16 tháng 3, 2013

MỘT CHỮ TRONG THƠ


    Tôi đã nghĩ đến bài viết này từ lâu, nhưng thôi thúc đặt bút lại được bắt đầu từ lời đề nghị của nhà thơ Trương Hữu Thiêm, rằng, sẽ gửi Blog VIENCUOICANCU của tôi bài viết Bác Chiến ơi, có nghe em gọi chiều nay? 
(Bài viết in ở Văn nghệ Điện Biên số 7+8/2011). Số là, khi viết bài tri ân cố nhà thơ Nguyễn Quốc Chiến, Trương Hữu Thiêm có đoạn:“Đến tận bây, nhận xét của ông…”. Trương Hữu Thiêm là thế. Câu mặc định đáng nhẽ phải là: “Đến tận bây giờ, nhận xét của ông…”, nhưng phiền hà lần này đã ngoảnh mặt với bậc giả thức. Khi đọc lại tác phẩm, ông chủ bỏ chữ “bây”, để chữ “giờ”; vì với Trương Hữu Thiêm, thừa một chữ cũng đã là khó chấp nhận.
   Cái tuổi 60, không biết có tại kính cọng xộc xệch hay do “con chữ nước mắt lưng tròng” mà, chữ đáng bỏ chẳng bỏ, lại bôi đen rồi Delete chữ cần. Không riêng tôi, nhiều người từng có chung nhận định, Trương Hữu Thiêm, mặc dù, năng lực gõ vi tính ở trình độ “chấp thiên hạ một ngón tay” nhưng cả năm không bắt được ông sai một từ. Lần này thì đích thực là hỏng một từ. Ông đau đáu gọi cho Du An nhờ sửa hộ cái mất ăn mất ngủ ấy. Du An bảo muộn rồi, đã lên phim âm bản. Ông lại gọi cho tôi, bảo: “Lợi bận không, vào Điện Biên mình nhờ cầm tiền lên nhà in mua lại cái phim, để sửa chữ “bây” thành “giờ”? Mình bận quá!” Rồi ông chợt nhớ ra, tôi đang ở rất xa, và ông lại bảo, lần này mình lỡ “coi thường” độc giả mất rồi. Vì thế mà ông muốn in lại, cho dù khó lòng tạ xá, nhưng ít nhiều cũng vơi đi nỗi niềm của cả người sống và người khuất.

   Một chữ thôi mà khiến cho người cầm bút chân chính đắm chìm trong day dứt khôn nguôi. Chữ ấy có thể làm hỏng cả một tác phẩm, chữ ấy cũng có thể chắp cánh cho tác phẩm thăng hoa. Ai yêu văn học mà không biết chuyện về người thầy một chữ (Nhất tự sư) Trịnh Cốc, đời Đường (Trung Quốc), khi sửa hộ cho nhà thơ, nhà sư Tề Kỷ chữ “Mấy” thành chữ “Một” trong bài thơ Tảo mai (Mai nở sớm) nổi tiếng; vì nhẽ, đã nở tới mấy cành rồi thì còn gì là sớm nữa...

   Cũng trong số đó, Văn nghệ Điện Biên in bài thơ Nỉ non một kiếp tơ hồng (Nguyên tác là Nỉ non một kiếp tơ đồng) của Thảo Nguyên, và do một sơ suất không đáng có mà bị nhầm chữ đồng thành chữ hồng. Nói như nhà thơ Trương Hữu Thiêm, Thảo Nguyên lại “coi thường độc giả rồi”. Khi phát hiện chuyện này, tôi điện vào Ban biên tập, rồi điện cho Thảo Nguyên. Tôi tạm nói thế này: Tất cả những người có liên quan (trong đó có Thảo Nguyên), nhất thanh xin lỗi bạn đọc một lời xin lỗi chân thành!

   Để bạn đọc gần xa tiện bề lượng thứ, xin sơ cảm cái tình, cái lý trong Nỉ non một kiếp tơ đồng của Thảo Nguyên như sau. Chữ đồng trong thơ Thảo Nguyên vốn không nằm trong các lớp nghĩa sâu xa, ẩn tàng, trừu tượng ở tầng siêu ngôn ngữ mà nằm ngay trên tầng biểu đạt. Không khó hiểu, không đánh đố. Bài thơ được lấy cảm xúc từ một người đánh đàn rong. Hơn cả thế, theo thiển ý người viết bài này, phải là một người nghệ sĩ đánh đàn rong. Nghệ sĩ bất đắc dĩ phải lang thang, bất đắc dĩ phải kiếm cơm kiếm áo bằng tiếng đàn nỉ non, van vỉ: Tiếng chùng nặng trĩu trên tay/ Mòn da héo thịt những ngày nắng mưa. Một tiếng đàn, và cũng là tiếng lòng oán ai đến chơi vơi, đến nài van não nề: Đục trong khúc hát chơi vơi/ Lang thang chín nẻo mười đời nài van/ Cung thanh như giọt lệ tràn/ Bậc trầm như tiếng thở than não nề. Tiếng đàn đã được nâng lên thành nghề đàn, mặc dù có là: Đàn lê la, hát lê la; nhưng cũng giống như tất cả những gì chân chính nhất: Lê la cái tấm vị nghề phố đông/ Nỉ non một kiếp tơ đồng/ Xem như ai thả sắc không giữa đời…

   Ai cũng biết, “tiếng tơ đồng” mà Thảo Nguyên chọn dùng, nằm ở cái tích: Hoạn Thư (vợ lớn), ép Thúy Kiều (vợ bé) của Thúc Sinh (mà Hoạn Thư cho bắt cóc về, đặt tên là Hoa Nô và biến thành thị tì của nhà mình), chơi đàn hầu cho bữa tiệc của hai vợ chồng Thúc Sinh - Hoạn Thư, nhằm làm nhục Thúy Kiều. Đòn ghen này được giới hiện đại xem như đẳng cấp Hoạn Thư, khiến Thúy Kiều nhỉ máu: Bốn dây như khóc như than/ Khiến người trong tiệc cũng tan nát lòng/ Cũng trong một tiếng tơ đồng/ Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm…

   Không dám nói, cái âm vị cảm xúc trong “tiếng tơ đồng” của Nguyễn Du và “tiếng tơ đồng” của Thảo Nguyên có điểm gặp, nhưng cái danh tự mặc định thì chỉ có thể là tiếng đàn, chứ không thể gọi tên… tơ hồng(!) Tơ hồng (nghĩa thứ 2), nhìn từ khái niệm thì là sợi chỉ đỏ, biểu trưng cho tình duyên, do trời định, theo một truyền thuyết Trung Quốc. Vì thế màLễ tơ hồng còn được gọi là Lễ kết hôn. Trong bối cảnh toàn thơ Thảo Nguyên, nếu chữ tơ hồng tồn tại như một sự tất yếu, thì, phải xét thế nào nhỉ: Một cuộc tơ duyên (bây giờ, giới trẻ thường mượn từ tơ hồng để kẹp đôi với lớp gái gọi, gái bao…) mà lại lê la, thập thễnh, nỉ non, van nài, van vỉ đến chơi vơi, đến não nề, thì có mà chả hóa ra… gái bán dâm(?) Chính thế mà Thảo Nguyên buồn, Ban biên tập Văn nghệ Điện Biên buồn, tôi buồn và độc giả buồn. Du An cũng từng bị một chữ, trong một bài thơ lục bát in ở văn nghệ quân đội. Anh đã đau mãi.

   Về bài Nỉ non một kiếp tơ đồng của Thảo Nguyên, dù có nói đi nói lại, âu cũng sự đã rồi. Chỉ biết cúi đầu, xin độc giả đại xá cho phần nào mà thôi. Một chữ trong thơ nó thế đấy, người hiểu thì đơn giản hóa cho rằng, đó chỉ là một sơ suất nhỏ, có thể thông cảm. Nhưng những người cố chấp thì sao? Họ sẽ cho đó là chuyện để đời, vì “bút sa… thơ chết!”.

   Tiện đây, xin lấy thêm ví dụ một chữ trong thơ thú vị nữa. ở cuốn tạp chí Văn nghệ Điện Biên, số 9 + 10, năm 2008, người viết bài này lúc đó đang phụ trách chuyên mục thơ, có nhận được bài Sau đợt mưa đêm của tác giả Võ Thị Hồng Ánh. Toàn văn bài thơ đó thế này: Ngày ba đi xa/ Mẹ hong tóc bên hiên nhà lạnh gió/ Khoảng sân trắng/ Hoa bưởi rơi/ Mẹ không còn nhặt gội/ Tiếng thở dài vấp tóc gió buông lơi./ Ngày ba đi xa/ Con chim gõ kiến ngủ quên nơi thân cây gỗ mục/ Mảnh trăng đầu hiên thao thức/ Khuyết cong như dấu vành môi/ Nụ hôn ai đánh rơi giữ nền trời./ Ngày ba đi xa/ Đôi môi mẹ phai son/ Mấp máy một lời ca hoang hoải/ Tôi chát đắng thấy mình là cỏ dại/ Được sinh thành sau một đợt mưa đêm.

   Thoáng đọc, thấy bài thơ trôi, mượt. Nhưng đọc thật kĩ, cảm giác như có vấn đề. Đọc kĩ hơn nữa, thì thấy, vấn đề chính ở chữ đợt. Người biên tập thận trọng sửa chữ đợt thành chữ trận cả ở cái tít lẫn trong bài thơ vì hai nhẽ sau: - Thứ nhất: ở phần sinh thành (nói đến một cách cơ học, được sinh ra, được ra đời… ) thì yếu tố bất ngờ, khoảnh khắc,… thú vị và có vẻ an lành hơn là sự lai nhai, dai dẳng. Nói đến nguyên nhân ra đời của nhành “cỏ dại”, thì cũng chỉ cần một cú “sét đánh” trong một trận mưa chớp nhoáng, vồi vội, vụng giấu đến tội lỗi. - Thứ hai: Xét về logíc ngữ cảnh của câu thơ, thì, không có đợt mưa đêm (vì đợt mưa - có nghĩa là dài, lâu... thì phải có cả ngày cả đêm, nên chỉ có thể có trận mưa đêm thôi), và, về mặt lôgic mà bàn là không phù hợp. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng mang chuyện lôgic ngữ cảnh ra so sánh với lôgic văn chương; song, nói đi cũng phải nói lại, giả dụ, thơ đã hay rồi, lại chuẩn hẳn về lôgic ngữ cảnh nữa thì cũng đáng để tác giả sáng tạo ra, và, đáng để độc giả đón nhận lắm thay! Vậy một điều có lẽ là hạnh phúc nhất trong cuộc đời biên tập, đó là một ngày, đón nhận tin tích cực - một niềm vui nho nhỏ - từ cái chữ đắn đo, nhưng hết sức thú vị đó.

   Tất nhiên, việc bị lỗi chữ đồng thành chữ hồng trong bài thơ Nỉ non một kiếp tơ đồng của Thảo Nguyên là một chuyện đáng tiếc, nhưng thiết nghĩ, cả tác giả, Ban biên tập, độc giả sẽ xích lại gần nhau hơn thông qua sự thẳng thắn trao đổi, rút kinh nghiệm một cách đáng yêu này. Văn nghệ Điện Biên xin in lại bài thơ của Thảo Nguyên thay cho lời xin lỗi trực tiếp tới độc giả, tác giả:


M.A, 13.09.2011


Nỉ non một kiếp tơ đồng


Tiếng chùng nặng trĩu trên tay

Mòn da héo thịt những ngày nắng mưa

Tuổi hồng rơi bớt sớm trưa

Thấp cao thập thễnh nhặt thưa những lời.


Đục trong khúc hát chơi vơi

Lang thang chín nẻo mười đời nài van

Cung thanh như giọt lệ tràn

Bậc trầm như tiếng thở than não nề.


Đường đi chặn đứng lối về

Lê la cái tấm vị nghề phố đông

Nỉ non một kiếp tơ đồng

Xem như ai thả sắc không giữa đời.


Trời chơi vơi, đất chơi vơi

Tối thâm một quãng lả lơi những là

Đàn lê la, hát lê la

Tiếng gần van vỉ tiếng xa nghẹn ngào…

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét