3 tháng 3, 2013

KỲ VĨ PHA ĐIN


Bút ký
         
          Mùa xuân đã ngưng lại trên những quả ban, dưới cung đường tất bật đè nặng lên những chiếc gầu xúc, những thảm mìn giăng dọc hai mái núi; đánh lật từng mảng taluy đất, đá xuống để cho con đường ngoắt ngoéo, quoanh co, xếp tầng trên núi Pha Đin thấp xuống, rộng ra, thẳng hơn và ngắn lại; góp phần cùng cả con đường 6 phục vụ kịp thời mục tiêu chiến lược phát triển của vùng Tây Bắc với các vùng khác trong cả nước, cũng như với quốc tế...
       Ngoài yếu tố lịch sử, đèo Pha Đin (nằm trên QL6, đoạn từ km 366 - km 398, thuộc địa phận 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên) trước giờ vẫn là huyết mạch, đem lại những thành tựu lưu thông và cân bằng xã hội to lớn; giúp các tỉnh sau lưng phô trương tầm vóc biên giới, núi cao, rừng sâu, đa sắc tộc và nhiều lạc hậu ngày một thu hẹp khoảng chênh với các tỉnh miền xuôi. Thế nhưng, ngay cả những người Mông, người Thái cao tuổi nhất sống ở hai bên lưng đèo, và cả những bậc trưởng bối trong ngành giao thông cũng không xác định nổi con đường len lỏi, gập gẫy trong mây, vừa hùng tráng vừa kỳ quan kia có tự bao giờ. Từ lúc họ biết nhìn, biết nghe đã thấy con đường cõng nhau, chạy xoắn đến chóng cả mặt qua núi vách đất - theo phương ngữ Thái đen, Pha Đin có nghĩa là vách đất, chứ không phải là trời đất gặp nhau (Phà Đin); bởi ngay Tuần Giáo, Pha Đin cũng chỉ xếp thứ tư về độ cao, hơn nữa đã trời đất gặp nhau thì phương tiện chinh phục duy nhất chỉ là những đôi bàn chân gang sắt chứ không thể là chỗ cho những chiếc lốp cao su leo trèo bằng động cơ; chính vì thế mà tôi thiên về những cái vừa được diện kiến.
           Hồi đầu, theo cách hiểu truyền thuyết, Pha Đin chỉ là đường ngựa tuần, thông lưu giữa Châu Thuận và Châu Tuần Giáo. Trước khi được người Pháp dùng cơ giới và các phương tiện hỗ trợ hiện đại vào loại bậc nhất lúc đó, ủi rộng ra thành một quốc lộ đất dài hơn 500 km Hà Nội - thị xã Lai Châu và đặt tên là quốc lộ 6, phục vụ mục đích cai trị, thì rất nhiều đoạn do người dân sống hai bên bờ vực dùng tay mở bằng một loại “thước đo” độ dốc là những con… ngựa: “Nếu chúng kéo được 30 kg leo lên được tức là chiếc xe 300 mã lực trở đầy hàng lên được!” Gọi là quốc lộ song mới chỉ nôm na hình vóc, chật hẹp và nguy hiểm. Thưa thớt xe người không đủ át đi cây cỏ và sự biến dạng địa tầng. Theo thời gian nhiều đoạn tự thân sụt lở, co thắt và lu mờ về hiện trạng ban đầu của một con đường mòn cheo leo, rậm rịt. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, một lần nữa đèo Pha Đin được hàng vạn dân công hoả tuyến san cuốc thành con đường kéo pháo, dịch chuyển chiến lược của bộ đội và tải lương chính từ các tỉnh Sơn La, Hoà Bình vào tới Thanh Hoá... . Trong thời gian ngắn này, đèo Pha Đin đã trở thành bản hùng ca bất diệt, được cả thế giới biết đến, với hiện thân như một chiếc cầu bất chấp mọi sự trĩu nặng của hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, được chuyên trở bằng “vua” của những phương tiện vận tải là những chiếc xe đạp, chỉ trong vòng hơn một năm. Một tấm khiên che đạn chắn bom. Một chiến xa khổng lồ chuyên tải cả một sức mạnh dân tộc. Một cơ thể thương binh và bi tráng, mang đầy thương tích của hàng ngàn tấn bom đạn do giặc Pháp trút xuống suốt 48 ngày đêm, nhằm ngăn chặn “cuộc lật ván” tháng 5 ở Điện Biên Phủ. Hôm nay đi qua, dừng lại mà nghe thấy từng mảng đất đỏ ối vỡ phọt ra, hoà vào máu của hàng trăm chiến sĩ thanh niên xung phong, bộ đội và nhân dân các dân tộc… đã anh dũng ngã xuống cho Pha Đin được hùng tráng muôn đời.
           Pha đin không chỉ đẹp ở thiên cảnh núi non trùng tít của một cao nguyên vùng Tây Bắc, pha vào màu xanh ánh sóng của lớp lớp đồi bát úp cỏ gianh, màu tím ngát chiều của ngàn mua, trắng tinh khiết của hoa ban, hoà cùng mây thấp làm nền cho vẻ đẹp kim tuyến kiêu oai của những tia nắng non, xuyên thủng từ trên trời cao vợi xuống; mà còn đẹp bởi ở đây có một con đường đất đỏ chồng chất cua và tầng bậc dốc mà theo cụ Nguyễn Tuân thì nó giống như Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc bởi sự “gập góc trùng điệp”, với đất “rực lên cái màu đỏ gạch nung già”; xứng là “kỳ quan của miền Bắc và cả nước”. May mắn được sinh ra dưới chân đèo, mỗi bận dỗ tôi, cha ngửa cổ chỉ lên trời - nơi có những “con ma” sáng đục màu đất, dập dờn uốn lượn mà doạ, rồi chờ đến mãi đêm sau vài chiếc xe quân đội, xe mậu dịch chuyên chở gạo, dầu, vải, muối... lên cho vùng cao, biên giới chạy qua. Mãi sau này tôi mới biết những “con ma” ấy là những chiếc đèn gầm tránh máy bay Mĩ của lái xe, mà chỉ có thể nhìn ngược lên mới thấy. Pha Đin trước kia - khi còn nằm trong hệ thống phân giới hành chính của Pháp vốn là “của riêng” tên vua Thái khét tiếng Đèo Văn Long với những giết chóc, phu lính, thuốc phiện, buôn bán gái, bạc trắng và nô bộc… . Bắt đầu từ xã Phỏng Lái (Thuận Châu - Sơn La) đến xã Tỏa Tình (Tuần Giáo - Điện Biên) nằm trong sự cai quản của một đồn điền gồm những tên tiểu quan đầu bò mặt ngựa, cung cúc cả phần hồn lẫn phần xác cho chủ, sử dụng hàng trăm lao phu, ngày trồng và thu hoạch thuốc phiện, đêm cướp bóc, hiếp dâm rồi làm gián điệp cho Pháp. Cứ thế nửa năm một lần, tên vua gian ác vừa dùng xe Tây, vừa dùng ngựa ta từ dinh thự bên bờ sông Đà ở thị xã Lai Châu xuống, lặc lè mang thuốc phiện, gái và bạc trắng đi. Thuốc phiện thì để đầu độc và khống chế “tay sai”, gái về bổ sung vào các vòng xoè, thậm chí làm… đệm cho bọn tạo, phìa nằm ngủ. Mãi tới khi có phong trào cách mạng Việt Minh, đồn điền vua Thái và cả bốt Mường É - Pha Đin, của Pháp với 50 lính Tây và 100 tên lính Thái bị tan rã, Pha Đin mới được trả về với vẻ đẹp kiêu hùng vốn có.   Vào thời kỳ nổ ra chiến dịch Điện Biên Phủ, đèo Pha Đin là một trong ba con đường chiến lược, cùng với đường 42 (qua cửa khẩu Tây Trang sang Lào) và đường 4D đi thị xã Lai Châu, qua Phong Thổ sang Lào Cai… góp phần làm nên chiến thắng chấn động hoàn cầu. Đến thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mĩ - Diện, đường đất trên Pha Đin hẹp và dốc, xe thường đi đêm nên phải mất ít nhất hai ngày mới qua nổi những hố bom, những đoạn đường sạt đầy cây và đá; ấy là chưa kể gặp nhau, một chiếc lùi, một chiếc tiến tới cả chục km để tìm được chỗ đủ rộng mà tránh. Khi Pha Đin còn là một con đường đất, ngoài sự trở che của rừng, của mây mù, của gió… thì phương tiện “cấp cứu” và liên lạc duy nhất là những chiếc xe quyệt trâu kéo và những cú phi nước kiệu dai dẳng đến hoang dã của những con ngựa thả rông, được các thanh niên người Mông thuần phục. Còn bây giờ, giữa mênh mông rừng núi, ngoài tấp nập xe cộ, ta còn bắt gặp sự chinh phục Pha Đin bằng “căng hải”, bằng chiếc xe có động cơ là đôi chân người…, tất cả có sự tiếp sức của sóng điện thoại di động, của nhà nghỉ Hương rừng, và của những tấm lòng dân giã, định cư rải rác trên từng vệt xanh. Trước kia, Pha Đin chỉ tồn tại như một bức tường chắn, gây nhiều tổn thất cho ngành giao thông thì bây giờ, nhờ có Pha Đin mà làn sóng của Đài tiếng nói, Đài truyền hình được nối tiếp đi đến tận cùng đất Việt; nhờ có sự chất ngất của Pha Đin mà việc biết trước “tính nết” của ông trời, giúp cho cả vùng Tây Bắc biết nên gieo hạt vào ngày nào, để ngày nào gặt về mùa bội thu…
        Ước mơ chinh phục con đèo được tôi nuôi cấy đến hơn 15 năm sau, khi mà đôi bàn chân đủ to để theo kịp con nai, đôi vai đủ để vác thi cùng con trâu đực, và tôi đã thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ bện kết giữa lịch sử và thiên nhiên của nó. Về mùa quả chín, con đèo vẫn gần như cả ngày ngập trong sương mù. Mưa đầu mùa và những cơn gió lốc cũng bắt đầu giật từ tây lại. Khách qua đường mượn ánh đèn vàng của chiếc xe leo dốc, nhìn xéo vào hai bên vệ núi bắt gặp từng đống quả chất gọn gàng trong những chiếc quán lá. Từ đặc sản đào mèo, mận hậu, sơn tra đến đủ loại dưa nương được những cô gái Mông không ướt sũng vì mưa thì cũng ướt vì sương bày bán bên cạnh những điệu kèn môi, kèn lá… và những ánh mắt “muốn lập gia đình” của những chàng trai si mê ngồi từ đằng xa “thổi” lại. Dọc suốt hai bờ dốc, từng đàn trâu, bò, dê, ngựa được bọn trẻ dong đi có khi tắc cả bước chân người qua lại. Cá trên đỉnh Pha Đin vốn ít như nước ở đây, không béo, nhưng lại được dân sành ăn lặn lội từ thị trấn lên gần 20km để mua về làm nhúng, làm gỏi bởi vị ngọt và khả năng “tăng lực” hiếm thấy, mà theo họ có lẽ trong từng thớ cá săn chắc có ngấm thứ nước vú đá vôi lạnh buốt và nhựa của hàng trăm loại cây dược liệu mọc trên đỉnh núi.
         Hôm nay, ngồi lặng hàng giờ chờ tắc đường mà nhìn sự hối hả đất đá của dự án nâng cấp QL 6 giai đoạn 2, dài 85 km thị xã Sơn La - Tuần Giáo (sau giai đoạn 1 Hoà Bình - thị xã Sơn La, kịp thời phục vụ công trình thuỷ điện Sơn La), thấy chẳng thua gì cách nay 52 năm. Chỉ khác là tấp nập máy móc, những điểm mìn vang dậy thay thế cho cả rừng người thầm lặng, sở hữu hàng vạn tay cuốc, hàng vạn lưỡi xẻng, hàng vạn chiếc xà beng bị búa tạ nèn bùm bụp và gốc cây, vào vách đá văng lửa xanh lè. Chỉ khác là ngày ấy mở đường trong bom đạn và chết chóc, còn hôm nay con đường được “lên cấp” trong sự cổ vũ, reo hoan và chờ đợi. Khác nữa là ngày ấy làm để giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc thì bây giờ con đường đưa dân tộc, đưa tổ Quốc lên hàng giầu có và hùng mạnh. Con đường vốn bao năm sau chiến tranh vẫn trung thành với yếu tố lịch sử hơn là ý nghĩa kinh tế, thì từ nay được “tung hoành” cùng đường 5, đường 1, thậm chí cả đường mòn Hồ Chí Minh… trong sự nghiệp phát triển đất nước. “Pha Đin mới” đã “rút gọn” tối đa từ 125 khúc cua đặc biệt nguy hiểm trên suốt chiều dài 32,1km xuống còn 60 cua - 26km; với độ rộng vòng cua là 60m, gấp 6 - 8 lần đường kính cong của các cua cũ. Đáng chú ý hơn nữa là độ dốc “bị chặt” xuống 8% thay vì 10 - 12% trước đây. Bề rộng mặt đường cũng tăng gấp đôi, giúp cho vận tốc xe nhanh gấp 4 lần so với 10km/giờ, và an toàn gấp hàng trăm lần con đường cũ; đáp ứng được những chiếc xe chuyên tải có chiều dài thùng hàng chục mét chứ không chỉ là “miniôtô” chạy vật chạy vã mới được vài tấn hàng lên cho cuộc sống thiếu thốn vùng cao. Pha Đin ngày mai đi qua thấy nhàn, thấy tiện mà nghĩ rùng mình cho hôm qua. Sự kinh hoàng “ký sinh” vào giây thần kinh sợ hãi của các lái xe, kéo dài tới mấy thập kỷ. Bình quân mỗi năm, “chiếc cối xay” Pha Đin “nghiền” tới vài chục vụ; vụ nhỏ một người - một xe, vụ lớn vài chục người - hai xe, mà đã lỡ lái ở Pha Đin thì hầu như không có vô sự. Đại loại nhân kỷ niệm chiến thắng ĐBP lần thứ 45, một chiếc xe ngành ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh lao xuống lưng phía đông Pha Đin mất hơn chục người; 5 năm sau một chiếc Toyota chở 3 vị quan khách ở một tỉnh miền Trung lao xuống lưng đèo phía tây khi tránh cung vườn đào, có lẽ lịch sử Pha Đin có vụ này là không tiền lệ. Dưới vực sâu, ba con người có số trời định ấy đã sống, chỉ có ba chiếc va ly chứa đựng cuộc du lịch ở ĐBP thì không cánh mà bay(!)
         Vài năm trở lại đây, việc hạn chế tai nạn trên Pha Đin là một kỳ tích. Gần như suốt chiều dài con đèo là những khúc cua nằm gọn trong chiếc gương cầu, và vặn như một cú santô luôn là “những trận đánh” đối với các tài xế. Khi lên thì tụt mà khi xuống thì trôi. Bằng nỗ lực hết sức của một tỉnh “xếp hạng ngoài 60” (tính từ giầu xuống nghèo của cả nước), một loạt tường phòng vệ mềm, phòng vệ cứng, gương cầu, biển dẫn nguy hiểm… được đầu tư, lắp đặt. Đằng sau sự an toàn cho một cung đường đẹp vào loại bậc nhất nước này là sự “lên gồng” của một tỉnh. Đằng sau việc nâng cấp một quốc lộ là chiến lược không chỉ ở Quốc nội mà còn có hiệu ứng Quốc tế của Nhà nước trong phát triển kinh tế, mà to tát và xa xôi là thuỷ điện lớn nhất Đông nam á (Sơn La), là cửa khẩu Việt – Lào (Tây trang - Điện Biên), cửa khẩu Việt - Trung (Ma Lù Thàng - Lai Châu)…; gần thì ngay tại xã Toả Tình (Tuần Giáo) nằm trên đỉnh Pha Đin, sẽ không bao giờ còn những Lầu A Tủa, Lý A Chư, Giàng A Lầu… xác xơ, tàn tật bởi dư âm “cơn bão” trồng và hút thuốc phiện của tên vua Thái gieo rắc lại. Khi biết mắc rồi, không sửa chữa được rồi vì quyết không để “bẩn bản” vì lời thề chém đá: “Thằng nghiện là hũ măng thối của nhà, chậu nước đái của bản và chuồng phân của đỉnh Pha Đin” nên đã rủ nhau xuôi 20 km xuống nghĩa địa Tuần Giáo từ lúc là “những con ma sống” cho đến khi thành “những con mà chết”, trong vòm những ngôi mả. Đằng sau sự nâng cấp của con đường là ý nghĩa lịch sử cho quần thể di tích quân sự Quốc gia ở ĐBP. Và đây cũng là cơ hội nâng cao nhận thức, thái độ xã hội của hàng vạn người dân trí thấp sống leo vào biên giới. Trong đó có hàng ngàn người vẫn chìm trong mông muội và tả tơi bởi trò lừa phỉnh của bọn Vàng Chứ, mà trong quá khứ đã từng “đóng góp” hàng trăm mạng người do “tập bay”; do “tự sát” để được lên trời; do đói rét, bệnh tật… cho một “vương quốc tự trị” viển vông; một “suất đất trên trời” hão huyền; một thứ “phép thuật” không bao giờ biến được bông lau thành bông lúa, hòn đá nhỏ thành lợn gà, hòn đá nhỡ thành trâu bò, hòn đá to thành nhà cửa…
          Nhưng nếu vì thế mà thế hệ tương lai không còn lưu ý tới lịch sử bi hùng của con đèo đất, hay những vòng cua như gẫy gập vào thân đường vô tình tạo nên một cảnh quan hùng vĩ có một không hai thì thật lấy làm tiếc lắm. Vì thế mà trên con đường dẫn tới Điện Biên, có người từng nói: “Suốt dọc từ Hà Nội lên, đang say mềm gặp phải Pha Đin thì bừng tỉnh bởi vẻ đẹp nữ hoàng của núi non, đặc biệt là những cung đường như những con trăn trằn mình quanh eo núi”. Bằng lương tâm của một người ưa cái đẹp, xin gửi bài ký này đến tất cả những ai yêu quý, tôn trọng và cân bằng vẻ đẹp bề thế, kiều diễm và tráng kiện của những cung đường đèo cũ với lợi ích thiết thực và cần kíp của con đường đèo mới, để mãi mãi trong tâm thức mọi người dân Việt Nam vẫn tồn tại song song hai lợi ích lịch sử và hiện tại; giống như mây trắng và nắng hồng dù thế nào thì chúng vẫn mãi bay trên đỉnh núi vách đất, mặc ai đó cho là vẻ đẹp phù vân./

Pha Đin 03.03.2003


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét