2 tháng 3, 2013

CUNG VẠ TRÊN ĐÈO PHA ĐIN


Phóng sự
    Đẹp như cảnh tiên bồng. Trên đỉnh có gió hát, dưới khe có suối reo. lẩn khuất trong phập phồng mây trắng là dăm nóc nhà cỏ sơn dã và thấp thoáng giữa lá hoa, dọc hai bờ vai dốc là trâu, bò, dê, ngựa... khoác trên lưng những bộ lông nhàu nhĩ, len lét gặm cỏ; chốc chốc lại dựng vó phóng như chớp giật, cắt ngang qua những khúc cua, qua đầu những du xe đang hặm hụi “tốc” bò lên cổng trời. Cung vườn đào là cung giao thông duy nhất cung trú trên lưng tây Pha Đin (Km 391+700), thuộc Công ty sửa chũa đường bộ 226 (Công ty 226) và cũng là những người may mắn nhất trong những ngươì may mắn được gửi hồn hoà xác trong tiên cảnh ấy; chỉ tiếc, dưới con mắt người qua đường, cung vườn đào lại là cung ... “vạ”.
       Đèo Pha Đin nằm trên quốc lộ 6, có chiều dài chính xác là 32,5 km - từ km 366 đến km 398+500 - nằm trên địa phận quản lý của 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên. Bên cạnh những chiến tích bề bề hùng tráng, lại đẹp như một câu “khắp” (hát), vào thời kỳ chưa kịp đổi mới, đèo Pha Đin đến tai người nghe như một sự kinh hoàng, một địa ngục thực sự đối với những lái xe qua lại. Bước sang giai đoạn phát triển, nhờ những quyết sách cụ thể và nhanh chóng, con đèo như được thay manh áo mới; từ hệ thống biểu dẫn, tường phòng vệ phục vụ an toàn đến cống xả, bè chống lở, chất lượng nền đường... và những chiếc gương cầu nối tầm quan sát làm cho những khúc cua trở nên thẳng hơn. Đặc biệt, đèo Pha Đin hôm nay, quanh năm được coi là mục tiêu thi đua của cán bộ công nhân viên các đơn vị quản lý đường bộ cơ sở, chính vì thế mà gần 500 km quốc lộ 6, xuyên dọc chiều dài Tây Bắc từ Hà Nội đến thị xã Lai Châu (cũ), đèo Pha Đin được người ta  mệnh cho cái danh là “kỳ đèo”: Ngoài kỳ tích lịch sử, độ dài còn là kỳ quan thiên thiên, kỳ quan đường bộ mà bất cứ ai đi qua cũng muốn lưu giữ lại đôi chút hình dạng con đèo bằng ảnh, bằng thơ, bằng nhạc... và bằng tâm niệm.
       Với tổng cộng 125 khúc cua nguy hiểm (lưng phía đông thuộc Sơn la 60 cua; lưng phía tây thuộc Điện Biên 65 cua) của cả con đèo, thì có tới 30 cua của 6 km từ 391+700 đến 398+500 đặc biệt nguy hiểm với độ gấp khúc và độ dốc cao (12%) mà cua cung vườn là cua đầu tiên “mở màn” cho một cuộc cân não đối với bất kỳ ai, lúc xe tụt dốc. Phải nói là ơn chính sách, làm giảm hằng năm hàng trăm vụ tai nạn, đối với bất kỳ  phương tiện. Nhẹ thì húc vào ta- luy, xệ bánh, lật nghiêng...; nặng thì mất hút dưới hàng trăm mét vực đen ngòm với những mất mát thương tâm nhất và con số cũng đáng kể nhất (có vụ cả xe vài chục người mà không còn một ai sống sót, ngay năm 2003 có một xe của ngành ngân hàng từ trong TPHCM lên Điện Biên thăm quan, bị trật lái lao xuống bờ đông vực, mất hết).
       Như vậy, hơn lúc nào hết, đèo Pha Đin với độ dốc cực lớn (từ 10 - 12 %) với những vòng cua vừa gẫy, vừa tức dồn hơi 4-5 chiếc liên tục, lại thêm nhiều chỗ, nhiều đoạn mép đường nhựa chỉ cách bờ vực 2-3... gang tay, (ở km 378, 379,391...), vẫn mãi là một thách thức không riêng gì với các lái xe mà cả ngành giao thông đường bộ.
       Vài năm trở lại đây, qua đèo Pha Đin, (nhất là vào mùa mưa), người ta không còn bắt gặp từng đoạn 2 - 3 chục mét đường thụt lún, hay những vụ sạt ta - luy lớn, xe cộ không thể qua lại ngay được. Bên cạnh nhiều đoạn mép nhựa sát vực, đường đèo Pha Đin còn khá hẹp, lại  chưa có một con đường cứu nạn nào, dẫn đến việc xe chở nặng, lên dốc, tránh nhau dễ bị đứt hơi, bị tụt giữa dốc. Chính vì thế mà cung giao thông vườn đào thường trực ở trên lưng đèo vừa với nhiệm vụ quản lý và sửa chữa đường bộ, vừa “cấp cứu” ngay lập tức những chỗ thụt lún, xạt lở... để thông xe; nói chung tất cả con đèo, cung giao thông này đều làm tốt, trừ trụ sở của chính mình. Cua cung vườn đào (hay còn gọi là cua cây gạo, eo cây gạo) là một khúc cua gấp, độ vặn cua như một cú san - tô, vòng cua không rộng lắm, khiến cho xe lên cua thì vừa tức vừa tụt, xuống cua vặn xe dễ mất đà húc vào... trụ sở (là may, còn nếu không tụt thẳng xuống vực). Bức xúc về cung “vạ” vườn đào đã lâu, nhưng phải đúng vào 13giờ 30 phút ngày 15.4.2004 tôi mới “may mắn được tai nạn” ở đây để làm bằng chứng (ảnh 1) khi trước đó không lâu, trên km 388, cả rừng cây treo trên đầu tự dưng rung chuyển như có vết đứt gẫy quanh đâu; bỗng từ trên “mây bay” một tảng đá vừa tròn vừa to như một chiếc ... ô tô ầm ầm lăn xuống, chặt phăng qua đường, phía trước đầu xe, lăn xuống vực. Anh lái xe phanh giật đứng lại, một hòn đá vừa bé vừa dài không lăn mà phóng phập xuống đường, nằm chắn ngang lối đi (ảnh 2) khiến anh em phải loay hoay hàng tiếng mới vần nó xuống vực được.
       Thật là hú vía, anh lái xe vốn lên tây bắc đã nhiều nhưng lần đầu tiên được nghe người khách hàng vui tính kể chuyện về “tình yêu” của những cô gái, chàng trai người Thái, người Mông... ngây ngất khiến anh cũng ngất ngây theo tiếng pí, tiếng khèn rủ nhau, gọi nhau thì... ối lên một tiếng rồi đâm sầm vào bức tường của cung vường đào. Anh lái xe vội vàng bỏ chạy vì sợ qua lúc “tạm dừng” nó sẽ tiếp tục lao đi; còn tôi xót hàng, một mình hì hụi leo lên nóc xe thì nghe thấy tiếng vỗ tay, kèm theo đó là: “Lại một con cầy nữa chui vào dọ”, quay lại thấy 5-6 cán bộ công nhân viên cung giao thông phóng xe máy tới, chẳng ai  “cứu hộ” ai, một cán bộ (chắc là tổ trưởng) lập tức quay xe xuôi về thị trấn Tuần Giáo (Điện Biên) - nơi trụ sở Hạt đóng chân - còn lại kéo nhau vào cung ngồi tán gẫu. Chừng 30 phút sau, một vị tự giới thiệu là Hạt trưởng, một vị là thanh tra giao thông, từ Hạt lên “xin kiểm tra giấy tờ xe” rồi không cần đọc mà thả tọt vào túi: “Ai là nhà xe theo tôi về Hạt giải quyết.”. Bác chủ xe léo đẽo ra ngồi sau xe máy, theo hai vị trên về Hạt. Chừng một tiếng sau bác quay lại vừa mếu máo vừa khẩn khoản: “Nghe anh em nói chú là nhà báo, chú xuống xin giúp đi, có 2,5 m2 tường rào vôi vữa mà họ bắt tôi đền 6 tạ xi măng, 3m3 cát và 2000 viên gạch; vị chi cả công cán là 1.200.000đ. Lập tức bị một chị “lẻo mồm” “làm việc nấu nướng ở cung” khi được tôi hỏi nhất định không cho biết tên, chặn ngang: “Ăn thua gì, cuối tháng trước có một chiếc xe hàng đâm đổ mỗm 2 cột cổng phải đền triệu bảy, nghe nói là con ông to, cơ mà biển số ở xa”. Bác lái xe tuyệt vọng ngồi phệt xuống... đất đen ở cái cung đẹp như một bức vẽ, bác từ xa tới, chỉ tiếc chả còn tâm trạng nào.
        Không riêng gì một vài vụ trên, hàng năm, năm nào cũng có “vài con cầy máy” lao đầu vào dọ... vườn đào. Mà cũng lạ, chỉ chực chực, chờ ăn vạ; chứ không giống bất kỳ một cua nào, cua cung vườn đào có quỹ đất rộng (thế người ta mới chọn để xây trụ sở cung giao thông) mà không ai chịu mở cua. Cả đèo Pha Đin cứ hễ chỗ nào nguy hiểm là có tường phòng vệ mềm bảo vệ mà ở cua vườn đào lại không có, họ đang ngày đêm ngồi chờ tiền “ngu” của những “con cầy” số... chó. Từ thật sâu trong tiềm thức , người ta sợ cung “vạ” vườn đào như sợ giặc, vì thế mà chỉ sau vụ tai nạn của xe 34k - 7393 vài hôm, một chiếc xe hiệu TOYOTA chở 3 người, đánh tay lái tránh cung “vạ” rồi thản nhiên... lao sầm xuống vực. Thôi thì nhờ người không được đành nhờ giời vậy; và thật may là ở dưới vực sâu, chẳng ai cứu, 3 con người có số trời định ấy đã sống, chỉ có điều khi tỉnh lại thì xung quanh không còn gì, kể cả chiếc va ly chứa “cuộc du lịch” đang chờ họ ở Điện Biên Phủ (!).

        Nói tóm lại theo kiểu một bản báo cáo, công tác quản lý và sửa chữa đường bộ của Công ty 226 vài năm trở lại đây là rất tốt; nhất là năm du lịch Điện Biên Phủ 2004 lại càng tốt hơn. Tác giả vốn không định làm kinh động đến du khách hành trình về Điện Biên Phủ nên ngồi chờ suốt từ 15.4 đến nay, nhưng càng chờ càng đông khách đến. Chẳng to tát làm gì, chỉ mong ngành giao thông đường bộ Điện Biên dựng thêm ở cua cây gạo một bức tường phòng vệ, và nếu có xe nào lỡ... cung vườn đào hãy gia ân cứu khổ cứu độ, chứ đừng giăng bẫy “bắt cầy” để mất đi tiếng thơm của “vị chủ nhà hiếu khách” (như lời một quan chức tỉnh nói trong lễ khai mạc năm du lịch) mà tội cho người ta. Như vậy, thiết thấy, đấy chính là bước đầu rực rỡ thành công của một năm du lịch Điện Biên Phủ đón khách.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét