Truyện
rất ngắn
Lũ
trẻ con Xóm Mới thường kết thúc tuổi thần tiên khi mới mười lăm, mười bảy.
Thiên hạ Xóm Mới có một “miếng võ” kể cũng cungfu, đó là “ép cưới”. Đói kém,
cho lập gia đình! Neo người, cho lập gia đình! Đông con, cho lập gia đình! Đòi
đi học, đòi thoát ly… cũng bắt lập gia đình! Dựng vợ gả chồng cho con là
“chiêu” duy nhất để các nhà giải quyết mọi mâu thuẫn.
Chín chị em tôi bị coi là “quái gở”.
Lộc ngộc 18; 17; 16; 15… vẫn lôi nhau ra bãi cỏ may đá bóng bằng quả bòng
nướng; vẫn cuộn chung đống chăn được bật dồn từ bốn năm cái mền bông vào một.
Ngày nào cũng một phản người, cơm sắn, cơm mài… xới bằng xẻng mà vẫn không kịp.
Phải cắt phiên mới chịu ngồi đầu nồi. Chưa được đặt đũa cơm vào miệng đã rộ lên
tiếng “Xin bát!”. Bố thường nổi cơn lôi đình, đôi khi vô cớ. Ngày ngày, các anh
chị quần quật quanh những đống xác cây, thu vén trồng trỉa, vậy mà đôi khi vừa
khiêng chảo cơm ra giữa nhà thì bố chửi. Chúng tôi mặt cắt không còn giọt máu.
Thường bố đã nổi giận thì không thứ gì dám đi chệch ray, vì như thế là dốc dầu
vào lửa. Một hành vi sai lạc sẽ dẫn đến hậu quả “dập cửa vỡ nhà”. Bố là thần
sát, thần đòn. Mà đã đánh là đánh luôn cả nhà một thể. Đàn con chớp mắt đã
thành tập hợp phạm nhân, lần lượt đứa 10 roi, đứa 9 roi, đứa 8 roi,… tôi là út
bị ít nhất, 2 roi. Những lần như thế, sau lưng bố luôn là một cuộc điều khảo
nảy lửa, nhằm tuốt xác kẻ nào gây nên cơn “vạ làng”.
Hôm nay không biết ai
đã đánh mất con dao Mèo của bố? Nhưng lạ là bố không đánh, mà lệnh: “ăn cơm!”
Chị cả lật cái vung chảo xuống nền đất. Cả nhà tròn mắt kinh ngạc: Bí đỏ nấu
với hoa chuối rừng! Xiên mắt xuống tận đáy chảo mới thấy vài ba hạt cháo nở như
hoa đỗ. Thường ngày, mẹ độn sắn nạo hay ngô mảnh quá tay một chút là cả nhà xị ra. Mấy đứa giở
bài dỗi, lên giường giả ốm. Hôm nay khác. Bố hầm hầm xới “cơm”, vừa ăn vừa gườm
gườm. Mẹ cảnh báo: “Ăn đi kẻo bố chúng mày điên lên…”. Bố lệnh như sơn, tất cả
cùng vục bát vào chảo… “cháo thập cẩm”. Tôi đổ một thìa vào miệng, đắng như nhựa đu đủ. Nhìn sang ai nấy
tựa hồ nút rơm vào họng. Nước mắt tôi trào ra. Bố lệnh: “Tất cả nằm sấp lên
phản”…
Vết lươn vừa lành
miệng được vài hôm ông anh thứ hai không hiểu nghe ai, bỗng dưng mang bạn gái
về xin cưới. Cả nhà lại trèo lên phản. Sau bữa ấy chị dâu tương lai mất tăm,
còn anh hai bỏ nhà xung phong đi biên giới đánh Tàu. Bố nọc:
-
Hôm nay đứa nào đi cầu không ném giấy vào sọt?
Mẹ rón rén bò lên phản, nằm chổng mông
lên cho bố quất. Tưởng thế là thôi, bố vẫn lôi tôi lên:
-
Hôm qua đi học đánh nhau thua là sao? Bụp…!
Chị cả đỡ đòn:
-
Chúng nó lớn hơn, em chả thua to còn gì!
-
Tao dạy thế nào? Bụp…! Bụp…!
-
Dạ, những kẻ cậy thế bắt nạt thì không được thua!
-
Thế mày đấm thế nào? Bụp…!
-Hạ…!
Hự…! - Tôi múa:
-
Ngu! Đấm thế là gãi ghẻ. Phải đá, gót, gạt, quật… Mai biết thắng thế nào chưa?
Bụp… bụp… bụp!
-
Dạ!
Cái ngày bố được nhà
trường mời xuống giải quyết vụ tôi dùng võ của bố dạy, đánh trọng thương kẻ cầm
đầu bắt nạt tôi suốt mấy năm qua, cũng là ngày cuối cùng bố “lên cơn” sấm dậy:
-
Đấm vừa phải thôi không có ngày vào tù.
-
Tại nó dai không chịu gục.
-
Ngu thế, lượng đòn chứ!
-…
Ông đá cho tôi một
phát nữa rồi cầm tiền đi. Một nửa con trâu sang nhà anh An hàng xóm ở. Mấy ngày
sau tôi thấy bố cười. Lần đầu tiên bố cười hiền như thế. Tôi là đứa thoát ly
cuối cùng, cũng đồng nghĩa với việc làm bị bông cho bố nhiều nhất. Bây giờ ngồi
nghĩ lại, tôi càng thấy lạ. Bao nhiêu lời an ủi ngọt như mía nướng của mẹ mà
chị em tôi vẫn nhũn như con chi chi trước cơn đói lả do sức tàn phá của công
việc. Tất cả sụp đổ trong nháy mắt, và cũng tức thì vùng lên trong chớp mắt nhờ
những trận đòn vô cớ. Mỗi lần bố nổi nóng là một lần chúng tôi vượt qua được
bản thân mình, vươn lên như thân gỗ cứng cỏi, thách thức mọi gian nan. Đã có
lần bố bảo, chẳng biết làm cách nào. Cả một bầu trời u ám, tối tăm trước mắt.
May mà có người mách nước cho bố làm kinh tế bằng… đòn; định hướng tương lai
con cái bằng… đòn. Cuối cùng thì, xin nghề cho con cũng bằng… đòn nốt - tức là
không cố mà học, mà tự lập thì ăn đòn.
Ở Xóm Mới, ngoại trừ
chị em tôi, không một đứa nào chịu nổi đòn bắt nạt suốt dọc 6 km đường tới
trường, để học cho xong cái ngưỡng biết đọc biết viết. Đói khát, rét mướt, đá
đấm và đường đất là hậu thuẫn cho những cuộc đứt gánh bút nghiên, quay về xe tơ
kết tóc từ lúc chưa sạch hỉ mũi. Nhà tôi “quái gở” vì bố tôi có… võ. Đòn thắng
được tính khí hung hãn, bất cần, bất trị của anh hai. Đòn xốc cái ủy mị, tự ti,
yếu đuối của chị bảy. Đòn kìm hãm ham muốn bất chấp của anh ba. Đòn động viên
và vực chữa bệnh tự kỷ ám thị của anh năm, của tôi. Và đòn gọt dũa chị cả thành
chị cả đầy ắp ân thân và trách nhiệm…
Tết năm nay, 9 chị em
tôi về quây quần bên bố mẹ. 4 anh sĩ quan quân đội đeo quân hàm cấp tá ngồi
cùng mân với hai ông anh rể công tác trong ngành dân vận và HĐND tỉnh để… đánh
nhau bằng rượu. Hai chị gái và một ông anh trai công tác trong ngành giáo dục
chụm đầu trao đổi nghiệp vụ phổ cập THPT trong tương lai không xa. Tôi làm báo,
các anh chị sợ tôi ngồi cùng mâm hay phát biểu “mất quan điểm” nên đuổi ra mâm
lũ cháu gồm cả công an, tư pháp, văn hóa, bác sĩ. Tôi không uống được rượu nên
chúng nó bắt đọc thơ… “phóng sự” (tức là thơ đọc như một bài báo). Bọn trẻ con
cười vỡ bụng.
Tôi không buồn vì
chúng cười tôi không biết làm thơ, như cứ thẫn thờ như người rơi mất sổ gạo. Số
phận bi đát của chị em tôi một thời, một trường đoạn cuộc sống ăn rặt rọc khoai
sọ mà vẫn xẻ núi bạt rừng, vẫn vượt qua tất cả bằng nghị lực… chịu đòn. Nhìn lũ
trẻ vui tết, tôi bỗng lờ mờ hiểu ra một vài sự sắp đặt của bố: Bố đổ nước lã
vào cái đèn măng-xông rồi nổi trận lôi đình? Bố cất con dao Mèo đi để tạo ra một
vụ “xi-căng-đan”? Bố lập hiện trường giả cuộc mất tiền để mở tòa xét xử? Bố dạy
con cái đánh nhau với bất kỳ đứa lớn hơn nào có hành vi cậy thịt đè người…? Bố
không hề chợn tay khi vạng những đoạn cây vào người con cái? Bố không tỏ vẻ xúc
động trước những nỗi oan đeo đẳng 9 giọt máu của mình? Tất cả là nhằm để giáo
dục trực quan. Có thực tế mới nhớ lâu, mới tránh trước được sai lầm, vận nạn…
Bước sang tuổi 90, bố
mới bắt đầu khóc. Giọt nước mắt khô cạn ngay trên khuôn mặt đầy hào rãnh.
Có một đôi lần tôi roi
con gái mình. Con khóc, tôi khóc và một vài người thương tâm cũng khóc. Tôi
bỗng thấy thương bố, vì cái quyền “thương con ra mặt” cũng phải chờ đến tận khi
đã 90 tuổi bố mới được làm…
Thành phố Điện Biên Phủ, 31.12.2009
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét