Phóng sự
Lời
giới thiệu: Tôi
đồng tình với tác giả khi đề xuất một chương trình chống AIDS toàn quốc, toàn
dân tham gia, toàn dân thử máu… Nhưng có lẽ tác giả quá bức xúc vì thực trạng ở
một thị trấn nhỏ như Mường Ảng, chưa đến 3.000 dân mà số người nghiện, nhiễm
HIV lại quá cao nên mới nghĩ vậy. Chúng ta đã quen với tác phong tâm lý “nước
đến chân mới nhảy”. Bao giờ rừng bị phá hết thành đồi trọc mới ra tay diệt hết
“lâm tặc”. Có lẽ AIDS cũng phải chờ đến mức đó chăng? Nhưng có thể rừng trồng
lại được, còn con người đâu phải cỏ cây…
Bí
thư - chủ tịch UBND thị trấn Mường Ảng (Tuần Giáo - Lai Châu) Nguyễn
Thái Luông “bất lực” trước “hiểm họa diệt chủng” đang hàng ngày “gặm
nhấm trong bóng tối”. Thế mà cho đến nay, với trang bị 4 không: Không
nghiệp vụ; không thuốc chữa; không chuyên gia tư vấn; không danh sách
người nhiễm bệnh, dư luận còn tặng thêm cho cái không thứ 5: Không
phận sự (miễn sờ vào). Điều ấy khiến ông dù không muốn vẫn phải lên
tiếng với báo chí: “Các ông xem nghiên cứu giúp thị trấn đi”…
Tránh AIDS
như tránh … voi
Cuối
đông 1999 - sau 1 năm Lai Châu phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS - vào
một ngày sương mù giăng ảm đạm hơn bất kỳ ngày nào khác, một đối
tượng nghiện hút ma túy có hộ khẩu thường trú tại khối V, thị trấn
Mường Ảng chết sau một thời gian dài vật vã trong cơn đau hôi thối do
hoại tử da. Hôm “đưa ma” cả làng lánh biệt, kết quả việc nghĩa chỉ
còn trơ lại 5 người trong nhà; lặng lẽ kéo chiếc xe bò cải tiến,
chở cỗ quan tài được buông trắng bởi một tấm màn, mắc lụng thụng
trên 4 chiếc cọc, cắm ở 4 góc. Gần đây hơn, 10 giờ 30 phút ngày
30.7.2002, Phan Duy S (24 tuổi), khối V chết do 3 nguyên nhân chính: AIDS,
lao và trụy tim. Ngay sau đó 6 ngày, Bùi Văn Thắng (30 tuổi) con ông
Bùi Văn Yêm, khối IX chết tại nhà do AIDS giai đoạn cuối, khi đang trốn
lệnh truy nã. Cũng giống như lần trước, người ta lục tục dắt nhau “sơ
tán khỏi địa bàn”.
Ở
Mường Ảng, đã hơn 8 tháng kể từ khi 53/80 đối tượng nghiện hút ma
túy và gái mại dâm được lấy mẫu máu đem đi xét nghiệm; kết quả có
23 người gồm 22 nghiện hút và 1 mại dâm đã “mắc bệnh”, trước đó
cũng đã có 7 phạm nhân ma túy (người Mường Ảng) được các trại cải
tạo, trại tạm giam trong tỉnh và ngoài khu vực thông báo về là nhiễm
HIV/AIDS ở địa phương. Nhưng con số 30 đó là con số chứng nhận (như
một sự phát hiện) về mặt khoa học trên giấy trắng, dấu đỏ nằm trên
bàn Uỷ ban Phòng chống HIV/AIDS; còn thực tế, khi chưa làm cuộc thử
máu toàn dân ít nhất 2 lần/ người thì chưa ai dám chắc, bởi từ năm
1999 đến nay đã có không dưới 5 người ở các khối dân cư V, IX, X… chết
ở trại cải tạo, ở địa phương và tự tử khi biết đã mắc AIDS… Vậy
là đồng nghĩa với việc HIV/AIDS xuất hiện ở Mường Ảng trước đó
hàng chục năm - khi mà người ta vẫn còn mơ màng gọi là… con “ết”(!).
Một điều hết sức rành rành tại đây là không riêng gì ông Bí thư mà
cả thảy 2.835 khẩu của 738 hộ sống trên 10 khối dân cư đều không biết
mặt lấy một bệnh nhân HIV trong cái danh sách (30 người) kín như “mật”
ấy, chỉ vì một lí do: “tránh kỳ thị đối xử”. Thế là cái gì đến
ắt phải đến, người cô độc trước những cái chết biết trước vẫn cứ
cô độc; người bàng quan vô trách nhiệm vẫn cứ bàng quan vô trách
nhiệm; người có nguy cơ lây - truyền vẫn cứ “vô tư “ lây - truyền;
người nghi kỵ vẫn cứ nghi kỵ, đến nỗi nhìn ai trong số 2.835 người
cũng hóa ra… “voi” cả và, “tránh voi” là lẽ thường mà các bậc hào
kiệt xưa nay vẫn làm như một diệu sách. Nguyên nhân xuất hiện “những
con voi” âu cũng còn thêm một lẽ…
“AIDS
thả rông”
“Biết
địch biết ta, trăm trận trăm thắng” vốn là “binh pháp” nổi tiếng của
tiền nhân ta; vậy nhưng ở Mường Ảng khi mà người dân còn chưa mấy ngã
ngũ về “giặc AIDS” thì lại thêm cái họa “biết ta mà không biết
địch”. Đã vậy, còn chứng kiến thêm những vụ “khủng bố virút” như
trường hợp của “con voi” Hoàng Văn H, khối IV, trước cơn cùng quẫn về
tài chính dẫn đến giết người, cướp xe (bị bắt tháng 6.2002) đã cầm
xilanh xông ra giữa chợ dọa truyền virút AIDS cho một chị chủ quán
phở để đòi một khoản tiền mà… người khác nợ hắn. Còn gã thanh niên
24 tuổi có hộ khẩu khối V thì trước khi vĩnh biệt cõi dương gian đã
kịp kiếm cho mình một cô vợ hờ ở tuổi vị thành niên, chung chạ vài
ba tháng mà không hề mảy may xúc động trước nghĩa vụ bảo vệ đồng
loại. Gần đây nhất, vào ngày 4 tết Quý Mùi (2003), một bà mẹ ở
khối IX, sau nhiều lần theo dõi đã bắt quả tang cậu quý tử mới 14
tuổi (học THCS) đang chích chung xilanh với một “voi con” khác; trong khi
bà mẹ tội nghiệp nằm chết giấc thì hai kẻ “phá gia chi tử” bình
thản leo lên xe “biến” khỏi địa bàn như một thách thức lớn tiếng…
Sau
khi làm việc với Bí thư Nguyễn Thái Luông được biết, năm 2002 (sau đợt
thử máu) bằng khả năng có thể, hi vọng ngăn chặn phần nào nguy cơ lây
nhiễm HIV/AIDS, ông đã đưa ra sáng kiến mô hình cai nghiện tại nhà
nhằm phát huy tối đa trách nhiệm của gia đình đối với con em nghiện
hút; đồng thời tạo nên một khối đồng bộ, nhất loạt trong công tác
phòng chống và bài trừ tệ nạn xã hội. Sau hai đợt thí điểm mô hình
kết hợp này (gia đình góp của, nhà nước góp công) tạm thời được
đánh giá tốt. Với ông Nguyễn Thái Luông - một thượng úy quân y về hưu
năng nổ, trách nhiệm cộng thêm kinh nghiệm được đúc rút từ chính bản
thân, khi ông cũng từng có tới hơn 10 năm “yêu ma túy”; thì chúng tôi tin một ngày mai ông
sẽ làm được cái điều mà ông và xã hội đang trông đợi; tuy nhiên hôm
nay thì chưa, bởi “tệ nạn” (ma túy) ở Mường Ảng - theo đại úy Lưu
Xuân Bách - phòng CSHS Công an huyện Tuần Giáo - phát biểu trong buổi
nói chuyện với nhân dân khối VII - thì: “không dễ bài trừ” vì “đi ăn
cũng bắt được trộm”.
Những đề
xuất chủ quan
Từ
trước tới nay HIV/AIDS được coi một cách hết sức sai lầm là: “tệ
nạn”. Người nhiễm HIV/AIDS hơn cả sự mất mát về thể xác còn bị coi
như một suy đồi nghiêm trọng về đạo đức, một thứ “danh nhục” và một
nỗi “gia nhục”; nên thường bị cả gia đình lẫn xã hội rũ bỏ, khiến
người bệnh trước khi “chết xác” đã phải “chết hồn”, mà người “giết”
không ai khác chính là chúng ta. Vậy nên chăng, coi người mắc HIV/AIDS
như một tai nạn của bệnh tật, họ cần được đối xử (thậm chí cần
làm hơn, làm trước) như những bệnh lây truyền khác mà cả nước đang
dốc sức “thanh toán” bằng “quốc phí” như: Lao, phong, sốt rét… Vẫn
biết rằng thuốc chữa AIDS rẻ nhất cũng mất chừng 15 triệu
đồng/tháng/người; với khả năng tài chính như nước ta, tính “nhân đạo
AIDS” như nhân dân ta ngày một ngày hai là không thể, nhưng việc trích
kinh phí làm một cuộc cách mạng xét nghiệm máu toàn dân; từ đó
thiết lập những chính sách, ban hành những điều luật “Nhân đạo với
AIDS”; “AIDS với nhân đạo”, thành lập những câu lạc bộ “bạn đồng hành”,
“bạn giúp bạn”; phát động nhiều phong trào “hướng về AIDS, hướng về
người bệnh” và “Cùng nhau thanh toán đại dịch”… là có thể.
Nói
riêng về một địa phương như Mường Ảng, cho đến ngày hôm nay (tháng
2.2003) duy nhất ở trường THPT Mường Ảng có một bộ tài liệu giới
thiệu sơ lược về đại dịch AIDS, nằm mới toanh trong thư viện; cả thị
trấn có duy nhất một người được đi tập huấn về Dự án “Hỗ trợ
chương trình giáo dục - đào tạo về sức khỏe sinh sản và dân số -
phát triển” ở thị xã Điện Biên Phủ 10 ngày với sự tài trợ kinh phí
của quỹ dân số Liên hợp quốc UNFPA, thì cũng lại là một thầy giáo
của trường. Tuy nhiên, chúng ta cũng tạm mừng vì ít nhất trong số
2.835 người đã có hơn 500 em từ 15 - 18 tuổi (bắt đầu từ lớp 9 THCS)
ít nhiều được nghe và hiểu sơ bộ về HIV/AIDS qua những tiết giảng
sinh vật của thầy. Nhưng cái lo lại cũng chính ở đó; hầu hết số
người nhiễm bệnh ở độ tuổi từ 14 - 35. Viết đến đây người viết liên
tưởng, giá như chúng ta có một bản cam kết “Nhân đạo với AIDS” “AIDS
với nhân đạo” đến từng hộ gia đình như đã cam kết không vi phạm giao
thông và hi vọng chúng ta không ngồi chờ số nạn nhân HIV/AIDS tăng bằng
với số vụ tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm 2002 (14.019 vụ, tương ứng
với 77,8 vụ/ngày, trong đó có 35,7 người chết) mới ra tay “cứu độ”;
bởi AIDS không phải là… “ết” ; AIDS đang chờ chúng ta ân cần cúi
xuống, thân ái đưa tay ra chứ không cần “một sự phát hiện”.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét