Bút
ký
Khi
chít bạc trắng trên đầu núi Trông
Pa Y (mào gà), là lúc tết từ trên
nương, trên rừng theo vào bồ, vào hòm và, vào cả những cái… “thủ lợn” còn đang
thả rông trên các mảnh nương mãn vụ. Những con gà, con vịt mang trong mình vài
ba yến thóc cũng đã khoe ra những bước lặc lè. Người Mông đơ Pu Lau (xã Mường
Nhà, huyện Điện Biên) đang
đếm lùi từng ngày để mong tới gần hơn tết chính trong năm Nào Pê Chầu. Mười một
ngày. Mười ngày. Chín ngày…
Chúng tôi đến Pu Lau đúng vào thời
khắc chẳng ai còn nhắc tới cái nặng nhọc đồng áng. Pu Lau như manh áo mới may
mà không có bàn tay nhà thiết kế. Mặc dù năm nay thất bát do đại dịch sâu năn,
nhưng có vẻ Nào Pê Chầu ở Pu Lau đang ráo rốt. Có điều lạ là những nét váy như
xoắn lấy các vòng eo, hay những điệu kèn lá, kèn môi ngọt như những giọt mật
người ta rót vào bụng nhau… không còn nhìn thấy ở đâu đó trên các ngả bản nữa.
Ven rừng, chỉ là một vài tiếng hót lẻ loi của một con chim lẻ loi nào đó. Ngựa
đã hãm chuồng. Trâu cũng hãm chuồng. Năm thì mười họa mới được các “tô mánh
nhủa” ham chơi ném cho vài cọng cỏ già đắng đót. Pu Lau nằm lọt vào giữa một
thung lũng nhỏ, nhà nhà gối sân lên nhau, gần gụi và ấm áp. Nổi lên giữa bản là
ngôi nhà văn hóa 5 gian, được nhân dân bản Pu Lau đóng góp 72 triệu, cộng 50
triệu huyện Điện Biên cho. Không kể cơm gạo, thịt lợn, thịt gà cả bản góp vào
nuôi gần chục con người ăn trong vòng hai tháng, riêng tiền công thợ đã hết hơn
20 triệu. Mùa sương mù, Pu Lau nhờ có Xa Cu Cha (núi có đường voi đi) mà sớm
mai, tiết trời vẫn trong leo lẻo. Những đụn sương đặc như sữa ngựa non buộc
phải tan ngay ra thành hơi, bốc thẳng lên trời khi vừa mon men vào vùng đất của
màu chít trắng. Không hạn chế tầm quan sát, các nam thanh nữ lịch như được sổ
lồng trên lưng những con ngựa máy, gầm rú long rừng…
Do ăn ké theo đoàn đi tiền trạm cho
buổi ghi hình “Phục dựng lễ hội Nào Pê Chầu của người dân tộc Mông đơ Điện
Biên”, diễn ra từ mồng 1 đến 15 tháng 12 âm lịch, của Hội VHNT Điện Biên nên
tôi buộc phải “lạc” mình đi cho quang chỗ. Chẳng có đám đánh quay nào được
thanh niên “dọn sân” đợi tết, để mà lặn vào. Cũng chẳng có những quả còn không
dây, hay những quả pao phơi sắc trước hiên nhà chờ ngày được bay vào tay người
mà mình đêm đêm “muốn điên cái bụng”. Đây kia, những tương lai của bản túm năm,
tụm ba khoe tiếng chuông nào phát ra “bốc” hơn từ những chiếc điện thoại di
động hiệu Madein China, hay cái vỏ thời thượng hơn, có nhiều chức năng quay
phim, chụp ảnh hơn… mặc cho cái phiền phức phải bò 17 km nữa, ra trung tâm xã
mới “có người ở trong điện thoại nói chuyện”.
Pu Lau nhớ da diết tiếng kèn lá gọi
bạn. Còn tôi nhớ da diết một cặp môi chúm chím, lẩy chiếc lưỡi đồng làm lòng
mình mê mẩn không biết bao lần. Tôi lang thang trên khắp các ngõ ngách của bản
“núi chít”. Sạch. Giầu và ấm cúng. 58 nóc nhà thì chỉ còn 2 mái gianh mới tách
ra là chưa kịp có kinh nghiệm làm cho vợ con mình no ấm. Không như các bản Mông
tôi từng đến trước đây, mỗi độ xuân về, các cô thôn sơn tuổi cập kê nhốt hồn
mình trong tiếng nhạc khí của các chàng trai tài hoa, được mệnh danh là vua
khèn, chúa sáo… đang thả bước chân vần vũ trên những bãi cỏ nhô cao ngoài đầu
bản. Thỉnh thoảng, trong lùm cây ven đó phát ra một giọng hát như thách thức
tất cả những ai là đàn ông đang có mặt ở bãi tình yêu: “Mày có dám cùng nhau
đi ủ lửa/ Mày có dám bắt tao về làm vợ hay không?”. Người dân Pu Lau mặc dù
được đánh giá là bản Mông gìn giữ bản sắc văn hóa tốt nhất huyện Điện Biên,
nhưng có thắp đuốc đi tìm cũng không thấy một “bản gốc” Mông đơ nào thướt tha
qua lại. Đội ngũ cán bộ bản là mẫu mực của sự trẻ hóa. Trưởng bản Giàng Mạnh
Dia 25 tuổi, phó bản Vàng A Vừ 23 tuổi,… được kỳ vọng như là các “nhân vật
chính trị có tương lai mênh mông” của bản Pu Lau. Mặc kệ trưởng bản Mạnh Dia
nói với chúng tôi là anh đã nhiều lần làm đơn xin từ chức, nhưng tại cái trình
độ lớp chín đã khiến anh không thể trốn tránh trách nhiệm trước nhân dân bản
mình. Mo bản Giàng A Po bảo: “Trưởng bản trẻ nó giỏi ngoại giao cấp trên để đem
về nhiều cái lợi cho bản, nhưng đừng có nhanh quên bản sắc người Mông. Có thể,
có ngày chúng nó sẽ thành người Thái, người Kinh đấy”. Hình như sự lo xa ấy của
Mo - người có khả năng giao tiếp “âm” và đoán định tương lai cho người khác -
có vẻ có lý. Trưởng an ninh bản Thào A Say, 33 tuổi khi được hỏi thì nhanh
miệng cãi: “Nào Pê Chầu làm gì có lễ”,… Anh chỉ biết, tết ngày xưa của
người Mông phải kéo dài đúng một tháng, từ 1.12 đến 30.12 âm lịch hàng năm.
Nhưng bây giờ, người ta thường chỉ ăn tết 10 đến 15 ngày. Nhà đông người, có
điều kiện thì mổ trâu. Ít khấm khá hơn thì mổ con lợn tạ. Bé hơn nữa thì lợn
cấn 50 - 60 cân. Thịt thêm vài con gà, hay vịt, ngan, ngỗng… làm lễ dán giấy
(lau đấư) lên tất cả các vật dụng trong nhà để bảo vệ trước ma, vào đúng ngày
28 trước tết, với lời khấn nôm na: …, “Con dao mày sang năm làm ăn được nhé,
đừng chém chúng tôi…”. Nhà nào có người biết cúng thì làm thêm lễ “thả ma
đi ăn tết”. Chúng tôi như nhập thần vào cõi… anh Say, để nhìn xem những “con
ma” người Mông đơ ở Pu Lau được thả đi đâu, nhưng mãi mà chẳng nhìn thấy, đành
hỏi anh Say xem anh có biết được nơi nó đến không? Anh Say giương cặp “mắt âm”
tinh quái lên bảo: “Biết chứ! Ma trẻ thì đi chơi quay, thổi khèn, thổi sáo, ném
pao, ném còn (còn của người Mông không có dây như còn người Thái) và cướp gái…
còn những con ma già thì tìm nhau uống rượu, hút thuốc phiện và nói chuyện làm
thế nào để đẻ được nhiều con. Tối đến, ma tập trung hết về nhà anh em họ hàng
để ăn tết, vui như dân bản thôi”. Tuy nhiên, anh chàng Sùng Sếnh Và thì lại bảo
chết là thành phân, thành đất, nhà anh không ai biết cúng nên anh không thả ma.
Vẫn làm ăn tốt. Nhà Sếnh Và có 9 con trâu, 2 con ngựa, hàng chục con lợn, 2 xe
máy và bốn gian nhà gỗ đẹp. Sếnh Và bảo, tết này lo lắm, thằng con tuyên bố sẽ
đi bắt vợ: “Nó làm thật đấy, ta biết tính nó mà. Lúc còn bé nó bảo đá con trâu
là đá luôn, nhưng nó lại khóc lắm vì cái chân trâu cứng quá. Nó mà đòi bốn gian
nhà gỗ là bắt ta làm lâm tặc đấy…”
***
Anh chàng Say như không chịu nổi cái
thói cướp chuyện, cứ lắc lư như gã lên đồng. Biết những điều mình nói chính là
nét văn hóa đặc sắc của quê hương mình, thì dường như anh ta nhập luôn vào cái
hồn “con ma lớn của bản”. Anh ta bảo tết ngày xưa, người đàn ông Mông chỉ có
uống rượu và ăn thịt lợn. Suốt một tháng Nào Pê Chầu, đàn bà quanh quẩn dưới
bếp làm cơm cho chồng tiếp khách và giữ chặt tiền trong nhà, không cho nó chạy.
Ba, bốn ngày đầu tháng tết coi tiền ấy, nếu lỡ trong bản có người anh em nào
hết lợn, hết rượu, hết gạo… thì cứ việc đến bê đi, ngoài tết mới ngồi nói lại
chuyện vay mượn, mua bán. Đàn ông Mông đơ ăn tết nhà mình xong thì ăn dần sang
các nhà hàng xóm. Cứ thế, họ mang cái tốt lành nhất, với những lời chúc may mắn
nhất: “Ta mang cái tốt đẹp đến nhà, mong chúng mày khỏe như con hổ, con báo.
Mong cho cây ngô cây lúa hạt nhiều như hạt mưa, chắc như quả dẻ. Mong cho con
trâu con bò nhiều như con chim trên rừng…”, Rồi khoác vai nhau uống
rượu bê sê lết khắp một lượt bản, sao cho vừa vặn hết tháng mới chịu quay về.
Đám thanh niên vui hơn. Tháng tết là mùa trăng mật của chúng. Chúng chơi ném
pao, ném còn để chọn mặt, và chọn luôn cả cái ưng bụng. Nếu may mắn được lọt
vào con mắt ngày giỏi làm nương, tối giỏi se lanh dệt vải của các sơn nữ, thì
lập tức bàn nhau về một cuộc “cướp người”. Chọn một đêm càng tối trời càng tốt,
lúc mà bố mẹ cô gái ở nhà (cho danh chính ngôn thuận), khi nào thấy cô gái lượn
lờ ra hiên nhặt củi, múc nước là chàng trai ập đến, tha mất hút vào trong màn
đêm mịt mùng tít tận… Ngay khi cướp con gái về làm vợ, người nhà chàng trai
phải cử ra một ông (bà) mối, sang “ăn nói” với nhà cô gái, và giới thiệu về
chàng rể tương lai, địa chỉ, gia cảnh. Nếu ưng bụng, hai bên tiến hành chọn
ngày, “chọn giá” (thách cưới), chọn người làm Mo…
Thấy chúng tôi cứ há hốc miệng ra mà
nghe như chính mình là cái chàng trai Mông có số sắp cưới vợ kia, Thào A Say
được dịp khoe khoang cái tài cướp vợ còn trên cả lãng mạn của mình. Ly Thị Vừ,
vợ Say người bản Huổi Diên, xã Pú Hồng, cách Pu Lau 4 tiếng đi bộ. Sau một lần
đi thi ném pao liên xã, Say hỏi Vừ: “Vừ có theo Say về làm vợ không”. Vừ bảo:
“Tùy thôi”. Thế là mấy đêm sau, Say vượt rừng sang Huổi Diên bắt Vừ về làm vợ.
Trên đường tha nhau chạy, cứ mỗi lúc Vừ mệt muốn bứt tay Say ra, thì Say lại
tặng Vừ một món quà. Như thế, cho tới khi tặng hết thịt khô, ổi chín, vòng cổ,
vòng tay, khăn, áo, dép… thì cũng là lúc về tới Pu Lau… Xúc thìa tiết canh nhân
lòng lợn cắp nách băm với rau ngổ dại đổ vào miệng, tợp một hớp rượu ngô, Say
ngấm men tình, ngất ngư như mình còn đang trong cuộc: “Lúc ấy cũng có mấy thằng
thanh niên nữa, nhưng chúng nó không thắng nổi cái đẹp trai của tao”. “Đừng có
nói phét người lạ!”. Vừ nãy giờ ngồi im nghe chồng tâm tình với khách. Nhưng có
lẽ, chị không chịu nổi cái sự tụt giá của mình, nên phừng phừng lên giọng:
“Giỏi sao không đẻ một đứa như thằng Dùng, thằng Cáng đi. 14 năm rồi?”. Thì ra,
hai đứa trẻ cởi truồng, phô nước da đen trũi ra trước cơn gió bấc, là con nuôi
Say lặn lội đi xin của những người anh em Mông ở bản khác về nuôi, để đỡ tội
không hoàn thành nhiệm vụ. Say đánh cái mặt nặng trịch men sang phía vợ, làu
bàu: “Tại cái của mày thôi. Bác sĩ bảo tao khỏe như con ngựa đực.”. Chuyện nhà
Say như chui cả vào chai rượu. Bát tiết canh cũng theo luôn vào. Chỉ có
lòng mình là bày ra đầy mâm cỗ khách…
***
Thật tiếc, mặc dù tết này, dưới sự
hướng dẫn của những người “Mông giả”, lần đầu tiên Pu Lau làm cho mình một lễ
Nào Pê Chầu mà nhẽ ra, nó phải được tuôn từ trong máu mình ra mới phải. Những
đồng nghiệp của tôi, người máy ảnh, người máy tính xoắn vào khai thác những nét
văn hóa, những phong tục điển hình mà chỉ vài hôm nữa sẽ được phục dựng, sao
chép thành băng và phát hành rộng khắp trong tỉnh, như: nghi lễ cúng tổ tiên,
cúng các anh hùng dân tộc; dạy các cháu thanh thiếu niên làn điệu dân ca: hát
làm dâu; hát ống cho người yêu
nghe (hài cứ xìa xó tra); hát mồ côi... Các trò chơi truyền
thống như: đánh cù (tù lu); đánh pao (pỏ
po); chọi trâu (cho tử xiến tràu)... Dạy lại cách sử dụng nhạc cụ dân tộc
(khèn, sáo dọc, sáo ngang, nhị, đàn môi)... còn tôi, lẵng nhẵng theo đuôi đàn
lợn cắp nách, lang thang khắp cái nắng hanh vàng như những chiếc lá già, vãi
lao xao lên từng cơn gió. Tìm một chiếc lá non đặt lên môi. Câm bặt. Thung lũng
Pu Lau ắng lặng người. Suối Huổi Sẻ gọi vào không trung ầm ập. Hơn bốn mươi chiếc
máy điện vốn vẫn phát huy hết khả năng nhờ nước con suối ấy, đã hai năm nay, bị
điện lưới quốc gia át đi những đốm sáng nhập nhòe, nhưng mang đậm sắc thái kinh
tế hộ. Vài chục chiếc chảo thu phát sóng truyền hình, nắng hất vào lấp lóa như
những chiếc nấm linh chi phiên bản 2, đặc trị bệnh chậm chạp dân trí.
“Ngựa máy” bình quân mỗi hộ một “con”; họa hoằn có nhà 2 - 3 “con”. Chỉ tội,
cái loại ngựa này “uống nước mất tiền”, và đôi khi cái sự thật thà còn không
được bằng “bụng vợ hàng xóm”. Một thôn nữ chạc 16 - 17 tuổi, thẹn thùng giấu
tên mình vào trong chiếc răng vàng duyên sánh, vội vã vần “con” Wins Tàu lên
sân, lí nhí mời tôi vào nhà cô chơi bằng cái giọng ngọt ngào của làn điệu Hài
Cứ Xìa (hát yêu nhau). Cô hồn nhiên giới thiệu người yêu mình là một trong hai
người đỗ đại học duy nhất của bản. Cô bảo tôi ngủ lại đây với anh trai cô, kệ
cho cái “xe máy bốn bánh” của cơ quan về trước, mai anh cô sẽ đèo tôi ra thành
phố bằng cái giá của những người anh em. Tôi miễn cưỡng ra cho cô một cái hẹn,
rằng thì là, 9 ngày nữa tôi sẽ cùng đoàn quay phim trở lại, ăn tết, chơi quay,
ném pao, chọn mặt… Và, sẽ nhốt cả bản cô và lễ hội Nào Pê Tràu vào một cái đĩa
con con, và gọi đó là bảo tồn văn hóa. Lúc đó, cô nhớ hát cho tôi nghe điệu Hài
Cứ Xìa, để cho lòng tôi được một lần lên bùa, lên ngải: “Mày có dám cùng
nhau đi ủ lửa/ Mày có dám bắt tao về làm vợ hay không?”. Pu Lau. Nào Pê
Chầu. Chít trắng. Răng vàng. Nụ cười và câu hát tình yêu... Tất cả đang như một
bữa ẩm thực lạ vị và khó quên. Chỉ còn thiếu tiếng kèn môi nhã nhặt, mê tơi…
Nắng đang trốn dần từng vệt vàng óng
sau dãy núi Trông Pu Ong. Chiếc xe Ford - ESCAPE buồn bã lao đi. Sau lưng, sau
cả vệt bụi dài như con đường ngót 70 km từ Pu Lau về thành phố, điệu Hài Cứ Xìa
như níu vào đầu mày cuối mắt, khiến bước chân cứ dùi dắng, ngập ngừng như chỉ
mình mới là người con Mông đơ của bản./
Pu Lau 15.12.2008
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét