16 tháng 3, 2013

CÓ PHẢI HÌNH THỨC SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT MỚI?

     Gần đây, nhiều ý kiến của các tác giả, độc giả thơ xoay quanh một kiểu sáng tạo nghệ thuật mới là lấy thơ của người khác, rồi thay tên đổi họ, rồi lộn nháo nhào lên, làm tàn tật bản gốc đi, và nói với người không biết là sáng tác, với người biết là loại hình sáng tạo mô phỏng.
ở thời “máy tính cũng biết làm thơ” này, các nhà thơ đã chịu nhiều ấm ức do nhạc lấy thơ, quảng cáo lấy thơ… rồi “trùng tu” lại để sài (tất nhiên chỉ đúng với sự thiếu trung thực). Giờ thêm cái hoạ, các tác giả đang học làm thơ, “sáng tác” thơ của những nhà thơ nổi tiếng(?) Người ít bị “mượn” 2 câu, 1 khổ; nhiều cả bài. Nhưng giá cứ như 1 học sinh THPT ( Nam Định) thuổng 100% bài Đơn Phương của nhà thơ Trần Đức để in báo lấy tiền thì đã khỏi mệt mồm dư luận, tranh cãi về một loại hình sáng tạo. Đằng này mượn thể mô phỏng để làm nhà thơ, nhưng đọc lên thấy sặc mùi thơ trộm(!)
     Xin lấy ví dụ trong rất nhiều ví dụ, được “đẻ nhờ” theo kiểu tu hú, là bài Nhắn gửi sông Đà (NGSĐ) của tác giả Hoàng Việt Thắng, in trên tạp chí Suối Reo, số 5, tháng 9.2005; bởi nó là hơi thở của Gửi Nà Hang (GNH) mà nhà thơ Mai Liễu công bố trên tạp chí Văn hoá các dân tộc, số tết nhâm ngọ (2002), trước đó 3 năm 7 tháng… (xin xem hai bài thơ dưới đây):

 

Gửi Nà Hang                        Nhắn gửi sông Đà              


Núi Pác Tạ còn in bóng nước                           Núi Nà Kè còn in bóng nước
Mà sông Gâm lắt lẻo trong tôi                         Sóng sông Đà réo rắt trong tôi
Mai bản nào rời về quê mới?                          Mai bản nào rời về quê mới
Ngọn núi nào hóa đảo dăng mây?                 Dãy núi nào hoá biển chân mây?
Thì Pác Tạ vẫn in bóng nước                          Núi Nà Kè vẫn in bóng nước                          
Như Nà Hang lắng mãi tình người                  Như Pá Vinh sâu lắng tình người
Mùa anh vũ từng đàn ngược thác                    Mùa Lăng, Quất cá từng đàn vượt thác
Tôi thả hồn ngược phía non xanh…               Tôi thả hồn ngược tới non xanh…
Biết là nhớ, cũng đành để nhớ                          Biết là nhớ, chuyển vào ký ức
Bản làng hoa mận trắng vào giêng                 Bản mường ta ban trắng ven thung
Ngày hội còn tung như  én liệng                      Vui ngày hội “Còn” tung cao mãi
Đêm xuân say hát với bạn tình…                     Xuân đêm say múa với bạn xoè
Cây đàn tính phổ câu hát mới                          Tiếng đàn ai nâng câu khắp ví
Câu hát bắc cầu quá khứ – tương lai.              Tình giao duyên trai gái thương nhau
Dẫu bản mới xa – gần, em hỡi                         Dù bản gần, mường xa em hỡi!
Điệu then vẫn đằm, thổ cẩm vẫn tươi…         Tính tẩu bổng trầm, thổ cẩm vẫn tươi
Ơi Phượng hoàng, nhớ tìm về chốn cũ           Đại bàng núi nhớ tìm về chốn cũ
Sải cánh bay trên sóng vỗ thượng ngàn         Sải cánh bay trên sóng vỗ đại ngàn
Nghe khúc hát điệu  then Khảm hải (**)            Tay trong tay xoè nghiêng đêm hội
Mừng người đưa biển lên non!                         Mừng bản mường đưa biển biếc lên non

Chú thích Gửi Nà Hang của Nhà thơ Mai Liễu:
(*) Tại Nà Hang đang khởi công xây dựng công
trình Thủy  điện sông Gâm.
(**) Khảm hải (vượt bể): Truyện thơ cổ nổi tiếng
của dân tộc Tày
     Cứ mạch ấy, cả bài thơ được “làm ma” một cách tiểu xảo và  nghê ngọng. Về tiếng sét nghệ thuật mà nói thì NGSĐ không đáng để người viết phải đi tìm kỳ cùng xuất xứ mới có thể chứng minh cho một tinh thần sáng tạo nghiêm túc, công phu và lao lực; bởi hầu hết cả bài thơ cho thấy tác giả này chưa biết làm thơ, hoặc cố tình ngây thơ cho có vẻ khoảng cách với bản gốc. Xét về thể thì cả 2 bài đều là thơ tự do (bất luận vần). Nhưng kỳ lạ là NGSĐ giống GNH đến… kinh dị. Từ tổ chức nội dung tác phẩm (cấu tứ), phát hiện ý nghĩa đề tài, sắp xếp ý, chọn lọc tình tiết, xây dựng hình tượng… đến những mối quan hệ bên trong (cấu trúc) để tạo nên bài thơ hoàn chỉnh. Thậm chí cả cách thể hiện số lượng khổ, số câu, số tiếng trong câu; cách hiệp vần, phối hợp tiếng, nhịp điệu… cũng giống nhau như cùng một bản (!)
     Nếu nói là giống như tạc thì bé cái oan cho tác giả NGSĐ. Trong 20 câu, 143 tiếng của GNH thì NGSĐ có 61 tiếng khác, nhưng là thay tên sông, tên núi, tên cá, tên hoa… còn lại hoàn toàn cùng một nội dung, một hình thức thể hiện và một dụng ý sáng tác. Đây là tiêu biểu của một loại hình sáng tạo nghệ thuật trên lưng người khác bằng cách xáo lại một số tình tiết, một số ý, tứ… ngay trên từng câu thơ để thành một bài thơ mới, như: Núi Pác Tạ thành núi Nà Kè; sông Gâm thành sông Đà; Nà Hang thành Pá Vinh… Hay chuyển hoá lượng từ cụ thể thành lượng từ không xác định, dụng từ đồng nghĩa, gần nghĩa, hoặc từ, ngữ có cùng mục đích để biến tấu, biến ý cho khác thơ đi, như: Ngọn núi thành Dãy núi;ngược phía thành ngược tới  Dùng nghệ thuật đảo từ, thêm từ để làm lạ thơ: Đêm xuân say thành Xuân đêm say; Ngày hội còn thành Vui ngày hội Còn… Và cuối cùng là bắt chước để đảm bảo âm, vận… nhằm đáp ứng việc phối hợp vần, dù có khác tiếng nhưng lại cùng thanh (cả hai bài thơ đều có lối gieo vần gián cách)
     Trong sáng tạo nghệ thuật, ngoài tài năng, sự trung thực, người sáng tác còn phải biết “thương mình” bằng cách không ngừng trau dồi, tôi luyện để tiến lên, để làm mới. Xáo lại mình là tai nạn, xáo lại người là tự sát; mà nực cười là nhiều người đang học sáng tác bây giờ tự cho đó là sáng tạo mô phỏng. Xin thưa, mô phỏng chỉ là dựa theo (trên danh nghĩa bề ngoài), lấy làm mẫu để sáng tạo ra một sản phẩm khác hẳn về nội dung, ví như Bắc kim thang (dân ca Nam Bộ) được Việt Anh phỏng theo để cho ra đời 2 ca từ đẹp, mà đọc lên thấy đạt hơn, hay hơn, và thấy… quên tác phẩm bị mô phỏng, là: Có con chim là chim chích chòe  Đứng bên sông kìa trông chú cò… Còn nhiều ví dụ tương tự, nhưng hầu hết đều dựa theo tác phẩm dân gian (không phải tác giả cụ thể). Có nhiều trường hợp cùng sáng tác chung đề tài, tuy nhiên người sau phải có góc nhìn, cách cảm, cách thể hiện khác hẳn người trước về nội dung cũng như cấu trúc. Cùng viết về một “căn bệnh” trong đời sống tinh thần, đó là “yêu một phía”. Nhớ nhung đến cồn cào, đau khổ. Tuyệt vọng. Rồi hy vọng… rồi lại tuyệt vọng! Nhà thơ Nguyễn Bính đã có “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Một người chín nhớ mười mong một người…” (Tương tư), mà Trần Đức vẫn rất… khác và không kém tiếng đùng đoàng nào: “Tôi tìm em, em tìm ai/ Để rồi hai tiếng thở dài hòa chung/ Gần nhau mà chẳng yêu cùng/Đơn phương tôi cứ thủy chung một mình... (Đơn phương).
     Với người làm thơ - một sản phẩm nghệ thuật có tác động lớn đến đời sống tinh thần xã hội rồi, còn góp phần định hướng tư tưởng văn hóa của một xã hội, nếu như tác phẩm đó đáp ứng được yêu cầu thì đòi hỏi phải lao động một cách hết sức nghiêm túc, cả trong học tập và sáng tác. Phải biết tôn trọng mình và tôn trọng người. Bên cạnh những thành công, ấy cũng là có văn hóa lắm! Hành vi gian dối trước hại mình, hại người vô tình biên tập, sử dụng tác phẩm của mình, sau làm… không sạch sân chơi nghệ thuật vốn thanh tao, tri thức và thiêng liêng nữa. Có những bài thơ không những đẹp về nội dung, về giai điệu còn đẹp cả ở xuất xứ công phu, ở những “cái giá nghệ thuật” mà tác giả phải trả. Nhà thơ Minh Huệ sáng tác Đêm nay Bác không ngủ mất tới nửa năm. Thoạt đầu là ghi chép tất cả những chuyện đời thường về Bác, nhưng bản thảo đầu tiên nhà thơ không bằng lòng: “Nó giống như một cái sân khấu chứa đầy phong cảnh chưa dựng”. Không thể đơn giản thế được! Minh Huệ tìm tòi, sáng tác được một đoạn rồi tắc. Ông mang ý tưởng ấy qua nhiều chiến dịch, đến đâu cũng “tìm Bác Hồ” trong lòng dân, trong lòng chiến sĩ, trên sách báo và trong tâm tưởng. Lần dừng chân ở một xóm nhỏ bị giặc thiêu rụi, cảnh anh em nằm giường lá ngoài vườn giúp ông làm được hẳn một… khổ: “Bác thương đoàn dân công/ Đêm nay ngủ ngoài rừng/ Rải lá cây làm chiếu/ Manh áo phủ làm chăn.” Đến chiến dịch khác, giữa đêm rừng khuya lạnh, hình ảnh mẹ già đi dèm chăn cho bộ đội ngủ vô tình gây cho nhà thơ cảm xúc mãnh liệt, sự liên tưởng thần diệu ấy giúp ông viết nốt: “Rồi Bác đi dém chăn/ Từng người từng người một/ Sợ cháu mình dật thột/ Bác nhón chân nhẹ nhàng…
     Để khép bài viết, xin dẫn ví dụ đẹp nữa, mà theo thiển ý, là người làm thơ nên cân nhắc, bởi biết vị trí của mình (thì biết đề cao việc học tập người khác) là một phẩm chất quí (hiếm) của những người một đời hành trình tìm cái mới, cái đẹp. Tôi có dịp đàm luận cùng nhà thơ Hồ Thanh Điền, và nghe anh “moi móc” về ly cà phê: Có khi 1 ly cứu được một người đang có ý định tự vẫn… chỉ 1 ly mà “làm mối” cho một đôi cách xa nhau hàng ngàn km! Tội nhiệp bông cà phê, chắt bấy nhiêu cho đời mà sống được có một ngày. Anh muốn làm một bài thơ về bông cà phê trắng muốt ấy. Nhưng sau mấy năm trăn trở, chưa thực hiện được thì bỗng nhiên gặp 2 câu thơ và quyết định không làm về hoa cà phê nữa, vì không vượt qua nổi: “Buổi sáng uống cà phê đen/ là uống cả hồn hoa trắng…”.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét