16 tháng 3, 2013

26 NĂM - VẦNG TRĂNG THỨC TRONG MÂY

      Trước đây chỉ nghe Bùi Văn Vân làm thơ, in thơ chứ chưa nghe ông viết tiểu thuyết bao giờ. Nay tận mắt đọc và bất ngờ bởi “Trăng trong mây” (NXB Quân đội nhân dân - 2007) đã được ông đốt cháy âm ỉ suốt 26 năm có lẻ, với rất nhiều kỷ niệm, cảm xúc không chỉ riêng của một quân nhân...

     Có lẽ bạn đọc thắc mắc vì, trong ấn bản chỉ có 21 năm (Sơn La 1/1963 - Lai Châu 1/1984); nhưng điều này lại được chính tác giả bật mí trong một cuộc trò chuyện bếp núc nhà văn. Chuyện bắt đầu từ một cuộc vận động viết những kỷ niệm sâu sắc về bản thân và đồng đội năm 1958 của Sư đoàn 335 - Quân tình nguyện, đóng tại Mộc Châu (Sơn La). Lúc bấy giờ tiểu thuyết “Trăng trong mây” mới chỉ là một... truyện ngắn không được in trên báo tường của đơn vị (vì một lý do riêng) với cái tên Nàng Tàn. Sau cuộc vận động, tình yêu văn học được Bùi Văn Vân ký thác vào đầu ruồi nòng súng và theo ông đi khắp nước bạn Lào, từ Luông Nậm Thà, Luông Pra Băng, U Đ ôm Say, Nậm Bạc... đến Viên Chăn. Trên đường hành quân và chiến đấu, đôi lúc “Nàng Tàn” lại hiện ra rất nhanh trong chớp lửa trận mạc. Còn nhiều quá, không viết thì mắc nợ, mà viết thì chẳng biết rồi để làm gì? Nhưng cái máu văn nghệ sĩ cùng với ý muốn được trả món nợ nhân nghĩa đã biến “Nàng Tàn” thành một truyện vừa “Chuyện xảy ra ở nhà Phò Chăn”, với một tâm niệm cũng... chẳng để làm gì!
     Thế rồi phải đến năm 1963, Bùi Văn Vân mới thực hiện được một phần cái ý niệm ấy. Trên cuốn tiểu thuyết bây giờ, theo “phân chương” thì năm ấy ông đã viết được từ Chương 1: Chuyện xảy ra ở nhà Phò Thao Chăn đến hết Chương 6: Chuyện chép trong bệnh viện; vị chi bằng 86 trang rồi bỏ xó tới 21 năm sau vì vẫn... chẳng là cái gì cả. Tất thảy những nhân vật, bối cảnh, sự kiện (chất liệu làm nên tiểu thuyết)... và nhất là “cái cõi tư duy” cứ nhằng nhẵng theo Bùi Văn Vân đi suốt tháng cùng năm không quản hi sinh gian khổ. Nhưng rồi nhiệm vụ cách mạng cũng không cho ông nghỉ, không cho ông cái quyền được thu vén riêng tư. Mãi tới năm 1984, khi mà mọi thứ đã tròn trịa, đã tươi đẹp; việc chung cũng đã chuyển được sang vai thế hệ trẻ, ông mới cho mình cái quyền lui về góc vườn, bờ ao để ngày ngày vui thú điền viên, để trả nợ 6 chương còn lại cho “Trăng trong mây”.
     Phải nói rằng, suốt cuộc trường chinh của tác giả cũng chính là mạch dòng của cuốn tiểu thuyết này. “Mở bài” là một hồi ức của 30 năm trước. Lúc ấy Sơn xuất hiện với sự che chở vượt lên cả lễ giáo tâm linh của một cô gái Lào. Và rồi thì 30 năm sau, khi Sơn đã vĩnh viễn ra đi, Bùi lại “hiện ra” như một sự sắp đặt của Chúa, để đến với dân làng, làm sợi dây nối buộc hai dân tộc Việt - Lào lại làm một. Sơn và Bùi cũng như là một! Không, Sơn - Bùi và Bùi Văn Vân như đã và đang là một! Núi Lào, sông Lào và cả người Lào như những Phò Thao Chăn, Chăn Tàn, Khăm Su... như đều là “của riêng” Bùi Văn Vân vậy. Với giọng văn mộc mạc như chính gia tác họ Bùi “tự nhận” là... không có học cao” đã đưa người đọc vào cuộc, giống như tất cả dân tộc Việt Nam đã từng vào cuộc để giúp đỡ nước bạn Lào làm cách mạng, giải phóng dân tộc. Bùi Văn Vân không chú ý lắm về nghệ thuật, thậm chí không cả sắp đặt những thủ pháp lôi cuốn người đọc. Cái mạch nguồn văn chương trong “Trăng trong mây” cứ lang thang theo kiểu tự đi tự đến, khắc chảy khắc đầy. Câu chữ không giăng mùng người đọc, mà gần gũi giản dị và thảnh thơi “như một bác nông dân vừa cày xong thửa ruộng”. Mặc dù trong đó, đôi chỗ không tránh khỏi sự sa đà, kể lể và chưa thật khớp hợp giữa các cứ liệu, sự kiện gây khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin của độc giả; nhưng thú thật, Bùi Văn Vân viết tiểu thuyết chiến tranh theo cách hồi ức từ hòa bình đã là một thách thức rồi.
     “Trăng trong mây” ngoài việc mượn hồi ức trần thuật lại cuộc cách mạng của các đảng viên Đ ảng Cộng sản Đ ông Dương (đảng viên Lào, Việt) sống trong lòng địch, dựa vào sự che chở và tinh thần chiến đấu quật cường, hi sinh anh dũng của nhân dân Lào, mà còn lờ mờ hiện lên một “mối tình” âm ỉ cháy trong hai con người, một Lào, một Việt. Có lẽ thủ pháp nghệ thuật lớn nhất mà Bùi Văn Vân thể hiện trong cuốn tiểu thuyết này là hai cái chết của Chăn Tàn và Sơn (tức Bun Thoong). Chăn Tàn là cô gái người Lào, một hôm Sơn - quân tình nguyện Việt Nam - vào bản Bạc Bua móc nối với tổ chức ngầm thì bị quân Phờ Lăng (giặc Pháp, ngụy tại Lào) ở đồn Hủa Kông truy sát. Trong tình thế cấp bách, Chăn Tàn đã kéo Sơn lên giường “làm chuyện vợ chồng” để qua mắt bọn giặc. Nhờ có “phản ứng thông minh” này mà hai người được gần nhau, thậm chí nhờ tình huống “thân quen bất ngờ” ấy mà Sơn được cấp trên điều về nằm vùng thay Văn - một cán bộ Việt Nam nằm vùng cũ - tại Bạc Bua. Hơn nữa, Sơn còn về ở tại nhà Phò Thao Chăn, ngày ngày cùng Chăn Tàn đi rẫy rồi hướng dẫn cô gái Lào làm giao liên, hoạt động cách mạng. Hai người trao những tặng phẩm tinh thần qua ánh mắt long lanh, qua đôi môi chứa đầy mật o­ng và nụ cười như giấu cất bên trong bài hát của con họa mi vẫn vang lên thánh thót mỗi sáng... Rồi cả đến cái khăn bằng một mảnh vải thô mà Chăn Tàn cắt ra tặng Sơn khi đang còn trên khung cửi. Thế nhưng vì kỷ luật cách mạng, vì hoàn cảnh công tác, vì chiến tranh... hai người không thể thành vợ thành chồng. Với cuộc tình này, tác giả đã đưa ra cách xử lý mâu thuẫn mà theo chúng tôi có phần khiên cưỡng, công thức và hơi mạnh bạo (ít ra cũng so với thời điểm bản thảo được hoàn thành). Đó là chi tiết Chăn Tàn anh dũng hi sinh cùng với hàng chục đồng bào của mình trong một đợt chống càn đẫm máu, khi cô mới vừa tròn 20 tuổi. Xong phần I (chắc là chia theo quy trình viết sách), 21 năm đằng đẵng, tác giả dành cho Sơn cái kết thúc bi tráng như một cảm tử quân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tại trận đánh Sen Thơng khi Sơn mới 23 tuổi.
     Tóm lại, tất cả sự nghiệp của văn sĩ họ Bùi ở đấy, tình cảm và cả lòng biết ơn nhân dân các bộ tộc Lào cũng ở đấy, để rồi sau khi về hưu ở cái tuổi ngót 60 - cái tuổi sung về tri thức nhưng kiệt về thể lực - ông đã hoàn thành tâm nguyện nung nấu suốt 26 năm tiểu thuyết “Trăng trong mây”. Nhưng cái khó của Bùi Văn Vân cũng là cái khó chung của rất nhiều “hàn sĩ” tỉnh nhà, đó là kinh phí in sách. Sự bó buộc ấy khiến “Trăng trong mây” ngủ yên từ 1984 đến 2005, và còn ngủ dài nữa nếu như không có cái “sự liều”, Bùi Văn Vân cầm... hai bàn tay không về NXB Quân đội nhân dân cầu cứu. Hai năm sau, “Trăng trong mây” chính thức chào đời và ít nhiều gây được sự ngạc nhiên thú vị cho bạn bè cầm bút.
     Được biết, bên cạnh tập thơ “Trăng muộn” (2005) và tiểu thuyết “Trăng trong mây” (2007), những tháng cuối năm 2009 này Bùi Văn Vân đang in tiếptập truyện “Lá thư gửi lại” cũng ở NXB Quân đội nhân dân. Hơn 50 năm lúc cầm súng lúc lại cầm bút, Bùi Văn Vân đã viết trên 600 bài thơ, 178 văn xuôi và 3 tiểu thuyết. Thành công đến đâu xin để bạn đọc và thời gian thẩm định, nhưng với cái tuổi “bát tuần” thì đó là một gia tài văn chương quả thực rất đáng trân trọng. Mới đây, nhân dịp họp mặt cộng tác viên Báo Điện Biên Phủ (đầu tháng 11/2009), ông còn “khoe” với tôi: “Nếu không có gì thay đổi, năm 2010 mình in tiếp tập truyện ngắn nữa, NXB đã duyệt xong phần I rồi”.
     Ai đó bảo văn chương như “nghiệp chướng” và nhiều khi “nghiệp chướng” nó vận vào người; với trường hợp Bùi Văn Vân, thiết nghĩ, có lẽ đúng là như vậy. Ra 2 tập sách thì cả 2 tập đều có chữ “trăng”, tập thứ nhất trăng đã nở muộn còn tập thứ hai chẳng muộn thì cũng gần 3 thập kỷ trăng lẫn trong mây! Lại nữa, giữa “mây” và vân”, “Trăng trong mây” thì có khác gì “Trăng trong Vân”? Cái tựa đề của tập sách như ngầm thông báo một “chi tiết” ngoài văn bản, một chi tiết mà chỉ những ai hiểu tác giả, dám sẻ chia với tác giả, mới có thể cảm nhận được bằng linh giác của bạn văn chương.
     Xin chân thành chúc mừng Bùi Văn Vân và xin chờ đợi những sáng tác mới của ông...
Mường Ảng 21.11.2009

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét