16 tháng 3, 2013

CÔ GÁI MƯỜNG THANH, THƠ ĐẦY TRONG MẮT MINH LÝ


     Cầm tập thơ Cô giáo Mường Thanh (Nhà xuất bản Văn học 2008) của tác giả Minh Lý - hội viên Hội VHNT Điện Biên, thoạt đầu tưởng rằng đây là “những vần thơ vương bụi phấn”. Thế nhưng, khi dọc hết mới thấy trong tổng thể 61 bài thì chỉ có 9 bài được tác giả viết về nghề mình. Còn lại chủ yếu là “thơ tình yêu”. ở vào cái tuổi: “Gần đi hết nửa cuộc đời / Hôm nay tôi mới là người biết yêu 
(Ôi! Tình yêu), có thể thấy rằng, sau 26 năm đứng lớp, dù đã có một gia gia đình hạnh phúc, một người chồng: “Sống đồng lương nhà nước / Bố chẳng làm gì thêm …”; rồi có con: “Vì mẹ chẳng có tiền / Chi cho con thật thoáng / Có những hôm nhịn sáng / Mẹ cũng đành làm ngơ …” và: “Nếu vấp ngã đứng lên / Khó khăn không lùi bước / Nuôi chí lớn cho bền …” (Khuyên con) nhưng Minh Lý vẫn khao khát yêu đời, yêu người, yêu thơ. Cái tình của người nhiều khi như gió thoảng mây trôi, nhưng với Minh Lý, có lẽ nó ở đâu đó trong máu, trong não. Chị dường như không bỏ qua bất kể một chi tiết nào của cuộc sống (một việc làm được coi là dũng cảm trong giới sáng tác). Từ những: Mừng ngày hội khóa; Về dự hội làng; Mời thăm Bảo Việt Điện Biên; Mời thăm Bảo Việt nhân thọ Điện Biên; chiếc mũ bảo hiểm; Chúc phúc… đến, Vì thơ; Hỏi; Ước… đều là những thứ “bột” cực kỳ khó viết, và viết cũng khó có thể hay. Thường tình, chẳng ai dám chọn những thứ ít hoặc giả không có chất liệu thơ để làm thơ, nhưng Minh Lý đã “trót cuồng si” nên “tầm nã” khắp đó đây trong cuộc sống, gần như gặp cái gì chị cũng có thể làm thành thơ vậy; mặc dù không ít lần khó khăn, không ít lần gặp chướng ngại nghề nghiệp: “Để có một bài thơ hay / Chắt chiu câu chữ bao ngày mới xong” (Vì thơ).
      Thơ Minh Lý quả tình còn nôn na, dễ dãi, và ít dụng công nên ta không gặp trong đó những vần thơ lấp lánh, hay những tứ thơ thật sự sắc sảo; có lẽ chính chị cũng đã nhận thấy “cái nghiệp” đầy rủi ro, bất trắc và thậm chí còn bất thành nữa, nên mới day dứt: “Tuy rằng sự nghiệp thơ ca / Chẳng phải nghiệp chính nhưng mà rất yêu / Giao lưu học hỏi bao điều / Thêm bạn bè, với thêm yêu cuộc đời” (Là hội viên). Nhưng không vì thế mà lại không đồng cảm thơ Minh Lý. Nhất là cái tình thơ ấy: “Có ai hiểu được tình ta / Vì yêu thơ mới hóa ra yêu đời” (Ngẫu hứng). Thì ra Minh Lý cũng nhiều tâm sự thật! Người viết bài này như một nghĩa vụ giới thiệu hội viên có ấn phẩm mới, chỉ biết tác giả sơ sơ nên có thể còn ngộ nhận về “sự nghiệp” đầy yêu thích này của chị. Chỉ biết, vào dịp cuối năm 2005, Minh Lý được vinh dự kết nạp vào Hội VHNT tỉnh, hơn 2 năm sau, chị đã cho ra đời tập thơ Cô giáo Mường Thanh với “bộn bề” tâm sự. Hết tình, đến nghề, đến người, đến đất, đến rừngTừ nghĩa tao khang: “Anh chẳng đẹp trai cũng chẳng giầu / Mà sao ta lại thấy hợp nhau  (Tại sao?); đến ước ao một mối tình nồng nàn, cháy bỏng:  “Một chùm hoa lan ở trên đầu / Một nụ hôn sâu thật sâu / Em chẳng cần quyền uy vật chất / Chỉ một tình yêu thậy bền lâu” (Vô đề). Thế rồi cũng thấy hờn, cũng thấy tủi bởi “căn bệnh” muôn thuở của tình yêu: “Mình chẳng có cớ gì / Để mà giận người ta” (Giận). Để đến khi, tâm tĩnh, ngôn tại, mới lắng xuống đôi chút, như một sự chấp nhận thực tế: “Xa nhau ngàn cây số / Nhưng tình nào có xa / Vẫn gửi theo làn gió / Hương tình nồng bao la”… (Nhớ); hay, “Ơi người thương ở nơi đâu / Cho em nhắn gửi vài câu ân tình”… (Ngày lễ tình yêu); và, “Ơi người ơi hỡi có hay / Ngất ngây ánh mắt, đắm sau nụ cười  (Ước!)…
      Bên cạnh sự khát khao một tình yêu đôi lứa, Minh Lý cũng không quên bộc bạch tình thương yêu gia đình, kính trọng và hiếu nghĩa cha mẹ: “Đời đâu có kể sang, hèn/ Khó khăn, bệnh tật vượt lên chính mình” (Học tập cha); và, “Bây giờ lưng mẹ đã còng / Việc nhà vẫn chẳng ngồi không bao giờ” (Yêu mẹ)… Đọc Cô giáo Mường Thanh ta gặp ở đó cuộc sống gần gụi thường nhật, ta gặp ở đó đất nước con người Điện Biên, ta gặp ở đó sự yêu đời, yêu nghề và ta cũng gặp ở đó tình yêu không tuổi…

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét