3 tháng 3, 2013

THÔN THUẦN NÔNG MÀ KHÔNG CÓ RUỘNG

       Đã 20 năm tồn tại, thôn 25, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên với 100% dân số là thuần nông mà lại không có lấy 1m2 ruộng. Tất cả đều lam lũ, nhưng là lam lũ cấy thuê gặt mướn. Hết vụ, nhà người ung dung thóc bồ, lợn chuồng, còn thôn 23 thì đổ người ra đường bán kem, chạy hàng xáo, đồng nát; thậm chí phải nhặt cả rác thải kiếm sống…

Tàn tích một cuộc viễn chinh
   Ngôi nhà của anh chị Hải - Huyền dựng bên cạnh cái móng  lò vôi cũ  

   Cuối năm 1974, theo tiếng gọi của Đảng, 17 hộ dân xã Trần Phú, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình dắt díu nhau lên khu vực “nội thành” Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu (cũ) thành lập HTX tiểu thủ công nghiệp (HTX), chuyên nghề đật đá nung vôi. 17 hộ bằng 34 con người ngày đêm phục vụ 3 lò vôi liên hoàn, với khối lượng công việc: Ngót 20 tấn đá đội vào và, gần 10 tấn vôi củ gánh ra để khử chua cho nửa vạn ha lúa của lòng chảo Mường Thanh (từ năm 1994 trở về trước, lòng chảo Mường Thanh bao gồm cả thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên ngày nay). Bất cứ ai từng lao động đều thấu hiểu nỗi cơ cực của nghề này. Nổ mìn, đập đá, đóng than, đội đá vào lò, đốt, ra vôi… Hết viêm da mãn tính do mùn đá lại đến viêm phổi; hơn nữa là ung thư phổi vì thường xuyên hít thở khói than và… vôi bột. Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ nhiệm HTX đầu tiên lên “đứng lò” được 1 năm thì bỏ về quê chết không rõ nguyên căn. Còn ông Trần Ngọc Chuyện (đã mất 2005), 15 năm làm nghề đập đá, theo anh con trai Trần Ngọc Luyến thì ngay từ khi còn làm, bố anh đã bị lao lực nhưng không dám bỏ việc một phần vì miếng cơm của 6 người con, phần khác vì ước mơ làm mái nhà vôi vữa. Nhưng có lẽ lý do chính đáng hơn cả là cố theo đuổi lấy cái chế độ be bé khi về già. Ngày ấy, bằng tinh thần của những người xung phong đi xây dựng kinh tế mới với hy vọng, trước là làm khá giả nhà mình, sau làm giầu đẹp quê hương mới, nên khẩu hiệu hiện diện cả trong mỗi bát cơm là: “Làm, làm và làm!”.
   Quả đúng thế, thôn 23 ngày nay đa phần là “nhà ngói, sân gạch”. Cái “nhà ngói” ấy được hình thành từ những giờ thứ 9, thứ 10, thứ 11… trong ngày, của chính những chủ nhân lò vôi. 8 tiếng ngày, cả thôn vang lên tiếng búa giáng vào đá hộc. 4 tiếng đêm cả làng lại chìm vào tiếng đập đất, lên quả, cắt gạch… Xong, năn nỉ mua chịu cho kì được mấy tấn vôi xỉ của HTX, để cất gian… “nhà vôi” mà cả đời dưới quê cũng chẳng dám mơ. Nhưng đó là khát khao thời quá độ, còn bây giờ, những ngôi nhà ấy, nhất lại ở Điện Biên - nơi “thổ thần” thường xuyên nổi giận thì chỉ là những cái bẫy. Xi măng cốt thép kia mà mỗi lần có động đất ở đâu đó tít bên Đông Á, người ta còn chực ra đường để ở nữa là nhà tường vôi, lại đã “quá hạn sử dụng”. Như dù gì đi nữa, có người nói, cũng may còn cố được, chứ cứ đợi chờ thì đến lều cũng chẳng có mà ở…

Không ruộng, không nghề, không… cả học
   Nhà  anh Nguyễn Văn Phong hiếm khi có người ở nhà ban ngày

   Thế rồi cũng đến ngày cánh đồng Mường Thanh trở nên ngọt ngào nên vôi thau chua bỗng dưng biến thành… lạc hậu. Vôi xây dựng thì quá xa (cách trung tâm thị trấn huyện Điện Biên 9km), nên không cạnh tranh nổi với hàng loạt lò vôi tư nhân thi nhau mọc lên ngay sát nách công trình. Vậy là HTX lò vôi phá sản (1989). Chuyện thường tình của cơ chế, nhưng đáng bàn là, sau khi giải tán, mấy chục con người đã có thâm niên 15 năm đóng góp cho vựa lúa số 1 của Tây Bắc - tiền đề để cho những thương hiệu gạo nổi tiếng Bắc Thơm, IR64… Điện Biên ra đời - mà cả thôn lại không có lấy 1m2 đất canh tác để chuyển đổi ngành nghề, hòng cứu vớt những số phận nhiều năm không lương do sản phẩm làm ra ế ẩm(?) “Những con người bị lãng quên” ấy chỉ còn biết túa đi các ngả làm thuê cuốc mướn. Ruộng vườn của Mường Thanh, Nhà nước đã quy hoạch cả rồi, chẳng có đâu ra mà chia cho người… “công nghiệp” cả. Mà có chia thì cũng ráng đợi hết 20 năm của chu kỳ giao nhận (khoảng 2015), lúc ấy Nhà nước sẽ giũ rối ra, chia lại cho phù hợp với sự tăng trưởng về… nhân khẩu. Vài nhà nhớ nghề cha ông, vượt ngót 2 km sang bên kia suối thuê vài ngàn m2 đất để trồng ngô, nhưng vì là đất nằm trên địa bàn xã khác nên rồi cũng phải trắng tay về. Vậy là nhà thì chọn cách nấu rượu nuôi lợn, nhà đi bán kem, tráng bánh cuốn, đồng nát…; thậm chí có nhà phải nhặt rác thải để bán tái sinh, kiếm sống. Đã hơn 20 năm không làm vôi, và cũng 20 năm sáp nhập vào thành 1 thôn của xã Noong Hẹt rồi mà 17 hộ dân ban đầu vẫn không thoát khỏi cảnh chạy ăn từng bữa. Bà Vũ Thị Phương đã ngoài 50 tuổi, hàng ngày vẫn lặn lội khắp các bản vùng cao kiếm từng cân thóc, cân ngô về nuôi đàn con thay cho ông chồng đoản mệnh. Cậu con trai cả của bà lấy vợ, kế luôn nghiệp mẹ “đổi bản”, phụ giúp nuôi 5 đứa em chưa biết tương lai ra sao. ở thôn 23 còn rất nhiều người làm nghề mang kem, mắm, muối, thịt, cá, rau, quả... lên các xã, bản vùng cao đổi lương thực như thế.
   Anh Nguyễn Văn Phong cho đến giờ vẫn không làm nổi căn nhà vững trãi. Sau khi HTX tan rã, anh làm nghề giăng lưới, quăng chài dọc khắp các sông, suối trên địa bàn. Bất kể mưa nắng, có những chuyến anh đi 3 - 4 ngày mới mang về vài cân gạo. Hồi thành lập HTX, thôn 23 chỉ có 17 hộ, nay tăng lên 54 hộ, 220 khẩu cả con cháu các HTX viên lò vôi, cả cư dân di thực; thế nhưng, cái thôn phần đa là hộ nghèo này (nghèo nhất xã) hầu như chỉ còn người già và con trẻ. Mỗi khi thôn có hiếu, hỷ thì gia đình hoặc chính quyền phải nhờ người từ các thôn lân cận đến giúp… Bên cạnh nhà anh Nguyễn Văn Phong bây giờ, còn nguyên tàn tích lò vôi năm xưa. Mặc dù đã hơn 20 năm kể từ khi thôi đỏ lửa, không ai ở thôn 23 có ý định đập nó đi, đơn giản chỉ muốn để kỉ niệm một thời viễn chinh cơ cực. Nói cho thật công bằng thì nó vẫn còn là của nhà nước. Vợ chồng anh chị Hải - Huyền, con trai cựu HTX viên lò vôi Điệp - Thực, do không có đất ở, năm 2007 liều ra dựng cạnh cái móng lò vôi vài gian nhà tre, nhưng rồi chẳng cần Nhà nước nào nhắc nhở “tội chiếm dụng đất công” đã phải bỏ chạy vào huyện vùng sâu Điện Biên Đông, làm bánh cuốn bán qua ngày. Ngôi nhà theo thời gian chỉ còn toàn xương xẩu. Vợ chồng anh chị Bình - Mạch ở Hưng Hà (Thái Bình) lên mua lại căn nhà của bà Soạn đã hơn chục năm nay, nhưng rồi cũng như phần đa thanh niên trong thôn phải bỏ đi vào vùng sâu lập nghiệp. Căn nhà xây cấp 4 cũ và 500 m2 vườn, ao… anh rao bán với cái giá như cho, nhưng chẳng ai ngó ngàng chỉ vì họ sợ thôn đất… “chết”!
   Ông Nguyễn Quang Láng, nguyên Phó Chủ nhiệm HTX, năm nay 73 tuổi đã từng lo xa suốt 35 năm qua, nay vẫn tiếp tục lo xa: “Con cái chúng tôi 100% thất học. Hàng chục tráng nam, tráng nữ hoạt bát, nhanh nhẹn mà bói không ra một mống được làm đến… cán bộ xã! Thế hệ thứ 3 thì còn đang học, nhưng cũng đã lác đác bỏ dở bút nghiêm theo nghiệp bán kem của bố mẹ. Nhà nước không thể để như thế được chứ… ?”

Và, những con người bị bỏ quên
   Bà Nguyễn Thị Thuận bị tai biến mạch máu não nhưng vẫn ở một mình trong ngôi nhà vôi vữa làm năm 1983

   Bà Nguyễn Thị Thuận, 70 tuổi (vợ ông Trần Ngọc Chuyện, đã mất) trước khi lên Lai Châu và trở thành chuyên gia đội đá, ra lò đã từng là cô giáo dạy vỡ lòng (nay là mẫu giáo lớn) 14 năm, từ 1960 - 1974 tại thôn Thị An, xã Trần Phú. Như vậy là cộng với 15 năm làm vôi, bà Thuận có 29 năm cống hiến liên tục cho Nhà nước, thế nhưng đến khi được nghỉ thì lại là… nghỉ khỏe(!) Mặc dù bà Thuận cũng như hơn 3 chục xã viên HTX lò vôi không biết kêu trời, nhưng những người có trách nhiệm cũng không thể bỏ quên họ như thế. Không ruộng, không ngành nghề, không chế độ… cho dù chỉ là mấy đồng phụ cấp mất sức cho một nghề thủ công cơ cực và độc hại. Không ai có thể hình dung nổi, những bà Thuận, bà Loa và nhiều người khác nữa, từ năm 1974 đến giờ chưa một lần được về thăm lại mồ mả ông cha, thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn. Đơn giản chỉ vì không có tiền. Suốt buổi ngồi lê trên bậc thềm tiếp chuyện nhà báo, đôi mắt già ngân ngấn nhìn vào xa xăm như thể nhìn vào món nợ lớn của đời người. Bà Thuận bị tai biến mạch máu não, di chứng liệt nửa người. Đã ba năm nay bà sống bằng rau cháo của hai người con là Trần Ngọc Luyện và Trần Ngọc Luyến. Một anh phụ xây, một anh đồng nát, mỗi anh nuôi mẹ một tuần. Còn 2 cô em gái đi lấy chồng thiên hạ và hai cậu em trai áp út đang ở nhờ nhà vợ trên thành phố để chạy xe ôm thì miễn nuôi mẹ, vì rất nhiều lý do, nhưng lý do chính đáng nhất vẫn là nỗi niềm cơm áo. Bà Thuận bảo, bệnh của bà phải uống thuốc dài ngày nhưng vì ăn nhờ con 100% nên không dám đòi hỏi. Bà nói trong nỗi day dứt nghẹn ngào: “Cả con trai, con dâu đều tốt. Nó cho ăn, cho mặc để được sống mà nhìn thấy chúng nó, còn đòi hỏi gì. Tôi vẫn sướng hơn ối người vì còn được nhờ con. Cảm ơn Nhà nước cho cái chế độ… hộ nghèo, mỗi năm được mấy trăm và một ít thuốc!” Vâng, chúng tôi biết, cũng là “3 không” như cả thôn, các bà còn có cái không thứ 4 là “không thu nhập”. Bà Thuận vẫn còn sướng chán, chứ như bà Lê Thị Toán, 80 tuổi đầu, sinh hạ 7 đứa con thì chồng mất, 5 đứa khôn lớn bay xa… còn lại 2 thằng con nghiện ngày đêm đẽo kì cạch vào xương bà lão…

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét