Vũ Kiều Oanh
Sợ
Muốn về quê ăn tết
Sợ một mình đường xa
Chuyến xe chiều có
chật?
Đò cuối ngày còn qua?
Định về quê ăn tết
Sợ bạn bè đều xa
Sợ đông nay rét thế,
Mận đào có kịp hoa?
Sợ một mình ngơ ngẩn
Con đường xưa cỏ đầy
Bến sông xưa hiu hắt
Khói cũng buồn không bay
Sợ ngước nhìn cha mẹ
Nghe hai vai nặng đầy
Bao nhiêu là ơn nghĩa
Chưa đáp đền mảy may
Muốn về quê ăn tết
Mà thôi, không dám về
Sợ lòng mình trĩu nặng
Làm buồn cả tết quê.
Xuân
2008
Lời bình của Nguyễn Đức Lợi
Nỗi niềm những đứa
con xa
Bồn
chồn! Day dứt! Giằng xé! Và, cuối cùng: Sợ! Một cảm giác lo lắng, bất an, như
thể không thực hiện không được, mà cũng như thể không thực hiện thì không kịp
nữa..., vậy mà cầm lòng! Có lẽ chẳng nỗi buồn nào hơn thế. Cũng có lẽ chẳng nỗi
đau nào hơn thế. Những cái hoàn toàn có thể, vì một điều không thể nói, mà trở
thành không thể làm.
Quay
lại mạch giả định được đưa ra một cách có hệ thống trong bài thơ Sợ -
rút từ tập thơ Trái tim thức đập, Nhà xuất bản Mỹ thuật 2008 của Vũ
Kiều Oanh, hội viên Hội VHNT Lạng Sơn - cuối cùng chỉ để chứng minh một điều,
rằng: Không dám! Phàm ở đời vẫn thế, cái gì không dám làm, không làm được, thì
luôn song hành rất nhiều lý do. Nhưng, có lẽ đáng yêu hơn cả, đáng cảm thông
hơn cả chỉ có một lý do của Nguyễn Khuyến: …Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa/
Ao sâu nước cả, khôn chài cá/ Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà/ Cải chửa ra cây,
cà mới nụ/ Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa/ Đầu trò tiếp khách, trầu không có… . Đó
hình như cũng là sự “bao biện” của Sợ - một sự “bao biện”
tê tái ở trong lòng.
Đã
ba tết rồi, mỗi khi lạnh về, mỗi khi đào mận nở… là cảm giác “sợ” lại len tràn
hồn. Chắc tại mình đồng điệu, vì cũng đang sở hữu gần 20 năm tha hương và hàng
vạn “điều khó nói”… mỗi khi tết đến. Để có cái cớ không dám về, đành
đổ lỗi cho vạn vật rằng là cản trở, rằng là gây khó dễ, rằng là…, mặc dù có thể
không có sông rộng đò dài; không sợ xe đông bỏ rơi lữ thứ; cũng không sợ thiếu
mận thiếu đào; không sợ bạn bè ở xa…
Vũ Kiều
Oanh chọn một cách thể hiện hiền lành. Thơ 5 chữ, gieo vần gián cách, dễ nhớ,
và với nhiều người có thể “ngộ nhận” cả dễ làm. Tuy nhiên, bài thơ hay không do
hình thức mà chính ở nỗi niềm - một nỗi niềm day dứt, xót xa! Mỗi người một
cảnh ngộ, mỗi người một lí do để “từ chối” cái lễ nghĩa vĩnh cửu của tấm lòng
dâng quí: Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy. Đây
chính là “lễ vật” của bài thơ! Một mâm “lễ vật” chứa đầy niềm nỗi không dễ gì
thổ lộ với quê hương, nếu như không mượn thơ gánh gồng?
Không
như nhiều bài thơ của nhiều nhà thơ hiện nay, đọc mãi, lĩnh hội mãi,… Sợ dường
như chạm vào tiềm thức sơ cảm văn học từ ngay khổ đầu. Người đọc bị ngập vào
vùng cảm xúc nao nao, bâng khuâng, tê tái. Cái nao nao ập đến nhờ những định
toán, cân nhắc: …Sợ một mình đường xa/ Chuyến xe chiều có chật?/ Đò cuối
ngày còn qua?... / Sợ bạn bè đều xa/ Sợ đông nay rét thế,/ Mận đào có kịp hoa? Nỗi
bâng khuâng hiện về nhờ dòng chảy nồng nàn, ấm áp, nhưng đã xa, đã vời vợi của
cái nơi chôn nhau cắt rốn: Sợ một mình ngơ ngẩn/ Con đường xưa cỏ đầy/
Bến sông xưa hiu hắt/ Khói cũng buồn không bay… . Sự tê tái xâm chiếm
bởi nhìn, nghe, cảm và suy… từ ơn mẹ, nghĩa cha: Sợ ngước nhìn cha mẹ/
Nghe hai vai nặng đầy/ Bao nhiêu là ơn nghĩa/ Chưa đáp đền mảy may… .
Một
bài thơ không câu chữ cầu kì, không dụng công nghệ thuật, thậm chí có khi cảm
giác dễ dãi bởi có đến 5 cặp hiệp vần bán vận, hoặc thất vận ở những dòng đầu
và dòng thứ 3 của mỗi khổ,… nhưng ngược lại, từ chính cái mộc mạc ngôn từ ấy,
hình như ta mới thấm đủ tứ bề cảm giác: ấm áp, dịu dàng, êm đềm và da diết… .
Sự tính toán duy nhất của tác giả chính là tìm ra các chi tiết, rồi phó mặc cho
nó nói lên tất cả - một hình thức sáng tác truyền thống, và giới hạn trong thi
thiển ý tại ngôn. Toàn bài thơ có 20 câu, ngoài 2 lần muốn và 1 lần định về quê
ăn tết ra, thì có đến 14 nỗi sợ cả trực tiếp lẫn gián tiếp được viện ra, để rồi
đi đến một khẳng định bất biến: Mà thôi, không dám về... vì
sợ: Làm buồn cả tết quê.
Cái
cách tác giả đấu tranh với tư tưởng, đấu tranh với hoàn cảnh đủ làm cho ta -
một đứa con xa, rung rinh cảm động. Vũ Kiều Oanh buồn chuyện gì thì không biết,
nhưng biết chắc chắn rằng, ta đang buồn thấu nỗi buồn của tác giả; hơn thế, ta
biết chính ta cũng sẽ là người làm cho “tết quê” buồn the buồn thắt. Đang trôi
êm giữa dòng mà vật chất không còn quá quan trọng, thậm chí cả tình cảm cũng
không còn quá quan trọng…; bất chợt gặp Sợ, bất chợt gặp người còn
biết “xấu hổ” trước “thứ tình cảm tha phương”… mình bỗng thấy “xấu hổ” về những
gì mình vẫn lạnh, lánh và bàng bạc với quê hương.
Chính Sợ đã
làm đẹp phần nào lời thô ý thiển của đời thường. Chính Sợ đã
nói thay nỗi lòng đang dâng một khát khao mãnh liệt, rằng giá như mình là vv và
vv … . Lúc ấy mình sẽ không sợ về quê ăn tết. Công ơn sinh dưỡng sẽ được đền
đáp đầy tràn. Xe sẽ thông. Đò sẽ thuận. Bầu bạn sẽ vui vầy…
Lúc
ấy, con đường cỏ sẽ thành con đường thơ. Sợi khói chìm cũng sẽ bay lên lãng
đãng…
Điện
Biên, 20.12.2011
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét