13 tháng 3, 2013

THĂM THẲM ĐÊM


    Truyện ngắn




    .- Bỏ thôi!
   - Bỏ thì chết đói. Mấy năm thế rồi, chưa sợ à?
   - Nhưng cứ nghĩ đến bố, bảy mươi mùa bơi mưa trong nhà, vẫn chưa có nổi cái chuồng lợn thế này mà ở, là tôi chỉ muốn nghỉ thở.
   - Tại bố dốc nhà mình chứ có tại bọn lợn nào đâu (ông nội: ải pú - tiếng dân tộc Thái, theo nghĩa đen tiếng Việt là: bố và dốc).
   - Tại gì bố dốc? Nói thủng mình này: bố tôi một đời như củ sắn củ mài, cống hiến xương cho hợp tác xã, máu cho nông trường, và nước mắt cho xã…; giờ được nhà 167 của Chính phủ thì lại bị giật ngay trên cái nền mới san. Mình đừng có mà lời ném chó chết.
   - Nhưng, tức cũng không thể đập chết cả chục con lợn, để bị phạt lương như thế.
   - Đã bảo chịu không được. Nói xa mãi thế.
   - Tức cũng phải chịu. Mất nhà thì làm, mất nghề thì chết. Không như vợ đâu mà thích cưới, không thì bỏ. Mà thay vợ thì cũng đến chín lần thôi… . Anh đi mòn mười dãy núi rồi, thâm canh ở đây đi.
   - Nhưng…
   - Thống nhất rồi, tôi tỉnh táo hơn, bảo gì thì phải nghe nấy cơ mà.
   - Ừ.
   - Tôi có cách này, chắc chắn ông chủ sẽ thích, sẽ tin, sẽ nâng lương…
       Ngoắng cười ù tai. Tiếng cọ cái mũi to như hai ống điếu vào vú vợ sồn sột. Tiếng cởi cúc bướm loảng xoảng cả sang gian bên.
       Đêm rừng thanh vắng quá. Nằm bên này nghe vợ chồng Ngoắng từ tranh cãi chuyển sang “thâm canh” hì hục. Giát giường xô như đổ cây. Trước khi đi làm trang trại giữa mênh mang rừng và mênh mông làng bản dân tộc này, tôi đã được một anh bạn thân bổ túc mấy điều. - Thứ nhất: phải lấy người bản địa trông coi, bảo vệ. Nhất thiết là đầu gấu. - Thứ hai: không sự cảnh giác nào bằng chính cảnh giác bọn đầu gấu cận vệ. - Thứ ba: nhân công lao động cũng phải là người bản địa, nếu không muốn biến thành… trang trại cỏ.
       Thường thì làm trang trại cà phê, người ta đủ thứ lớn lo: tiền vốn, cây giống, khoa học kĩ thuật, đầu ra sản phẩm… . Đằng này anh bạn tôi lại bảo, làm cà phê ở đất này, lo nhất là trông coi bảo vệ, nhân công và đường sá: “Con đường của họ vẫn đi đấy, xin thưa là muôn năm lụt lội dốc đèo, nhưng chỉ cần mình đổ tiền của vào, để mình đi một phần, họ đi chín mươi chín phần, thì vẫn cứ là đừng hòng ngay. Muốn làm được thì phải kiên nhẫn đi mà thưa bẩm từng nhà, từng người một. Mỗi nhà một mối bang giao, một mâm ngoại giao, và một chút gọi là… xã giao. Như thế rồi, nhưng khi ra họp bản, họp xã… trên bảo lấy ý kiến nhân dân là y rằng, biểu quyết không thông qua”.
       Tôi nghe mà run bần bật. Hôm bỏ tiền ra mua mấy chục héc-ta đất đồi kém phát huy của mấy chủ rừng, bìa đỏ năm mươi năm, vậy mà ngay lập tức, hàng trăm hộ kéo đến đòi đất ông cha. Họ kê nhận, đại loại thế này: “Đời ông nội, từ 1975 - 1982; bỏ hoang từ 1983 - 1989; bố từ 1990 - 1996; bỏ hoang từ 1997 - 2001; tôi (Lò Văn) từ 2002 - 2005; 2006 đến nay để đất nghỉ…”. Ôi giời ạ. Đã thế không nói từ lúc còn bạt ngàn gai góc để đây vứt quách đi, may ra cái nghèo còn có tí giới hạn, đằng này đợi người ta phá hoang xong mới đổ bộ vào, mỗi ông bà khoanh một mảnh, dựng rào, đào hào. Nhìn cái sự vừa có vẻ kiên cố, vừa bất khả xâm phạm là thấy số phận mình mong manh muôn năm.
       Hàng trăm mảnh như thế bị xâu xé ngay trên khu đất cây công nghiệp, vốn là của nông trường quản lí, khai thác, rồi chuyển giao cho các hộ cá thể tiếp tục sứ mệnh phát huy tính đặc dụng của rừng. Từ ngày giao quyền quản lí cho dân thì trống trọc nhiều hơn. Nhà nước hỏi đến là họ chuyển nhượng sang cho người khác, để tháo thân. Chính quyền địa phương vận động những người có điều kiện, tham gia mua lại để đầu tư theo phương án mà Nhà nước đã chuyển đổi mục đích sang trồng cây cà phê Catimo F6 - giống cà phê cho hương vị ngon vào loại bậc nhất nước. Nghe lỏm từ các chuyên gia ẩm học thì chính biên độ chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm quyết định tất cả. Cái khoảng cách nóng lạnh này, suy cho cùng, chẳng đâu bằng Tây Bắc thật. Ngày đêm cách nhau tới hơn 20 độ xê, hẳn như “tôi” cho hạt cà phê còn gì.
       Trước sự trắng tay, tôi hoảng hồn gọi anh bạn. Anh hỏi tôi có biết tiếng Thái không. Tôi bảo có. Anh chửi, ngu như chó. Phải nói là không biết, nghe chưa. Để bắt bài. Nó chửi gì mình. Nó hại gì mình… . Rồi anh dẫn tôi xuống bản gặp một gã hộ pháp, có bộ mặt gồ ghề như vết chân trâu.
   - Đây là anh Khảo, đang bị pháp luật quản thúc tại gia vì tội cố ý sát thương. - Quay sang Khảo, anh giới thiệu tôi. - Còn đây là chú Mẫn, ông chủ trẻ tương lai của mấy chục héc-ta cà phê. Anh em bắt tay nhau rồi phanh cả ra cho dễ.
       Khảo ừ một tiếng đánh ầm. Tôi giật dựng tóc gáy, thầm trách anh bạn, sao không đến chính quyền mà lại… . Khảo với cái ống bương to như khúc cột nhà, rót tồ tồ vào ba bát tô sành cáu ố, hất hàm:
   - Uống đi chú mày, chuyện như cọc buộc trâu, không chạy được đâu.
   - Vâng.
       Tôi miễn cưỡng. Khảo đưa cái bát lên miệng, khà một tiếng như trâu rặn đẻ:
   - Uống đi, lảu sơ đấy (mỗi chõ rượu chỉ cất 1 chai 65 ml). Trong năm, cất mười ống, mưa dầm, bà ấy lấy trộm một ống để nhóm bếp.
       Anh bạn từ nãy giờ xúm vào nịnh Khảo. Anh bảo đáng nhẽ Khảo phải là Bí thư chi bộ bản, chứ cái ông Bí thư Khộp không ăn thua. Dân uy tín Khảo hơn, nhưng ngặt nỗi Khảo mắc phải cái án kia... . Khảo xem chừng hưng phấn lắm, hắn bảo số hắn đen quá, lí lịch sạch sẽ thì… . Nhưng cơ mà không sao, hết án, sự sáng sủa quay về thôi. Ảnh hưởng của Khảo chính là minh chứng cho những lời khen “nghiêm túc” của anh bạn (mà anh như vậy là vì tôi. Ngay lúc vào, anh đã khen con chó kiến ghẻ nhà Khảo có tướng gọi của). Trưởng bản cũng biết, chỉ có Khảo chia quà tết cho người nghèo, mới không có thắc mắc. Bình xét nhà 167. Rồi mái ấm tình thương. Thậm chí, chỉ có Khảo mới huy động nổi công ích cho Nhà nước địa phương… . Dân nghe Khảo răm rắp. Có khi họ tìm đến Khảo để biết sớm chế độ, chính sách của trên. Khảo chẳng phải làm gì (chắc là đời sống này, Khảo chẳng cần làm gì thêm). Nhà Khảo lúc nào cũng tiệc. Người này, người kia mang đến. Như hôm nay chẳng hạn. Tôi tìm mãi mới được một con gà ác mường xương đen hơn ba kí, xách xuống, anh bạn bảo: “Cậu đúng là người thiên đàng. Ở đây chỉ cần dồi bò, da trâu, nặm pịa và thịt ép (tức là tóp mỡ đóng kiện, dân xuôi rán từ lợn chết dịch tuồn lên)…”.
       Tôi nhũn mềm vì cái thứ rượu xăng của Khảo, nhưng lờ nhờ hiểu, đã tìm đúng thầy. Khảo vẫn ẫm ờ. Hắn bật cái đầu đĩa hãng california dầy như viên gạch pa-vanh để hát karaoke. Hắn treo đời hắn lên theo lời bài hát bằng tiếng phổ thông, ngọng líu: “…lời là bạn ngày xàu/ viết tìm bui chốn làu…”. Rồi hắn bắt tôi hát xài lả xài peng, hát hua co nhinh… của dân tộc hắn. Tôi bảo không biết tiếng Thái, hắn không giận, không ép. Từ chập tối đển tang tảng, hết uống lảu sơ lại hát karaoke. Việc của tôi vẫn là… cọc buộc trâu. Tôi ngán ngẩm chực bỏ về, anh bạn nẹt: “Đừng để người dân tộc tự ái dân tộc”. Tôi lại đóng mộng xuống ván sàn nhà Khảo, nghe bạn tôi nịnh thô như nếp nhà không bào gọt, và nghe Khảo hát méo như đĩa mẻ, băng xước.
       Thế rồi cuối cùng, đất của tôi đã về với tôi. Tôi xin phép anh bạn thuê Khảo làm bảo vệ trang trại, anh gầm lên: “Mày nghĩ gì mà định bắt hùm làm chó thế”. Tôi run bắn người. May mà không mạo muội mở lời trước với đại thảo khấu. Ấy vậy mà non tháng sau, Khảo lò dò lên xin trông coi trang trại cho tôi. Tôi mừng quýnh. Trước đây mới chỉ có thiên thời, địa lợi và khoa học kĩ thuật, giờ thêm nhân hòa nữa thì chả mấy mà giàu. Tôi khoán trắng việc quản lí cho Khảo. Vài tháng ra một lần. Thậm chí nửa năm ra một lần. Khảo thu xếp khiến tôi rất đỗi hài lòng, nếu như không có một ngày, vợ tôi vác bộ mặt héo nhũn về:
  - Gấu với chả chó của anh đang đào hang vào đến dạ dày nhà mình rồi đấy.
       Tôi tá hỏa. Mất ba đêm trắng, thậm chí mất cả tiền bạc để mua thông tin, tôi mới cầm trong tay tập bằng chứng bước vào nhà anh bạn. Tôi trút giận vào căn phòng sặc mùi mem ghét, mem mồ hôi:
   - Mới có hai năm mà nó khai man đến gần năm ngàn công lao động; bán hơn ba chục tấn phân các loại; hơn năm vạn bình thuốc bảo vệ thực vật; hàng tấn thức ăn gia súc; và rất nhiều nông cụ, vật gia dụng. Nó lấy danh nghĩa trang trại để vay cắm hàng chục triệu tiền thức ăn. Tệ hại hơn là nó còn tháo khoán cho bọn trộm vào tuốt hàng chục tấn cà phê quả, xúc trộm hàng tấn cà phê khô ngay trong sân kho...
       Anh bạn tôi mấy ngày nay đổ bệnh, nghe xong, anh cố rặn ra một từ:
   - Xử!
       Vậy là tôi xử Khảo. Hắn rống lên oan ức, rồi lăn vào đêm giãy đành đạch như Chí Phèo. Cho đến khi biết không thoát nổi tôi, hắn lật bài, múa may sàng sảy bao nhiêu là võ nghệ. Thoạt tiên cũng thấy ghê ghê. Nhưng nhìn kĩ, hóa ra toàn châu chấu, cào cào. Hèn như tôi chắc cũng nuốt được. Nghĩ vậy nên tôi bạo gan, đòn gió xông lên. Khảo bỗng dưng sụn xuống, quì mọp dưới chân tôi, lạy như tế đàn. Thì ra hắn hèn hơn cả chó cái. Tôi rặn ra mấy cái phồng mang để dọa nạt, hắn run bắn, khai rông rốc.
       Hắn chỉ là thằng ăn cắp vặt, chưa đến án cải tạo nên được hưởng treo. Danh hùng của hắn là do anh bạn chiếu cho tôi xem. Cả đất của tôi cũng thế. Dân cướp là thật. Nhưng anh đã một tay nhờ vả quan chức lo xong từ lâu rồi, có điều trực tiếp lấy mấy trăm triệu (tương đương mua hai lần đất) của tôi thì khó coi, nên anh dựng Khảo. Tôi hộc lên như tiếng hổ cũi, hầm hầm lao về tìm anh. Chưa kịp trèo lên xe thì vợ tôi gọi báo: Anh vừa trút hơi thở cuối cùng! Vợ tôi bảo, anh bị ung thư phổi, lâu rồi, trước kia có tiền thì bệnh lui. Theo lời chị vợ anh, tối qua anh còn khỏe lắm, sau khi tôi vào, anh bỗng đòi chị đưa ra ngoài. Anh ngắm nhà anh, rồi anh ngắm nhà thiên hạ. Anh soi kĩ như đếm từng nếp nhăn trên mặt vợ, từng sợi lông tơ mòn cùn trên mặt con. Xong, anh bảo chị dìu anh vào giường rồi đi mua cho anh cút rượu. Anh uống vào, nhất định chị sẽ bớt khổ. Chị mừng quýnh, chạy sang hàng rượu. Về đến nhà đã thấy anh máu trào ra khóe miệng. Người chưa kịp lạnh. Vợ tôi bảo, chị mời tôi về ngay. Lúc ra sân anh cứ hỏi mãi, xem tôi có còn “bình an” không. Đêm tối là kẻ thù mà… . Anh nói, anh xin lỗi vợ con tôi, về tất cả…!
       Tôi đổ sụp xuống sân, bên thằng Khảo. Sao anh không nói với tôi một tiếng. Nửa tiếng thôi cũng được. Ở cái đất này, người ta chỉ cần được chia hai chục phần trăm, là làm khế ước cho cả những quả đồi trọc vay hàng tỉ đồng, với lãi suất ưu đãi hạng nhất. Hà cớ gì anh để mình chết đứng như thế. Trong cơn đau, tôi chợt ngộ ra rằng, cái thằng khốn nạn Khảo nó chơi cả sư phụ nó. Ngót một tỉ nó kiếm được của tôi, nó đưa cho anh có vài chục triệu, không đủ mua thuốc... . Tôi rút hết sức bình sinh, giáng một quả vào mặt nó. Cái thằng hèn như chó ghẻ mà mặt nó lại sắt đá dị thường. Sau cú đấm ấy, tay tôi bó lá náng với mật gấu cả tuần. Vợ tôi bảo, không phải mặt nó trâng mà là do tay tôi non.
       Sau cái chết của anh, tôi cứ ngồi hằng đêm như thế, nhìn ra đồi cà phê mênh mông hoa trắng. Mới đó còn rủ anh ăn mừng những “cơn mưa tỉ” đổ xuống, tiếp sức cho bạt ngạt bông hoa nghẹn đắng trong thân, trong cành có cơ hội bung ra, đậu quả, cho mình hái ra tiền… . Vậy mà giờ, những bạt ngạt hoa lại trở nên mong manh, vô vị. Bình tâm, tôi thấy anh chết là do tôi. Do cái kết quả điều tra thằng Khảo ăn cắp ngót tỉ bạc… . Nhớ lúc mới làm trang trại, tôi bòn mót cả tháng mới dựng nổi cái lán trại, mà thực chất là mấy gian chuồng bò, mua lại của một người Khơ-mú bỏ hoang trên núi. Xong xuôi, mời anh lên ăn bát cơm tạm bợ, anh gào lên: “Mày điên hay sao mà lều lá thế này. Làm to vào. Làm như công ty làm, Nhà nước làm cho tao…”. Thấy tôi gượng gạo bạc tiền, anh bảo: “Cứ vay mấy tỉ mà làm, vài năm nữa lạm phát, giá trị chỉ còn vài trăm thôi”.
       Tôi nghe anh, vay mấy tỉ để làm như công ty, như Nhà nước. Trang trại nở ra gấp ba lần. Mấy tỉ cũng chỉ còn bằng mấy trăm, phần lợi ấy, anh xứng đáng được hưởng. Tôi chỉ hận là, sao anh không nói với tôi, lại để thằng Khảo ăn hết đầu tôi, ăn đến đầu anh. Làm thằng con trai, đến tuổi này, tôi đã hai lần khóc. Lần trước khóc thật khốn nạn. Bế tắc, chán nản, thất vọng và ức chế. Còn lần này, tôi khóc vì nhớ anh. Giọt nước mắt hãnh diện, khi biết mình đã khóc cho một ân tình. Tôi gọi tên anh, chẳng để làm gì, chỉ nói tôi rất nhớ anh; rất nhớ những gì anh dạy.

*       *
*

       Ngoắng vượt ba vòng, qua mặt hơn chục “anh hùng nhất khoảnh”, để trở thành bảo vệ của tôi, vẫn theo phương châm, nhất thiết là đầu gấu. Lần này tôi không thả rông Ngoắng như Khảo nữa. Họa hoằn, có hôm phải lên cơ quan nộp mặt mấy ngày, thì xuất vật tư vừa đủ ngần ấy, nếu có cắt nhặt, chắc cũng chỉ được nửa tháng ăn là cùng, không đến nỗi thủng cả gia tài như trước.
       Đêm tiếp đêm, tôi vẫn nằm bên gian chính, vóng tai qua vách chái “bắt bài” chuyện nhà Ngoắng.
   - Không có việc tám mươi, anh chịu khó làm việc sáu mươi chứ.
   - Nhục lắm.
   - Tay mình làm, mồm mình ăn, nhục với ai?
   - Nhưng cả cái bản này, có đàn ông nào đi giẫy cỏ đâu, một mình làm việc đàn bà, không phơi mặt ra ngoài được.
   - Chơi cả tháng rồi, không làm lấy gì mua mỗi bữa một chai rượu? Cất mặt đi có đổi được rượu không?
   - Thì cô vẫn làm sáu mươi đấy thôi.
   - Nhưng mình tôi làm, ăn hết sạch, ốm thì có móc được tiền đã nuốt ra được không?
   - Không cần biết, không có ăn, không có thuốc cũng quyết không làm việc đàn bà.
   -…
       Tôi thở dài, nằm úp mặt vào tường. Đêm nay vợ chồng Ngoắng nói toàn chuyện không nên nghe. Ngoài hiên, giọt gianh gõ đều đặn xuống rãnh nước. Tiếng phập phồng đưa tôi vào giấc ngủ với nhiều phần mong manh. Quá nửa đêm, con chó đực già rít lên từng chập qua kẽ răng. Tôi vểnh tai xem vợ chồng bảo vệ Ngoắng có trách nhiệm gì. Tiếng Ngoắng hắng giọng từ ngoài ngõ. Vợ hắn kẹt cửa ngó ra, miệng nói chỉ đủ tai nghe:
   - Lảy báu (Được không)?
   - Lảy (Được).
   - Kỉ tô đề (Mấy con)?
   - Tô điêu (Một con).
   - Khả quá (Thịt chứ)?
   - Báu nệ, khai au ngân sự lảu (Không đâu, bán lấy tiền mua rượu).
   - Tải hà tải lắp bà Ngoắng (Chết non, chết yểu thằng Ngoắng). - Vợ Ngoắng chửi chồng - có lẽ vì lâu lắm rồi nhà Ngoắng không có vị tanh.
       Ngoắng lập tức quay ngoắt ra. Linh tính của một kẻ sỏi não. Hắn về tay không. Chẳng lâu sau, gần hai chục thanh niên trai tráng trong bản kéo đến, xộc vào trại lợn, lật từng con lên. Chẳng một lời cáo. Khi ra khỏi cổng, họ nói với nhau bằng tiếng Thái:
   - Thằng ăn trộm này khoảng 75 cân, vết chân đi vào trang trại này. Chúng mày không được nghỉ mắt, dù chỉ là một gang tay mặt trăng.
       Ngoắng ngồi trong nhà bảo vợ:
   - Tao có 74 cân thôi. Mà tại vợ chồng chúng nó “thâm canh” hai lần, xong thì ngủ như chết. Con lợn mẹ cắn tao chảy máu chân mà chúng nó không thèm dậy.
   - Thế lần nào cũng gặp như thế à.
   - Không nhiều, gặp thế thì chín chín phần trăm thành công. Nhưng chủ yếu phải đợi đến giờ “h”.
   - Giờ đấy là giờ gì?
   - Giờ mà cả người, chó, lợn… đều bị “thần khí mặt trăng” đè vào óc. Có xỏ dàm vào mũi mà kéo cũng không tỉnh được. Thoải mái bắt chó, bắt lợn…
   - Thế có bao giờ “bắt” bà chủ không?
   - Có bà chủ đẹp, lại phơi cả vết nẻ ra, nhìn cũng thèm nhưng đen lắm, động vào lần sau giẫm bẫy gấu ngay.
   - Có thật không đấy?
   - Thật.
   - Thề đi.
   - Thề, nếu thế thì trời đánh chết.
   - Làm gì có trời. Thề cai rượu đi.
   -…
   - Không thề được à? Vậy thì đúng rồi, ăn trộm thì ít mà dâm trộm thì nhiều. Bà Ngoắng tải pai (thằng Ngoắng chết vì đi kiết)… . Hu hu… hu hu…!
       Đám thanh niên nằm phục ngoài rào hình như ngửi thấy mùi lông lợn, lại xô cổng vào. Vợ chồng Ngoắng cười rinh rích. Tiếng mũi cọ vú. Tiếng cởi cúc bướm. Tiếng da nhễ nhại chà nhau… . Đám mật kích khựng lại. Tai nào tai nấy vỏng lên. Tiếng nuốt nước bọt. Tiếng quay gót. Lát sau, tiếng hu hu vọng từ trong chăn ra. Tiếng thùm thụp. Bùm bụp. Ái… . Ối… . Rồi lặng im. Màn đêm trả lại cho trang trại vẻ thanh bình vốn có. Tôi nằm úp mặt vào bức vách, ngủ một giấc ngon lành.
       Tôi bắt đầu phát hiện ra cái sự lạ đang nhân giống trong mình. Đêm nào không có chuyện nhà Ngoắng ru, là y như rằng không tài sao ngủ được. Đã vài lần mong manh thấy rồi, nhưng nguyên nhân ở đâu thì không biết. Lần này chắc chắn, vì nó xuất hiện đúng vào dịp vợ chồng Ngoắng xin ứng ba triệu để về quê giỗ bố. Mấy đêm đó tôi thức trắng. Cảm giác bồn chồn len vào máu, vào não. Ra sân ngồi, đồi cà phê như ánh lên màu sao sóng sánh. Một cơn gió nhẹ, cảm giác như triệu triệu đèn đom đóm đậu trên các nách cành, kẹt lá. Con chó đực già cũng hú vào đêm tiếng hoang dã rùng rợn và não nuột. Lâu lắm rồi nó không có bạn. Thỉnh thoảng, sợi xích bận rộn mòn trắng. Tiếng quyện quạy nhai nhách cả đêm. Có lẽ nó cũng mất ngủ. Chẳng biết nó có hiểu gì không, nhưng rõ ràng nó quí vợ Ngoắng nhất. Đến cả con thạch sùng cũng đếm vào đêm tằng tặc. Thao thiết và buốt buột.
       Sau chuyến đi về quê ấy, vợ chồng Ngoắng có vẻ sạch sẽ hơn. Lâu lâu, nhếch nhác ngấm nhiễm cũng nên xuống núi một chuyến, cho chân tay, đầu tóc có tí hơi người. Tối ấy, xem xong phim cảnh sát hình sự “Đầm lầy bạc”, vợ chồng Ngoắng bắt đầu “phát sóng ngắn”:
   - Cơ hội rồi.
   - Vợ chồng nhà nào đang ngủ với nhau à? Hay “thần khí mặt trăng” đang đè góa phụ bản bên?
   - Không phải. Ông chủ quên khóa cửa kho. Bây giờ vợ chồng mình thâm canh, tôi để ý rồi, cứ tôi xong dăm phút là ông chủ cũng xong, ngủ như chó chết. Lúc ấy tôi vào kho vác, còn mình thì lần vào quần ông chủ lấy chìa khóa. Xong xuôi, khóa cửa lại, rồi trả vào trong quần cho ông ấy.
   - Không được.
   - Sao không được? Mấy năm rồi, chỉ có cơ hội này thôi.
   - Bảo không là không. Ông nhỏ tuổi hơn tôi nên nghĩ cũng không dài bằng tôi. Mình đừng ăn trộm một lần, mà hãy ăn trộm của ông ấy cả đời.
   - Ít hơn có tám tuổi mà cứ làm như trẻ con mãi. Tài sao mà ăn trộm được cả đời? Tôi chưa ăn trộm nhà ai được quá ba mươi lần đâu đấy.
   - Vì ông vét sạch quá, làm gì còn mà trộm. Khát vọng thuổng trên 500 con lợn, đừng nên ước nữa.
   - Không phải ước, mà vì ngày hai bữa ăn thôi.
   - Nhưng cả bản này, cả xã này lập hàng rào dao búa, súng đạn với ông rồi, khó lắm.
   - Cũng không tất cả thế, ngoại trừ ông chủ, chắc không được đến lần thứ hai. Thôi, làm đi rồi mình phắn. Phải ăn được mấy năm đấy.
   - Đã bảo để ăn cắp cả đời cơ mà.
   - Chắc không?
   - Chắc một trăm phần trăm.
   - Được, vẫn như giao ước, mình lớn tuổi, mình quyết, tôi theo. Nhưng theo gì thì theo, vẫn phải một ít đã nhé.
   - Ông thì cứ… . Đã bao giờ một ít mà chịu được chưa, hay là phải hai, thậm chí ba ít một đêm? Đây, cả đi, không lại bảo vợ cùm kẹp… . Mà khoan, trước khi vào, phải hứa đã.
   - Không phải cai rượu thì gì cũng hứa.
   - Không. Chuyện để ông chủ tin, đào cả đời ấy.
   - Ừ, hứa cả chân thứ… năm.
       Tôi bắt đầu thở nặng. Cho dù lần này - như vợ Ngoắng khen, về nhà được ông anh rể đãi rượu ngọc ngựa - hắn còn lâu mới xong. Lại một buổi tối khoan khoái ùa vào trong từng nang phổi. Trên đầu cỏ, sương đỗ như ngọc rắc trần. Con chó đực già nằm chổng bốn vó lên mà kéo gỗ. Sương đọng vào bộ râu, trắng như quét vôi phòng dịch. Xong xuôi, vợ Ngoắng đẩy cửa bước ra sân, ngáp một cái bão táp. Lũ chim chào mào đang gà gật trên cành, giật mình rơi vào thăm thẳm. Nếu là mọi đêm, con chó già đã quất gió, rồi rối rít hít ngửi, liếm láp... . Lũ chim thì ngủ như mọc rễ vào cành cây. Còn tôi, dù chưa xong, nhưng đã như người vừa ăn một tô cháo lợi dương nóng ngậy.

*     *
*
       Tối nay, sau khi đã uống đến một chai rưỡi rượu Mông pê, do vợ Ngoắng thưởng đột xuất, Ngoắng không kìm được như đã giao kết, nên gặng ngay khi chưa ngả lưng xuống giường:
   - Ông chủ tin chưa?
   - Tin rồi.
   - Nhưng hình như ông ấy chưa thích.
   - Vậy thì làm cho ông ấy thích hẳn đi.
   - Tôi thử rồi, kéo trễ cả cổ áo, tất tật như để ngoài vải, nhưng chẳng thấy ông ấy nhìn.
   - Hay hôm nào tôi đi vắng?
   - Từ từ đã, ông ấy đã hoắng lên đâu. Với lại, nói hi sinh vợ mà người cứ run sôi lên thế này, liệu có chịu được không?
   - Chịu được. Vì rượu. Vì sự sung sướng. Chịu… được…
       Sau tiếng giát giường xô, hai tiếng ngáy lồng vào nhau như bè xẻ gỗ. Tôi thở thượt. Chẳng biết mình trụ nổi đến bao giờ? Từng chùm hoa trắng mong manh, phả vào đêm chút hương cũng mong manh, mỏng dính. Nhìn ngược vào trừu tượng, thấy cả cái quá trình đậu quả, non, xanh, chín đỏ, rồi thì lăn, vần, chà, xát cho thành đen đắng… của cà phê cũng mong manh chẳng kém.
       Tôi chưa đổ ập vào cái kế hoạch của vợ Ngoắng, thì đột nhiên Ngoắng lên cơn, vác dao chém vợ hắn đi viện. Cô ta bảo, mấy hôm nằm thoi thóp, cô ta bỗng phát hiện ra giá trị đàn bà của mình. Cô ta xứng đáng có được một tình yêu cao quí và lãng mạn, chứ không phải chỉ biết làm vợ chín của thằng thần trộm. Kỉ lục 500 con lợn hắn lập, tám vợ trước được ăn 499 con, cô ta nhìn thấy 1, nhưng hắn vác đi đổi rượu. Cô ta tin người cô ta yêu, thỉnh thoảng sẽ cho cô ta xuống núi giải ngố. Đôi bàn chân như đào mốc, địa y bám tầng bán lớp dần mòn mịn như thuở còn là phụ nữ. Cô ta bật mí, đối tượng Ngoắng ghen rất gần đây. Vì thấy mình quá nhỏ bé, quá mong manh trước tình địch nên mới rồ dại đến vậy. Lạ nhỉ. Chỉ có tình địch kém mình, không đáng để bạn đời say đắm, mới rồ dại. Cơn rồ dại được thai nghén bằng sự thất vọng và xúc phạm. Những giọt hồng cầu ghen tuông được chuyển hóa thành sự mất mặt. Một sự mất mặt khốn nạn đến hoang cuồng.
       Vợ Ngoắng nằm trong trong phòng cấp cứu mấy ngày mà mắt bỗng biết cười. Hình như cô ta đang hạnh phúc. Cô ta bảo với tôi:
   - Chỉ vậy thôi. Yêu là phải biết hi sinh cho người mình yêu được bình an. Dù li dị rồi, nhưng với bản tính côn đồ, Ngoắng sẽ chặt đầu anh ấy phơi nắng.
        Tôi giật thót, khi nhớ lại câu chuyện đêm cuối cùng nghe được của vợ chồng Ngoắng. Bất giác, bảy vía rời khỏi tay. Mảnh vụn văng chao chát.

Trang trại cà phê, 02.04.2011

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét