13 tháng 3, 2013

HẠNH PHÚC THÌ MONG MANH


Truyện ngắn 

1.
  
Nhã Mai quyết định viết. Viết cho mình. Lần đầu tiên như thế. Tự cảm nên chẳng quan trọng khen chê. Câu đầu tiên và cũng là cái tít bài đầu tiên: “Mẹ ơi, con xin lỗi!”. Bài thứ hai, phát xuất từ một câu hỏi: “Sống với nhau, cái gì là quan trọng nhất?”
   Hạnh phúc! Ai chả biết. Đã hạnh phúc rồi thì chấm hết nói. Vấn đề là cái gì quan trọng nhất cho hạnh phúc? Nhã Mai cứ hỏi như thế từ lâu, rất nhiều. Chưa trả lời được. Đúng hơn là có, nhưng khái niệm lộn xộn, chả biết cái nào đúng. Mười lăm năm hôn nhân êm đềm, sóng gió, âu yếm, xô xát (chủ yếu xô xát bằng hành vi im lặng, đóng chặt toa-loét rồi mỉa vào bồn cầu…, - chẳng biết có phải như người ta hay nói là bạo hành trí thức không).
   Sau sự bằng lòng là giận dỗi, là mệt mỏi, thậm chí ngột ngạt… . Rồi lại bằng lòng đến thỏa mãn, chẳng gì hơn thế được nữa. Câu trả lời chỉ dừng lại ở sự chung chiêng, bất định. Nhã Mai chẳng muốn cái gì quá cả. Nhưng ở đời, chuyện vượt qua đích, dường như là thói quen ngọt ngào của loài người. Với Nhã Mai, gần như đã thành bí quyết, rằng nếu lỡ quá vượt thì nhanh chóng đưa về tới, về đủ. Bạn bè khen Nhã Mai khéo léo và hạnh phúc. Trừ những lúc nóng vụng, chán chường… . Hình như đều đúng, kiểu như trừ lúc đói, còn thì no. Chẳng thấy gì cần nhất. Chẳng thấy gì quá, thừa. Tất cả cứ như bình quân hóa.
   Giờ, đã bốn mươi tuổi đầu - sắp đến tuổi dễ tính (gì cũng được) - bỗng Nhã Mai lại muốn lật cái khái niệm ấy lên: Không rõ ràng là không thể được.

   2.
   Anh là người của công việc. Sở thích của anh là được làm việc. Nhã Mai đã vẽ một sơ đồ về anh thế này: Sáng dậy - vệ sinh - ăn sáng - đi làm (hoặc không) - về, ngồi máy - ăn trưa - ngủ - dậy - đi làm (hoặc không) - chiều về, lên sân thể thao - tối về, tắm - ăn tối - ngồi máy - đi ngủ (có khi không nói câu nào)… . Trong đầu anh như một cái cát-tút bị nhồi căng thuốc súng… công việc. Chạm vào là nổ. Nổ gay gắt và chúa chát. Thế nên, hầu như anh động vào việc gì cũng yên tâm, cũng ngay ngắn và sạch mắt. Hết công việc thì thai nghén tác phẩm. Anh viết như người khao khát cắt cơn. Con bé con nhận xét với mẹ: “Bố ở nhà mà như đi công tác. Lúc bố rỗi thì lại bận rộn với mệt mỏi, rệu rã, suy sụp và ốm…”. Nhã Mai chưa bao giờ phải lo về cách anh quản lí công việc. Anh luôn trách nhiệm cao với gia đình. Nhưng không hiểu sao lại cứ thấy thiêu thiếu, thấy mất mát một điều gì đó. Xót anh. Có khi nhiều ngày nhai mì tôm, cơm rang muối ớt, mấy quả chuối xanh, quả cà sống… để làm cho kì xong một việc trên cõi tít tắp xa người. Anh chẳng bao giờ để ý đến mình thì phải. Anh có thể thức trắng đến cả tháng để mày mò một thứ nghề mà chưa ai nghĩ đến. Rồi rệu rã. Rồi ốm ngặt nghẽo. Và rồi, im lặng. Do mệt mỏi quá độ, hay là do gì khác nữa? Nhã Mai linh cảm, anh đang tiếp tay cho công cuộc, bỏ Nhã Mai lại đơn côi và mênh mông rộng lạnh của đời người.
   Nhã Mai thấy hình như lâu nay thiếu tiếng anh trong nhà. Cái sự vướng mắt, vướng chân và đôi khi là vương vướng, chàm chạm lúc đi nằm là một người máy đã được lập trình chứ không phải anh. Một người máy xông xốc công việc. Một người máy bất động và trân trân cột đá vì nghiền ngẫm, thí điểm, thí nghiệm. Một người máy rệu rạo, ọp ẹp và cũ kĩ vì hết điện, và hình như hết luôn cả hạn định vận hành sau khi đã chạy tốt được một quãng ngày tháng. Những lúc trống vắng, cô thật thất vọng anh, chán chường anh, thừa thãi anh. Nhưng lúc hưng phấn, thấy anh thật cần thiết, thật quan trọng. Cầu nguyện, dù gì, ông trời cũng đừng bắt phải thiếu anh trong cuộc đời này. Soi ra đường, biết bao nhiêu người ước ao chồng họ như anh. Chả đâu xa, ngay bên hàng xóm (không tính những ông chồng nghiện ma túy, vì đó không phải là người), có mấy ông chủ nhà, cả ngày chẳng làm gì ngoài uống rượu, đánh bạc và đánh vợ. Hết năm này qua năm khác, hễ vợ con động đến cái lông chân nhếch nhác và vô tích sự, là phồng lên như hổ mang bành. Thế mà họ vẫn “hạnh phúc” (xét theo góc bền chặt), chẳng tìm đâu ra một phàn nàn. Cứ như họ chấp nhận số phận, rồi thì ngơ đi để sống, thậm chí khinh khỉnh để sống.
   Anh là của hiếm. Nhã Mai từng nói, hiếm như ở ngoài hành tinh lạc về. Hãnh diện vì chỉ mình được sở hữu. Nhưng, đôi khi cái sự độc chiếm lại mệt mỏi và choáng váng. Chỉ muốn rao, có ai cần thử không. Một niềm tự hào, một cách bị hưởng nữa, cô độc. Không chia sẻ được. Dù chia sẻ cũng chẳng có ai hiểu được. Thế nên, dã sử mới có câu “độc cô cầu bại”. Đứng trên đỉnh vinh quang lâu quá, chán nhạt quá, thì thèm được ai cho mình một ngã, bẹt dí xuống tận cùng.
   Thế đấy. Người ngoài nghe cứ tưởng sắp họa đến nơi rồi. Chẳng phải mình người máy mất điện, tất cả sắp tắt điện rồi. Nhưng chỉ cần qua một việc khó, được cái năng lực siêu lạ kia giải quyết đâu vào đấy, niềm tự hãnh lại ùa về. Lại quí nhất. Hiếm nhất. Lại cầu nguyện đừng gì mà mất đi… . Cái mờ mờ, bàng bạc về cuộc chờ đợi sự vỗ về nho nhỏ, dường như bị quên bẵng. Dù gì thì đấy cũng là nguyện vọng ích kỉ - Nhã Mai từng nghĩ thế. Anh đang thở một cách nặng nhọc, vì mình, vì gia đình. Bởi thế, nên chứ một cuộc hi sinh kỷ thói mọn thường. Tự động viên mình, những thứ anh thiếu khuyết so với bao đàn ông lãng mạn (nhưng lại vô tích sự trước anh) chính là một cuộc trao đổi có lãi, mà mình may mắn sở hữu. Cực kì lãi. Và thanh thản lạ. Trước sự “đắp đập” vào công cuộc tìm kiếm hạnh phúc và giàu sang của cuộc đời, anh vẫn đang đào bới, khai thông trong ngập ngụa giông lốc…
   Nhã Mai đang phấn đấu để cũng trở thành một nhân thể lạ!

3.
   Anh không đẹp trai. Nhưng anh lại có cái đẹp của người đàn ông. Rất vững chãi. Gần anh, cảm giác yên tâm tuyệt đối. Những lúc thất vọng trong công tác, cả trong cuộc sống gian khó nữa, liều thuốc hiệu nghiệm nhất là tựa vào vai anh, gối lên vòm ngực khỏe như bắp cây cổ thụ của anh. Cái cảm giác được anh vỗ nhẹ vào lưng, như một dòng nước an thần, rửa trôi mọi tạp uất. Nhã Mai sẽ lại thấy cảm giác muốn phấn đấu, muốn làm việc và muốn sống thật có ích, thật vui vẻ.
   Anh không lãng mạn. Dù người đời khái niệm, chính sự lãng mạn bắc cầu tiến cho mọi cuộc sống tắc nghẽn và cùng cực. Cuộc sống của Nhã Mai và anh không tắc nghẽn và cùng cực chỉ bởi anh ít hoa lá cành. Có lẽ, thành quả ấy xuất hiện chính ở việc Nhã Mai quá hiểu chồng mình. Anh là người nguyên tắc nên hình thức lặn vào trong. Ngày của Nhã Mai, anh đưa tiền bảo con gái đi mua hoa về cắm lọ. Có người bình phẩm, hoa là của con bé. Nhã Mai không nghĩ thế. Món quà ấy chỉ tô thêm cho món quà anh đang quần quật vì mẹ con cô. Có thể có người không đồng ý với cách thể hiện của anh, nhưng quan trọng là Nhã Mai không thấy chạnh lòng. Anh luôn thế. Kỷ niệm ngày cưới, anh vội vã trở về sau mấy trăm cây số, mời vợ ra nhà hàng, nhưng lại không chúc mừng. Anh chu đáo đến kì cùng của cuộc sống, nhưng được ví là sự chu đáo của một phần mềm đã được lập trình hoàn hảo. Gặp lần đầu, nhiều người bảo anh làm khoa học. Có chút thông thái, có tỉ mỉ, có đạo đức kiên nhẫn như sơn như thạch... . Nhưng Không phải. Là nhà thiết kế? Có sáng tạo, có đột phá, có sự bất dịch và thẩm mỹ... . Nhưng Không phải. Nhà văn? Có lẽ đúng. Anh có cái thẳm sâu của một nhà văn. Mái tóc bù xù và thếch thác. Cái không phải là anh không dẻo vốn như nhà văn vẫn uốn…
   Lắm lúc Nhã Mai thật muốn anh nói “Cảm ơn em đã an toàn!” mỗi lần Nhã Mai đi xa về như hồi còn đang yêu. Hình như, trong một cuộc song hành dài ngày,  người ta chỉ xuýt xoa khi bị kiến đốt vào những ngày đầu. Càng về sau, cái họ quan tâm chỉ còn là tiếng gầm của con hổ. Mọi trang bị tự thân sẽ được tự thân giải quyết một cách sáng suốt, nên mối quan tâm đối xứng chỉ còn là những thứ quan trọng và nghiêm trọng. Nhã Mai không thích cái phũ phàng ấy của cuộc sống. Nhã Mai cũng không bác bỏ cái qui luật bất dịch ấy của cuộc sống. Vì thế mà thấy không sao nhiều. Không buồn nhiều. Không giận nhiều. Vì, lần nào cũng thấy anh có lí. Anh thậm chí còn quên rằng, xung quanh mình là bầu không khí. Anh nhẹ nhàng xách hộ túi đồ vào, để thật ngăn nắp và hết trách nhiệm. Một thoáng nhạt, nhưng đúng. Gần như tất cả mọi cái trong anh đều đúng. Cũng như anh tin cô đúng tuyệt đối trước anh. Chắc có lẽ, vì thế mà anh yên tâm như một món đồ quí đã được gói ghém cẩn thận, cất ở trong két sắt. Phàm đã là đúng thì bao giờ chả tràn ngập niềm tin (cho dù thiêu thiếu niềm vui, vì những thứ nhàm nhàm, cũ cũ). Nhã Mai tin mình đang hạnh phúc. Tin anh sẽ chẳng bao giờ khiến Nhã Mai phải tột cùng đớn đau như những nghiệt ngã ở đời.
   Đã 17 năm kể từ ngày quen biết và trở về dưới một mái nhà với anh, Nhã Mai không phát hiện thấy anh có con mắt liếc ngang. Anh là người tự trọng, chừng mực, vì thế, mọi sự soi xét và lường nhắc thường tình đều không cần thiết. Có lẽ cũng vì thế mà nhà ít dần những tiếng động phụ thừa. Nhã Mai không thấy không khí bê tông, trừ vài lúc chợt giật mình tự hỏi. Còn lại, tất cả đều đẹp, đúng, và lành. Hơi thở lãng mạn vì thế mà không cần nhiều. Thỉnh thoảng (chỉ thỉnh thoảng thôi), anh và cô vẫn có những hoạt động, những cuộc xã giao, thăm thú và nghỉ ngơi thực sự bổ ích, thực sự là những cú nạp năng lượng no tràn no trề. Anh vốn là người có đầu óc tưởng tượng phong phú. Có lẽ, vì những giấc mơ thái quá về một cuộc sống sung túc cho vợ con, nên anh ít có những khoảnh khắc sét đánh trong từ trường xúc cảm. Nhã Mai có linh giác, anh đang chạy đua với thời gian. Hay sức khỏe anh có vấn đề gì mà Nhã Mai không biết? Không, anh nhất quyết không vô trách nhiệm với cô, không nông nỗi bỏ cô lại một mình đâu…
   Câu trả lời chỉ đủ cơ sở rơi thỏm vào thuyết bất an!

  4.
   Anh và Nhã Mai mới có một mụn con gái. Nhiều cuộc đàn đúm trong khuôn khổ gia đình, mặc dù không uống được, anh vẫn phát động: “Ai có con gái, được uống một chén!”. Những gia đình có nối dõi cứ trố mắt ra mà ngưỡng mộ. Hình như trong anh không tồn tại sự thất vọng thường trực của giới tục đàn ông Á đông. Nhã Mai bị tim, bác sĩ khuyên không nên đẻ nữa. Chưa một lần cô thấy anh buồn hay đại loại thế. Anh tự hào vì mình có một cô con gái xinh xắn, tự lập, tự trọng và già dặn giống hệt anh hồi bé. Anh hãnh diện với món quà được ông trời ban tặng. Một tối, anh thủ thỉ: “Em có linh cảm gì không?”. “Sao anh?”. “Con mình ấy, số nó khổ lắm đấy”. “Em tưởng anh không biết”. “Em cũng biết à?”. “Gái yêu nhà mình đã sinh Mậu Dần, lại còn nghịch mùa, thầy bảo khổ suốt kiếp”. “Anh đề nghị thế này, đừng cho con biết”. “Em cũng nghĩ thế”. “Em hãy tin và chờ đợi anh nhé, anh sẽ sống và làm tất cả những gì có thể cho con...”.
   Anh nung nấu làm kinh tế từ đó. Anh bảo, nếu con khó khổ, thì còn có chỗ về dưới vòng tay bao bọc của anh. Nhưng trước hết, anh sẽ cho con học hết khả năng và sự ham thích, cho dù có học đến trời xanh. Con học, anh làm. Anh sẽ để lại cho con cả một miền sung sướng để chuộc lỗi. Tại anh, mà con gặp phải tai vạ vô tình như thế. Cái thuyết đinh ninh ấy càng được khẳng định chắc chắn khi vừa bước chân vào tuổi 13, con anh xuýt nữa bị thần chết lấy đi. Bảy ngày anh và Nhã Mai ngồi không ăn không ngủ để đợi cái động mắt của con bất chợt quay về. Tất cả những cứng cỏi vốn dĩ của một người máy trong anh tan biến sạch trước cơn nguy kịch của con. Anh như đã gửi đi trước một phần sự sống của mình, để chặn cản con ngay tại ngưỡng cửa địa ngục. Một nửa còn lại, như linh hồn của một gã bảo vệ, kè kè bên sự thoi thóp, mong manh và đứt đoạn của con. Ngoại trừ lúc cứng cỏi lo toan, chạy vạy, anh trở về bên cái “xác” của con với bộ dạng của nửa con ma, và nửa người đàn bà từng mang đau đẻ nặng (giống như Nhã Mai), tiều tụp và phách tán.
   Chỉ ngay sau khi con mở mắt, anh đã vụt sống, vụt mãnh liệt với cái nhân tạng của một người máy, một người ngoài hành tinh. Hệt cũ. Đặc sệt cũ. Phiên anh ngủ để rồi sau đó thay cho Nhã Mai ngủ sau bảy ngày đêm thao láo, anh đã nhắn vào điện thoại cô bài thơ: Vắng cha chỉ nửa vòng tay/ Mà nên nông nỗi chẳng hay chẳng rằng/ Cứ nằm thiêm thiếp trên băng/ Chừng như đã mải về giăng, về giời…!/ Thương cha khóc lấy một lời/ Xem như con vẫn đứng ngồi đâu đây/ Cha giờ còn lại cái thây/ Chỉ chờ tiếng thở vơi đầy của con/ Mẹ con vốn đã mỏi mòn/ Giờ đang tan nát bên con đây này/ Phúc cha tu tích tháng ngày/ Chẳng bằng một phút trời đày đọa nhau/ Cha xin nhận tất nỗi đau/ Để con sớm tối, trước sau an lành/ Vạn cơn đại ghét cuồng ganh/ Thì con vẫn cứ trưởng thành bên cha…/ Con ơi, nào mở mắt ra/ Xem cha vào bếp gọt cà, muối dưa…
   Không lâu sau đó, anh lại về với cái riêng, nghiêm khắc bản thân trước, nghiêm khắc con sau. Ngôi nhà cũng mặc nhiên mà nghiêm nghị!


   5.
   Nhã Mai thoáng đỏ mặt khi nghĩ đến thời đại của tình dục hôn nhân. Sách báo dạy làm thế nọ, làm thế khác, làm bằng tay, làm bằng miệng… . Chuyện chăn gối vốn được xem như chuyện của thế giới câm-mù-điếc; thì giờ đang được khuyến khích tâm sự, chia sẻ. Họ tiết lộ điểm “G” của giới để cho bạn tình oanh tạc một cách dữ dằn và triệt để, nhằm đem đến niềm vui cho nhau, và giữ gìn hạnh phúc. Theo Nhã Mai, nó thuộc về tự nhiên. Cơ thể khắc biết phải làm gì. Can thiệp vào, có chưa chắc đã tốt. Có sức khỏe, có tinh thần thì tình dục có đi có đến. Trách làm sao được chuyện nửa đường, rơi tõm đi đâu… . Lôi ra bàn có phải là hơi quá? Nhưng khi mà mọi người vẫn nói mãi, như leo vào ti vi, đài, báo, thì cũng cần phải xem lại. Nhã Mai nghi ngờ khả năng nhận định của mình. Nhã Mai hỏi anh. Anh lật người vào tường, ngáy. Tiếng ngáy vâm vấp, sàn sạn.
   Sau nhiều nghi vấn, Nhã Mai thấy cô và anh có vẻ không hoàn toàn đúng. Đề cập đến chưa chắc đã là mua thêm rắc rối. Sao rành rẽ thế? Sao lại biết những cái mà chỉ có kĩ lầu mới sở hữu? Hay là? Hay là... không còn bị hiểu lệch phai? Nhưng Nhã Mai và anh cũng không đem chuyện kín ra bàn bạc. Thỉnh thoảng, đây đó có vài người động chạm qua loa về việc ấy, nhưng hầu hết là dẫn lời tạp chí… nọ, theo như chuyên mục… kia. Mọi lời nói đều được lường nhắc, để khỏi bị hiểu là chuyện của mình, nhằm tránh xa mọi rắc rối không đáng có. Càng thắc mắc thì lại càng bế tắc. Chẳng ai tháo hộ nổi mối rối trong lòng. Cô bạn thân của Nhã Mai thì khẳng định, tình dục là điều tối quan trọng trong cuộc sống hôn nhân.
   Theo thời gian, anh cũng quên bẵng chuyện tình dục có phải là quan trọng nhất không. Anh là thế. Cái gì đã không quan tâm thì vĩnh viễn không quan tâm. Lần đầu tiên Nhã Mai hỏi về tình dục, trên diễn đàn “Cho hạnh phúc đầy tràn”. Nhã Mai chờ sự phản hồi của đồng cảnh ngộ. Ngay hôm đầu tiên, 99 phần trăm người chia sẻ chuyện ấy khẳng định là quan trọng nhất; trừ một người, đó là vị trụ trì chùa (X), có pháp danh “nhục dục ngoại tâm”. Nhã Mai phá lên cười. Lần đầu tiên trong đời không cười hi hi, ha ha… mà cười hô hố. Một mình ngồi nghe mình cười hô hố. Tất nhiên, tiếng cười phát ra vẫn là của Nhã Mai, của một phụ nữ được đánh giá là ý nhị, dịu dàng. Nhưng cái tính chất của tiếng cười, gì thì gì vẫn là hô hố. Nhã Mai nhớ, cô đã chọn được anh trong bao nhiêu con người, vì anh không có điệu cười hô hố. Điệu cười hơi thừa quá giới hạn vô tư. Thừa quá vô duyên. Thừa quá cả cái sự thô lỗ. Có khi hiện hữu nét đểu giả. Nhưng cá biệt. Với Nhã Mai, giờ thì thấy thật là sảng khoái. 
   Sao lại có thể sảng khoái đến thế nhỉ? Chẳng biết nữa. Hình như nó được xả ra những khuông dồn nén, mà thường tình, vì thể diện không thể xả ra chăng? Nhưng trước khi hình như ấy, hình như Nhã Mai đã bắt đầu có một tín hiệu gì đó mà Nhã Mai chưa biết. Chỉ biết rằng, đã có manh mối của sự để ý, của sự quan tâm. Đêm ấy, vẫn như bao đêm, nhưng Nhã Mai lại phát hiện ra anh bé toàn phần. Cái lời bình của vị hòa thượng lúc nào cũng coi tình dục là “vật xa thân”, một lần nữa lại khiến Nhã Mai cười hô hố khi liên tưởng đến cái sự, mà chắc chắn từ lâu rồi, bỗng bé đi toàn diện của anh. Nhã Mai hỏi. Anh im. Chắc có chuyện Nhã Mai và anh không thích, nhưng cũng không hoàn toàn coi đó là một sự phản cảm. Thường Nhã Mai và anh ít tâm tình khi gần gũi. Chuyện giúp phát hiện ra đối phương có thay đổi thường là muộn. Nhã Mai vẫn gặng. Anh lặng thinh. Hình như cái lặng thinh cố gắng. Lặng thinh trách nhiệm. Lặng thinh vì tránh cho cả hai khỏi buồn…
   Nhục dục là thứ oái oăm và dơ dáy. Oái oăm vì nó đụng chạm ngoài tưởng tượng. Dơ dáy bởi vốn những chỗ không nên nghe, không nên nhìn và không nên sờ. Trong cuộc sống, nhất thiết vì nòi giống, không vì khát khao nhục cảm. Nếu thế, nó chen chật chỗ của cuộc sống, và làm mờ đi tâm trong trí sáng. Vị hòa thượng lên dây cót cho lí trí của mình. Đại đa số có cái nhìn khác: Tình dục giúp chúng ta muốn sống hơn”. Nhưng, muốn sống hay muốn chết còn nằm ở cách thức và mối quan hệ. Nhã Mai lờ mờ. Từ ngày chuyển về căn nhà xây chung tường này, thỉnh thoảng Nhã Mai vẫn bị nghe chuyện nhà hàng xóm: “Đi đổ ở đâu?”. “Làm gì có.”. “Vậy thì hà cớ sao lại yếu?”. “Biết làm sao được nó.”. “Của mình không biết thì thiên hạ biết hộ à? Khai ra đi!”. “Khai ai?”. “Khai cái con đĩ ấy!”...
   Cô bạn thân dạy Nhã Mai, để Nhã Mai dạy từ xa anh: Hiệu nghiệm lắm đấy. Đảm bảo nếu có giận, không quá một ngày. Cái chuyện nửa đường rồi rơi tõm ra ngoài ấy, phải hiểu như một sự xỉ nhục phụ nữ, vĩnh viễn không được… . Vì sao? Vì như thế là giả tạo, là một cuộc sống của những mảnh ghép lệch thẳm, o ép và gò buộc. Đừng đổ tội cho sức khỏe. Không có sức khỏe thì chữa. Không có cảm xúc thì tạo cảm xúc. Gò buộc thì lùi ba để một tiến. Tiến hùng dũng. Tiến đến đích. Tiến bằng tất cả sự thành tâm của mình. Giả hoàn tất là đồng bọn của không thể hoàn tất, vỡ lộ ngay. Cuộc sống cũng thế thôi, nửa vời thì không thể ghép ráp khít hợp được. Phàm vô tình, chỉ hữu nghĩa thì chẳng khác nào hai hình vẽ xếp cạnh nhau. Thời gian càng phôi phai, cái khoảng cách phôi phai giữa hai bức tranh càng xa vằng vặc.
   Nhã Mai nhìn anh nằm úp vào tường ngáy khúc âm dương hợp nhịp, lòng dâng lên từng chập ngoan đồng!
   
6.
   Nhã Mai chỉ có hai tai. Vốn từ bé, mẹ đã bảo: Mẹ hồi môn lại cho con đôi tai, đừng bao giờ để ai muốn đổ cái gì vào thì đổ. Nhã Mai cũng học cách rửa tai, nghe tám phương chín hướng của bố. Những gì Nhã Mai nghe xã hội bình phẩm về mình không nhiều. Những gì Nhã Mai nghe về anh càng ít. Với xã hội, anh luôn có một thái độ của người sống có ràng buộc, có móc khớp, có duyện nợ… . Nếu có thể tóm lược được, âu chỉ thế này: Sống đầy đặn, thật thà, nhiệt tình, đứng đắn và chừng mực. Khoảng 50% những người biết anh đánh giá anh là người tốt. 40% đánh giá khá. 10% đánh giá bình thường. Không có yếu, xấu. Nhã Mai là cô giáo nên muốn có một nhận xét cụ thể. Và hình như cô bằng lòng với kết quả thu thập ấy. Tuy nhiên, Nhã Mai hỏi nhiều, câu trả lời vẫn chỉ là:
    Tốt nhưng chưa chắc đã hạnh phúc!

   Khúc cuối
   Tiếng chuông điện thoại vạng vào chùm không gian nặng như ruột chì. Tiếng phụ nữ nheo nhéo. Nhìn cái mặt tươi như hoa muộn mùa của anh cùng với giọt ngữ thẽ thọt tuổi tán gái, mặt Nhã Mai phì ra. Ghét! Căm! Với vợ, nói đắng như ớt hiểm. Lại còn “Mình cảm ơn…! Nhà mình dạy cấp ba… Cháu mười bốn rồi… À, bọn mình còn khó khăn lắm…”. Bước sóng khiêu khích vập vào màng nhĩ. Dăm phút. Bỗng tiếng nhí nhéo đổi ngôi sang thứ điệu ngữ ế hàng. Mặt anh sậm lại như đụng nanh sói. Sao mà sung sướng thế không biết. Nhìn cái vác lên kia, sao mà sướng thế không biết. Hẳn đang thất vọng tràn trề rồi.
   Lâu lắm mới có số của cô bạn thân hồi học chuyên nghiệp. Ba đứa chơi thân với nhau như quần với áo. Ra trường, cái mưu sinh muôn thuở kéo mỗi đứa đi mỗi nơi, xa thăm thẳm. Xa hơn cả là thông tin. Chả nhẽ, sống ở thể kỉ 21 rồi mà vẫn dùng chim đưa thư. Điện không, đường không, sóng truyền hình cũng không, lấy đâu ra phone, email, dcom, homephone… . Gần đây, chắc có lẽ Nhà nước làm ăn khấm khá, miền núi ồ ạt thay đổi. Từ chỗ chỉ muốn nuôi chim, rồi huấn luyện đeo mang tình cảm bay xa, giờ bỗng nhận được cái tin nhắn: “Ngày xưa khai lộc khai hoa/ Nay khai di động nhắn qua ông trời/ Chúc mừng bè bạn nơi nơi/ Sức hơi bị khỏe, tiền hơi bị nhiều…”. Cảm ơn người làm ra mấy câu thơ không bằng cảm ơn nhà mạng. Thế là bạn bè gặp nhau. Mừng. Cho ôm một cái xuyên… không gian. Chuyện nghề nghiệp tíu tít. Phát huy thế nào. Thế à. Chúc mừng. Tớ vẫn thế. Việc gì cũng đến tay. Hoàn thành xuất sắc, nhưng lương không tăng, chức không đến. Ôi thật là. Xã hội mà lại. Đừng buồn. Chuyện con trước nhé. Trẻ bây giờ không mấy lo về sự thông minh, sức khỏe… . ừ, thì đã lo về khát vọng, về lí trí, về lòng đam mê, sự hiếu thảo. Lo quá cơ. Các ông chồng thì sao? H. xuýt tự tử đấy. Chồng có bồ. May còn lại hai ông nhà bọn mình tạm tin tưởng. Chắc không? Chắc. Vậy thử nhé? OK! Một tháng lương đại học? OK! Nhưng nếu anh ấy xúc phạm cho thì đừng trách tớ không nói trước nhé. OK!... . OK!...
   Mấy nay Nhã Mai không ngủ. Cô gọi cho đứa cháu, dò: “Chắc gần đây chú không a lô?”. “Vâng, mà sao vậy cô?”. “À, ừ chú đang mắc chuyện quan trọng”. Một ngày. Hai ngày. Một tháng. Hai tháng… . Nhã Mai nghi ngờ: “Bạn định vào vai một người thế nào?”. “Một thiếu nữ xinh đẹp, nhẹ nhàng, kín đáo, nhưng hơi yếu đuối. Kém chồng bạn 15 tuổi, rất mê văn của anh ấy. Đàn ông mà, chỉ cần tâng bốc họ là họ không cưỡng được đâu”. “Trẻ vậy à? Anh ấy sẽ không mắc đâu”. “Một cô gái nhẹ dạ, đã một lần lầm lỡ sẽ cân xứng thôi. Tình thương của đàn ông vốn mênh mông”. “Bạn chắc không?”. “Chắc! Vài câu khích tướng sẽ đánh trúng lòng sĩ diện”…
   Thế rồi thì chờ thật dài. Lâu lâu Nhã Mai lại nhắn cho cô bạn kiều diễm của mình một cái tin, cộc như tâm trạng: “Thế nào?”; “Lâu thế?”; “Thế à!”. Nhưng không gửi. Tự tin chứ. Nói là tự tin, nhưng sao cứ như nướng trên than thế này. Cồn cào và nhấp nhổm. Bất an thế sao còn thách đố? Bạn đẹp, lại dẻo. Đổ thật thì sao? Thì không tiếc tháng lương, mà tiếc lòng tin. Cảm giác rối bời. Mất mặt… . Thôi, kệ.
   Điện thoại chưa kịp réo đã ào đến. Không phải. Nó lặn đi đâu thế nhỉ? Thỏa thuận rồi, thông báo kịp thời. Lại điện thoại. Lại vồ. Lại không phải. Thôi, đã kệ rồi cơ mà. Chuông điện thoại nhắc vào quả quyết từng chập. Không xem. Chiều. Tối. Mai. Không còn tiếng chuông nào đổ đến nữa. Hàng chục cuộc nhỡ. Ôi, bạn. Nhã Mai nhấn nút gọi. Không, có tin: “Tớ đã thất bại! Sắp xếp xuống tớ đi, cả ông xã nữa, tớ khao”. Nhã Mai bật khóc. Đầu bên kia, giọng dồn dập:
   - Sao thế?... Nhã Mai?... Nhã Mai?
   - À, ừ… tớ không sao.
   - Không thì sao khóc?
   - Vì,… . Chúng tớ li hôn rồi!
   - Sao, li hôn à? Bao giờ?
   - Hơn hai tháng.
   - Nghĩa là trước khi bạn cá cược với mình về lòng chung thủy của chồng?
   - Ừ.
   - Thế thì cần gì thử thách?
   - Không biết nữa...

Những ngày cuối tháng 6.2011

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét