Truyện ngắn
Những
chiếc chông đá được nước dưới vực Quan Tài ngày đêm gọt mài nhọn rợn, đang há
ngoác ra chờ hứng thứ tội lỗi từ trên trần ai đổ xuống. Tôi đờ đẫn buông tay
cho mâm lễ vật xin vợ tuột thoát, trôi hút vào họng lũ. Con thuỷ thần không để
lại một vết mỡ loang. Dòng sông chống chếnh. Núi rừng chống chếnh. Tôi chống
chếnh như vừa nuốt nhầm nắm lá ngón. Tâm trạng đứt đoạn, rời lìa như khúc guột
bị băm cắt. Sự bất định và chênh chao đổ vào não một quyết tâm bất dịch. Tự
vẫn! Chỉ có chôn sống mình trong lòng hãn thuỷ, mới hòng gột sạch kiếp nhục này
- kiếp nhục của một thằng thanh niên tử tế, không dễ gì chịu nổi.
Cái giọng dài uốn éo như sợi sắn
rừng của bà Đèo Pẩu - mẹ Đèo Nương - luồn từng cọng vào đáy não:
- Dòng họ ăn cắp vĩnh viễn không
thể mon men gần họ Phìa họ Tạo (họ vua họ chúa)! Nhà ta không phải là pơn thóc nếp để con chim, con chuột vào
đào hang, làm tổ…
Nhục nhã quá!
Theo phả tổ, dòng họ Ló di cư từ
Vân Nam
- Trung Quốc đến Then Luông (Mường Trời) từ thế kỉ thứ VIII. Nói như bà Đèo Pẩu,
hơn 1000 năm qua dòng họ Ló sống được là nhờ ăn cắp?
Mắt tôi như bễ lò rèn.
Đầu có hàng ngàn con ong đất, ngùn
ngụt bò ra.
Dưới hun hút vực nước đỏ như một
thung lũng tiết trâu, nàng tiên cá hiện ra mời gọi. Nàng tha thiết trong bộ vây
lóng lánh của nữ chủ nhân thủy giới…
***
Ở Nưa Tở của tôi, chỉ duy nhất dòng họ
Ló. Nhìn từ trên pú Khao, pú Khịt xuống, Nưa Tở như một nhúm cỏ khô, ai rắc
xuống lưng chừng rừng. Khau cút họ Ló, muốn gì thì muốn cũng không
sáng tạo hơn hai mảnh tre bổ đôi, vắt chéo (khau cút pang). Khau
cút quai (sừng trâu), khau
cút chim may (mặt
trăng khuyết), hay khau cút pua (hoa sen, thanh gươm)… tượng trưng cho
sự giầu sang, quyền quí là của các dòng họ Hà, họ Cầm, họ Đèo… .
Ông nội tôi kể, dòng họ Ló ngày xưa
là tôi tớ cho các dòng họ khác ở Tây Bắc. Kiếp tôi đòi trâu ngựa lâu đời trở
thành một loại gen đặc trưng, thấp cổ bé họng, co dáng quắp hình. Nhiều khi,
đến con kiến cũng có thể cắn, có thể đốt họ Ló. Đến khi đất nước độc lập, họ Ló
ở Nưa Tở vẫn không ai được bầu làm đến chức tổ trưởng trong cái mô hình kinh tế
tập thể kiểu cũ (tổ trưởng; đội trưởng; chủ nhiệm…). Cao quí nhất thì cũng chỉ
là đi lính, đi dịch. Học hành càng không quan trọng. Họ Ló có độc nguyền là,
tắt tối khai khẩn để cho những tháng đói trong năm không dài mãi ra. Thế thôi.
Ai không giam thân cầm phận theo độc nguyền đó được coi là nghịch tằng, phản
tổ. Tôi, theo dân làng thì: “Cái loại trứng khôn hơn ngựa!”, đó là tự ý đi học
hết cấp ba. Biết rồi, mục tiêu phấn đấu cuối cùng cũng chỉ chấm đến chân trưởng
bản nhà mình, ấy là còn chuyện chưa chắc đã có ai bầu. Tôi chỉ còn biết một
điều rằng, khát vọng hiểu biết cứ như con ma rừng cắm răng vào tim. Cả Nưa Tở
chẳng ai hiểu nên cũng không có sự thông cảm nào được dành ra.
Mình tôi một ngõ đời, cô độc và lẻ
chiếc.
Dù sao thì tôi vẫn tôn trọng điều
độc nguyền ấy của họ Ló, nhưng ông trời thì khác; tưởng đơn giản như vốc nước
suối đổ vào miệng trước cơn khát rừng, nào dè ông không chấp thuận. Củ sắn, bắp
ngô họ Ló trồng cứ teo dần, lâu ngày người ta gọi là ngô trứng chim, sắn cứt
chuột. Trâu bò họ Ló là trâu bọ, bò kiến. Gà vịt họ Ló là gà tre, vịt cỏ. Chó
săn họ Ló là chó muỗi, chó ruồi… Họ Ló làm cái gì cũng khó. Manh áo cứ như đổ
chàm, đen dần vào đến thắt lưng. Những hoa văn thổ cẩm sóng sánh, ngày một rơi
rụng nhiều hơn về mồ cha mả tổ.
Con trai họ Ló lùn dần theo
từng bậc thang, càng ngày càng men cao lên đỉnh núi. Da mặt đen như màu rừng
cháy…
Con gái họ Ló vai u thịt bắp vì
trăm gánh ngàn gồng. Áo cóm ngắn dần theo cơ thớ nở ngang. Bàn chân bè toẻ như
đá phiến. Bàn tay đanh cấc như cán búa, cán rìu…
Nhìn vào các thế hệ tương lai của
họ Ló, sự quan ngại cắm vào mắt. Nghĩ về thiên lương của họ Ló, cái cản trở
đóng vào não. Hy vọng đổi đời ư, chỉ như bị hổ cắn vào tim thôi.
Các già làng Nưa Tở lại họp. Họ hỏi
nhau:
- Học chữ có thể đổi nhục thành
vinh thật không?
Già làng phụ trách chức sắc nghi
ngờ:
- Thấy bầu cử toàn yêu cầu trình độ.
Già làng mùa màng đưa cả triều đình
họ Ló vào đáy hang:
- Phải giỏi vượt các dòng họ khác.
Nhưng chưa đủ đâu, còn thoát xa khỏi vùng của Phìa, Tạo thì chức cán bộ mới nằm
chắc dưới hai bàn chân…
Cuối cùng, thống nhất theo ý kiến
của già làng giống nòi:
- Hoà giải!
Nhưng họ mình có thứ quyền gì mà
yêu cầu các dòng họ cao quí khác? Mình cũng chẳng có gì để mặc cả? Chả nhẽ mang
cái độc quyền nghèo đói sang cầu xin họ? Già làng nòi giống vuốt râu cười. Cả
họ truy vấn, ông thong thả:
- Bắt dâu!
Ồ! Thế mà không nghĩ ra. Phìa, Tạo
chịu gả dâu cho mình, thì ngang ngồi còn gì. Phạ ơi, lối thoát đang từ trên
trời rơi xuống. Tôi được gọi đến. Nhưng cũng bắt đầu từ hôm ấy, tôi sốt li bì.
Chẳng hiểu bệnh gì. Họ Ló có biệt tài bốc thuốc, cứu người. Rắn cắn, vô sinh,
đứt gân, điên rượu… thôi thì tất tật. Được họ Ló cứu, tuyệt không ai mất tiền.
Họ Ló không biết bán những thứ làm ra, nhất là bán những thứ tộc truyền, tộc
bảo. Vậy mà các thần y họ Ló bó tay cả bên con bệnh của tôi. Cứ chiều đến là
tôi sốt. Sốt như súng kíp nổ, đùng đùng. Mồ hôi, thậm chí cả máu mắt vãi ra.
Sốt cho đến sáng thì khỏi. Và chiều hôm sau lại thế.
Từ bản họ Ló sang bản các họ khác
không xa, chỉ nửa lần trăng mọc là tới. Những, khi bớt quay cuồng mộng mị, thì
con trăng đã rơi thăm thẳm qua kẽ nứt tường nhà. Trong đầu tôi, mặc cảm về dòng
họ vẫn như bắp được mùa: bước chân thon ngần, thong thả, thảnh thơi của con gái
họ Hà, họ Cầm, họ Đèo… không bao giờ bước vào con đường mòn của họ Ló. Tiếng
sáo, tiếng nhị, tiếng tính tẩu của con trai họ Hà, họ Cầm, họ Đèo… cũng không
bao giờ kể chuyện cho con gái họ Ló nghe.
Họ sẽ vẫn mãi mãi thế!
***
Cả Nưa Tở không có lấy một bóng cây. Từ
tổ tông đều thế, trơ gia trọi thổ. Đất dưới chân thang cứ như có chất hoá diệt,
khô độc khô địa. Nhưng ít nhất, bên cạnh cái cằn cỗi ấy, cũng có chút ý nghĩa
mang tính văn hoá bản ngã độc đáo. Mái quần cư họ Ló chạm mái, sàn tụ sinh họ
Ló liền sàn. Nhà họ Ló nọ sang nhà họ Ló kia chỉ bởi một tấm phên đan; đôi khi
là một đoạn cầu vượn, đi cây, vịn dây. Quần thể cư thôn ấy, giống như một ngôi
nhà trăm gian, có điều, tất cả mọi vật chất, và tinh thần vẫn nằm trong tiểu
ngã tư riêng.
Về mùa mưa, bản họ Ló nghe tiếng mõ
gọi rượu, các “trưởng nhà” đi xuyên qua tư gia nhau, lũ lượt kéo đến nơi có
tiệc mà không ướt gót. Rượu không ngã đất, chỉ ngã vào sàn nhau, giường đệm
nhau. Con trai, con gái họ Ló ỉn sao, ỉn báo trên sàn, trong quản, trong buồng…
Trai họ Ló gõ vách, dỡ cửa chứ không chọc sàn con gái. Con gái nằm ở đâu, cả
bản biết tỏng. Canh hai gà gáy mò sang, luồn tay qua vách, tìm chỗ nào dễ hiểu
nhau nhất thì chạm vào. Chó chẳng cắn nửa tiếng. Bố mẹ chẳng ho nửa câu. Nhà
nào có con gái lớn thì không nuôi chó đẻ, không khoá cửa. Chó dữ mất rể, cửa
cài ế con!
Không đi chọc sàn họ khác được, tôi
cũng chẳng được gõ vách, cạy cửa họ Ló. Phần vì tôi đã là người hiến dâng,
người tế họ. Phần vì bố tôi làm nhà tách ra khỏi cái quần sinh ngụ tụ ấy; mái
cách mái, sàn ngắt sàn. Năm tôi mười bảy, cả Nưa Tở cháy rụi vì tàn nương bay
vào mái gianh. Cháy một nhà là cháy cả bản. Thiên đình cũng chẳng cứu được, bởi
nước trời mùa khói nương còn nấp đằng sau mặt trăng, mặt trời. Bố đi tập huấn
phòng cháy chữa cháy trên xã, về là bê nhà tách ra, trồng cây, đào ao… . Nưa Tở
chẳng noi gương, mà lặng lẽ tẩy chay nhà tôi ra khỏi họ. Cái sự độc lập ấy, họ
Ló bảo, là nghi kị nhau, phòng bị nhau như kẻ địch. Đấy là cung cách của những
dòng họ tiến bộ - những kẻ luôn “ăn đầu” nhau, thậm chí là ăn thịt cả tổ tông
họ Ló (các dân tộc khác không kiêng ăn thịt loài chim Táng Ló mà họ Ló tôn bảo
là tổ tông của mình). Việc bản gọi tôi đến, vừa là cho cơ hội chuộc tội, vừa là
hy vọng lớn lao.
Tôi cũng muốn cố, nhưng ốm dai ốm
nhắch cả năm trời. Người xanh như củi nhuộm chàm. Đã đến thế rồi mà chiếc cầu
thang nào, đêm đến cũng bị rấp gai, buộc chông… Tiếng là để ngăn thú dữ lên
thang, nhưng thời sách đỏ ngày một tăng trang, làm gì còn hổ báo nữa mà chặn
cản. Họ chặn tôi. Không có đường thông sàn thì chỉ còn lên thang. Nhiều đêm,
tôi đứng dưới sàn nhà Lướt, nghe tiếng sột soạt, tiếng rên rỉ, xuýt xoa… Cho
đến khi tiếng tim dứt cơn hợp tấu… tôi mới ngào nghẹn bứt ra. Con chó
muỗi chào tôi như chào chủ về cá. Nó không thấy mắt tôi rắc tỏi. Nó cũng không
nghe tim tôi đá đè. Nó rên rỉ như những kẻ vừa được chia phần hơn lợi phẩm.
Tôi và Lướt chỉ biết ngắm nhau cách
khe, cách núi. Lần mong đợi nhất, thường là vào cuối mỗi ngày. Con suối Nưa
chất đầy lưng trắng. Con gái Nưa Tở ra đây, trút mọi ngọc ngà vào lòng suối
trong leo như dòng nước mắt. Cả cái rừng hoa trắng rưng rưng ấy, Lướt nổi lên
long lanh giữa đá, nước và mây trời. Bàn chân Lướt thon nõn như chân con gái họ
Hà, họ Đèo. Bàn tay như nặn bằng nước, dịu ngọt, mơn man. Mỗi lần Lướt trở về
vóc ngọc khôi nguyên, bạn tắm bâu vào mơn trớn, ve vuốt. Nàng như viên ngọc của
bản. Bố mẹ nàng từng đánh tiếng, ít nhất phải gả nàng cho một trưởng bản tương
lai. Lướt thường được đem ra làm nhân mẫu hoàn hảo nhất của dòng họ Ló ở Nưa Tở
để cáo cúng ma bản, ma ngô khoai, ma rừng…
Như một bóng ma, tôi ngồi trên ngọn
cây mắk hón, không dám thở. Mỗi lần gió đến, tôi muốn tan ra vì
sợ bị bắt quả tang. Lướt bao giờ cũng biết, ngước mải lên, rồi lại giấu nhanh
nụ cười vào với trong xanh. Nàng chênh chếch hai bầu vú đương thì, trắng nõn
như thể khẳng định với tôi về cái bản năng thiên phú. Không cần thử! Tuyệt đối
không cần thử! Ngoài lúc ấy ra, nàng không bao giờ có cử chỉ gì, kể cả khi giáp
mặt nhau giữa đường rừng. Nhìn vào mắt nàng, tôi thấy cơ hội của mình như hơi
sương chính ngọ. Trước ngày, tôi đã được bố Lướt gọi rượu pán nưa (mâm trên - dành cho những người đàn
ông quan trọng). Tôi được sắp cỗ cúng, được cầm dao đâm trâu, được khoác
“tướng” súng… trong nhà Lướt. Nhưng vì cha, và vì cả tôi - kẻ “trứng khôn hơn
ngựa” - nên cơ hội tôi có Lướt như lửa cỏ gianh. Dễ cháy, mau tàn.
Thế rồi cũng tới ngày tôi tiễn
Lướt về nhà chồng. Lướt lạnh lẽo như chưa từng biết nhau. Người ta nói, con gái
họ Ló coi chồng là nhất. Bố mẹ không thể đánh, nhưng chồng có thể. Chồng chửi,
vợ họ Ló cười. Bố mẹ chửi, con gái họ Ló cãi. Với Lướt, hình như hàng trăm buổi
chiều leo cây, hàng chục lần phụ bàn cúng, uống rượu mân trên… của tôi không hề
tồn tại.
Tôi lặng lẽ bỏ bản ra đi. Con trai
họ Ló 20, không có con gái để ý coi như người ma. Tiếng tính,
tiếng pí… mang vào rừng sâu mà ve chim vãn thú. Tấu cất ở bản, có
chuyện chẳng lành gì xảy ra thì thành tội tộc.
***
Sau bao năm hành khất, tôi lầm lũi
quay về. Nưa Tở chẳng đổi thay là mấy. Nhiều nhà đã chặt đứt con đường liên
sàn. Tư hữu cả rồi, nhưng vẫn trơ nhà trọi đất. Hình như đây là một trong nhiều
minh chứng cho cái thuyết về dòng họ ăn cắp. Không trồng gì nổi vì ăn cắp.
Không làm gì nổi vì ăn cắp.
Tôi lững thững ra con suối
Nưa, đá đã hở đầu lô xô. Nước hục hoặc dưới chân sỏi. Chắc chẳng ngập nổi bắp
chân. Đang tìm cây bồ hòn, tôi bất ngờ gặp lại Lướt. Vẫn như ngày nào, Lướt
ngẩng cao đầu bước đi. Tôi không dám nhìn, mà miệt mài ngó quanh. Cây bồ hòn đã
bị ai đó hạ làm gỗ thưng nhà. Gỗ bồ hòn xốp như bông, thế mà vẫn hết. Những làn
da non mịn không còn đủ dũng cảm và niềm tin gửi mình vào con nước cạn nhiễm.
Chỉ gái có chồng như Lướt mới dám tắm. Những người phụ nữ tuổi Lướt ở Nưa Tở,
áo cơm đã tôi da luyện thịt thành sắt dầm, đá móng. Vẫn như ngày nào, Lướt hồn
nhiên lộn váy, vấn lên đầu. Mảng lưng đã lên màu bồ hóng. Nắng quê mình đốt
người khủng khiếp. Bàn chân, bàn tay Lướt đã toè ra như rễ chổi. Gai sắc, thô
sạm. Hai bầu vú rủ rũ một màu nhọ nhồi. Tôi bật khóc:
- Lướt ơi!
Người đàn bà không ngoảnh lại:
- Anh nhầm rồi.
- …
Tôi rảo hành trên con đường rượi cỏ.
Dấu chân qua lại như đã hoá thạch, phong rêu xanh rì. Một nhà bên đường có
tiệc. Bây giờ Nưa Tở không đánh mõ mời uống rượu như hồi xưa, mà khách sáo đến
tận nhà, mời nhau bằng mĩ từ có cánh. Thế rồi mà vẫn phải đáng ông thì ông mời,
đáng anh thì anh mời… . Văn hóa ấy không phải của họ Ló. Lên đầu dốc Hua Mường,
lại một nhà nữa uống rượu. Tôi bước lên thang, một chị phụ nữ niềm nở mời ra nặm
hạn (nơi nước chảy về
sàn) rửa tay. Chưa kịp chùi vạt áo, tôi đã được kéo vào mâm, bát đũa như biết
sẵn. Chủ nhà là một lão ông râu bạc, giống mo mường, trịnh trọng:
- Hôm nay dệt peng
khuân (làm lễ
sửa vía) thằng cháu nội, quí khách đi ngang nhà là một điềm lành. Gia đình
chúng tôi có thịt lợn còi, rau cải cọc, chén rượu nhạt, bát cơm vơi… mong quí
khách không chê.
Tôi cầm chén rượu ó
hảnh (dốc cạn), rồi
ngó quanh thấy hàng chục người nằm nôn mửa la liệt khắp sàn nhà. Có bước chân
thanh thoát lên thang, các nữ chủ nhân lại lục tục ra đón, rồi sắp bát, ngửa
chén, hâm canh… Vị khách (cũng lạ) cười ồng ộc như lăn gỗ, ngồi xuống mâm. Ông
mo nhà vẫn điệp ngôn cũ, nhưng khách lần này biết đứng dậy vỗ từng cái mông mơi
ải tứn, mơi ao tứn (mời
bố, mời chú… dậy uống rượu). Có cái đầu lắc quầy quậy, chắp hai tay so
lụ (xin phép con); có
người lồm cồm bò dậy, vừa nôn, vừa đổ chén rượu còn bốc khói vào mồm. Tôi như
được sống trong bầu không khí của mình. Nưa Tở vẫn còn những cuộc lảu
non (uống cho đến khi
nằm xuống mâm mới thôi) với những vị khách “không mời mà đến” khiến đàn bà con
gái trong nhà sau mỗi cuộc rượu, cứ như vừa từ bệnh viện về, suy nhược đến hồn
siêu phách tán.
Văn hóa rượu ấy thường sau mỗi vụ
gặt, dù mẩy hay lép thì cũng uống đến gục xuống mâm, gối đầu lên cả bát tiết mà
say một cách sung sướng. Uống đến khi nào trong nhà chẳng còn gì để uống nữa,
mới lóc cóc lên rừng bòn rễ tìm củ. Khái niệm tiết kiện và dành dụm chỉ có
trong cái đài, đêm ngày kêu ong óc như đuổi ma chơi.
***
Một trong những cuộc gặp trên con
đường lãng phiêu của tôi là Duyên - cô gái họ Bạc, đẹp đúng như trong giấc mơ
hồi ở Nưa Tở. Duyên là sinh viên cao đẳng sư phạm, đã được bố mẹ Kinh hoá từ
lúc lọt lòng. Duyên không phải ăn sắn, không mặc váy chàm, không đi chân đất.
Duyên yêu một anh chàng người Kinh giàu có. Mỗi cuối tuần, gã người Kinh phóng
chiếc Harley Davidson trị giá cả triệu USD vào trường đón Duyên. Ngày Duyên tốt
nghiệp, hắn đến chia tay. Lời thề hợp hôn được đáp lại bằng một sấp tiền. Duyên
ném bó tiền ra đường, bánh xe và những bàn tay lạ cuốn đi.
Duyên vốn là con của ông chủ tịch
huyện. Chẳng biết từ lúc nào, Duyên gục đầu vào vai tôi:
- Thành phố hiểm ác quá Núi à.
- Ừ. Bụng mình không có dao có búa,
không sống nổi đâu. - Tôi vụng về bên nỗi đau đời của nàng.
Nàng đưa tôi về ra mắt ông chủ tịch
họ Bạc. Ông có vẻ không mấy thoát li, từ dáng vóc đến tập tục sinh thực sau mỗi
vụ mùa. Ông rất thích ăn những món cá tôi chế biến. Mỗi lần từ ủy ban về, ông
chủ tịch họ Bạc lại cầm cần câu lục ra cái hồ dài gần bằng tầm mắt, quăng cá.
Lần thì bắt tôi làm pa cỏi (gỏi
cá), lần thì pa giảng (cá sấy ôi), rồi pa
pỉnh (cá nướng)… để
ông uống rượu sơ với mấy con ma men thời niên mọn. Ông khen tôi, trai Kinh mà
uống rượu cừ như người dân tộc.
Tôi chưa kịp há hốc mồm, đã nhận
được cái nháy mắt của Duyên.
Nhà họ Bạc không còn nối dõi.
Đứa con trai duy nhất làm trong ngành hải quan mới bị tai nạn giao thông chết
đầu năm ngoái. Ông chủ tịch muốn kén rể làm trưởng tộc. Duyên vì thế mà hơi quá
lứa so với tập tục tảo hôn bản địa. Từ khi có tôi, ông chủ tịch uống rượu nhiều
hơn, vui nhiều hơn, hay nói chuyện gia thất của Duyên nhiều hơn. Ông chỉ vào
đám đất mặt thị hơn ngàn mét bảo: “Chỗ này là dinh của nó (tức Duyên); cái hồ
kia cắt cho nó một nửa để làm bể bơi, nó thích hiện đại. Còn chỗ ấy sẽ là nhà
thể dục nhịp điệu. Nó muốn có một sân khấu ngoài trời để thỉnh thoảng rủ rê bạn
bè… ”. Ông còn tiết lộ với tôi cả nơi ông bà yên nghỉ, nơi giao hiếu tổ tiên
và, các món ăn ông thích nhất khi đã về… âm phủ. Ông thì thầm: “Cậu là người
quan trọng nhất đấy!”
Trở về thành phố, ban ngày tôi
ném mình ra đường. Tối mang những đồng bạc ướt đẫm mồ hôi và máu về bên Duyên,
trong kí túc xá. Khuya, ra phòng bảo vệ xin ngủ nhờ. Tôi sợ khoảng cách cướp
mất Duyên. Duyên mong manh như hạt sương trên núi. Gã bảo vệ nháy mắt:
- Gớm! Nghi binh làm gì. Nó quen
rồi, đêm thèm chẳng tháo quán ra.
- Bác đừng bôi vào trong trắng của
cô ấy.
- Thôi đi bố. Yêu bọn con trai
người Kinh mà còn gì.
- Nương bảo cháu thế.
- Nó bảo mày nhẩy thác có nhẩy
không?
- Có!
- Thế nó phản bội?
Tôi lặng câm!
***
Tôi thả bước trên con đường
xuyên qua khu rừng dẻ, bỗng nghe tiếng chuông dê núi. Tiếng chuông lanh
canh lớn dần. Bên kia khúc ngoặt, một con dê đực gần năm chục kí, bộ râu xồm
che kín quả chuông đồng, thũng thẵng dắt một người đàn ông hộ pháp, thông qua
một chiếc gây lèo, được móc hờ vào chiếc vòng cổ đeo chuông. Người đàn ông băng
kín đen nửa phần mặt trên bằng một vuông vải chàm. Tôi nép vào vệ đường, nhường
đàn dê đi qua, nhưng ngang tôi, con dê đầu đàn bỗng dừng lại, miệng rên bậm bẹ
như gặp bạn tình. Gã hộ pháp hỏi vào rừng rậm:
- Phơ đề? (Ai đấy?)
- Cu (tao),
Núi.
- Thằng Núi đất,
con ông Đồi?
- Phải. Mà anh là…?
- Tao, Thận Trọng đây.
- Mày… Thằng Thận con ông Cẩn?
- Đúng, nhưng con cả tao tên Trọng,
nên giờ tao là Thận Trọng.
- Mặt mày sao bưng bít?
- Chuyện dài, về nhà tao kể.
- Nhà ở bản nào?
- Trong rừng.
Thì ra cái trang trại trăm đầu
duy nhất Nưa Tở hay vác ra khoe là của Thận (trăm đầu gà vịt; trăm đầu lợn;
trăm đầu dê; trăm đầu trâu, bò, ngựa…). Tôi làm thay nhiệm vụ của con dê đực
đầu đàn, dắt Thận men theo con đường rừng gập ghềnh vào sâu trong dãy núi có
sân voi chơi (pu Trạng Ỉn). Lên
lưng chừng núi, nơi hồi bé chúng tôi gọi là Dốc Ngại Tắm - dù có nóng thế nào
chăng nữa, nhưng cứ tới đoạn dốc này là nổi hết gai ốc, không dám dúng người
xuống nước - xa xa dưới chân thung, lộ ra một khu trang trại được dựng toàn
bằng gỗ thồ lộ. Từ trên dốc Gấu Ngủ, Thận bắc loa tay gọi vào không trung: “Mình
ơi, có khách nhé”. Tiếng hú vập vào bốn hướng, rền như tiếng hang. Từ khi Thận
hú, phải mất gần 30 phút loanh quanh nữa, chúng tôi mới về đến trang trại. Chưa
lên thang đã thấy mâm bát lách cách. Tôi rẽ sang chỗ chiếc máng dẫn nước từ tít
tắp đỉnh núi Trạng Ỉn, đang chảy tồ tồ xuống cái ao
ngót ngàn mét vuông, tranh thủ tắm táp khi thân nhiệt còn chưa kịp tụt. Ở vòi
nước chảy lên tận đầu sàn, Thận và vợ hắn trần truồng, xì xụp cọ rửa cho nhau.
Người đàn bà có tấm lưng bồ hóng đang múc từng gáo nước ấm nóng đã đun sẵn, dội
cho chồng. Thỉnh thoảng, người đàn bà nghiêng mình tự kì cọ. Tôi định quay đi
cho vợ chồng Thận tự nhiên, bất chợt đôi vú màu nhọ nhồi, nhăn nhúm tong teo,
đập vào mắt. Tôi sững người: Lướt!
Lướt vẫn coi như không quen
tôi. Ba người ngồi quây quần bên mâm cơm gà thả rừng thơm phức. Thận bắt đầu kể
về đôi mắt mất hết cả hai con ngươi, để lại hai cái hố đỏ hoắm, dúm dó và gớm
ghiếc. Để thoát nghèo, Thận phải theo bưởng Càn lên Pu Sam Cáp đào vàng. Trong
địa đạo sâu hơn một trăm mét, ăn ngang hơn bốn trăm mét nữa, Thận là người duy
nhất trong số hơn hai trăm cửu vạn của bưởng Càn, dám chui vào châm ngòi nổ
khối bộc phá hơn chục cân. Lý do phải dùng mìn khoan là vì các nhà trắc địa
chuyên nghiệp tính toán, mở được vỉa đá dày chừng hai mươi mét này, con đường
hầm sẽ chạm đến một mỏ vàng có trữ lượng hàng tấn. Ở độ âm gần sáu trăm mét
trong lòng đất, mấy chiếc ác-qui chín vôn, được nạp căng từ ngoài thị trấn,
dùng ngựa thồ cả ngày đường vào, cũng không đủ điện kích hoạt khối nổ. Các
bưởng chỉ còn cách dùng tính mạng của cửu vạn để đánh đổi vận may. Trước khi
xuống, bưởng Càn làm một lễ truy điệu cho Thận. Trước nữa, bưởng sai đệ tử mang
năm mươi cây vàng, cắt bốn, năm ngày rừng, tìm về nhà ông Cẩn để mua mạng
Thận. Tất nhiên là ông Cẩn không biết con trai phải chết. Tốp người ấy mang về
một chiếc băng Cassette. Trước giờ tử, Thận được nghe giọng nói vô cùng hân
hoan của bố, mẹ: “Cảm ơn con, con trai! Con đã thay vách nhà mình, họ mình
rồi…”. Nghe xong, Thận cam tâm gieo mình vào địa huyệt.
Sợi dây cháy chậm hàng trăm mét được
Thận châm ngòi, rồi vội vàng bò ra khỏi địa đạo. Ba mươi phút. Một tiếng. Hai
tiếng… lòng đất câm bặt. Thận bò xuống. Đoạn dây cháy được chừng ba chục mét
thì bị dập, rơi hết thuốc. Thận châm lại. Một giờ sau vẫn câm bặt. Bưởng Càn
lôi lại bảo: “Hay thôi?”. Giọng bố vẫn đang cười trong tai, Thận quả quyết: “Em
xác định rồi!”. Đoạn dây cháy được chừng ba chục mét nữa rồi lại tắt. Thận dùng
lưỡi rà dọc theo thân dây, không thấy vị thuốc nổ mới đốt tiếp. Bò ra được hơn
trăm mét thì khối nổ phá ra. Một luồng áp nặng hàng tấn ập đến từ phía cuối
đường hầm.
Thận tỉnh dậy khi đã nằm hơn chục
ngày trong bệnh viện. Tinh thần hoảng loạn, không gian tối bưng. Một giọng nữ
cất lên chúc mừng: “Anh sống được là một kì tích. Những trường hợp thế này,
thường đứt dây thần kinh, vỡ não, vỡ tim… chứ không vỡ được mắt. Anh ngược lại,
những thứ khác dường như bằng thép; còn mắt thì bằng… thuỷ tinh”.
Bưởng Càn đưa Thận về Hà Nội, chữa
chạy suốt hai tháng, rồi lại sang Singapore điều trị tiếp hơn một
tháng nữa. Tinh thần Thận đã trở lại bình thường. Bưởng Càn đưa Thận về nhà mới
biết bố mẹ và năm đứa em đã chết được tròn trăm ngày. Thì ra, toán người bưởng
Càn cử đi đền bù mạng Thận, sau khi giao vàng xong, lấy được giọng nói đầy cảm
động của ông bà Cẩn, đã giết chết cả nhà Thận để cướp lại số vàng.
Thận nằm bẹp bên ngôi mộ toàn
gia, dân bản đắp to như đống rơm được mùa. Chẳng biết phải căm hận ai. Bưởng
Càn thì tuyệt nhiên không. Những ngày nằm bên Singapore , số tiền bưởng Càn bỏ ra
cho Thận nhiều như lá rừng Nưa Tở; không cớ gì lại hạ lệnh cướp lại năm chục
cây vàng. Thận lần đến bụi lá ngón. Hồi còn sáng mắt, đã có lần Thận tìm đến
bụi cây này vì bị người yêu lướt tình.
Một bàn tay mảnh mai chặn Thận lại.
Trong căn lều lợp tạm bằng lá
chuối giữa rừng, Thận nghe Lướt kể về cuộc đời mình. Ba lần lấy chồng, thì một
chồng chết vì say rượu. Say đến nỗi, từ hàng trăm lần ngủ bờ ngủ bụi, cũng đến
một lần ngủ nhầm sang kiếp sau. Người chồng thứ hai thì hoang dã, hung hãn và
côn đồ. Cả bản sợ anh ta như sợ hổ. Vì gây thù gieo hận nhiều nên một lần đi
săn, một ông già sáu mươi đã bắn chết “do nhầm đấy là con hổ”. Người chồng thứ
ba thì nghiện thuốc phiện. Khi chết đi rồi vẫn còn để lại cho Lướt và ba mặt
con một kiếp sinh thực nhục nhằn. Từ bấy, người đời gọi Lướt là Lướt “ết”…
Đêm ấy, Thận xin Lướt về làm vợ.
***
Đêm rừng đẩy người đàn bà vào trong
đống chăn, đệm bông lau. Hai gã đàn ông, một mù do không có mắt, một mù do đêm
bịt mắt, ngồi như tan vào nhau:
- Nghe nói, suốt quãng thời gian
sống với ba người chồng cũ, Lướt vẫn ra suối Nưa tắm, ngay gốc cây bồ hòn mày
ạ. Đến khi người ta hạ cây bồ hòn, Lướt ốm liệt cả tuần. Chẳng hiểu tại sao?
Bây giờ, mỗi dịp về thăm bố mẹ ở bản, Lướt vẫn tranh thủ ra đó tắm kì được, rồi
mới về.
- Mày không hỏi Lướt?
- Có?
- Lướt bảo sao?
- Tao càng thắc mắc, Lướt càng lặng
thinh.
- Thôi, chắc Lướt có lời nguyền nào
đó. Để cô ấy yên.
- Tất nhiên là tao muốn cô ấy yên,
nhưng không muốn mày được yên.
- Là sao?
- Mày còn yêu Lướt?
- Không.
- Mày nói dối. Nếu còn yêu thì ở
lại với Lướt đi… Tao muốn về theo bố mẹ.
- Mày điên rồi à?
- Mày mới là thằng điên.
- …
Thận hỏi tôi còn nhớ cái khúc
ngoặt lúc gặp Thận không. Đấy, cái gò to như gian nhà trình tường ấy đấy, không
phải là mối đâu, mà là mả của già làng phụ trách mùa màng của Nưa Tở. Năm ấy,
con buôn vào tận bản trả tới 1.500 đồng cân sắn tươi. Dân bản nhổ cả những cái
rễ mang bán. Bán hết của nhà mình thì “mót” của những nhà nhiều nương hơn. Chỉ
độ một tuần, nương đồi Nưa Tở trơ ra toàn đất. Mọi năm, đến “tết Lao Động” năm
sau núi vẫn chưa hết màu xanh. Nhiều tiền thì nhiều rượu thịt. Đình đám từ đầu
chạp, nối nhau chạy vượt qua giêng. Riêng năm ấy, gió Lào mang cái đói quay
quắt về núi. Già làng mùa màng vượt sang bản khác “xin” sắn. Một bữa, từ trên
pu Khịt nhìn xuống, con đường vào bản đầy ắp giáo mác gậy gộc. Họ Hà giải già
làng mùa màng sang, trói ở gốc cây ngái trên dốc Pu Mường. Họ nọc tội ăn cắp
của già. Họ phạt già 1 trâu, 1 lợn, 10 gà, 2 chum rượu và 2 bao gạo để cúng ma
nhà, ma bản, ma nương của họ.
Cả Nưa Tở giật thót mình. Trước
đây, người Nưa Tở vác dao sang nhà hàng xóm chặt cây chuối xuống để lấy lá gói
cơm; tiện tay nhặt cái cuốc, con dao… của nhà khác để như của thừa. Chuyện đào
vài gánh sắn ngoài nương là chuyện… thuộc về “văn hóa”! Chẳng ai trách oán ai,
vì tất cả như nhau. Hôm nay mới biết: lấy, mượn, xin… vắng mặt đều là ăn cắp. Mà
tội ăn cắp với ăn cướp là một…
Già làng mùa màng đập đầu vào
gốc cây chết tươi trước mặt cả bản.
Thận đăm chiêu trong từng trường đoạn: Ló Càn
bảo không riêng người Nưa Tở mà ở quê Ló Càn cũng thế. Cả mấy ông học xa hiểu
rộng, cái tri thức mở ra vô vàn con đường minh bạch nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi
những hành vi mà theo họ là hết sức thường tình. Trí thức như tiếp thêm sức
mạnh cho họ, biến tướng cái “văn hóa ăn cắp” của mình ra trăm con đường trục
lợi khác. Ló Càn đã nghe Thận kể chuyện về tôi, về cách “thay máu” mà các già
làng đã họp. Ló Càn cười choang choách như giật kíp mìn.
Thận bảo, từ ngày già làng mùa màng
chết, hình như nạn ăn cắp mới thực sự bắt đầu. Không còn chỉ là “văn hóa ăn
cắp” để lấy may, lấy khoẻ, để không thành con ma… nữa, mà giống như làng ăn
xin, xã ăn xin, huyện ăn xin… về mua vàng, xây nhà sống ở thắt lưng đất nước.
“Người tốt” cứ vô tư mở cửa nhà nhau khi chủ nhà đi vắng, nhưng không để xin
miếng nước, bát cơm lúc lỡ độ đường mà là vặn khóa hòm, vác tivi, thuổng đầu
đĩa… Đêm đêm, vách nhà có con gái lớn vẫn bị dỡ, bị phá… mà con cái cứ ế chồng
dài. Nghĩ mãi, cuối cùng nhiều người dựng lên một nhân vật phi hình trong nhà,
đó là Ma Xó. Ma Xó sinh ra là để bắt trộm. Ma Xó biết phân biệt, khách thì cho
cơm cho nước; trộm thì vặn cổ bẻ chân. Nhưng rồi cuối cùng, chính “vị thần bắt
trộm” lại bị… trộm bắt mất, sau đó mới đến của nả, gia tài…
Nhân có sự giúp đỡ của Ló Càn, Thận
vác vợ con vào tận cùng rừng:
- Trang trại trăm đầu trâu, bò,
ngựa, lợn… này là vàng Ló Càn đền mạng cả nhà tao. Hôm Ló Càn đưa tao về bản
ấy, rồi bất ngờ bỏ đi ngay. Hai ngày sau quay lại, trên tay cầm ba quả tim của
những tên thổ phỉ giết chết cả nhà tao để cướp vàng. - Theo thói quen, Thận đưa
vạt áo lên lau hai hốc mắt khô hoắm. - Tao với Lướt không ai bảo ai, chân tự đi
thế mà trúng nghĩ. Chỉ có đày mình vào đây thì con cái sau này mới không biết
đến hai từ ăn cắp. Riêng tao thì muốn thực hiện thay cho mày cái lời thề với tổ
tộc, vì như Ló Càn bảo, mày sẽ thất bại. Thay máu, nhưng không phải cách ấy. Hôm
nay mày về rồi thì hãy làm thủy tổ của các đời sau đi.
- …
Từ bóng rừng đêm đen rợn, tôi
nhìn thấy ánh mắt sòng sọc của ông chủ tịch họ Bạc, khi ông vừa kịp biết tôi
không phải người Kinh, trước lúc tôi và Duyên đăng kí kết hôn… Tôi vẫn chưa
hiểu vì sao mình lại không nhẩy xuống vực nước Quan Tài như đã quyết tâm… Hay,
vì chưa lí giải được về dòng họ ăn cắp - điều mà tới tận hôm nay, nhờ thằng bạn
mù Thận Trọng tôi mới hiểu. Theo nó, có hai thời khắc khiến “người tốt” cũng đi
ăn cắp, đó là được giá và đói kém(?)
***
Giữa đêm rừng đen như bát
thuốc nhuộm, hai con mắt của thằng Thận rực cháy. Nó đứng dậy đi về phía rừng
thiêng - nơi mà mồ mả cha ông nó, và cả cha ông tôi cũng bị kẻ trộm quật lên để
lấy đi những đồng bạc tùy táng.
Tôi tụt xuống thang nhà Thận. Đoạn
đường trước mặt, nàng tiên cá đang tung tăng trong bộ xiêm y nửa thiên cung,
nửa thủy tề. Ngọn gió độc thân réo ồi ồi trên đỉnh Ngại Tắm. Dưới thung lũng
Trăm Đầu, Lướt gọi hết tên Thận, rồi lại réo giữ tên tôi. Giọng Lướt không ướt sũng
thường tình, mà quăn hanh như mái nhà gianh mùa khói nương, chỉ chực bốc cháy.
Chân sỏi, 16.10.2010
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét