13 tháng 3, 2013

BẾN ĐÁP ĐÀN BÀ


Truyện ngắn in Sách VNCA


Núi Phó lợp quầng bóng thâm trầm xuống thung lũng Ten!
   - Sao hôm nay mày chưa đi?
Từ trong xó ngôi nhà hoang toàng, xiêu nát, giọng đàn ông khê ngủ nhưng phảng phất uy phong, trễ nải văng ra. Xuân nhìn tôi, ngậm thinh. Cô bạn học yêu kiều như đóa ban rừng, từng làm đám con trai hóa đuôi suốt một thời trinh nữ, giờ lô xô những vết dọc ngang, như thể là đáp án của những cuộc giằng giật, va đập áo cơm. Cả nỗi tự trọng đàn bà, tạo hóa cũng vẽ dần lên khuôn mặt đã mất đi tất cả mọi sự mời gọi con gái. Người ta nói thần sắc là lời khai trung thực nhất của hạnh phúc, thậm chí cả sự thỏa mãn vật chất. Xuân đề nghị tôi chỉ đến chơi chứ không ở lại, mặc cho tôi ngơ ngác buồn và trở về cái tủi thân một thời tuổi trẻ. Chẳng thể làm gì ngoài việc tiễn Xuân lên đỉnh núi quanh năm lẩn khuất trong mây. Tôi lang thang một mình trong cái làng, tháng ba ngày tám mà hầu như nhà nào cũng có người trông nhà, nói đúng hơn là trông cái xác nhà. Gần ba chục mái tranh giống nhau đến cả nỗi thông thống, điêu tàn, hoang hoắt và cái sự thiếu vắng nét đặc trưng của các làng quê Việt là những sợi khói bếp đu đưa lãng tử, lẫn mất vào mây lam cuối trời. Không sao thoát mắt ra khỏi nỗi ám ảnh bí ẩn vang lên bên kia tuông vách vá chằng vá đụp, của hàng xóm nhà Xuân:
   - Cô Xuân hôm qua vừa phải vá lại cái đàn bà. Khốn nạn, đến ngót mười thằng nó phá thì có mà ông trời làm riêng cho cô ấy bằng thép. Yên tâm đi, tôi ngâm chỉ vào nước sôi rồi mới khâu.
Người phụ nữ vỏn vẻn mấy câu tím bầm rồi cũng lao vào hành trình vừa đi tìm cuộc sống, lại như vừa trốn chạy cuộc sống. Cách lũng Ten một con suối nhỏ, cuộc sống đô thị miền rừng bên này rộn rã, mộng thơ nhưng chẳng còn có ý nghĩa gì. Tấp vào một quán nước dưới bóng bằng lăng ven suối, nắng làm đống bã mía nao nao mùi cỏ mật thuở chăn trâu vẫn tết làm vòng cầu hôn. Nước mía núi váng vất vị của mây, của gió, của sự hồi sinh mãnh liệt trên đỉnh tầng đất sít. Những lách tách giọt ra từ lòng hai quả lô, tuy ít nhưng đó là nước mắt, là mồ hôi của đá tai mèo trộn lẫn máu của những nông dân cả đời đầu đội trời, vai vác trời, chân giẫm lên mặt trời, nên se sắt và ngấm đậm. Lại thêm câu chuyện làm quà của bà chủ quán điêu ngoa, nhưng nghệ thuật câu kéo đến tận cùng con người. Bà nói bên kia suối là làng Đày Đọa, cái tên ấy do một nhà báo vốn là người yêu cũ của một vợ nghiện viết vừa láo lại vừa hay đặt cho, nhưng có vẻ là cảm tính, pha trộn chút oán hận, nên thờ ơ và hời hợt:
   - Loại văn ấy gieo chỗ nào là chỗ nấy lụi đi chứ không có xanh lên. Cậu chẳng phải học cách viết đâu xa, cứ sang bên kia suối. Có gì tắc tứ thì về đây uống nước rồi hỏi chị.
Bà chủ quán tự phụ như cốc nước mía rẻ tiền nhưng thơm và bổ!
Làng Đày Đọa ẩn lẫn trong lớp lớp núi, rừng. Không phải nghèo mà là nghèo xơ xác. Khi chúng tôi còn học phổ thông, đó là một lũng cây công nghiệp có vẻ đẹp kỳ mỹ xen giữa nét vẽ hoang sơ của tạo hóa và khối óc thiết kế chi tiết đến từng gốc cây của con người, do một đơn vị kinh tế quốc phòng trồng. Còn xưa hơn nữa, người ta gọi lũng Ten là lũng Cọp. Cọp ở đó nhiều như người bây giờ, đến nỗi, những ông tổ sơn tràng nói lại, mỗi bận vượt suối sang chặt trộm một cây gỗ là y rằng đêm ấy bên này cũng bị mất trộm một người. Làng Đày Đọa chỉ được hình thành khi những công dân bên này thị trấn tự thấy không vượt qua nổi sự tẩy chay rát rạt thường tình mà phiêu dạt sang, như thể làm tiếp những gì đang làm và sống nốt cái phần còn sống. Có người gọi những con người bên ấy là ma người. Có người bảo đám ấy sống không bằng chết. Có người lại bình luận là do họ phải gánh tội cho xã hội. Cái tên Đày Đọa nghe bi nhưng lột và tả, bởi ở đây hầu hết gồm những gia đình có cha, chồng, con, em cả thậm thụt gian díu, cả kết tóc xe duyên một cách danh chính ngôn thuận với nàng... ma túy. Không sống được với láng giềng lành nên đành đánh chiếm thiên nhiên, lập lên một vương quốc con con dạng Tam Giác Vàng, tồn tại rặt một mẫu đàn ông sống ký sinh vào đũng quần vợ. Tự hành hạ đày đọa mình, hành hạ đày đọa vợ con, người thân và thậm chí cả những người có mối sơ giao hời hợt. Gia nghiệp cứ phấn đấu cho điêu tàn đi. Sinh mạng cứ nỗ lực mà hủy diệt đi trong cái không gian thiên họa long lanh, kiều ái của miền rừng hoang nguyên tuyệt mỹ. Làng mà không có tiếng gà gáy, tiếng lợn kêu, tiếng chó sủa. Làng mà không có đám đình, hội hỷ, thậm chí cả cái không khí mùa xuân cũng chẳng mấy khi về. Không có trẻ con ơi ới rủ nhau đến trường. Không có trẻ con bị trâu húc giữa mưa và cỏ, giữa  nắng và sáo diều. Không có quy ước, hương ước. Không có cả sự bình yên. Chả ai kinh ngạc việc bọn đàn ông thân tàn ma dại, chẳng chống chẳng trụ rồi còn là đá đeo, là hầm chông, bãi mìn khôn cùng hiểm họa của chính cái “Danh gia vọng tộc” nhà mình...
Không đành quay về khi trong lòng nặng trĩu nghi sự. Trên đường đến đây tôi đã nhủ, mười năm không gặp, với vài cái vuốt ve tách ra từ khóe miệng duyên sánh của Xuân, chắc chắn dòng đời vô vàn những gập ghềnh và ngập ngụa sự bất trắc của tôi sẽ bị thôi miên cho trơn tru và nhí nhảnh lại. Đến đây rồi mới thấy, dù chỉ qua hình hài, nét góc của ngôi nhà và tâm địa những con người tạm gọi là vợ, là chồng đủ thấy công cuộc sinh tồn của Xuân còn lao lực hơn, lâm sàng hơn tôi cả vạn lần. Vừa mới tối mà sương đêm đã vít những nhành hoa xuyến chi cong võng xuống thành một rừng cần cẩu li ti, cẩu lũ côn trùng bé tí nhưng đã kề cập tuổi thiên duyên lên thượng tầng thực vật, mà tán tỉnh, mà ve vuốt nhau bằng những ca từ, những giai điệu khiến cho bầu trời xanh ra và những hạt sương long lanh thêm trên nền rừng. Khi đó cũng là lúc Xuân vác đon củi, rệu rã vén quần lội qua suối Thanh về bên Đày Đọa.
   - Xuân!
Tôi giật giọng. Ném bó củi lại bờ kia, Xuân vén quần lội ngược sang:
   - Sao Đức chưa về?
   - Vào uống cốc nước cho đỡ khát, tôi có chuyện nhờ Xuân nên mới chờ.
   - Thằng nhỏ đang đợi. Đức thông cảm, về cho gửi lời hỏi thăm Uyên nhé.
Nói rồi Xuân ngửa cổ uống một hơi, cạn cả đá vụn trong cốc nước mía bà chủ quán làm sẵn theo ý tôi. Xong, nện trôn cốc ráo hoảnh xuống bàn, nện cả gót xuống tiếng thở dài thuỗn thượt của tôi, rồi cùng cục bước đi như một ông thổ địa. Thế là mất hết rồi nét đẹp mây ghen gió dỗi. Ở Xuân, không đơn thuần chỉ là cái sắc trên môi, cái duyên trên má mà là sự nền nã, e ấp, dịu ngọt được nói lên cả trong ánh nhìn mà lũ con trai vẫn hay lấy làm cân, để cò kè với những cô nàng phầm phập khác. Xuân đi rồi, bà chủ quán nước mía bắt đầu xỉ vả:
   - Nể chú lắm tôi mới cho động vào cốc hàng. Đây chú xem, tôi rửa xà phòng này, nhúng nước sôi này, đốt cả vía nữa này. Thế “ết” mới chết kỹ được. Mà tại sao chú lại đi cà nhằng với cái bọn ấy? Chúng nó mà chạm vào là chết nhục. Đấy cứ xem gương ông nhà tôi ấy, giỗ này là giỗ đầu, hờ hờ...
Bà ta bắt đầu trộn cả khóc lóc vào trong bọn ngôn ngữ rủa xả:
   - Vợ phây phây ra đây chơi đã hết đâu mà còn đi đói khát cái thứ diêm vương, ma quỷ ấy. Đấy là tôi nghĩ chú nhà văn nên bớt tục đi chứ đúng ra phải là... Hừ... hừ! Thế là lây “ết”, thế là hết đời!
Người bạn gái có khuôn mặt khả ái với cái nhìn thánh thiện khiến trước đây ai cũng ước được lằng nhằng cho tuổi buồn thêm tươi tỉnh. Giờ thì, chính đời bảo tôi thế, mọi sự lằng nhằng là sét đánh, là điện giật, là chết thật sống giả...


***

Vừa bước chân vào đến cửa, như thường lệ, vẫn những quả đấm ấy ập xuống cái phần xác sống cả ngày không có hạt rơi vãi nào lạc vào bụng. Cái bóng người bị nện đổ rập xuống. Cái bóng người nện cũng đổ sập theo. Trong góc nhà, giọng đứa bé con lều phều:
   - Mẹ ơi, con bị thủng ruột rồi!
Trong cơn suy kiệt, người đàn bà gượng vùng dậy, lao về phía tiếng kêu. Thằng bé bị trói, nằm tím bầm bên đống sọt rách. Thấy mẹ, nói gào lên trong âm quản:
   - Mẹ lại về muộn!
Người đàn bà không nói mà ấp chặt miệng vào mồm con. Cơn co thắt trồi lên như hôm nào trở dạ. Diều nước mía òa vào miệng thằng bé. Người đàn bà đổ xuống. Gã đàn ông có đôi tay ma xó lần gỡ đồng mười ngàn đang bị bóp nát trong tay vợ. Như còn nghi ngờ, gã lột áo, tụt cả quần con quẳng ra. Người đàn bà vẫn nằm bẹp dính xuống nền đất lạnh. Gã với tay cởi dây trói cho thằng nhỏ, rồi hất hàm. Thằng bé nghe được tiếng mắt, sấp ngửa vác chiếc ống bương khô nẻ đi ra suối Thanh. Gã ma xó thọc ngón tay vào chỗ kín của vợ tìm tiền. Sau cú sốc, gã vớ lấy cái ống nước thằng bé vừa vác về, dốc ồng ộc vào mặt, vào cơ thể trần truồng. Người đàn bà u ơ tỉnh, gã gầm lên:
   - Ai cho mày khâu tịt lại?
   - Hôm qua bị rách. Người đàn bà ngắc ngoải lại lời.
   - Tiên sư mày, cắt ra ngay!
Vừa quát, gã vừa đá đùm đụp vào bụng, vào háng vợ, rồi gã rút xoạt con dao luôn dắt ở mông, xé toang hai đùi vợ ra, tay móc, tay cứa. Máu loang trên nền đất. Nhà tịnh không có một tiếng kêu nào. Ngoài ngõ, những bước chân rần rật vào dân. Giọng một bố già xua tan cái không khí giả vờ bình yên trong bóng tối:
   - Thuốc đây, nấu nhanh lên, làm đéo gì mà giờ chưa báo lửa?
Mùi thuốc phiện cô thơm ngằn ngặt. Người đàn bà quấn vội tấm màn rách vào mình, vừa đảo cho khỏi cháy thứ nhựa màu nâu trong cái ống bơ, vừa vươn cổ ra ngớp như không để sót một ngọn khí nào. Có lẽ đây chính là bí mật những cơn đau hàng ngày được chữa trị! Vẫn như thông lệ, việc cô thuê thuốc phiện và cho hút thuê bàn đèn được trả bằng một nửa bữa hút của gã đàn ông khốn nạn, nửa bữa còn lại phải được trả nợ ngay tức thì bằng chính thân xác của vợ chủ nhà. Bọn sìke đến đây ăn, tiện luôn cả cái sự chơi, còn lỡ có bị pháp luật để mắt thì tội tổ chức, lôi kéo hút chích ma túy sẽ toàn phần thuộc về gia chủ. Một khi quy ước đã được biểu quyết trong cái giới ma người thì cứ thế mà làm. Phạm luật tức là phạt mạng!
Gã đàn ông vẫn ngậm thinh mà kéo. Gã kéo cái xe điếu bằng cả một trăm phần trăm sức lực, một trăm phần trăm mạng sống, sự hoành tráng, sự tự trọng và, cả cái sự nhục mà đời gã có được; chỉ để thỏa mãn một cơn thèm thuồng! Lão bố già cô độc thì không nói không rằng, đằn người đàn bà nhớp nháp máu ra tấm cót rách, nhặt của người ta vứt đi về rải lấy chỗ nằm. Giật bắn bàn tay đỏ lòm máu ra khỏi đùi người đàn bà, lão bất thần vung tay lên:
   - Tổ sư mày, hôm kia vừa sạch, hôm nay lại đã đến tháng à? Cái cơ thể chó chết của mày định gây chiến với chúng bố hả?
Rồi lão quay ra, lệnh cho bọn đàn em xách cổ thằng ma xó đang hút dở lên. Người đàn bà phều phào trong đàn đom đóm mắt:
   - Là bị rách, không phải kinh.
Bố già hừm một tiếng nằng nặng rồi lại vật người đàn bà ra. Bọn kia đứng ngoài cổ vũ và chờ đến lượt.
Trước khi cùng với gã đàn ông ma xó rút ra thị trấn xem có kiếm ăn được gì không, bố già ném lại cho hai mẹ con người đàn bà năm ngàn gọi là tiền cho tương lai (ngày mai). Công việc chặt trộm củi, tuồn xuống vách đá tai mèo dựng đứng, trơn như đổ mỡ trên núi Phó suôn sẻ mới được mươi ngàn, đủ cho gã chồng sắm cái sái để làm vũ khí đêm mang đi ăn sương. Thằng bé ngoài chín tuổi, vét vào lòng cái bát mẻ vừa húp nhẵn không còn một giọt nước mì tôm, rồi đưa vào miệng mút đến trắng nõn ngón tay mới chịu buông tha cho cái bát. Không còn “bị thủng ruột” nữa nó mới để ý thấy máu từ đùi mẹ tuôn xuyên xuống nền đất nện lênh láng. Nó run run vuốt lên vết xước trên má, trên ngực, trên mông mẹ. Người đàn bà trong sự lõa lồ cận thị đang nằm lả lắt dưới nền cót rách chợt vùng lên tát cái mạnh, làm thằng bé tủi thân bật khóc. Như đã gom đủ lực, người đàn bà rướn cổ, khó nhọc hỏi con:
   - Đã nhớ chưa?
   - Nhớ gì cơ mẹ?
   - Nhớ không được chạm vào máu mẹ ấy?
   - Vâng, nhưng mà...
   - Không nhưng, mà nhớ?
   - Vâng!

***

Sau một loạt nổ om trời, cả một góc núi Phó như từ trên mây xanh ập xuống. Con đường khỉ leo dẫn lên đỉnh bị chặt thành một bức vách cao hút. Những thớ đá bị xé, bị bẻ gẫy, trương cái lưỡi sắc lẻm lên tua tủa, khiến cả những con chim khỏe cánh cũng chưa chắc đã dám bay qua. Ngang lưng núi là một tổ hợp, gồm hàng chục chiếc máy nhai đá một, đá hai, đá ba… của doanh nghiệp tư nhân Toàn Tuấn hối hả như muốn ăn luôn cả những đôi tay người bón. Từ ngày mất con đường ăn củi, Xuân phải theo hai chị bạn hàng xóm đến đây làm công nhân nhặt, bốc, xếp đá. Cái sức lực đàn bà theo khoán chỉ được tính bằng nửa công đàn ông, nhưng đều và không phải chạy chui chạy nhủi như khi chặt trộm củi. Giàn nhai đá đang chạy rầm rập bỗng dưng câm bặt. Tay quản công có thân hình hộ pháp, luôn ở trần nên da lên nước đỏ rực như lửa, được dịp quát xoang xoảng:
  - Thằng nào căn dầu hôm nay, bắt đứng lên cái kíp mìn cho nhớ. Tiên sư nó, dạy đến con cáo trên rừng nghe nhiều còn biết nói tiếng người, mà nó lại ngu đi.
Hôm nay là bữa đầu Xuân đi làm nên mười ngón tay dăm đá xé nát nhấy. Lại thêm cái thứ bột trắng mịn như xi măng, cứ theo mao máu rúc sâu, nhai gặm gân, xương cồn cột. Không giống hai người đàn bà săn sỏi kia, tay đã hóa chai, bột đá ăn nhiều quá hóa đanh như thép, dai như mây nên không còn biết đau buốt. Thấy Xuân đang cố trườn sức lên bằng tất cả gồng gắng vốn có để hoán đổi vị trí những tảng đá ra mười hai ngàn đồng, Doan đến bên vỗ vai rồi chỉ một lối leo vào bên trong gốc sâng già, vừa mát lại tránh được đá lăn. Xuân cự lại:
   - Chị biết em không mang tiền về thì nó giết thằng bé mà.
   - Yên tâm, khắc có tiền. Mày chẳng công nhận hai bọn chị có đời sống cao nhất Đày Đọa còn gì. Thôi, cứ vào đi!
Xuân cầm cập bò lên đầu những phiến đá chưa đến lượt mìn, vào ngồi giấu mình trong gốc cây sâng. Nếu chị Doan thương cho vay mươi ngàn, cũng tốt nhưng rồi lấy gì mà trả. Nghĩ thấy hoảng nhưng Xuân không thể cưỡng nổi hai bàn tay đang bị những dăm đá lẳn sâu như cắm vào tim. Bỗng giật thót bởi tiếng đàn ông sau gáy:
   - Cái Doan nói chưa?
   - Nói gì?
   - Thì nói mày bán vui cho bọn anh chứ nói gì. Chắc em chưa biết, bọn anh là dân miền xuôi, bão lụt mất mùa, xa vợ lại thiếu gái, giữa núi rừng cô độc này không vui vẻ bọn em chẳng nhẽ vui vẻ với ma? 
   - Nhưng tôi có bệnh.
   - Bọn anh không sợ bệnh, thôi nhanh lên, đi ỉa lâu thằng cai nó lại chửi. Chắc cái Doan nói rồi, mỗi lần ba ngàn, cả đoàn hơn ba chục, nếu chịu được thì không phải bốc đá, bảo hai đứa kia chia cho một phần. Hồi chưa có em, cái Doan cái Hiên làm đá xong, làm thêm bọn anh cũng được mỗi đứa ba chục, gia đình no cả ngày.
Gã đập đá này đi ra, gã khác lại vào. Thật là những một cuộc đi vệ sinh bắt buộc cho ngày làm việc nặng nhọc.
Cuối buổi, khi dải ngân hà nhõng nhẹo trôi như con tàu không gian trên lưng lửng trời, cũng là lúc ba người đàn bà thúc thắc bước xuống con đường đèo dài thăm thẳm, để về cái nơi mà họ quen gọi là tổ quỷ của riêng mình. Đợi mãi chẳng thấy ai lên tiếng, Xuân ngập ngừng gặng nhỏ vào vành tai Doan:
   - Chị cũng cần, sao lại nhường em nhiều thế?
   - Hôm đầu cứ vậy. Đưa chị xem có đủ hai mốt ngàn?
   - Đủ!
   - Mày biết cách làm cho chúng nó nhanh xuống chưa? Để mấy thằng ấy đập đá có hết cả tiếng. Nếu khô quá, lấy mủ chuối thối bọn chị ủ sẵn trong bọng cây mà phết vào cho khỏi rát, vừa lành, lại vừa hiệu quả.
   - Sợ bọn nó biết thì chết.
   - Ôi dào! Bẩn thỉu, bệnh hoạn như chị em mình chúng nó còn thấy ngon thì sá gì cái mủ chuối thối. Chị nhớ ngày xưa bà ngoại dùng mủ chuối để chườm bắp cày và trị phỏng nên chị liều dùng thử, thấy tốt áp dụng luôn đến giờ.
   - Nhưng lỡ lây bệnh cho họ thì phải tội?
   - Trời ơi! Chúng nó sùi hủi bằng vạn chị em mình. Trong đám ấy, có thằng lần đầu bảo chị mua bao cao su kẻo lây “ết” của nó, chị nói chị cũng bị, thế là nó cân luôn. Mà cũng nhà nào bận nấy, bọn chị đã đành cung cúc cho mấy thằng chồng chỉ biết hút thuốc phiện và máu vợ. Chúng nó chấp nhận việc vợ bán trôn để kiếm tiền nuôi nó ăn, nó hút. Còn em, nghe nói nó bán luôn cho mấy thằng nghiện để vừa có cái hút vừa có cái xem phải không?
   - Dạ!
   - Thằng ngậm cứt! Sao mày không giết quách nó đi?
   - Em không làm được.
   - Thế thì mày chết đi cho nó nhẹ kiếp.
   - Nó đánh, nó đốt nhà còn lành lại được, chứ nó giết con thì chết đến chín phần rồi em cũng phải sống lại để chiến cho con em được sống.
   - Chị bảo, mày cứ chém nó một nhát rồi đến đâu thì đến, chắc pháp luật cũng nương cho cái cảnh nửa người nửa ma của chị em mình thôi.
   - Có lần cùn quá em đã làm, nhưng chị biết không, đúng là giọt máu đào hơn ao nước lã, chính thằng con trai em nó không cho mẹ chém bố. Thằng bé bị bố biến thành con mồi nhử tiền của mẹ, suốt ngày cầm hãm, đòn đập dã man; họa hoằn có hôm mẹ kiếm được nhiều tiền hơn bình thường mới mua được chút hồn nhiên cho nó, vậy mà nó không hề hận bố. Hỏi, nó bảo vì có bố mới có nó.
   - Chắc nó cùng nhóm máu đần, giống em.
   - Vâng, có lẽ thế. Có lần em ròng dây lên xà nhà, nó bảo mẹ cho con chết với. Em dọa chết đau, nó cãi không phải. Nó nghe thấy lúc bố đánh mẹ, mẹ bảo chết để giải thoát, chết cho sướng. Mà đã chết sướng thì phải treo cổ cho nó chết trước, chứ chết sau sợ không đuổi kịp mẹ.
   - May mà nó là con trai chứ con gái rồi lại cập cái bến tàn đời giống chị em mình thôi. Thế cũng tốt, đời âu cũng còn một cái để hy vọng vào mà sống.
Con đèo chìm vào suy nghĩ. Một đoạn đường dài chỉ hiển hữu tiếng dình dịch hối hả của những gót chân trần nứt nẻ đang cố bươn đi.
   - Em đang khóc đấy à?
   - Em đâu có buồn!
    Cả câu hỏi và câu trả lời vô nghĩa!

***

Làng Đày Đọa hôm nay thất lệ. Ba người đàn bà vừa về tới suối Thanh đã thấy đuốc đèn nhoang nhoáng. Kẻ chạy người đuổi hình hịch:
   - Bắt lấy nó, nó chạy vào nhà bà Xiên!
Bỗng một tiếng nổ xé tai, một người chạy bạt mạng từ sân nhà ra, kêu thảng thốt trong lớp muội khói:
   - Nó nổ lựu đạn rồi!
Băng bố già bị xóa sổ được đổi bằng sự hy sinh quả cảm của một chiến sĩ cảnh sát phòng chống ma túy. Gã đàn ông ma xó bỗng mất đi một khoản thường nhật là một bữa hút vừa đủ cắt cơn, lại mất đi cái mánh ăn đêm, khi được ổ gà, quả trứng, lúc hưởng phần trăm mua thuê cho cánh lái xe lỡ hút độ đường. Giờ còn mỗi cái sái cháy, bọn nghiện rút hết hơi cốt chỉ còn lại bã, được đánh đổi từ mồ hôi, máu và phẩm tiết của vợ. Bọt mép gã sàu ra suốt ngày đồng nghĩa với việc thằng bé bị nện nhiều hơn, người đàn bà bị hành hạ, thúc bách nhiều hơn. Cái căn nhà không có một chỗ lành của gã, cứ hễ có hai người trở lên là có chửi bới, có đấm đá, có bốc cháy và rồi lại được chữa cháy. Vòng vây của các đợt ra quân phòng chống, đấu tranh các loại tệ nạn xã hội, trong đó có ma túy, của chính quyền địa phương càng xiết chặt bao nhiêu, thuốc càng hiếm, càng đắt bấy nhiêu. Dần dà, hàng đen cồng kềnh, vốn ít lãi ít, lại dễ lộ mùi được thay thế bằng vô khối loại hàng trắng, hàng vàng, hàng hồng vốn nhiều lãi nhiều; với đủ mọi loại sướng cảm an thần, kích thích, ảo giác. Đã đời hơn, dễ cắt cơn hơn, nhưng cũng mau bữa và cực kỳ cao giá. Khoản tiền dư giả kiếm được từ một công việc mới mà vợ gã vốn mừng mừng tủi tủi cho một cuộc mặc cả bán mua sự trong sáng ngây thơ của thằng bé con, bỗng trở nên vô nghĩa kinh khủng. Cái sức lực của người đàn bà đói ăn, đói ngủ lại bệnh hoạn lúc này chỉ còn vừa đủ thở sau khi chịu đựng xong những cào cấu điên cuồng từ phía thằng chồng.
Vẫn cái giọng khê nồng, cửa trên, hậm họe từ bẹp gí xó nhà tròn dẹt vống lên:
   - Sao hôm nay mày không đi?
   - Tao không đi đâu cả.
   - Không đi thì ông giết mày.
   - Mày giết đi, giết tao xong giết luôn cả thằng bé nữa.
   - Xoạt!
   - Chạy đi con!
Người đàn bà gào lên, rồi đẩy đứa con trai sấp ngửa chạy phọt lên rừng. Lưỡi dao chưa kịp bổ xuống đầu thì hai gọng còng số tám đã bập gọn lẻm vào tay gã. Người ta tuyên bố hành vi cố ý giết vợ, cộng thêm tội tổ chức sử dụng ma túy trái phép, rồi đưa gã đi. Người đàn bà bật khóc, không hiểu vì ân hận hay là vì sung sướng. Bỗng, từ trên rừng, thằng bé bổ nhào về, vừa gào, vừa đá bùm bụp vào đít chú công an:
   - Trả bố cho tôi! Đừng xử bắn bố!
Giằng mãi không được, nó chạy vào ôm lấy cổ mẹ, mỗi lúc một thức thưởi:
   - Mẹ ơi, cứu bố đi! Cứu bố...!
Người đàn bà đổ sụp xuống. Tiếng khóc hòa vào tiếng van lơn thống thiết đang mỗi lúc một bức bách của thằng bé, kéo nhau bay vút lên như một tiếng than trời; rồi bất ngờ dội xuống, vập vào khoảng không gian tâm linh, vập vào bức vách lương tri và tự vấn của những con người máu cũng biết nóng, da cũng biết buốt đang dõi mắt theo cuộc cập bờ tan tành mà Xuân, tức người đàn bà của riêng tôi, không chỉ là nhân vật mà còn là cõi trần duyên đang như ngọn đuốc lụi dần đi vì kiệt dầu. Nông nỗi ấy, tôi biết, tôi cũng như tất cả các bạn mãi mãi không còn cơ hội tiếp thêm nhiên liệu vì bấc đuốc đã tàn và đáy đuốc cũng đã vỡ thủng. Nhưng vẫn còn đó vô vàn những bến đáp của những người đàn bà khác, giống Xuân của tôi, cả ở Đày Đọa và ở khắp trên thế gian này. Nếu có phép nhiệm màu nào đó, mà năng lực của nó đại loại sánh ngang quyền năng của một xã hội, biến cái cửa tử ấy thành cái cửa sinh huyền diệu, có lẽ đuốc vẫn sẽ cháy, và mọi ước vọng vẫn sẽ còn được hy vọng; ít nhất là những đứa trẻ như thằng bé con Xuân.
Riêng tôi. Thiết nghĩ suốt đời này không thoát nổi nỗi ám ảnh vì Xuân, vì thằng cháu bé con, vì những người đàn bà ở Đày Đọa và cũng vì cả cái sự kỳ vọng của bà chủ quán nước mía đanh đá nhưng máu không tanh. Đau đớn thay cho những con người mà nhiều lúc thấy sự tồn tại của họ như một mối phiền phức; nhưng nhiều lúc lại tự mạo nhận họ là người thân, là những số phận có mối liên hệ thần giao cách cảm cần được làm một cái gì đó cứu giúp. Thế nhưng cái năng lực gầy còm của một người cần bút vốn dĩ bình thường như tất cả công dân bình thường, chỉ có thể làm được đến thế. Tất cả thảm bi ai oán xin cứ giáng cả vào tim tôi coi như một món nợ, tôi nợ Xuân và nợ cuộc đời này; vì ngay cả một việc con con là khiến cho mọi người tin rằng có một cảnh đời sống trên mọi sự dữ dằn và tàn nhẫn mà cũng chẳng thể làm được (ngay cả những người thân nhất). Mặc dù nó vẫn còn đó như tấm bia miệng, ngoa nhưng không bao giờ tìm ra được một chút điêu nào!
    
    Lũng Ten 5.11.2006

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét