Bút
ký in ANTG
Mỗi sáng, sau tiếng gà rừng nhắc canh
vọng từ trên núi Pắc Bút xuống, hòa vào nhịp trống trường vọng lên từ thung
lũng Động Hoa, cũng là lúc chị Mung sập cửa, khóa nhốt “hòn” vàng một cách cẩn
thận. Trước khi đi, chị không quên dừng lại, áp tai lên vách. Trong khoảng
không lờ nhờ, tĩnh tại của ba gian nhà vách đất vọng ra tiếng vo giấy, tiếng xô
dát giường… Đôi khi là giọng nhạc vàng buồn ảo não: “Đời
là vạn ngày sầu, biết tìm vui chốn nào…” (Hảo
không mặc được áo, quần phải may rộng hoặc xé ống ra mới mặc được).
“Hòn” vàng mà chị Mung
hết đỗi nâng niu ấy là cậu con tật nguyền Quàng Văn Hảo, mà không khi nào chị
nỡ bỏ lại nhà mỗi ngày. Nhưng, vì cuộc sống, chị đành ngập ngừng bước xuống dốc
ngõ dựng như con đường mòn lên núi Bút. Chuỗi âm thanh thân thuộc ấy, cả năm
theo chân chị vượt sang bên kia bờ suối Đông, rồi thắt nút lại trong lòng chị
suốt những buổi chân ngập ruộng. Tôi biết Hảo dịp cuối năm 2006, cùng người bạn
đi làm từ thiện. Cái cảm giác ư ứ, cay cay trong cuống họng không đơn giản như
lúc nghe nữa, mà là sốc. Tôi sốc trước hài nhân dị kỳ, trần truồng, úp vó và vo
vún, như bị vít chặt xuống chiếc giường thô mộc, rệu rã. Một hình “nhân lũa” xù
xì, gân guốc và cứng ngắc. Duy có cái miệng là còn cử động.
Tự lúc sinh ra, cái
miệng ấy đã trở thành vũ khí - một thứ vũ khí tồn sinh duy nhất mà Hảo được ông
trời ban cho chăng?
-
Em muốn nói, hát, vẽ, viết thật nhiều, để làm vui cho cõi buồn dài thê thiết
của em.
Tôi
vốn lém lỉnh mà còn như bị đánh thuế, không thể thốt lên dù chỉ vài lời thô
vụng. Quả thế, trước cái miệng như có linh khí bốn phương ấy, tôi sợ cách nói
phóng túng chạm vào những khẩu xương xẩu kia, sẽ khiến Hảo đau mất. Trước khi
chứng kiến Hảo làm, phải kể đến ăn đã. Một cuộc “thực” chật vật và thảm hại.
Một mình một đĩa, để lên giường, Hảo tự vục mặt xuống mà hớp, mà nuốt. ăn thôi
mà như một ván vật tự do. Hảo dường như không thắng nổi cái khúc “thực vật” từ
cổ mà phụ thuộc vào mẹ, đặt ngửa là phải ngửa, bắt sấp thì sấp đến dập mặt dập
mày. Trên lưng, nốt muỗi rừng đốt dày như cái ghẻ...
Năm 1989, một sự kiện
đã gây thất vọng cho đám thanh niên trong bản. Cô thôn nữ Quàng Thị Mung có
nước da trắng như cánh hoa ban, tóc đen như than gỗ thón và giọng hát mượt mà
như tiếng chim chí – ca mà họ ngày đêm mơ nhớ đi lấy chồng. Chồng Mung là một
thanh niên Thái tráng kiện và hoạt tháo. Các bậc lão niên có con gái ở bản
Đông, ở thị trấn Tuần Giáo và ở cả ba Quài đều ước “giá mà bắt được nó làm rể”.
Còn các cô gái thì ghen tị và xem như Mung là số hoa rơi ang nước xông, trâu
lạc chuồng phìa, chuồng tạo…
Mùa ban ngậm nụ, đôi
vợ chồng trẻ vai kề vai, bước sóng bước đi khai khẩn “kinh tế” mới. Hoa ban nở
rộ họ lại tay trong tay đi gieo hạt bông, để khi gió bấc về sẽ khâu những chiếc
đệm êm, tấm chăn dày tặng bố mẹ. Ban vào quả, rồi hạt ban rụng xuống, họ dắt
nhau trồng vừng, trỉa lúa. Đến khi hạt ban nảy mần thì họ làm xên, báo với ải
êm rằng đã có giọt máu con con trong bụng. Cái ngày măng đắng thành cây vầu,
hoa gianh, hoa lau theo vai về đầy sàn, đầy pơn cũng đến. Cơn vượt cạn giữa mùa
bấc gào rú càng khiến chị lên cơn giần giật. Một hài nhi dị dạng với đôi tay
teo tóp, cứng đơ, trong tư thế quắp chặt lấy ngực. Chân trái như cái vạy bò cắm
ngược về hậu môn. Còn chân phải dựng ngược qua vai nhưng một chiếc cành cây khô
khúc khuỷu. Chồng bỏ đi uống rượu, người ở lại khuyên chị lìa đứa con một thời
dị đoan hà khắc cho rằng “trong nó có con ma ở”…
Nhìn vào hai con mắt
rực sáng của con, chị đã vượt qua dị nghị, vượt qua cả sự khiếm khuyết về thiên
chức. Nhưng, từ ngày có Hảo cuộc sống gia đình lâm vào cảnh sa sút nặng nề.
Tinh thần do tín ngưỡng dân gian không dễ gì chấp nhận. Vật chất vì cuộc sống
mấy nhân khẩu trông cả vào đôi vai người chồng, khiến người đàn ông lý tưởng
một thời gã khuỵ. Mặc dù, sau đó chị Mung đã đẻ cho anh cậu con trai nữa khỏe
mạnh, tươi tắn nhưng vẫn không giữ nổi đôi chân và cái đầu đựng đầy ý niệm chạy
trốn. Từ đó, người mẹ có số gà lồng, chim cảnh từng đêm ngồi bên con nghe nó
khóc và nhìn nó lớn trên hết manh chiếu này đến manh chiếu khác. Càng đói khổ,
chị càng suy sụp bao nhiêu thì Hảo càng vươn lên mạnh mẽ bấy nhiêu. Từ sáng tới
tối, từ tối tới đêm phải mang con bên nách, trên lưng cũng nhanh chóng qua đi.
Ngoài ba tuổi, Hảo đã ở nhà một mình, tự làm một số việc như ăn, hay ghé phần
hậu môn xuống đất để cuối ngày mẹ về dọn… Thảng hoặc vài bữa, Hảo được gửi lên
nhà bác. Có người anh họ chạc tuổi Hảo đang đi học lớp một. Kỳ tích bắt đầu
phát lộ từ đấy. Mỗi khi nghe anh đánh vần, Hảo dỏng đôi tai nơi bẹp dí xó nhà
lên nghe không sót âm nào. Về nhà, Hảo đòi mẹ bảng chữ cái. Chị Mung thương con
một thì buồn hai ba. Giá như nó lành lặn, giờ này đang tròn miệng O, A trên lớp
thì phúc khôn xiết… Nhưng phận con chị thế, nó khỏe mạnh, không khóc quấy, để
chị yên tâm nhốt ở nhà là tốt lắm rồi!
Cứ thế, mỗi lần con
hỏi tên đồ vật, cách ghép âm, rồi ý nghĩa của từ… đều được chị trả lời con qua
loa cho xong trong nỗi niềm cơm áo. Đến khi Hảo 10 tuổi, một ngày chị Mung ốm
nằm nhà bỗng nhìn thấy những bài hát được tô chép cầu kỳ; những bức ký họa bút
chì vẽ tĩnh vật, con gà, con trâu thả bước trên đường chiều… Chị rất lo sợ. Ai
đã đến, đã quen và cho con chị những thứ chỉ được làm ra từ đôi tay tài hoa?
Chị lo một cuộc cà gạ bất lợi nào đấy, cho tới khi Hảo nói là do Hảo làm, thì
chị lại hết đỗi ngạc nhiên. Lần chị mua vở và bút chì, Hảo đã bật khóc quăng đi
khi không thể điều khiển được. Vậy mà… Chị bỏ ăn, bỏ làm để khảo nghiệm con.
Mắt chị bừng lên khi thấy những đường nét điêu luyện thành mây, thành nước,
thành bóng cây đổ dài bên bờ suối... lại được vẽ ra từ miệng con trai. Xong,
Hảo còn cắn cây kéo cắt tách bức tranh ra tặng mẹ. Chị ôm chầm lấy con. Hai mẹ
con cùng khóc. Từ nét chữ đầu tiên đến đọc thông viết thạo Hảo phải đánh đổi suốt bốn năm ròng!
Giọt nước mắt người mẹ
thấm vào hạt thóc, vào miếng vá lệch màu trên vai áo, vào cả tấm lưng chi chít
nốt muỗi của con… đã không uổng phí. Trước đây, mỗi lần nghe con hát nhạc vàng
mượt mà như một nghệ sĩ hát rong, chị đã mừng, mặc dù không muốn những ca từ
buồn day dứt ấy ngự trị trong tâm hồn con trai như một thứ vi rút. Chị có hay
đâu, cõi buồn dài thê thiết vẫn nhốt Hảo đã biến em thành niềm đam mê mải miết.
Qua kẽ vách, thoáng thấy đứa trẻ cưỡi trâu ngang ngõ đã có ngay một bức tranh
giống như… chụp. Cả viết nữa. Hảo viết như thể để luyện nết người vậy. Những
trang viết “chế bản” như những trang báo tường, cầu kỳ hoa lá, vân được chép
lại từ… chí nhớ như thế.
Hảo nói với tôi trong
đăng đắng nhạc vàng:
-
Giá em có thể vẽ tranh hay viết chữ để bán lấy tiền phụ cặp cho mẹ.
Tất cả cũng bởi cái
nghèo. Mảnh giấy nháp tập viết, mẩu bút chì cùn, vài trang báo rách bẩn... đều
do cậu em trai Hảo nhặt nhạnh trên đường đem về cho anh. Ngoài 400 ngàn tiền trợ cấp cho Hảo
mỗi tháng, cả nhà chỉ còn biết trông chờ mấy trăm mét ruộng. Những năm mất mùa,
khoản thu cố định ấy lại dồn cả về phía vai người mẹ. Chị Mung thường đi may
thuê ngoài thị trấn lấy mấy trăm ngàn một tháng. Như bứt bớt nỗi buồn vô tận,
Hảo quyết tâm:
-
E thi “chữ Việt đẹp” cái đã (Giải do Bộ GD - ĐT và Báo Công an nhân dân phối
hợp tổ chức lần thứ nhất, năm học 2008 – 2009). Nếu đoạt giải sẽ dặm lại mái
nhà. Nhưng mà khó lắm, các bạn viết bằng tay, còn em viết miệng, làm gì có hoa
tay nào.
Nhìn những nét “chữ Việt đẹp” mà Hảo thể hiện
trong bài thi, đủ thấy em gửi cả cuộc sống của mình vào đó. Tôi thầm cầu mong
cho bài thi ấy – bài thi mà Hảo không thể điền gì vào danh mục lớp, trường, tên
cô chủ nhiệm, số điện thoại gia đình… ở phần thông tin thí sinh, sẽ được đánh
giá. Nếu thế thật, sẽ là cơ sở cho một cuộc vượt thoát mà em đang xây cho mình
ở phía trước. Được biết, giải “chữ Việt đẹp” có cả thảy 261.958 bài đến từ mọi
miền đất nước, trong đó 2.313 bài được chọn vào sơ khảo với mục đích “luyện nét
chữ, rèn nết người” và lên án “phong trào” làm bẩn chữ quốc ngữ: “Thư pháp chữ
Quốc ngữ”... Tổng giá trị giải
thưởng hơn 140 triệu đồng… Học
sinh khuyết tật, dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa sẽ được nhận phần thưởng
riêng. Hảo đang chờ cái riêng mà em phấn đấu bằng cả tâm hồn và thể xác ấy!
Lẫn trong thảng hoặc
tiếng chim hoan ca trên khu rừng quế, vẫn là tiếng băng cát séc của nhà hàng
xóm luôn thừa vui, nhưng lại chuộng những khúc bi ca thời chiến sự. Vào những
ngày này, trống trường bồn chồn lên tiếng sau ba tháng hè ngủ quên dưới mái
hiên ở thung lũng Động Hoa (theo tiếng Thổ, Tuần Giáo có nghĩa là Động Hoa); sẽ
được cộng thêm vào sự nôn nao chờ đợi kết quả cuộc thi “chữ Việt đẹp” sẽ công
bố vào dịp khai trường.
Dù kết quả thế nào đi nữa thì tôi vẫn tin, rằng
Hảo vẫn sẽ thực hiện ước mơ “bán
chữ, bán tranh” của mình, vì nhìn vào mắt em, dường như ở trong đó có lò than
rực cháy. Em không còn hát những ca từ nẫu nuột “Mưa buồn ơi xin lặng tiếng,
mưa cho phố nhỏ càng buồn thêm, mưa rơi gót khuya thềm lặng vắng, mưa gieo sầu
riêng ai, buồn ơi đến bao giờ…” vì với Hảo, có lẽ mưa rừng, hoa rừng và cả
cuộc sống tràn đầy vật chất bên ngoài ngưỡng cửa không còn là những tả tơi, rơi
rụng, buồn tê buồn tái… nữa. Thay
vào đó là: “một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời...”
Một mùa xuân riêng đang đến với người bạn nhỏ.
ít nhất, mùa xuân trái vụ ấy cũng đã được tự tạo ở trong lòng./
Bản Đông - M.A, 28.8.2008
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét