chắp tay vái rồi quay lại:
   - Không nhớ nổi thì lấy giấy bút ra, chuyện dài đấy.
       Tôi như mầm cây trong đất, chưa thấy mặt trời nên chỉ còn biết chăm chăm nghe làng kể: Người Mông xuất hiện ở Hua Sát chưa đầy trăm năm. Trước nữa ở Thẩm Phẩng. Cuối thế kỷ 19, một nhóm trắc đạc người Pháp đến làm một việc, gọi là “văn minh nhân loại” - chỉ cần giấy tờ mà lãnh đạo được đất đai, khí hậu và con người. Chúng ở Thẩm Phẩng gần một năm. Một bệnh lạ đã lấy đi không chừa đứa trẻ con người Mông nào. Dăm bảy năm sau, vẫn không ai sinh thêm được mụn con nào nữa. Mỗi nhà chạy trốn mỗi ngả. Ba đinh họ Lý vượt núi đến Hua Sát. Đất đai màu mỡ, sản vật dư thừa. Họ Lý trở thành chúa vùng. Nhưng, chân người đi được thì chân bệnh đi được. Đàn bà họ Lý tuyệt thành người đực. Một người đàn bà được thả ra đi, rồi truyền tin về, lỗi hết con do đàn ông họ Lý. Dưới núi, giặc Pháp hoành hành, dân chúng đói rách lầm than. Lý Chống Của - người cao tuổi nhất nhà - nắm bắt điều đó, lùa một đàn bò đổi lấy một bé trai vừa lẫm chẫm. Lý Chống làm luật đổi tộc, rồi đặt tên cho đứa trẻ là Lý Chống Vương, và cấm ngặt nhà không ai xem là con mua.
       Thằng bé đang trong cơn suy dưỡng, gặp hơi gạo thịt, lớn nhanh như Thánh Gióng. Mười hai tuổi, nó cao chạm cành pơ mu trên núi. Họ bỏ ra một trăm đồng bạc trắng để mua về năm cô gái đẹp nhất vùng Mông quản. Từ đó, năm người đàn bà của Lý Vương thi đua đẻ. Nhiệm vụ tộc khoán là làm thế nào để đàn bà họ Lý không được nghỉ ngơi. Có bao nhiêu trứng đẻ hết bấy nhiêu. Ai phạm lí, coi là ma ngoài họ, xử như thú rừng.
       Những đứa trẻ chưa đầy tháng, mẹ chúng đã lại mang thai. Trẻ con ngày càng nhiều. Mười năm, Hua Sát đã có đến gần bảy mươi đứa trẻ. Trẻ con nhiều đến nỗi, mỗi năm chết vài đứa do viêm phổi, do tả, sốt xuất huyết, sốt rét, rắn cắn, hổ vồ… đã không ai khóc nữa. Nguyên cớ là, hồi hai thằng con nhà bà ba Giàng Thị Dở là Lý Chống Gi và Lý Chống Gì bị rắn rừng cắn chết, bà cứ ngày đêm vật vã khóc than. Lý Vương ra sân quát vợ oang oang:
   - Sao mày khóc nhiều thế? Chết rồi, khóc nó có nói, có ăn được nữa không?
       Bà ba ngoặc lại:
   - Mày ác như con rắn, con sói. Con tao chết hết rồi mà không cho tao khóc…
       Lý Vương cười ồng ộc như ống bương đổ nước:
   - Không cần khóc đâu, con chúng ta ở trong quần tao còn nhiều lắm.
       Mà đúng là trẻ con họ Lý nhiều thật. Chết một, đẻ mười.
       Hua Sát nằm trên ranh giới giữa trời và đất. Nhiều người bảo, quả đất này có lẽ chẳng đâu cao hơn Hua Sát. Chạm trời thì gần, mà chạm đất thì xa. Mặt trăng to như cái ao, ông sao lớn bằng cái giếng. Cuộc sống nguyên khôi đến nỗi, người ta có thể chẳng mặc gì cả, chẳng tiêu xài gì của thường tình địa giới, ngoài hai thứ yếu phẩm là muối và dầu. Người Hua Sát ít khi xuống núi. Quần áo tự dệt lấy mặc. Thực phẩm tự nuôi trồng lấy ăn. Phương tiện di chuyển là chân ngựa và chân người. Trâu bò mang vác, cày kéo. Chó đi săn, giữ nhà. Lợn gà, ngô thóc… cung cấp Protein cho người ta sản xuất trẻ con…
       Họ sợ xuống núi, khi về, những căn bệnh mọc chân lên theo, bắt một lúc cả trăm người như ngày bọn Pháp đến. Hua Sát giống con chim bị thương sợ cành cong, đã cả trăm năm rồi mà vẫn dựng chốt canh, không cho bất kỳ ai lên núi…

***

       Lý Vương đã mất hơn nửa thế kỉ rồi. Hua Sát đã có hơn 200 nóc nhà. Qui định bất dịch là, trai lấy vợ phải về Hua Sát, gái lấy chồng phải đi quê người. Đàn bà bị chồng bỏ, hoặc bỏ chồng thì đặc cách, nhưng không ai được mang con của dòng họ khác về. Hua Sát dựng nhà, phát nương, chia của cải, trâu, bò, gà, lợn… . Nói là cho ở cùng nhưng cũng cách vài ba quả núi. Những mái nhà của những người đàn bà góa, theo ngày tháng, lên đến vài chục. Ở đó vẫn có tiếng chó sủa, nhưng là sủa ma, sủa giăng. Cũng nương vàng vườn biếc. Cũng trâu bò gà lợn dật dìu, nhưng không được bán, không được mổ mà để tạ bản, tạ làng. Già làng điều những thanh niên giỏi chế biến nhất đến, xả thịt, chia đều cho cả bản gọi là lễ biết ơn; còn lại phần be bé, để cúng ma và đền bù công sức cho các bà chủ goá.
       Đêm xóm góa tĩnh rợn người. Không một tiếng thở dốc. Không một tiếng oán hờn. Không cả đến tiếng ho khan vào đêm, như thể sợ làm kinh động đến sự bình yên của Hua Sát. Họ lặng lẽ như chính cái không gian đặc sệt quanh mình. Hội hè, đình đám, hiếu hỷ… lủi thủi đến phục vụ từ đứa trẻ con, mà không hé lấy nửa nụ cười. Hua Sát coi họ như những bà cô không thiêng cũng không hiếm. Không trọng vọng nhưng cũng không bỉ xịa. Sự quan tâm dừng lại ở chừng, mỗi hộ được chia một lần tài sản, rồi thì tự làm tự ăn. Sang thế kỉ 21, Hua Sát phá lệ, cho phép những cô phụ quả tử ấy được lấy chồng, hoặc cho đàn ông đến ở, và đề nghị chính quyền đưa vào quy hoạch quản lý hành chính dưới tên gọi Hua Sát 2.
       Do hàng thế kỉ cấm cản người lạ, cũng do địa bản như treo vào vòm xanh nên rừng Hua Sát bây giờ trở thành khu bảo tồn duy nhất của vùng. Pơ mu mọc như măng. Những cây vài trăm tuổi, cao trên ba chục mét, gốc mấy người ôm không xuể vẫn lừng lững ngay trong sân nhà. Người Hua Sát phân rừng thành nhiều khu: Rừng nhà. Rừng gỗ ván. Rừng cột. Rừng xà. Rừng thiêng. Rừng ma. Rừng hổ… . Rừng gỗ ván chỉ rặt pơ mu. Rừng cột, rừng xà thì thồ lộ… . Có ba loại rừng cấm ngặt, kể cả lượm củi khô, hái nhặt và săn bắt; đó là rừng đầu nguồn, rừng ma và rừng thiêng. Người Hua Sát rất nghiêm gắt. Ai vi phạm lập tức ra khỏi bản. Vì thế mà rừng ngày càng thiêng. Cây càng rậm càng thiêng. Cây càng cao càng thiêng. Đến con rắn sống lâu quá thành rắn cổ, to như những cái cột nhà. Con beo, con sói thì thành tinh, thành quái. Đêm đêm hú tru khúc điệu hoang dã vào màng nhĩ lũ bò nhà, khiến chúng lộn lên như rang măk-khén. Không ai bắn một phát súng. Không ai đặt một lọng bẫy. Chỉ đốt lửa. Quái thú sợ lộ diện. Giống bọn mặt xấu chỉ thích ở trong tối. Mặt đẹp thích quanh năm chỉ toàn ban ngày.

   Những cánh rừng ở cuối con đường
   
       Người Hua Sát sống cùng thiên nhiên được là nhờ thế. Những khu đất bằng phẳng và tươi tốt để làm nương, vỡ ruộng. Xung quanh phát quang, trồng cỏ làm bãi chăn thả. Trâu bò thả rông, phần thoái biến, phần lai tạp bò tót, trâu rừng. Người Hua Sát chỉ thuần vài con cày kéo, còn lại thì thả rông tự sinh tự tồn. Lúc cần thịt thì săn như săn thú. Lợn cũng thế. Những con lợn độc (lợn đực, sống đơn độc) lần về bãi chăn, giết chết hết những con lợn nọc của nhà, rồi độc chiếm những con nái, và cấy dòng máu hoang dã của mình vào cái cá thể luôn luôn được người Hua Sát bảo vệ một cách  nghiêm cẩn. Bữa đi săn lợn cho tôi mang xuống lễ tổ ở Nưa Phiềng, bẩy anh em trai phải cắm trại hơn năm ngày, chúng mới chịu bò từ rừng thiêng Pá Phạ ra vùng được phép bắn.  
       Cả thảy bốn con mắc bẫy. Hai con cái được trả lại rừng. Con đực choai để khiêng xuống Nưa Phiềng lễ tổ. Con lợn độc ngót 2 tạ thì giết ngay tại chỗ. Cái thủ hơn 40 kí được tôi và thằng em trai khiêng lặc lè leo lên gốc sấu thần. Già làng Chống Chịa đã 92 nhưng vẫn thoăn thoắt bươn trên ngọn đá. Già nhẩy nhót như một con sơn dương thuần thục. Gân cốt của già, lúc say rượu, vẫn cương săn như một tay thầy gồng. Có người xì xầm, hồi già 20, một con căng-gu-ru hình như từ Úc đến (có người bảo đấy là con ngựa lai vượn - một loài linh súc dường như chỉ tồn tại trong siêu tưởng), bị già bắn chết. Khi thịt, già thấy nó có hai chân sau như được rèn bằng nhíp ôtô, nên lột toàn bộ gân cơ ngâm rượu uống. Từ đó, già nhẩy cao tới 4 - 5 mét, nhẩy xa hơn hai chục mét như chuột túi. Và cũng từ đó, già được đặc cách phong chức “già làng”, vì sở hữu sự giỏi không ai có.
       Tôi ngửa cổ nhìn lên vòm xanh mát rượi trên đầu. Vẫn còn khoảng 1km nữa mới đến gốc cây sấu thần. Theo tôi, cây sấu Hua Sát to, cao và già nua nhất thế giới. Nó cao như một quả núi. Không một con khỉ nào trèo lên được. Những con đại bàng có sải cánh dài như một cái quá giang cũng chỉ bay tà tà đỉnh cây. Thần sấu có cả thảy chín cái bạnh rễ, mỗi bạnh cao nhưng một ngôi nhà ba tầng, dài như thể một vách đá. Nếu có ai đó đem lợp cái khoảng không giữa hai bạnh rễ, sẽ đủ cho một dòng họ vài chục khẩu, mấy thế hệ chung sống. Cây sấu thần Hua Sát ngửa cổ lên không trông thấy lá, chỉ thấy một khoảng rộng lớn, xanh ngằn ngặt. Gió bão cấp sáu cấp bảy, cái vòm trời xanh thẳm ấy cũng chỉ lúc lắc, lúc lắc, vui vui. Sấu chín, rụng như mưa đá suốt ngày đêm. Lợn rừng, hoẵng, nhím, chồn, cáo, sóc… về “chia đất” đào hang, làm tổ ăn cả tháng không hết. Hồi học đại học, tò mò trốn cả học lên thực mục cây sấu ở Lùng Pá, Lạng Sơn. Tôi bật cười khi những bài báo thổi phồng cây sấu ấy to lớn và cổ nhất Việt Nam. So với cây sấu quê tôi, nó chỉ như cây sấu mới lớn. Hua Sát có đến vài trăm cây sấu to hơn thế, cổ hơn thế và cả thiêng hơn thế.
       Người Hua Sát, ngay từ thủy tổ, đã không một ai bắn giết muông thú và chặt phá rừng bừa bãi. Mỗi khi thực sự cần thiết, người Hua Sát đều làm lễ dưới gốc cây sấu thần. Ngoài xin gỗ, xin thú còn có cả lễ xin nước trời về mùa hạn, xin nắng ấm về mùa đông, xin mùa màng, xin trưởng thành cho trẻ… . Vì thế, hàng trăm năm qua, rừng để cho người Hua Sát những phần thưởng vô giá và bình an. Các đời già làng luôn có những buổi họp tuyên cáo về sự linh thiêng của rừng, và ban bố hương ước bảo vệ rừng trước cả thiên tai lẫn nhân họa.
       Già làng Chống Chịa vẫn thoăn thoắt trên các mỏm đá. Đến gốc sấu, già vung chân đá văng cái ben lá chuối, trên có bát canh xương, gói xôi, chiếc đùi gà, nhúm chẩm chéo, chén rượu và vài điếu thuốc lá hoen sương, ố như sách thư viện, đặt dưới chân cây thiêng:
   - Lũ sâu người này lại cầu Thần cây để đi ăn trộm đây mà.
   - Vâng. Mà Thần cây cũng lạ, người tốt xin cũng may, kẻ xấu xin cũng may.
   - Không phải thế đâu. Sẽ có ngày Thần cây bàn bạc với Thần mưa, Thần gió… bọn xấu gặp đất đổ, nước chôn thôi.
       Cái thủ lợn được bày trang trọng trên mân đồng vàng chóe. Già làng còn để lên đó hạt giống, đường đen, rượu Mông pê, gạo tẻ Mông, rất nhiều vàng, bạc trang sức và các yếu sản khác. Già lầm rầm khấn vái. Tôi quỳ mọp sau lưng già. Thằng Dia rút ra ngoài cảnh giới thú dữ. Lúc nào già bảo lạy thì lạy, gọi thì gọi, như người máy. Trên đường về, già bảo, cây sấu chính là linh vật đầu tiên cho phép và tiếp nhận tổ tiên của dòng họ Lý, do thế, bất kể lành dữ đều phải được dâng tế và cầu xin Thần cây.
***
       Tôi là thế hệ thứ tư dòng họ Lý Chống. Bước sang thế kỷ 21, quan niệm ẩn cư phần nào được cởi tháo. Đã có người lạ đầu tiên đến Hua Sát. Đó là Xỉnh, bạn thời học cấp ba của tôi. Xỉnh người Kinh, hay nói đầu cuối, công thức, đầy đủ chủ vị. Bố tôi dong con ngựa ô hung hãn, to như một con bò mộng, anh hỏi: “Bác có phi được con ngựa bất kham này không?”. Một câu hỏi nhễ nhại và rườm rà. Người Hua Sát thì: “Con ngựa này, mày cưỡi được không?”. Xỉnh bảo nói ngược, ngắn gọn nữa phải là: “Cưỡi được không?”. Chấm hết! Thế đấy. Chúng tôi thích nói ngược. Rút gọn ngôn ngữ cũng trong khuôn khổ lộn ngược: “Mày có cái gì, thằng trộm này, mà con chó không thích cắn?”. “Cô gái này (chỉ con bò cái), anh này (chỉ con bò đực) sao không thích yêu?”. “Cán bộ mày, có cái gì mới không, lúc đi họp tỉnh về ấy?”. “Chiếc xe con này, có phải, chiếc xe téc giao phối với chiếc xe tải thùng đẻ ra không?”...
       Hồi ấy, Xỉnh hay mời tôi về nhà chơi. Cả nhà anh cười ngặt nghẽo khi nghe tôi nói chuyện. Họ hỏi nhiều lắm, tôi chẳng biết trả lời. Tôi cũng nghe Xỉnh, trong trường hợp nào thì gọi ông, bà, cô, chú, bác, cậu, dì, anh, chị, em, cháu… chứ không tất cả là tao và tất cả là mày. Tôi rất khó chịu, nhưng vì Xỉnh vui nên cố, mãi thành quen. Sự rườm rà và xuôi thuận của tiếng Việt cũng được cả thầy cô dạy nữa. Xỉnh còn tài trợ tôi đi chụp rất nhiều ảnh lưu niệm. Tôi thích chụp trước cổng trường, cổng bưu điện, sân UBND, cầu bê tông, cột điện 110 KV hay tháp truyền hình viba… . Xỉnh thì thích chụp ở con suối Păng, theo anh, đẹp như một bức họa; hay ở cái sân vận động mới trồng một loại cỏ Mĩ; ở công viên cây xanh… . Người Hua Sát chỉ trầm trồ trước những tấm ảnh bê tông cốt thép, còn cây cỏ, suối sông nhà mình đầy, chụp cho cũ thêm mặt ra. Con em gái xem ảnh tôi chụp thì gào bố mẹ mổ lợn cúng ma để gọi những cánh tay tôi khoác vai Xỉnh nên bị khuất; những khúc chân ngồi chữ ngũ; thậm chí cả nửa người dưới của những tấm ảnh bán thân… . Nó bảo, từ ngày tôi đi học cấp ba thì ngu đi, chụp ảnh toàn để con ma ăn mất nhiều thứ. Hồi trước, mỗi lần được đi chợ ăn phở chụp ảnh, không người Hua Sát nào chụp thiếu thứ gì. Cả nhà đứng xếp hàng, người cách người mấy gang tay. Không bao giờ thiếu thứ gì…
       Thế nhưng cũng phải đến khi tôi đã làm ở Phòng Văn hóa, Xỉnh là Chánh văn phòng UB huyện, anh mới lên Hua Sát thăm tôi. Trên con đường lên thăm thẳm, Xỉnh vừa ôm hai bàn chân sưng mọng, vừa bàn với tôi một kế hoạch làm giàu. Ở cái tỉnh này, thậm chí cả vùng năm tỉnh, mang tiếng là miền rừng, chẳng bói đâu ra một m3 gỗ cho ra gỗ; một cái gốc lũa cho ra gốc lũa. Nhất là từ ngày, phong trào làm nhà sàn, chơi gốc cổ thụ… tràn về thành phố, trên núi hầu như không còn cây nào cao bằng cây chuối. Xỉnh nói, vừa rồi, huyện cho một chuyến công du dài gần một tháng để đi tìm gỗ cho một số dự án, nhưng không được. Phương án gỗ Lào là hạ sách. Lãnh đạo mà phải ăn gỗ giá chợ thì khác chó gì thường dân. Thế mới ức. Lòng tự ái hay đẩy người ta đến những điều bất chấp. Xỉnh lên thăm tôi thì ít, thăm rừng thì nhiều. Xỉnh tự biến mình thành một nhà khảo lâm và coi Hua Sát là một sự phát hiện bất ngờ. Xỉnh bảo, rừng làm gì có hồn, thiêng độc là do con người doạ nhau. Xỉnh về huyện không lâu, Hua Sát có ngay dự án mở đường dân sinh. Một “đòn” đánh đúng vào trái tim mong chờ của người Hua Sát. Ở đâu đó khắp các rẻo chất ngất, ngày càng xuất hiện nhiều hơn những con đường ôtô-xe máy (loại đường ôtô nhưng không hiểu do thiết kế hay… mà chỉ xe máy đi được). Xe máy liên doanh rẻ tiền đang là cứu cánh cho đại bộ phận người dân vùng cao. Hua Sát thì vẫn những con ngựa, những đôi chân nạm thép bọc đồng. Nhưng chỉ phát huy trên tầng bậc rừng núi, xuống đường nhựa là nặng nề và cản trở ngay. Hình thức mở đường Hua Sát - trung tâm huyện lị, là Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước thì đã đành, còn dân Hua Sát thì chỉ cần đổi cây rừng là OK. Xỉnh bảo.            
       Từ ngày có dự án, không ai còn thấy dấu chân và mùi nước đái hổ trên đường xuống vùng thấp nữa. Cũng từ ngày có đường, người lên Hua Sát như trẩy hội. Tiếng xe ủi, máy xúc, xe cẩu, xe tải chuyên dụng và tiếng máy cưa gầm rú rung động cả núi rừng. Vụ “đòi nợ” 500mtrong phần “nhân dân cùng làm” được các công ty, doanh nghiệp ủy quyền lên núi đốn hạ những cây gỗ cả chục người ôm, nhanh gọn và sạch như người ta bẻ một cái măng trong vườn. Chỉ mấy năm, rừng Hua Sát đã lùi lên cao và trốn vào xa thẳm. Phải đến khi vập vào núi đá, đường ôtô bị chặt cụt, thì rừng mới thoát hiểm. Hàng ngàn cây pơmu, thồ lộ, sấu, chò chỉ… và cả gốc, rễ của chúng, chỉ còn trong tiềm thức. Hua Sát giữ được duy nhất cây sấu thần. Chắc một phần vì tinh thần nhất quán của những con người sống treo leo nơi gầm trời, một phần có thể chính nhờ sự linh thiêng của nó.

***

       Thế rồi tôi có vợ, có con. Vợ tôi người Kinh. Cô ấy chính là phần thưởng Xỉnh và các lãnh đạo tặng thay món quà hỏa hồng (do tôi mượn uy tín bằng cấp, thuyết phục già làng và dòng họ cho làm đường, đốn gỗ) mà tôi đã thẳng thừng từ chối. Mỗi cuối tuần, tôi đưa vợ con về Hua Sát, rồi thì ra đầu bản, ngửa cổ nhìn lên cây sấu thần và vẽ vào tưởng tượng của người mẹ trẻ và đứa con trẻ một bức tranh vốn có hàng trăm cây sấu to như thế, hàng ngàn cây pơ mu và hàng vạn cây thồ lộ to gần như thế, phủ một màu xanh kín rịt xuống tận cửa nhà. Con đường định mệnh năm ấy, giờ nước rừng giận dữ khoét rạch không gì lưu thông nổi. Người Hua Sát lại trở về với sự di chuyển truyền thống là chân ngựa và chân người. Vợ chồng tôi cũng không ngoại lệ. Rừng Hua Sát được yên bình như vốn có được gần chục năm, nhưng là sự bình yên của một phế binh toàn bậc.
       Gần đây, chỉ sau khi nhậm chức chưa đầy một tuần, ông chủ tịch huyện mới lại cho sửa đường Hua Sát. Già làng Chống Chịa giờ đã hơn trăm tuổi, họp dân phản đối dữ dội. Già mường tượng đến một thảm họa mới nào đó. Giống như từ ngày có con đường mơ ước, Hua Sát chịu cảnh dịch bệnh liên miên. Gia súc chết yểu. Mùa màng thất bát do hạn hán và lũ lụt. Sức khỏe con người giảm sút, tuổi thọ rút lại như dây thừng trâu bị quấn. Những người tiến bộ (trong đó có tôi) lại một lần nữa quả quyết, sẽ chẳng có chuyện gì cả. Hua Sát bây giờ chẳng còn gì cả. Dự án khôi phục và nâng cấp con đường một lần nữa được thông qua. Lần này Nhà nước làm tất tật từ A - Z. Con đường cấp phối rộng thênh thang xe cộ. Cả một trời xe máy liên doanh đổ lên Hua Sát. Một loại dịch nữa tràn đến, đó là dịch lười. Thanh niên Hua Sát bỏ học để đi xe máy. Thay vì ngồi bàn luận chuyện chuyên, thâm, xen canh; chuyện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng… làm giàu như những năm về trước, thì bây giờ, họ dạy nhau cách xuống núi khi mất phanh, thủng lốp; cách đổ tay lái một đỏ để leo cua Háng Vượn; cách cân tầm để vượt qua chiếc cầu độc mộc bắc qua con lạch rộng đến 5 mét; cách xích lốp, vê côn, dồn số để leo lên vách núi Pu Pha Phạ mùa bôi trơn… . Già làng Lý Chống Chịa là người lo lắng nhất, vậy mà không hiểu sao, hôm nay, ông họp dân lại cho hạ cây sấu thần. Ông nói, Hua Sát thật sự đã đến ngày phải làm lại rồi. Truyền thống Hua Sát là không ai cãi lời già làng. Già làng bảo còn thì đồng lòng còn. Già làng bảo hết thì tất cả hết. Cãi lời già chẳng khác nào cãi lời thần linh. Nghĩ thế là đã thực thi vĩnh viễn.
       Một toán thợ xẻ kéo đến dựng lán bên gốc cây sấu thần. Già Chịa đứng hùng dũng trên chiếc giàn giáo, cách mặt đất hàng chục mét, chỉ tay về phía đông. Theo hướng dẫn của già, đoàn thợ vừa cưa vừa chặt tròn bảy ngày thì cây sấu đổ về đông. Khi cây sấu quật mình xuống núi, cả một vùng rừng rung chuyển như bị bom, khiến cái giàn giáo vỡ tan ra từng mảnh. Tay thợ cả ngã, lao thẳng đầu vào đá chết tươi. Hai thợ phụ thì một gẫy chân, một gẫy tay. Ngay tối hôm cây sấu đổ, già Lý Chống Chịa cũng chết. Sáng ra, người ta phát hiện già nằm sõng sượt trên giường với bộ mặt phủ kín máu. Thầy lang từ Thẩm Phẩng sang bảo, già ăn lá ngón nên mới sung huyết và gây ra thể tạng như thế.
       36 hộp rộng 1,8m; dài 2,2m; dày 0,15m không nứt nát dập mối, không cong vênh lượn vặn nằm phơi màu lõi, gụ cả vạt rừng. Còn loại dài như thế, dày như thế, nhưng chỉ rộng 0,8m thì không đếm xuể. Bốn cặp thợ, xẻ ròng hàng tháng trời mới tan cây sấu. Hôm tổng kết, ông chủ tịch huyện xuất hiện. Ông ngồi trên chiếc Lexus ES 350 , ngắm đống gỗ được huy động dân quân cả xã mang ra đường xe, mà lòng mở cờ nổi trống. Cho đến khi mắt ông vập vào 36 chiếc sập một tấm thì không kìm nổi, mở cửa bước ra, gẩy gẩy mũi giày da cá sấu, hiệu Crocodile màu cà phê vào từng tấm phản, cười bí hiểm, rồi giục lái xe hối hả xuống núi. Đến cua Háng Vượn, chiếc xe trượt đà lao xuống vực Bảy Mả sâu hun hút như đáy hang Sơn Đoòng. Ông chủ tịch bị chính chiếc xe đẹp đè nát nhậy. Lúc xe lăn, kính vỡ, tay lái xe văng ra giắt vào một lùm dây, chỉ bị xây xát. Ngay đêm hôm ấy, tay phó cả lên thay thợ cả ngã giàn giáo hôm hạ cây cũng bị một cơn ho, sau thì nôn ồng ộc những máu là máu, rồi chết ngay bên gốc cây sấu - thể tạng giống hệt già làng Lý Chống Chịa.
       Từ đó, người ta mường tượng về một sự linh thiêng của cây sấu. Tốp thợ lặng lẽ rút lui. Không một xe nào dám lên Hua Sát chở gỗ. Đống gỗ to như một quả đồi, giờ dây rừng phủ kín, nom như một ngôi mộ xanh. Thời gian dần trôi, toán thợ xẻ cũng chẳng người nào nguyên vẹn. Không chết nạn thì thiên họa trở thành tàn phế, ngớ ngẩn, hoặc vợ con, người nhà gián tiếp thế vận. Tôi đang công tác yên ổn, bỗng bị cô nhân viên vu cáo quấy rối tình dục, nhân một chuyến đi tuyên truyền văn hóa xã. Bị mất đảng tịch, cách chức, cho thôi việc và bị vợ bỏ vì không sự thật nào bằng sự thật của tổ chức. Tôi thất thểu quay trở về Hua Sát cày ruộng cuốc nương.
       Bây giờ, ngồi ngẫm vụ cây sấu thần, có lẽ chỉ còn Xỉnh là không những vô sự mà còn vận sáng, danh thông. Sau vụ 500m3, Xỉnh lên phó chủ tịch. Sau vụ ông chủ tịch tai nạn ôtô riêng, Xỉnh lên chủ tịch. Người ta bảo Xỉnh thuộc loại cáo già, phàm cái gì thuộc về tâm linh và quả báo là tránh xa. Thôi, thế cũng mừng cho Xỉnh. Hôm tôi bị về vườn, Xỉnh đau xót ra mặt, nhưng không cách gì giải nổi. Xỉnh chửi tôi là cái đồ mông muội, không thuộc cả cái câu cổ ngữ “Sướng con cu mù con mắt”. Tôi định thanh minh, Xỉnh gạt: “Tôi cũng là đàn ông như bố, mà thôi, chịu khổ một tí, sau này tôi cất nhắc lên làm lãnh đạo xã”. Tôi không vui cũng chẳng buồn, đành cầu nguyện cho Xỉnh hanh thông để minh oan cho tôi, hơn thế là xuống xã giữ chức Bí thư Đảng ủy như những gì Xỉnh hứa.

***

       Sáng nay, tôi nhận được một cú điện thoại của Duyên - cô gái vu vạ tôi quấy rối dạo nào:     
   - Sếp ơi, em xin lỗi! Việc là do anh Xỉnh sắp đặt, chứ em không lòng nào như thế.
       Tôi chẳng vui, cũng không buồn:
   - Chuyện qua rồi, không nhắc lại nữa.
   - Em cảm ơn sếp! Nhưng sếp ơi, dù sao cũng nên đi thăm anh Xỉnh. Anh ấy đang nằm hấp hối ở ngôi nhà sàn ngoại thành.
       Tôi lặng người giây lát, rồi lấp cấp xuống núi. Xỉnh nằm thoi thóp trong ngôi nhà sàn đẹp long lanh, giữa một đồn điền cao su - thứ cây báo chí vẫn gọi là vàng trắng chảy ngược lên Tây Bắc. Nghe vợ Xỉnh nói, Xỉnh bị cấp dưới vu khống tham ô gần 100 tỉ. Đúng lúc cấp trên về thanh tra thì Xỉnh bị sốc và tai biến.
   - Sức khỏe anh ấy gần đây yếu quá. Thật tiếc. Nếu khỏe khoắn, có khi Ủy ban kiểm tra minh oan được cho anh ấy đấy(?)
       Tôi thất thểu quay về Hua Sát (lần này chẳng kém lần bị thôi việc). Bóng cây sấu thiêng chập chờn, ập về một quầng hư ảo như sương khói, dù thế, nhưng nó vẫn xanh đến thăm thẳm một vùng trời.
       Tôi chỉ kịp thốt lên hai tiếng “hồn rừng” trước khi nó biến mất…

Hua Sát 18.07.2011

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét