Trước
hết phải nói thật rằng, tôi không khỏi xúc động trước tấm lòng yêu thơ đến độ
“cuồng thi” của tác giả Phạm Quang Bá, 75 tuổi, hội viên Hội VHNT Điện Biên,
khi biết được thông tin ông gửi tập bản thảo tới ngót… 200 bài thơ (một số
lượng thơ nhiều gấp 4 lần thơ tôi) để làm tập sách thơ Cảm xúc thời
gian mà tôi đang cầm trên tay (tất nhiên là tôi không được tặng
rồi): Hôm nay ngồi đọc bài thơ/ Một mình mà thấy ngẩn ngơ rối bời/
Yêu thơ yêu lắm thơ ơi/ Đất trời mây gió biển khơi không cùng… (Thơ
với người - P.Q.Bá)
Nhưng, (cũng lại thú thật) cơn cảm động chưa
kịp sâu thì một nhát buồn đã ập đến, cắt đúng vào cái lòng tự trọng và cái mụn
xấu hổ của một người đọc biết xấu hổ.
Theo như tôi được hiểu,
người ta ai cũng muốn để lại cho đời một cái gì đó quí giá một chút, độc đắc
một chút; và gần đây thường thì hay để lại sách. Có lẽ bởi nó có vẻ hiếm hơn,
uyên bác và sang hơn; thậm chí là so với cả đồng tiền - một thứ của nả thường
được mơ ước. Nhưng dù có ham thèm tới độ nào đi nữa thì những người có tự
trọng, có năng lực kiểm định và kiểm soát bản thân thường cân nhắc rất kỹ xem
cái tầm mình ở quãng nào, thứ để lại được gì, cái mất sẽ là bao nhiêu… Tập sách
của Phạm Quang Bá (P.Q.Bá) còn thiếu nhiều cân nhắc và sự trung thực quá, nên
có lẽ cái giá của sự mất mát hết sức sơ đẳng mà một người trải đời như ông (75
tuổi) khi cố tình mắc phải sẽ là… vô kể!
Tất thảy 69 bài thơ trong Cảm xúc thời
gian, do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành đầu 12.2007 vừa qua (Giấy
phép xuất bản số 248/QĐ-VHDT, ngày 21.11.2007), thì có tới 12 bài thơ P.Q.Bá đã
lấy của người khác làm thơ của mình, như: Bài thơ tứ tuyệt Cảnh đèo
ngang chính là 1 khổ trong bài thơ dài của tác giả Lâm Hảo (Hội VHNT
Điện Biên), in trên Tạp chí Văn nghệ Lai Châu cách nay hơn chục năm. Bài Dáng
cầu của Nhà thơ quá cố Phạm Xuân Ngọc (Hội VHNT Điện Biên), in trên Tạp chí Văn nghệ Lai Châu cách nay ngót
chục năm. Bài thơ châm Chỉ thiệt dân ta của tác giả Nguyễn
Đình Hải, (Hội VHNT Điện Biên) in ở báo Điện Biên Phủ cuối tháng số 27, ra
tháng 8.2006. Bài Trở lại Điện Biên của tác giả Ngọ Duy Thơ
(Hà Nội) in ở báo Điện Biên Phủ cuối tháng số 25, ra tháng 6.2006. Ước
mơ nay đã thỏa rồi của tác giả Nguyễn Thị Truyền (Thái Nguyên) in ở
báo Điện Biên Phủ cuối tháng số 25, ra tháng 6.2006. Đặc biệt có 5 bài
thơ: Bài thơ cho con và Mường Nhé hôm nay của
Nhà thơ Trương Hữu Thiêm (BTV báo Điện Biên Phủ cuối tháng); Qua bậc cầu thang
của Hữu Tiệp (Thái Nguyên); Tiếng hát bản mường của Ngọ Duy Thơ (Hà Nội); Ơn
thầy của Nguyễn Thùy Trang (Lai Châu); và Một thoáng Lao Xả
Phình của Nguyễn Đức Lợi (Điện Biên)… đã được P.Q.Bá cùng lấy trên một
số báo Điện Biên Phủ cuối tháng là số 28, ra tháng 9.2006 (?)
Như vậy, cùng với Trăm năm muối mặn
gừng cay, Nhà thơ Trương Hữu Thiêm bị P.Q.Bá lấy 3 bài, Hữu Tiệp bị 2
bài. Trong số 3 bài thơ của Trương Hữu Thiêm phải kể đếnBài thơ cho con,
báo Tiền phong đã sử dụng cách nay hơn chục năm; thật thú vị là nhờ bài thơ ấy,
tôi mới biết, quen và thân ông đến bây giờ. Đúng như Nhà thơ Mai Liễu phát hiện
và đưa vào lời giới thiệu đầu tập thơ Cảm xúc thời gian: “Tôi
đọc được ở tập thơ những câu thơ thật xúc động, câu thơ ông viết về tình cảm
cha mẹ dành cho con cái thời bao cấp đọc lên cứ rưng rưng, da diết: Con
đến trường trên vai manh áo mỏng/ Cha nhìn theo thấy rách
ở trong lòng”. Mặc dù, câu thơ đã bị P.Q.Bá làm hỏng mất vần,
hỏng luôn cả thơ vì áo mỏng thì làm sao thấy rách ở
lòng cha được(?)
Bài thơ được Trương Hữu Thiêm làm ở thể tự do
8 chữ, gồm 16 câu, được chia ra làm 4 khổ, gieo vần liền theo lối tứ tuyệt AABA
hay ABBB… (“bốn câu ba vần”). Khi qua “lò nấu” P.Q.Bá, bài thơ đã bị xúc phạm
nghiêm trọng. Bằng cách nôm na không thể nôm na hơn, P.Q.Bá vừa bớt, vừa đảo vị
trí, vừa thay… 12 từ và 5 dấu câu, để bài thơ lạc sang… trường phái P.Q.Bá với
vẻ non nớt, nông nổi trong cách thể hiện của mình (ngu ngơ trong cấu trúc, ngắc
ngứ về nhịp điệu, khập khiễng trong gieo vần, và cực kỳ dại dột), nhằm làm mù
mờ bạn đọc. Xin dẫn nguyên văn khổ thơ của Nhà thơ Trương Hữu Thiêm để bạn đọc
kiểm chứng: “Con đến trường, trên vai manh áo vá/ Cha nhìn theo, thấy rách ở
lòng cha/ Nếu con biết lúc xâu kim mẹ khóc/ Chắc con không giận dỗi suốt chiều
qua.”
Và: “Nhà mình nghèo cơm bữa vực bữa lưng/
Gạo ngoài chợ mỗi ngày tăng một giá/ Lạng chè cám cha mua xong, lại trả/ Chợt
nhớ con còn thiếu sách giáo khoa.”
Thì P.Q.Bá “nấu” lại là: “Nhà mình nghèo
cơm bữa vơi bữa lỏng/ Gạo ngoài
chợ tăng giá mỗi ngày/ Lạng chè cám cha mua xong lại
trả/ Vì nhớ con còn thiếu sách giáo khoa.”
Hành
vi của P.Q.Bá thì rõ rồi. Chỉ tội cho Nhà thơ Mai Liễu, vì tin P.Q.Bá mà
“bị” xúc động Quang Bá qua thơ Trương Hữu Thiêm. Một điều mà tôi
chắc rằng, nếu biết được điều đó nhất định Nhà thơ Mai Liễu sẽ xem xét lại khi
viết lời giới thiệu cho cuốn sách của P.Q.Bá, bởi chính Nhà thơ đã từng bị một
tác giả thơ Sơn La cuỗm bài Gửi Nà Hang và xáo thành
bài Nhắn gửi sông Đà, in ở Tạp chí Suối Reo, số 5, tháng 9.2005;
cũng theo một vết ấy.
Một thoáng Lao Xả Phình thì
bị thay thành Một khoảng Lao Xả Phình in
ở trang 20 của tập sách. Bài thơ được tôi viết vào tháng 8.2006, nhân dịp cùng
với phóng viên Trần Thắng (báo Điện Biên Phủ) đi vào xã Lao Xả Phình (Tủa Chùa
- Điện Biên) để viết về dịch tiêu chảy. Bài thơ gồm 5 khổ, 20 câu, 161 chữ,
được viết theo lối tự do, gieo vần gián cách (ABAB), in ở báo Điện Biên Phủ
cuối tháng số 28, ra 9.2006. Sau đó 4 tháng, bài thơ lại được báo Văn nghệ trẻ
in ở số 4, ra ngày 28.1.2007. Cũng như ở bài Bài thơ cho con của
Trương Hữu Thiêm, vẫn một kiểu chế biến thô lậu và trơ trẽn, P.Q.Bá thay 13
chữ, gồm cả tựa để gây men cho tập thơ của ông đối với bạn đọc, vì nói về nghệ
thuật Nhà thơ Mai Liễu cũng chỉ đề cập trong lời giới thiệu 2 bài Bài
thơ cho con và Một thoáng Lao Xả Phình: “Núi cứ bay đi
để mây đứng đó/ Tiếng đàn môi làm ấm những mái nhà” (trong 2
câu thơ này P.Q.Bá thay chữ để thành chữ còn)
Rồi: “Đường Đồi Gió làm ngập ngừng vó ngựa/
Lóc cóc thồ đi ước vọng của nàng dâu/ Nhà bên, có chàng trai cùng lứa/ Đứng
nhìn theo và nghĩ ngợi đâu đâu.”
Thì P.Q.Bá là: “Đường đồi gió làm
ngập ngừng vó ngựa/ Lóc cóc thồ đi ước vọng của nông dân/ Nhà
bên có chàng trai cùng lứa/ Đứng nhìn theo và nghĩ ngợi điều chi”
Hay: “Như bức họa ai trải lên chất ngất/
Ruộng bắc thang, người cấy ở lưng trời/ Tiếng khèn trúc làm rối bàn chân đất/
Để lòng ta tan về với muôn nơi…”
P.Q.Bá làm lại 2 chữ: “Như bức họa ai trải
lên chất ngất/ Ruộng bậc thang người cấy ở lưng trời/
Tiếng khèn trúc làm rối bàn chân đất/ Để lòng ta tan vỡ với
muôn nơi.”
Ngoài ra còn một vài bài nữa, như Chợ
quê, Nắm đất Điện Biên… tôi dám chắc không phải của P.Q.Bá.
Điều này cũng được Nhà thơ Trương Hữu Thiêm, BTV báo Điện Biên Phủ cuối tháng
xác nhận bởi tạng thơ ấy, với cách phát hiện, lập tứ, xây dựng cấu trúc, và kết
rút hời hợt kiểu P.Q.Bá cộng với tất cả những gì ông để lại ở Điện Biên, thì
ông không thể làm được những bài thơ như thế. Rất tiếc là sau khi lục lọi trí
nhớ và tìm ra 12 bài thơ P.Q.Bá lấy chính xác của từng tác giả, in ở các báo TW
và địa phương trước sự ra đời của Cảm xúc thời gian 1- 10 năm, thì tôi không
còn thời gian để tìm tiếp… Thiết nghĩ, chừng ấy thôi cũng đủ để đánh giá P.Q.Bá
và để đau nỗi đau chung cho sự nghiệp văn chương chữ nghĩa của
Điện Biên rồi.
Ở đây, có thể hiểu P.Q.Bá, chủ động đến từng
cm kiến thức trong việc sử dụng các tác phẩm thơ của người khác. Ông chủ động
sửa chữa, đề ngày tháng “sản xuất” mới toe dưới cuối một số bài thơ, tuyệt
nhiên không có một lời nào nói đến các tác giả mất thơ nêu trên; và, cũng không
có một cái tên nào khác ngoài tên P.Q.Bá…(!)
Phạm
Quang Bá ơi là Phạm Quang Bá!
Sẽ chẳng có ai “xử” ông đâu, vì cái
chấp phải là sáng tạo, trung thực và lao lực cơ… mà này, ông cũng đâu
phải là ngữ “không biết gì”: “Bài giảng nhân văn thường dạy trẻ/ Vần thơ
đạo lý động viên già” (Hạ cánh - P.Q.Bá) hay: “Nhân
tình đạo nghĩa đâu phải thế” (Ra tay - P.Q.Bá); và: “Rèn
chí luyện tài năng đạo đức” (Ngẫm tuổi bảy mươi - P.Q.Bá);
và nữa: “Cho dù vấp váp không lùi bước/ Trong sáng sao lo giữ trọn đời”
(Sáu mươi tuổi - P.Q.Bá)… Tất cả được ông giáo thuyết hóa đến nỗi
người nào nghe được ắt sẽ khôn ra, vậy mà ông thì…
Tôi thua ông. Các bạn thơ cũng chào thua ông,
Phạm Quang Bá ạ!
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét