Bút
ký
Đèo Chiềng Đông chẳng còn âm tiếng súng. Ngã ba Cò Nòi
giờ không còn lấp láp sau bạt ngàn lau và thấp thoáng ban, mà nao nao, mà sừng
sững và thanh bình bởi có oai linh của những chiến sĩ thanh niên xung phong
ngày đêm đứng thức, như thể canh cho Tây Bắc ngủ. Trời Cò Nòi tháng này ba mùa.
Từ nửa đêm đến chín giờ sáng là mùa đông, trưa chiều là mùa hè, còn lại là thu.
Heo may se sẽ, gai ốc mơn man khiến những mặt bằng bê tông thô cứng và choáng
ngợp ở ngã ba đèo mềm ra như da con gái đang nói lời của mây, của gió…
Dưới chân tôi đứng,
chỉ tính riêng chiến dịch Điện Biên Phủ thôi thì bom đạn Pháp cũng đã làm tan
chảy tất tật đất, đá trộn cùng với máu của 100 thanh niên xung phong thuộc hải
đội 34 và 40, đoàn thanh niên xung phong Trung ương, đổ xuống vĩnh viễn. Để có
được chiến thắng như một tiếng cảnh cáo thế giới của những kẻ xâm lăng, những
siêu cường súng đạn… cùng với hàng vạn bộ đội chủ lực, có 15 ngàn thanh niên
xung phong hành quân lên Điện Biên Phủ. Trong những năm đầu còn non trẻ và mỏng
manh của các lực lượng vũ trang nên, trong chiến dịch này, hơn 6 ngàn thanh
niên xung phong đã chuyển sang trực tiếp cầm súng, còn lại hơn 8 ngàn người làm
nhiệm vụ phục vụ chiến đấu dọc quốc lộ 6, từ ngã ba Cò Nòi lên đến Điện Biên. Chỉ
với hai điểm là km 276 gã ba Cò Nòi và km 398 đèo Pha Đin mà đã có hơn 300 cán
bộ chiến sỹ thuộc các lực lượng thanh niên xung phong ngã xuống. Đáng buồn là
từ đó đến nay, mới chỉ có ngã ba Cò Nòi được UBND tỉnh Sơn La đầu tư 20 tỷ
đồng, xây dựng một khu tưởng niệm tầm vóc, tương xứng với sự hy sinh oanh liệt
của các liệt sỹ thanh niên xung phong; sau đó được Bộ Văn hóa thông tin xếp
hạng “Di tích lịch sử quốc gia”. Còn ở km 398 Pha Đin (Điện Biên) thì mới chỉ
có một tấm bia bê tông nhỏ như tấm bia mộ cá nhân, nhưng là do các cựu thanh
niên xung phong thủ đô thương xót đồng đội mà cắm xuống; còn hàng rào thép gai
là của một đơn vị giao thông thấy trẻ chăn trâu hay vào đập phá nên tiện lúc mở
đường, đã rào lại.
Chắc chắn một điều, cho đến tận hôm
nay, và có lẽ mãi mãi mai sau, ngã ba Cò Nòi sẽ còn in đậm dấu son lịch sử ấy
và, vẫn sẽ còn được gọi một cách rưng rưng là “NGÃ BA HY SINH”, hay “NGÃ BA
THANH NIÊN XUNG PHONG”; cùng song hành với những cái tên quen thuộc, bản ngã và
định vị: ngã ba Chiềng Đông, ngã ba đèo…. Không xa lắm, ngang vai đèo, ngã ba
là nơi giao cắt nhau tại km 276 của quốc lộ 6 (Hà Nội - Hòa Bình -Sơn La - thị
xã Lai Châu {nay là thị xã Mường Lay thuộc tỉnh Điện Biên} ) và quốc lộ 37 (Hà
Nội -Sơn Tây - Phú Thọ - Cò Nòi, Sơn La). Con đường được trang hoàng và rầm rộ
nhất là thời kỳ giữ vai trò của một đường tránh công trường cải tạo quốc lộ 6
(2003 - 2004), giờ chủ yếu phục vụ nội tỉnh giữa thị xã Sơn La (nay là thành
phố Sơn La) với huyện Bắc Yên và huyện Phù Yên. Thoảng hoặc có một chuyến xe
trống toang hoác đi Việt Trì - Phú Thọ. Con đường giống một nét bút nhờ đục,
lắt lẻo như không còn được tựa vào đâu cả, đến ngã ba Thu Cúc (Thanh Sơn – Phú
Thọ) thì chạy thẳng xuống Việt Trì là đáo bến, chứ không rẽ theo con đường
chính là quốc lộ liên tỉnh số 13 được nhân dân ta mở mất hơn bảy tháng, ngay
trong kháng chiến chống Pháp, từ ngã ba Cò Nòi sang Bờ Đậu Thái Nguyên; nối
liền sông Công, sông Phó Đáy, sông Lô, sông Chảy, sông Thao bên Việt Bắc với bờ
bên này sông Đà của Tây Bắc. Đứng từ đỉnh đèo, gửi tầm quan sát đi xa hút tắp,
thì thấy cứ đà này, cứ sự quan tâm này, nhất định không xa đâu, con đường lịch
sử ấy sẽ trở thành con đường thông thương quan trọng không kém gì quốc lộ 6,
bởi hiện nay Tây Bắc và Việt Bắc chủ yếu nối nhau bằng thủ đô Hà Nội. Trên đèo
Chiềng Đông, khi còn chưa nhìn thấy gì đã nghe xa xa, hình như vọng kỹ từ trên
mây xuống một thứ gầm gừ mơ hồ, lúc trong lúc đục. Lâu lâu lại một hồi dài the
thét vang lên, dúi dụi vào mái đèo, rồi mới rơi cái tùm lên nửa tầng sinh
quyển. Người ở đèo quen, biết đó là tiếng xe gồng mình tránh vực, thi thoảng oa
còi báo cho chiếc bên kia cua, và ngược lại. Hai luồng cảnh báo dội vào nhau
như tiếng cọ nanh, kèm cả tiếng ghì gầm của động cơ leo núi, khiến người ta
rùng mình mường tượng tiếng giằng xé, nhai phá song sắt của lũ hổ đói đang bị
cần cố ở Chiềng Đông, một thời được bọn thực dân nuôi bằng thịt của những trí
sỹ và những chiến sỹ cách mạng yêu nước. Cùng đó là phong trào tàn sát man rợ
nhất trong lịch sử giết người của thực dân ở bán đảo Đông dương, đó là kêu gọi,
khuyến khích dân ta giết… dân ta: “Giết người kinh để lấy muối, giết người Thái
để lấy ruộng, giết người Mèo để lấy thuốc phiện”…
Đèo Chiềng Đông chỉ độ già sáu cây số,
thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) - xã được Nhà nước phong tặng
hai lần anh hùng: “Anh
hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Pháp” và “Anh hùng lao động trong
thời kỳ đổi mới” (năm 2000). Xã Cò Nòi có thu nhập bình quân đầu người cao vào
loại bậc nhất tỉnh (6,7 triệu/người/năm - năm 2004), đây cũng là xã đầu tiên và
duy nhất, tính cho đến lúc này (12.2005), có đất đạt 50 triệu/ha của khu vực
Tây Bắc. Bông, mía, chè, bò sữa… nhưng chủ yếu vẫn là ngô. Ngô Cò Nòi xuýt xoát
bằng nông trường Chiềng Sung, mà theo thống kê nhiều năm, sản lượng lương thực
của nông trường cùng huyện này bằng cả một huyện đứng thứ hai tỉnh, là huyện
Sông Mã. Tuy nhiên, đấy là việc của mới đây. Trước kia, ngô Cò Nòi trồng như để
ăn vạ nước trên trời và dỗi dằn màu dưới đất, với một mong muốn đủ ngày hai bữa
bung vôi, bởi làm nhiều cũng không bao giờ bán được. Cả năm, cả người, vài ổ gà
ri - giống gà nhỏ, ăn rất ít để còn bay như gà rừng và con lợn lão niên, thì
cũng chỉ vài chục bao ngô bắp, nhờ những con ngựa xương nhiều thịt ít thồ về là
no cả năm. Giờ khác rồi. Cả xã với 3.096 hộ, 14.204 khẩu thì có tới 98% bán mặt
cho 1.900 ha đất nông nghiệp, vốn luôn được coi là sự sống duy nhất của các thế
hệ nông dân. Nhà neo người cũng làm ra vài chục tấn ngô bắp, tương đương bốn,
năm mươi triệu đồng/năm, ấy là chưa kể những nhà nhiều đồi, thuê công nhân làm
tới cả trăm tấn. Ngô Cò Nòi hầu như không mất mùa bao giờ, lại được giá vào
loại nhất khu vực, nên người ta thường chọn làm nơi chuẩn giá.
Cò Nòi thuận thiên vậy, nên cơ giới
cũng nhiều nhất, tính ở cấp độ xã của Tây Bắc, với 230 chiếc xe ô tô đặc chủng
các loại. Loại “3 cầu”, “cài súp”… chuyên giật từ vùng sâu ra, mà người dân
quen gọi là hung thần đường đất. Bất chấp những con đèo dựng như chạy vào trời
xanh, những quanh cua gấp như khúc dồi lợn, hay những con đường vừa lầy vừa
thụt như đầm hoang… vẫn cứ trèo, cứ lội ngon như đi vào gara. Từ khi có những
“đại xa” ấy, những con đường bầm dập đến tận cùng gốc củ, làm cho các loại xe
khác, cứ có tí mưa bay là hộc lên ằn ặt rồi tắc xăng, hóc số. Những vết xé nát
mặt đường chằng chịt, dài tít tắp do “cầu”, “súp” đào khoét suốt mùa mưa đang
ngày một sâu hoắm, trở thành những giao thông hào, những mương phai xa hun hút
vào mãi vô cùng, mà đến mùa khô, nếu phải sửa thì khoản kinh phí chẳng thua gì
làm một con đường mới. Hiện thực là, đường càng xấu, càng cách trở thì nông sản
bán ra càng hạ, hàng dân dụng mua vào càng đắt. Người ở trong cần vải vóc, gạo,
dầu… để sống; họ trao đổi với người ngoài thị những thứ cần cho công cuộc làm
giầu như ngô, thóc, sắn… Chỉ buồn là cái họ bán ra bao giờ cũng rẻ bằng nửa, mà
cái mua vào lại đắt gấp đôi. Nhưng nói đi thì phải nói lại, nếu không có đội
ngũ “phá đường” này thì thành quả lao động của mấy huyện với vài chục xã, vài
trăm bản vùng sâu vùng xa khu vực huyện Mai Sơn, Yên Châu, Sông Mã… chỉ biết
“rụt” về thời mỗi nhà chọc lỗ vài sào; trừ khỉ tha, sóc vặt còn vài tạ đủ bung,
đủ độn, đủ nuôi con lợn làm nhà, cưới con… chấm hết!
Xe còn gầm gừ, người còn giằng giá,
đường còn hỏng cho tới khi nào ngô được gom sạch như lau về hơn hai trăm chiếc
kho kiên cố hơn cả nhà ở. Cái nhỏ cũng có năng lực lưu trữ, bảo quản trên ngàn
tấn. Ngô được các ông bà chủ ở đây, bằng phương tiện kết nối không gian tối
tân, những thông tin cần thiết về cả chất và số lượng được chuyển đi tới tận
bàn giám đốc những công ty xuất nhập khẩu, những nhà máy sản xuất thực phẩm,
nhà máy chế biến thức ăn gia súc, hoặc những thị trường chăn nuôi lớn trong
nước và ngoài khu vực. Từ đó các loại giá cả được định hình, và cũng từ đó,
những chiếc xe chuyên dụng đường trường “3 chân”, “4 chân”… vào cuộc với nhiệm
vụ tháo ngô về đồng bằng, cái rẻ trị giá vài chục triệu, cái đắt lên tới 600
triệu, có thể vận chuyển một lần 40 tấn ngô mà vẫn chạy… trên tầng cây số.
Chiếc xe nữ hiệu Futrure II hẳn là không phù hợp với con đường dẫn
vào xã vùng sâu Phiêng Pằn toàn hầm, hố sâu cả mét do anh zin 57 mới đào (mỗi
bận ban - ti - nê là nó lại
đào một thông hào). Đá, sỏi ném vào yếm, xót bôm bốp. Bánh sau bánh trước, đất sét
cố định như vít bu long, không tài nào dắt đi được. Đang khóc dở thì gặp anh
Nguyễn Minh Quang, thường trú tại tiểu khu 1, xã Cò Nòi - chủ một đại lý ngô
vào loại nhỏ nhất trong các đại lý, kiêm đội trưởng đội “113” của xã. Được anh
cứu hộ, vừa đi gom ngô vừa nói chuyện 113 - Đội quân 6 người của anh: “Không
lương đâu, nhưng cũng oách. Ai muốn vào phải đáp ứng ba điều kiện: có xe máy,
có điện thoại di động và phải “thừa thời gian” để sẵn sàng có mặt bất kỳ ở đâu
trong địa phận 34 bản, tiểu khu thuộc xã, vào bất kỳ lúc nào cần đánh án”.
Thường trực chiến đấu 24/24 như một các chiến sĩ an ninh thực thụ, bên cạnh lực
lượng gồm 34 công an viên, quản lý 140 đối tượng nghiện hút chuyên tổ chức hút
chích, buôn bán ma túy và trộm cắp, trấn lột, lừa đảo… Rồi còn nhiệm vụ theo
dõi 48 đối tượng đang tập trung cải tạo tại các trại giam trong cả nước; giúp
đỡ, giáo dục 13 phạm nhân hình sự mãn hạn tù, 7 đối tượng tù chính trị tha về…
Riêng năm 2005 giải quyết trên 50 vụ cả hình sự, cả dân sự xảy ra trên địa bàn,
đưa hàng chục đối tượng phạm pháp nguy hiểm ra trước vành móng ngựa. Đội cơ
động 113 Cò Nòi còn phối hợp với các cơ quan chức năng trấn áp thành công nhiều
vụ đặc biệt nghiêm trọng, điển hình vụ Tráng A Thái và Giàng A Sáng bản Nong
Mòn, khi bị phát hiện buôn bán ma túy đã dùng súng K54 và lựu đạn chống trả
quết liệt; hay phối hợp với Phòng cảnh sát ma túy, Công an tỉnh Sơn La bắt giữ
thành công 2 đối tượng Quân - Tuyển, thường trú tại tiểu khu 10, huyện Mộc
Châu, thu giữ 15 bánh heroin ngay tại chân tượng đài tưởng niệm thanh niên xung
phong… Hết chuyện tội phạm, anh Quang chuyển sang chuyện ngô: “Ở nơi nào không
biết nhưng riêng Cò Nòi không bao giờ sợ ế ”, chỉ: “Lãi ít hay lãi nhiều và lỗ
nhiều hay lỗ ít thôi”. Đúng vậy, nông trường Chiềng Sung có những năm ngô thu
về cất trữ trong những chiếc kho lớn như thể phải xẻ cả một quả đồi rừng làm
mới đủ, để chờ… mọt. Thu ráo từ cuối tháng 9 đến tận năm mới mà chưa có ai vào
mua. Những con ngựa thồ cúc cắc hết tháng này sang tháng khác cũng chỉ đủ đưa
ngô từ 6 - 7 km trên núi cao về kho, chưa đột quỵ thì làm vài chuyến từ nhà,
vượt ngót 3 chục cây số với hơn mười con dốc lớn nhỏ ra thị trấn Hát Lót (thị
trấn huyện lỵ Mai Sơn) là bán ngô, bán luôn cả thịt ngựa. Lấy gì chở đi 4 - 5
trăm cây số? Lại thêm một khoản bù lỗ vận chuyển, khuân vác… cao gấp 5 - 7 lần
chuột, mọt ăn đi, thì chẳng thà vứt thối là thượng sách(!) Những mùa sau đó có
đến 70 - 80% số hộ nghèo không chịu được nhiệt đã tranh thủ bán non, khi ngô
vừa gieo, với giá bằng nửa ngô già: “Cho chắc ăn!”. Ở Cò Nòi thì khác. Chủ tịch
UBND xã Lò Văn Thái tính toán, hàng năm chỉ có 20% số hộ sản xuất trữ được ngô
để bán tận ngọn, còn lại sống nhờ cả vào đại lý; thậm chí còn nhận tiền tiêu
trước vài tháng, để rồi: “Nhớ bán cho tôi nhé”. Các đại lý khi trúng mánh cũng
chỉ cần 200 đồng/kg ngô hạt, thế là trừ chi phí vận chuyển, xay xát, thuê công
nhân… đã lãi 50.000 đồng/tấn. Mỗi nhà có từ 1.000 đến 10.000 tấn là no kỹ cả
năm.
Thị
tứ Cò Nòi cách ngã ba đèo non 3 km về phía Sơn La, tức là xa Hà Nội hơn. Cũng
nhờ có ngô mà nhà tầng, nhà kho, nhà xe… chưa đầy thập niên, được xây dựng bề
thế ở những vị trí đẹp, bám chặt vào mặt lộ 6. Nhà cửa vươn cao san sát, úp lấp
tất cả những thôn tranh, ao vườn vốn kém hội nhập. Mọi làm ăn với thế giới bên
ngoài được giao dịch ngay trên ngưỡng cửa. Nhưng rồi sự tính toán xa xôi, hữu
dụng được vài năm bỗng chỉ còn là tính toán kể từ khi có dự án nâng cấp quốc lộ
6. Trước phục vụ thiết yếu công trình thủy điện Sơn La, sau là công cuộc cải
cách kinh tế, văn hóa cho các dân tộc vùng Tây Bắc. Tất cả nằm trong liệu pháp
tiết kiện quốc khố, tiết kiện chi phí đường đi cho các phương tiện, mỹ quan và
khả dụng, quốc lộ 6 được nắn sang một hướng khác, thẳng hơn nhưng bỏ thị tứ Cò
Nòi xa hơn. Đoạn quốc lộ sầm uất cũ cong như cái liềm rơi, lâu không được nâng
cấp trở nên lở loét lem nhem, thụt lún bậc khấc. Những người xưa từng một thời
hành quân qua, từng đóng quân lại Cò Nòi, bất luận từ hướng cao nguyên Mộc Châu
hay Tạ Khoa, Chợ Bờ, Suối Rút… ngồi xe dễ vượt quên Cò Nòi mà không biết, nếu như
không tinh mắt nhìn tấm biển đường, chỉ rẽ: “Cò Nòi (…) km” đóng ở hai đầu. Con
đường 6 vừa rộng, vừa phẳng như trải thảm. Vẫn biết so sánh là khập khiễng,
ngay cả những con đường với nhau thôi thì đường 6 chưa làm người dưới đồng bằng
lên phải ngạc nhiên, bởi cấp loại này họ đã quen từ ở huyện nhà, thập chí xã
nhà; nhưng trên Tây Bắc dân mừng lắm, mừng đến độ họ quên ngay cái thời đi nửa
tháng, rồi một tuần, rồi hai ngày, rồi 24 tiếng nếu muốn về Hà Nội, vì giờ đây
tính từ Cò Nòi đi mất chưa đầy 6 tiếng. Mừng đến nỗi, bất chấp luật lệ giao
thông, những chiếc Minkhơ nối đuôi nhau “bay” hơn 100 km/giờ như thể thỏa cơn
khát vọng đường muôn đời qua, để lại sau lưng “một vùng điôxin” vàng đen lẫn
lộn, được đốt ra từ một loại xăng pha nhớt nồng nặc mùi xà phòng, phủ mờ ảo
khắp mặt đường dài thăm thẳm.
Nhớ lúc ra đi từ Điện Biên Phủ, mặc
cho cơn mưa thu trút như trả tất cả nước còn đọng lại cho mùa mưa, để chuyển
dần sự vần vũ thành những cơn gió đông, khô và buốt như rách da, rạch máu. Một
mình một xe máy chạy suốt, nhiều khi bắt gặp đống lửa trong lán trâu trên đỉnh
Pha Đin hoặc lò than gỗ của bà bán ngô nếp nướng ở thủ phủ Khu tự trị cũ… là
tranh thủ xuống xe, vắt khô khẩu trang và găng tay, rồi hơ nhờ cho mình dẻo
lại, mới đi tiếp. Qua Tuần Giáo (Điện Biên), rồi Pha Đin, rồi thủ phủ Thuận
Châu (Sơn La), thị xã Sơn La, Hát Lót và cuối cùng là Cò Nòi, sau đúng 205 km.
Cảm giác Pha Đin và những cung đường lam nham rách, vá của Điện Biên, cả quãng
từ Thuận Châu đi thị xã Sơn La nữa, như thể đang lộc cộc phi ngựa, lộc cộc dạ
dày trộn lẫn ruột non cùng lục phủ ngũ tạng. Bắt đầu thị xã Sơn La, bỗng dưng
như đi thuyền trên sông Đà, du dương vỗ về và cưng nựng gà gật. Đường như đệm
trải ra mà phóng, như mây nâng bánh xe mà bay. Dân ta khoái là quá phải.
Mùa này là mùa tiền mùa bạc, nhưng cả
Cò Nòi lại dường như đang có kỵ. Thì ra lại chuyện ngô. Thị trường ngô Cò Nòi
không còn sôi động như những năm trước. Giá ngô năm nay có vẻ khả quan nhưng
cũng không làm cho người Cò Nòi cười to lên được. Ở trong nước thì chưa, nhưng
người anh em ASEAN là Inđônêxia xa xôi đang có H5N1. Ai dám đảm bảo tên đao phủ
ấy không xuống kiếm Việt Nam
? Nhất là khi nạn buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia, thủy cầm về nước vẫn cứ
ngang nhiên trước sự bó tay vô điều kiện của các ngành chức năng; nhất là khi
lại có tin cảnh báo, đông này nguy cơ có thể hắn sẽ bùng phát? Năm ngoái ngô Cò
Nòi bị nhiễm… H5N1, một kiểu “chết dịch” bằng dư âm, bằng sóng, bằng hiệu ứng
dây chuyền. Gia, thủy cầm bị hủy diệt, người dân không còn khả năng, không cả
niềm tin để mà nuôi nữa, vậy là tự nhiên ngô ế. Khi ấy, tôi có đến chia buồn
cùng đại lý Trần Văn Đỗi, tiểu khu 3 - người được mệnh danh “chân dài nhất năm”
bởi anh này kịp “tháo” nên lỗ ít nhất, có 90 triệu. Anh Đỗi tiết lộ thiên cơ,
với điều kiện không có lỗ tai thứ ba nghe. Năm tiêu thụ được, gia đình gom
khoảng 5.000 tấn, nhưng năm nay (tức 2005), do H5N1 nên làm 1.000”. Trong chiếc
kho khổng lồ 800 m2 của
anh vẫn còn chừng vài chục tấn đang nằm… ngủ ngày. Ba chiếc xe cũng chỉ còn cái
nhỏ nhất, chuyên chở người đi du lịch là rỗi, còn lại đang lang thang ở tỉnh
nào chưa có vi rút cúm, anh cũng không biết nữa. Năm 2005, con số lỗ 300 triệu
trở lên ở Cò Nòi có tới hàng trăm người. Nhẹ nhàng như nhà chị Hoàng Thị Thuộc,
tiểu khu 1 cũng mất hơn 200 triệu tiền chênh giá, chưa kể 400 tấn ngô còn nằm
trong kho; chưa kể 300 triệu đồng lãi suất 1,3%; chưa kể 110 triệu vốn phân đạm
đã quá 2 tháng hạn mà vẫn khê lại ngân hàng cả vốn lẫn lãi, vì: “Gia đình đã
dốc cạn vào tiền xăng xe để tìm nơi tiêu thụ rồi”.
H5N1 đã đấm nốc ao Cò Nòi nói riêng,
thực phẩm chế biến thức ăn gia súc, gia cầm nói chung của cả khu vực Tây Bắc.
Người làm nhiều năm, từng có của ăn của để rồi còn có cơ vực lại, nhiều người
tay trắng vào nghề, đùng một cái là mất cửa mất nhà. Đại lý Thủy Bản vốn ăn
nghề mộc, thấy người làm ngô có nhà lầu xe to, vợ chồng bảo nhau vay ngân hàng
800 triệu đồng, mua được 450 tấn. Phần non kinh nghiệm mua phải ngô hao nhiều,
phần không có xe chạy dịch. Tiền ngô hao, tiền thuốc mọt, tiền gốc lãi ngân
hàng… và trăm khoản thua thiệt khác cộng với tiền rớt giá đã lấy mất đi của vợ
chồng “người mới” trong làng đại lý ngô trên dưới 300 trăm triệu tính đến hết
tháng 12. 2005, và còn chậm bán ngày nào lỗ tiền triệu ngày ấy; rồi đại lý Thủy
Ngân ngót chục ngàn tấn đắp như đắp mộng vv và vv… Theo một cán bộ ngành ngân
hàng huyện, Cò Nòi có tới 99% số hộ làm đại lý phải vay vốn Nhà nước, và có
cùng cách “chết” tương tự. Ai bảo năm nay ngô Cò Nòi không cúm vạ cúm vật nữa?
Bắt đầu mùa rét, cũng bắt đầu mùa dịch, số lượng gà vịt trên cả nước đã giảm
hàng ngàn đàn, hàng triệu con. Người nuôi gà nốc ao, người thu mua nông sản nốc
ao, kéo theo cả người nông dân trực tiếp làm ra hạt ngô, củ sắn cũng ngã… ruộng
nốt. Một xã được mệnh danh là “địa chủ” của Tây Bắc như Cò Nòi, chỉ vì dư âm
của cơn lốc vi rút khẽ quất từ xa mà làm đắm chìm vô số tỷ đồng, kéo theo hàng
trăm gia đình rơi vào thảm cảnh một năm thua, làm đi tong cả mười năm thắng.
Người nuôi vịt chẳng biết làm gì ngoài nuôi vịt, người cấy cầy chẳng biết làm
gì ngoài cấy cầy, còn người Cò Nòi chẳng biết làm gì ngoài thu mua ngô, vì bao
tiền của đầu tư cả vào nhà kho, sân phơi, ô tô… và sự nằm chờ những ngày tươi
sáng hơn quay trở lại. Họ đang hỏi nhau, bao giờ thì ngành gia cầm Việt Nam mới bền
vững? Sẽ chẳng có con gà con vịt nào lên tiếng đâu. Chỉ có thể an ủi nhau rằng,
chắc chắn ngày mai, nếu muốn cứu cánh sự tồn vong của một nghề dễ làm dễ lãi và
cũng dễ làm dễ lỗ, từ bao đời nay từng gắn với hàng triệu con người, giờ đang
rơi vào cảnh thất bát và thất nghiệp, Nhà nước cần sớm có một pháp lệnh, hay
chí ít là những quy định chặt chẽ và nghiêm ngặt về an toàn trong chăn nuôi,
vận chuyển, kinh doanh, giết mổ và tiêu thụ các sản phẩm gia thủy cầm. Như kiểu
dập dịch chó dại ngày xưa ấy, gắn trách
nhiệm hình sự đối với người liên quan nếu như không tôn trọng và áp dụng triệt
để an toàn cho ngành gia cầm nước nhà; bởi hiện đang tồn tại rất nhiều vấn đề
về tiêm phòng bệnh, nuôi thả rông, vận chuyển lậu, giết mổ, sử dụng các sản
phẩm không sạch… để lây lan khắp trong Nam ngoài Bắc. Ấy là còn chưa kể đến bọn
cơ hội, chỉ mong có H5N1 là mỗi đứa nuốt vài vạn con kiểu thiêu hủy rơm thành…
gà; hay căn bản hết vốn đầu tư để gia cầm chết đói, chết rét và cả ế không bán
được… liền tạo thành một vụ sicăngdan vi rút để “nhặt được” tiền hỗ trợ của Nhà
nước…
Cò Nòi mấy nay sụt sùi nắng. Một chút
sáng hoe lên rồi lại phụt tắt, nhường chỗ cho những đán mây đen đang vội vã
trôi đi. Hệ thống giao thông nông thôn như những chiếc rẻ, từ gốc quạt Cò Nòi
xòe đi tứ phía năm nay còn có tý mặt đường. Xe lớn xe bé nằm như lợn con trước
cửa, trong nhà, sau vườn một cách mệt mỏi và rệu rã. Thi thoảng mới có một
chuyến nông sản, mua như được cho không từ vùng sâu, vùng xa chạy về, báo hiệu
một quãng thời gian hưu hắt của những cố nông ở sâu trong lưng núi. Mưa bắt đầu
vãi nhẹ lên ngã ba đèo cũng là lúc tôi phải rời Cò Nòi đi về phía Tây, bỏ xa xã
ô tô, xã ngô, bỏ xa Hà Nội. Sau lưng, cái thị tứ kẹp chặt lấy quốc lộ như một
con phố, cùng với thị trấn Hát Lót trải dài hơn mười km, màu ve tường sặc sỡ
như ngưng lại, giấu kín bên trong một ánh mắt. Ánh mắt yêu kiều, hay là cái
nhìn thời đại, tôi cũng không biết nữa!
Ngã
bà Cò Nòi 12.12.1005
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét