16 tháng 3, 2013

TRUYỆN ĐƯỜNG RỪNG THỜI HIỆN ĐẠI

PGS - TS - Nhà NCPBLL - Nhà văn Văn Giá
     
Tôi đọc tập truyện Gia đình thợ mộc của Nguyễn Đức Lợi, rải rác trong mỗi thời điểm khác nhau, lần nào cũng vậy, khi gấp trang sách lại vẫn không hết cái cảm giác bỡ ngỡ về sức bút của cây bút trẻ này.
     Hầu như các trang viết của anh đều tập trung phơi bày tình trạng bi thảm của những con người sinh sống ở miền núi non biên ải.
     Các nhân vật rơi vào tình trạng bi thảm hầu hết là phụ nữ. Đó là những người con gái bị định kiến mông muội xô đẩy, vùi dập. Đó là những người vợ bị những đức ông chồng nghiện hút, thú tính trấn áp, dồn đuổi. Đó còn là những bé gái mới lớn không nhận được sự chăm sóc của cha mẹ vì những  lý do này khác rồi cuối cùng cũng bị ngã sấp vào cảnh cùng đường tuyệt lộ ô uế, thảm thương…
     Khung cảnh miền rừng toàn là những vùng biên ải miên viễn, những làng bản hẻo lánh, những chỗ đào vàng, những thị trấn thị tứ… nơi ô hợp đủ loại hạng người của cả ta lẫn tàu, toàn dân anh chị đầu gấu,  dân xã hội đen, dân mafia, dân nghiện hút đĩ điếm… Những cảnh sống khốc liệt, bất trắc, đầy tính bạo lực.
     Chung cục, các nhân vật đều cùng quẫn, bế tắc, tuyệt vọng, nhiều thương tích, hoặc cận kề cái chết, hoặc bị chết…
      Các chi tiết miêu tả nhân vật và khung cảnh cũng dữ dội, khốc liệt, đầy chất hoang dã hoang tính miền rừng.
     Tôi cho rằng, Nguyễn Đức Lợi chủ tâm đi tiếp mạch “Truyện đường rừng” đã có từ thời 1930-1945 để trở thành một loại truyện đường rừng của thời hiện đại. Hiện thực thì dữ dội, khốc liệt. Lại xen vào một số yếu tố li kì, bí hiểm  thuộc về thiên nhiên, phong tục vùng cao. Các nhân vật hoặc hoang dại, cỏ giả, hoặc đổ đốn thú tính không ra giống người. Một số theo kiểu lục lâm thảo khấu, băng đảng, du côn. Một số tha hóa, biến chất. Số khác rủi ro, tăm tối, yếm thế, thất bại… Đọc tập truyện của Nguyễn Đức Lợi thấy ở đồng rừng mà cũng nhung nhúc những người là người, thôi thì đủ kiểu đủ dạng, muôn hình vạn trạng những cảnh đời, những thân phận, tất cả cựa quậy, náo loạn, chứa chấp đầy hiểm họa. Đúng là một xã hội người của thời loạn.
     Chính vì thế truyện của Lợi có phẩm chất xi-nê rất mạnh: mạch chuyện sáng sủa, các nhân vật và khung cảnh hiện lên với những hình khối, đường nét rõ ràng, sống động. Đôi khi cũng lại có những pha rượt đuổi, súng nổ, đao búa và cái chết… rất xi-nê.  Mỗi câu chuyện của Lợi là một tiềm năng kịch bản phim truyện.
     Đọc Nguyễn Đức Lợi cảm giác con người này có một bộ óc rất khỏe, và nhờ vậy mà hay thích húc vào những cái bạo liệt của đời sống. Không có cái vâm vóc, vạm vỡ của một tinh thần cường tráng sẽ không dám lao vào những mảng hiện thực nặng kí này. Truyện của Nguyễn Đức Lợi tràn đầy tinh thần phản biện xã hội mạnh mẽ và chính trực.
     Văn Nguyễn Đức Lợi trước hết hấp dẫn người đọc ở cái chất bạo liệt đó.
     Và như vậy, nếu có một sự chuyên tâm bền bỉ, Nguyễn Đức Lợi sẽ viết tiếp thêm một trang mới cho loại truyện đường rừng vốn đã có từ các bậc Lan Khai, Thế Lữ, Đái Đức Tuấn… ngày nào. Những gì mà anh thể hiện trong tập truyện này cho phép điều vừa nói không trở thành lời giao đãi. Nó đã được bảo chứng bước đầu.
       Nguyễn Đức Lợi hiện giờ đang đi trên một lối đi không có nhiều người đi cùng. Có thể anh sẽ độc lực, cô độc. Nhưng sáng tạo chân chính nào trên thế gian này chẳng độc lực và cô độc. Chỉ có như vậy, như người thợ săn,  mới có thể vồ được những con mồi lớn.
                                                          Hà Nội ngày 23.8.2010
V.G

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét