2 tháng 3, 2013

NGƯỜI NGHÈO CHIA PHẦN CHO… NGƯỜI NGHÈO


       Phóng sự

    Lời giới thiệu: Đúng là ở Tuần Giáo (Lai Châu) có một nông trường Mường Ảng trồng cây công nghiệp để làm “nhiệm vụ quan trọng” gì đó(?). Nhưng việc nông trường phải giải thể đã là câu trả lời chính xác nhất về cái đúng cái sai của một chủ trương. Thôi thì chuyện cũ không nên nhắc lại. Nhưng vấn đề là bà con sẽ sống ra sao khi một mô hình kinh tế cũ bị tan vỡ? “Mô hình” mới là nuôi rẽ bò cho những người có tiền để được ăn chia. Tạm thời cứ coi như là có việc, có tiền đong gạo. Còn đúng sai ra sao phải chờ hạ hồi phân giải. Ngày xưa, khi lập nông trường để làm nhiệm vụ quốc gia, ai dám bảo sai, ai dám nghĩ đến ngày nó giải thể?                                                                     
Trần Chinh Đức

          Không ai là tỷ phú, một vài triệu phú, còn lại đều nghèo, chẳng có triệu nào, Vậy mà hằng năm hang trăm lượt người nghèo đã và đang được họ ..chia phần; trong hàng trăm con người ấy, nhiều người thoát nghèo, số ít lên hàng… triệu phú.
      Chuyện “làm nhân đạo”- mặc dù phải vận động - nhiều khi trở thành nghệ thuật và nghiễm nhiên được chấp nhận. Tuy thế, ở cái thị trấn (Mường Ảng - Tuần Giáo - Lai Châu) nhỏ như một cái lẹo dưới chân đèo Tằng này có một việc làm không được coi là nhân đạo, nhưng lại hết sức đùm bọc: Vừa tự có, vừa đi vay, người ta mua rặt một loại bò sinh sản rồi “chăn nuôi gửi” với thể thức “lợi nhuận băm đôi”. Người có đỡ người không có, đã đành; người nghèo (có điều kiện vay vốn) chia cho người nghèo (không có điều kiện vay vốn), cũng có lý: Bởi họ xuất phát từ…
       Chật vật áo cơm
       Mường Ảng trước kia là nông binh trường, được tách ra (năm 1967) từ Nông trường Điện Biên với 2 đại đội: C20 và C22. Nông trường Mường Ảng kinh doanh chủ yếu dựa trên 746ha cây công nghiệp - ten và trẩu; 240ha màu… và vài trăm con bò thịt. Sau nhiều lênh đênh chìm nổi, năm 1993, nông trường giải thể. Theo thống kê tin cậy thì có tới 80% số hộ công nhân và “sau công nhân” thất nghiệp. Những súc gỗ ten, gỗ trẩu dù có già thớ đến mấy cũng chẳng nuôi nổi ai. Nhiều người bứt ra, lao theo một hướng mới mà họ quen gọi là “mở đường máu”; nhà nhà đưa con đi xa phu hồ, xẻ gỗ, đập đá, thậm chí là đào vàng… và không ít lâm nạn. Những người ở lại nhanh chân chiếm một vị trí ven lộ bán xén, nấu rượu hoặc batoa, xe ôm…, lâu dần, nhiều dần thành “thị trấn”; và đúng như tiên liệu, mảnh đất hơn 4 năm bị thất lạc trên bản đồ, đến ngày 02.6.1997 được Chính phủ phê duyêt: Thị trấn Mường Ảng chính thức ra đời.
       Nhìn thì thế, nhưng cuộc sống người dân vẫn chẳng hơn thời bao cấp là mấy. Kể chuyện với chúng tôi, nhiều người còn chung trăn trở: “Đời trải cả chục nghề, đi từ đóng gạch đến về chăn lợn mà bấn vẫn hoá bấn”. Cuộc sống hụt sau thiếu trước, ngoài việc tự chịu, hình như người ta ít tin nhau: “Cưới vợ - vay tiền” con ốm - vay tiền; tìm việc - vay tiền…, mà nhiều nhợm gì đâu, có trăm ngàn cũng bị khất giúp, chung quy chỉ tại cái nghèo, cho vay sợ không… gãi được(!)”. Lăn lộn từ hai bàn tay trắng, hơn nữa là “từ âm” mà lên, cái khó ló cái khôn từ đó. Người đầu tiên nghĩ đến “chăn nuôi gửi” là ông Trịnh Xuân Hòe khối 7 (K7). Sau bao năm lao công khổ sức, ông Hòe sắm được chiếc máy cày mini, lặn lội khắp vùng cày thuê bừa mướn. Một ngày kia ông bỗng phát hiện ra cái “vốn” rỗi (không có việc làm) của bà con nghèo; ông bắt đầu cóp nhặt từng đồng bạc lẻ từ công làm mướn, mùa này qua mùa khác, cuối cùng cũng mua được con lợn nái, con dê cái… gửi bà con nuôi “chống khó”. Hiệu quả vượt ngoài mong đợi. Hiện ông Hòe đã lên lão, vẫn duy trì 30 con bò gửi 2 người nghèo nuôi giúp. Như hàng chục năm qua, hàng chục lượt người ông đã giúp có anh Lường Văn On ở bản Sản xã Ẳng Cang được ông chia cho 4 con bò chỉ trong một mùa (2002). Trỏ 4 con bò riêng, anh On cảm động: “Đang nghèo, gặp ông Hòe tự nhiên xã cắt”
       Ngay sau đó, ông Hoàng Văn Ngọ (K5) cũng vậy: “Phũ phàng cơm áo lắm mới mua nổi con ngựa cái…”; và rồi với tuổi trẻ, sức khỏe đã giúp ông có điều kiện tiến xa. Vẫn chung thủy với nghề batoa “từ cũ”, đàn bò của ông hôm nay, sau bao xua đi lùa lại, 3 góp thành 5, 9 tích lên thành 10 đã chẵn tròn 200 con. Dự kiến mùa này, trên dưới 50 con sẽ được ông chia đi “làm giàu” cho người nghèo vốn chỉ có công và… cỏ.
       Chỉ là người nghèo
       Theo vết chân trâu, chúng tôi tìm đến trang trại nhà anh Lò Văn Tình, bản Tọ, xã 135 Ẳng Tở, tận mắt ghi nhận quy mô trang trại gồm: Bò, lợn, nhím, chuột (loài chuột rừng ăn rễ, củ… nặng cả ký lô cho thịt ngon, bổ) rồi cá, tôm… ước tới 5-7 chục triệu đồng. Tôi buột miệng khen liền “được” anh nhắc nhở: “Của anh Tiến (K7) trong thị trấn đấy, nhà mình nghèo không thế chấp tín dụng được, anh Tiến gửi cho làm thôi”. Theo hợp đồng lợi nhuận hai bên đã ký thì chỉ 3-4 mùa nữa, anh Tình sẽ có lợi nhuận bằng của anh Tiến gửi hiện nay: “Mình mong sớm có, để anh Tiến tiếp tục giúp nhà khác”. Không chỉ mình anh Tình, ở bản Tọ còn có gia đình anh Phương, ông Hao, anh Thận… đều “gặp may mắn”. Trong số đó có anh Lò Văn Phương là người “được” trước. Sau 3 năm nhận nuôi gửi của anh Nguyễn Văn Học (K8) đã lãi đàn bò mười mấy con.
       Vừa tâm sự cái khó, cái dễ của nghề nuôi gửi, anh Nguyễn Văn Tính (K9) - có đàn bò 50 con gửi 5 người nghèo - nhấn mạnh “nguồn vồn quý” mà chỉ người nghèo mới có, đó là trắng tay; đó là ý chí và sự thèm khát cháy bỏng vươn lên; đó là lòng thủy chung trước sau như một (có lẽ do sợ bị cắt); và thời gian cũng như nhân lực luôn thừa thãi… giống hệt các anh thuở nào! Tất cả những thứ họ có, ở đời chẳng thứ gì “đủ tư cách thưa chuyện với đồng tiền (vốn); chẳng thứ gì “đủ trí khôn” nắm bắt vận may theo kiểu cơ hội, nếu như không có những người như anh Tính(?)
       Nhiều nhà đừng nói là nghèo, thậm chí là dưới nghèo, nghe đâu có ‘hơi cơm” là mò đến. Thoạt đầu thập thò mãi ngoài cổng, chỉ sợ bị từ chối. Ai ngờ khi găp : “Họ thương mình như… người nhà”, cho nhận gửi chỉ bằng một câu: “Giàu hay nghèo? Thật là phúc!”. Chúng tôi từng sơ bộ khảo sát, quả đúng như anh Tính nói: “Cả đời không có lấy một cơ hội làm ra đồng tiền ngoài cày thuê, cuốc mướn”.
       Cái nhìn xa
       Hiện nay, ở thị trấn Mường Ảng đã có vài chục người làm nghề nuôi gửi với tổng số 4-5 trăm con bò; thu hút số đông người nghèo của 4 xã lân cận tham gia. Trừ vài người có vốn do quá trình tạo lập từ rất lâu ra, rất nhiều người còn phải tín chấp vốn mua giống bò, giống lợn… Phần đông người làm nghề nuôi gửi, ngay từ đầu đã không có khả năng làm nghề khác (hoặc do neo người, hoặc do già cả, bận công tác hay không có đồng bãi). Đó là tính đặc thù của một loại hình kinh tế mới đầy tự phát ở miền núi theo kiểu “người có của, người có công”. Nó mang lại thời vận hai chiều; kết quả tác động qua lại tạo nên cuộc sống “kèm nhau” cặp một , nhóm một mà xã hội gọi là cộng sinh, hết sức bền vững. Sau khi có cơ hội, cả hai bên chủ động, tích cực tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhau; chứ không hòan toàn bị động như một số biện pháp đã làm cho người nghèo theo kiểu trợ cấp (chia cho con cá). Để chứng minh vấn đề này, ngoài “những cặp” thực hiện rât tốt đã nêu ở trên, chúng tôi leo tận lên khu trang trại cao chót vót như thể lưng trời của anh Lò Văn Tắm ở bản Bua (xã 135 Ảng Tở). Cùng với việc nhận 23 con bò sinh sản của ông Hoàng Văn Ngọ, anh Tắm đã nhận giao khoanh nuôi, bảo vệ 30ha rừng tái sinh với hàng ngàn mét hào, rào bao quanh; rồi mỗi khe đều được kéo đường nước và dựng trại phụ để đảm bảo cho việc nghỉ ngơi cũng như lánh nạn tạm thời của người và vật.
       Quay về thị trấn. Có người nhận xét rằng: “Nghề này mà phát triển sẽ gánh đỡ gánh đồng đều hóa giàu nghèo mà Nhà nước đang nặng. Chỉ tiếc là chưa thành sóng”. Lập tức bị một cụ cựu chiến binh chặn ngang: “Hội tôi (tức hội CCB Mường Ảng) vừa triển khai một dự án lớn, giúp tiền cho hội viên nghèo nuôi bò”, rồi chỉ một cựu chiến binh khác đang lùa đàn bò đi gửi, vừa lúc ngang qua: “Ông Vệ! Ông Vệ! (ông Bùi Trọng Vệ (K4) thị trấn Mường Ảng) Vào hỏi cái đã: Nhà có 2 triệu rưởi, vay hội 10 triệu mua đàn bò này phải không?”. “Phải!. “Ừ, đi đi!”.
       Vâng! Mong cho nghề chăn nuôi gửi tiến xa hơn nữa, rộng hơn nữa, để xã hội bớt đi mấy chục hộ nghèo.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét