2 tháng 3, 2013

ĐỜI VỢ NGHIỆN



Phóng sự


    Lời giới thiệu: Thực ra, nếu không đọc PS này, tôi cũng như các bạn thừa hiểu một gia đình có người nghiện thì các thành viên khốn khổ như thế nào. Tôi đã “mực sở thị” nhiều gia đình khá giả, cả núi của dành dụm được cả một đời, lần lượt chui vào cái dọc tẩu hay cái “sơ-ranh” của chính cậu con “quý tử”. Nhưng đây lại là các bà vợ của con nghiện, nghèo rớt mùng tơi, không có “cơ sở hạ tầng” để cho chồng hút, ngày ngày phải lao động cật lực để kiếm cơm nuôi cả nhà, nuôi “cơm đen” cho đức ông chồng. Thậm chí có chị còn bán mình cho chồng hút. Thê thảm đến thế cũng là tận cùng thê thảm. Cũng may, chính quyền địa phương đã rục rịch ra tay chống tệ nạn. Chỉ cầu mong cho các bà vợ khốn khổ được nhẹ nhõm phần nào, còn hơn thế nữa, như xây dựng lại một cuộc sống hạnh phúc chẳng hạn, thú thật, chính tôi cũng chưa dám nghĩ đến…
Trần Chinh Đức


          Chuyện bắt đầu từ một buổi chiều, có một phụ nữ Thái vào nhà tôi gọi “Anh xe ôm đi chở củi!”. Vợ tôi chạy xồng xộc từ dưới bếp lên, giậm chân đành đạch: “Không đi đâu cả, anh có biết “bọn ấy” là bọn nào không? Vợ con nghiện đấy! Nó sẵn sang trả tiền công cho anh bằng “của cấm”, lấy thì khổ tôi, không lấy thì thiệt anh; còn lỡ va quyệt một tí thôi là mất toi xe với nó ngay”…
          Vốn phải kiếm thêm bằng nghề chạy xe, nên tôi đã va chạm với đủ thứ người, duy với vợ người nghiện là còn như chưa biết. Tò mò tôi liền “chống lệnh” vợ đi ngay một chuyến, rồi đi luôn… một năm, hai năm. Và những gì tôi được biết về cuộc sống gia đình của họ làm tôi thấy vô cùng phân vân vì chẳng biết phải gọi thứ cuộc sống ấy, tình cảm ấy, hạnh phúc ấy là gì, song vợ chồng thì nhất định không phải.

         
          Như con sen

          “Không được ốm!”. Đó là mệnh lệnh Lường Văn Đoàn dành cho vợ là Lường Thị Đoan 29 tuổi ở bán Hón, xã Ẳng Cang (Tuần Giáo, Lai  châu). Ông chồng chị Đoan sớm tối chỉ biết mỗi “tẩu bầu đén mỡ”, rồi ngồi hong hóng chờ ăn chứ tuyệt nhiên chẳng mó tới bất cứ việc gì. Để lấp đầy chỗ hổng đó, chị Đoan sáng sáng cùng một số bà vợ người nghiện đi bộ ra thị trấn, thuê xe ôm đến một ngọn núi cao ngất, có cái tên che khuất cả một góc trời là núi Ván Thưng Trời (pu Pha Phạ) - ngọn núi vô cùng hiểm trở, duy nhất ở trong vùng còn có cây que để mà đốn. Chiều tối mang về được 3 gánh củi. Bán đi trả tiền xe ôm còn vừa văn 10 nghìn - một số tiền vốn đã “tủi thân” mà cũng chỉ được dùng một phần vào việc nuôi sống cả nhà, 4 phần còn lại phải “nộp sưu” cho ông chồng phá của.

Nhiều hôm mưa lớn, vách núi trơn như đổ mỡ mà vẫn phải cố đưa củi xuống, vì về không là tai họa! Bằng chút sức lực trói gà không chặt, thì đánh vợ trần truồng là “chân lý” của Đoàn. Thoạt đầu là lột ra để khám, khám không có (tiền) thì đánh và đánh không thấy vợ kêu la hay vùng chạy thoát khỏi sự khống chế của kẻ trót đánh mất 6 phần hồn như trước, khiến Đoàn coi như một phát hiện để “áp dụng lâu dài”, thậm chí còn thỏa mãn như một thú vui(!). Quả vậy, từ đó trở đi không còn ai nghe thấy nhà ấy đánh nhau, và thế là không an ninh, không đoàn thanh niên, không cán bộ hòa giải của hội phụ nữ đến “quấy rầy” nữa.

Tôi lấy làm thắc mắc vì 13 năm chung sống thì có đến 12 ăm chồng nghiện mà chị Đoan vẫn đẻ tới 3 đứa con sống, 2 đứa bỏ đi, và nhiều lần nạo hút. Hay là chị không lường? Mà thôi, có tới cả đống lý do, lý do đáng chú ý nhất là vẫn tại “cái mồm thằng nghiện”: “Cứ đẻ đi, anh hứa sẽ cai” hay: “Có con, anh mới thấy trách nhiệm mà bỏ hẳn thuốc phiện được vv và vv… Đến lúc trắng đen sấp ngửa mới vỡ ra, để giữ vợ và đẻ để có một “đội quân hầu hạ” trung thành mà ở đời, ngoài cách ấy không thể kiếm ra nổi. Ba đứa trẻ một 12, một 9 và một 6 tuổi không đứa nào biết mặt lấy một chữ cái. Sáng ra, thay vì tung tăng cắp sách tới trường, thì chúng lại bị xua ra đồng, tìm móc từng con cua trứng với mức khoán 2.000 đồng, một đứa, một ngày; nhược bằng không số phận chúng tệ hại không kém gì mẹ chúng!


            Chẳng khác gái… “thanh lâu”

          Cũng như chị Lường Thị Đoan, Lò Thị Di, Cầm Thị Ưu hay Lò Thị Xôm (cùng xã Ẳng Cang) đều bị biến thành những con sen, con dịch để ông chồng nghiện mặc sức hành hạ đủ kiểu, thậm chí sẵn sàng đánh cho chết con nếu vợ dám bỏ rơi. Hơn thế, Lường Thị Lừu, 31 tuổi ở Bản Sáng (Ẳng Cang) còn có thêm một thân phận hết sức khốn nạn nữa đó là làm gái bán thân theo lệnh của “ông tú chồng” và làm ngay ở trong ngôi nhà hạnh phúc vốn tự tay mình dựng lên(!).

Lường Văn Mạo (chồng chị Lừu) là kẻ nghiện hút có bộ mặt dày. Ngay từ lần hút đầu tiên, Mạo đã chế bàn đèn. Hút ngay tại nhà như một “ổ trưởng”. Ổ nhóm Lường Văn Mạo ra đời tạo được một số “tiếng vang” nhất định trong “giới cầm tiêm”, với những tay vê như ảo thuật, “cơm” nấu có thần, bảo kê bảo đảm; và nếu cần có cả những quả đấm bản có hạng sẵn sàng vung lên đổi lấy tiền và ma túy. Tội cho chị Lừu, hàng ngày phải làm bất cứ việc gì để co 10 nghìn đồng. Tối về phục dịch, hầu hạ “ổ chồng” và làm chân sai chạy tất cả những việc mà đám sìke không tiện xuất đầu, dù có là 1 giờ đêm hay 5 giờ sáng đi nữa. Lường Văn Mạo thực ra cũng chỉ là một “ổ trưởng xin ăn”, bọn nghiện bám vào hắn vì hắn tài như một thầy phù thủy, làm phép biến tất cả những gì đàn em có thành thịt, thành rượu và thuốc phiện một cách an toàn. Vì thế mà chỉ một lần vợ “về không”, ngoài việc “tặng” vợ một trận liệt giường, hắn còn mang dao ra, hạ nốt bụi nứa non lấy 12 nghìn đồng - bụi nứa là tài sản đáng giá duy nhất mà nhiều lần nghe vợ can gián để dành đan phên, che lại nơi phụng thờ tổ tiên vốn đã thông thống gió mưa và người chui ngang bước tắt. Không đủ hút, Mạo đã hợp đồng, đổi phẩm tiết của vợ cho bầy khát dục giày vò ngay trước mặt chồng, mặt con và trong chính ngôi nhà của mình, để lấy một bữa hút vừa đủ phê. Kể từ đó, chị Lừu tặc lưỡi đưa chân, đổi khổ bằng một nghề mới bất cứ lúc nào thiếu việc, thiếu tiền và mỗi lúc vật cơn của ông chồng khiêm “tú ông”.


              Có chăng một cuộc đổi đời?

      Chỉ cách chỗ chúng tôi ở trên 2km đường miền núi mà rất nhiều lần hẹn vào đều không gặp, đành nhè đúng hôm Trung tâm cai nghiện tỉnh xuống phối hợp với xã tổ chức cai nghiện đợt 2 may ra các chị mới có dịp ở nhà chăm chồng vật thuốc. Hầu hết các chị rất cương quyết và thẳng thừng từ chối: “Viết đã là quá lắm rồi, chụp ảnh thì xin chịu thôi!”. Ngẫm ra cũng thật thông cảm trước nỗi ngờ vực về sự cải tạo của những ông chồng vốn đã quá nhiều lần cai mà vẫn “ngựa quen đường cũ”. Chúng tôi đến túp lều “làng đuổi”, “hay tự bốc cháy”… ở xa mãi một góc ruộng hoang của chị Đoan cũng vậy; anh bạn thợ ảnh nhanh tay cũng chỉ ghi được cái xác lều không và cậu con út đang mếu máo vì vừa ăn một cái bạt tai bởi không tìm thấy sái thuốc phiện giấu trên mái tranh, đưa lén vào khu tập trung cho bố.

Quay trở lại trụ sở, ông Lò Văn Giá - Chủ tịch UBND - và, ông Lường Văn Tài Phó ban Công an xã - vẫn ngồi đó chờ chúng tôi trong căn phòng chung (chủ tịch và bí thư làm chung một phòng): Ẳng Cang vốn chưa hẳn là xã ma túy hay bức xúc nhất về cảnh ngộ của những người vợ nghiện trong khu vực; nhưng lại có thành tích đáng nói trong công cuộc bài trừ tệ nạ xã hội, trong đó có ma túy. Chỉ một thời gian ngắn mà xã đã phối hợp với các cơ quan hữu trách bắt liên tiếp 6 tên tội phạm ma túy nguy hiểm, có lệnh truy nã toàn quốc; hơn 10 “đầu rải” thuốc phiện nội xã, đặc biệt, có tên Lù Văn Xe và Lù Văn Nghị đã dùng lựu đạn chống lại lực lượng truy bắt  tội phạm. Gần đây tiếp tục triệt phá 5 ổ nhóm (cả ổ nhóm của Lường Văn Mạo). Đưa ra hầu tòa 14 con nghiện có hành vi liên quan đến các tội danh khác… Riêng về những “người vợ nghiện”, ông Giá cho biết: Đảng uỷ, HĐND, UBND và toàn thể các ban ngành trong xã đều triển khai thành Nghị quyết 5 điều “được phần” cho vợ người nghiện. Trong đó quan trọng nhất là chia nốt ruộng đất, do trước dây gia đình có người nghiện bán đất để hút, nên xã mới chỉ chia cho có một nửa, rồi lãnh đạo xã trực tiếp đứng ra bảo lãnh với Nhà nước để những gia đình có chồng, con, em… cai được thuốc, vay vốn làm ăn (có tổ chức tư vấn, giám sát); đồng thời vận động nhân dân bình xét những hộ trước đây nghèo khó nhưng “có con ghiện trong nhà” nên không có quyền lợi, vào diện hộ đói nghèo để được hưởng sự quan tâm của các tổ chức xã hội… Chỉ vậy thôi cũng vừa đủ nhe lên niềm hy vọng của những người phụ nữ chẳng  may vớ phải những ông chồng “yêu ma túy”.




Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét