Trương
Hữu Thiêm
Mẹ
Cả ngày đon đả gọi mời
Chợ làng tấp nập sớm trưa
Gánh rau và mẹ như thừa cả hai.
Liêu xiêu chiếc bóng đường dài
áo cơm chất nặng đôi vai tảo tần
May nhờ phúc của tiền nhân
Gió mưa chừa lối bàn chân đi về
Quê mình nghèo khó trăm bề
Bắp ngô đã lép, bông kê lại còi
Cỏ không kịp mọc cho voi
Tháng ba ngày tám lặn ngòi ngoi sông.
Một chiều nắng quái đằng đông
Vàng hương cháy đỏ cánh đồng đầu thôn
Chuông thiêng kêu tiếng nguyện hồn
Đất khôn nhận cuộc càn khôn luân hồi
Chợ làng trống một chỗ ngồi
Chiếc đòn gánh đốt đi rồi vẫn cong…
Lời bình của Nguyễn Đức Lợi
Khóc
mẹ bằng tiếng thơ lòng
Cảm
nhận đầu tiên khi đọc Mẹ của Trương Hữu Thiêm, in trên báo Văn
nghệ trẻ, năm 2003 là sự xúc động đạt đến độ nhân đạo trong tiếng “khóc mẹ”.
Một tiếng khóc chôn chặt, không tức tưởi, không hu hu; một cách khóc nhẹ nhàng
mà sâu, giản dị mà ngấm, khiến ta, giúp ta hiểu được, cảm được nhiều hơn về tấm
lòng người mẹ. Mà lại nhất là người mẹ nghèo. Trương Hữu Thiêm khóc mẹ của ông
mà khi ta đọc, ta lại thấy như chính ta đang khóc mẹ ta vậy! Bởi vì ta cũng có
một mẹ già: “áo cơm chất nặng đôi vai tảo tần”. Một mẹ già nghèo
khó, dãi dầu nắng xối mưa xiêu và, vì cuộc mưu sinh cơ cực ấy mẹ như thể tự
nhiên mà chấp nhận, vui vẻ mà bằng lòng số phận như một thứ “luật”, ở đời thì
phải chiều đời, vậy đấy. Cái muối mặt chiều đời một cách vồn vã ấy, mưu cầu ấy
được Trương Hữu Thiêm khái quát khắc họa, nhưng khá đầy đủ chỉ trong vỏn vẹn câu
lục: “Cả ngày đon đả gọi mời”. Nhưng rồi thì cái nỗ lực ấy, gắng
gượng ấy, trong cái chợ làng vốn hỗn độn, bùng nhùng mà thói đời, cứ hễ dư giả
hơn nhau là có quyền kén cá chọn canh, chê hành chê tỏi. Cái tư tưởng đồng tiền
đi liền khúc ruột cho thấy khái niệm muôn thuở về thuyết tương xứng giữa thứ bỏ
ra và khoản thu về, đã lãng quên, thậm chí đè bẹp sự bươn bả mong manh, hơn nữa
là những “liêu xiêu” gắng gỏi cuối cùng. Đến nỗi, thân phận mẹ trôi nổi chẳng
kém gì mớ rau con tép, vô duyên và thừa thãi trước những lạnh lùng thường nhật:
“Bấm tay đếm được mấy lời người thưa”.
Có lẽ xuất phát từ con tim và tấm lòng thánh thiện,
bằng thuật pháp nhân quả, tác giả đã nhìn nhận một cách tương đối công bằng về
người mẹ mẫu mực mà thiện tâm, tần tảo mà phúc phước. Đời thường răn: Cha
ăn mặn, con khát nước; thì ở mẹ ngược lại, cái “may” mà mẹ được nhờ là một
truyền thống tu nhân tích đức từ tổ, từ tông. Tiền nhân ở ngọt, hậu thế ắt được
hưởng bùi. Từ chân dung liêu xiêu khắc khổ, hai bờ vai chất nặng áo cơm, đến
đôi chân trần trụi, ngày ngày xuôi ngược trên con đường làng gập ghềnh đá sỏi,
dẫm đạp trên cánh đồng làng nứt nẻ, khô cằn: “Bắp ngô đã lép, bông kê lại
còi”. Mẹ vẫn khỏe đến mỏi mòn. Dẻo dai đến khô héo: Là nhờ hồng phúc
của tiền nhân đấy!
Ở
cái miền quê nền sình mái rạ ấy, trời chỉ sinh người (voi), nên: “Cỏ
không kịp mọc…”. Xin thành lòng ngả mũ trước sự khéo vẽ nên cảnh sắc
bon chen, bơi lặn trong cái biển mưu cầu luân nạn. Chẳng ai xa lạ ai. Ngày ngày
người ta vẫn thường bắt gặp một mẹ già xắn gối ngụp sông, ì ụp lội đồng, nhặt
rau, xúc tép, để có cái mà gánh kĩu gánh kịt như gánh tháng gánh năm… Và rồi
thì, gánh cả cái tuổi tác già nua của mình đi đến tận ngày. “Một
chiều nắng quái đằng đông”, thế là ôi thôi! Nắng thường chỉ quái đằng
tây, nay nắng đằng đông “quái” là báo cho ta một sự lạ, và cái lạ ấy
là vàng hương nghi ngút, khăn trắng ngang trời. Người làng giật thót. Chợ làng
giật thót. “Cái” bà mẹ vẫn ế ẩm thừa thãi, thậm chí là vướng chỗ… bỗng ra đi,
và bỗng trống vắng. Thói đời lại thế, khi còn mà ít lợi ích thì kể như không
từng tồn tại; và ngược lại mọi sự nhạt nhẽo mất đi thì bỗng dưng “quý hóa”, cho
dù sự “quý hóa” phát âm như là một tiếng đãi môi. Chỉ có “đất khôn” là dang
rộng cánh tay đón một niềm phúc phước về thiên cổ. Bao nhiêu khóc lóc, bao
nhiêu kể lể đều không thấu đất, đều không động trời; mặc dầu lòng người đã có
xáo động, như thể tượng trưng cho một chút xót xa! Vẫn biết, vắng mẹ chợ làng
chẳng rã đám nào, nhưng ít ra cũng đã “trống một chỗ ngồi” như
một câu nhắc nhớ. Bài thơ được cấu trúc theo mạch dọc của tháng 3 ngày 8. Một
chuỗi những đắp đổi, giằng xé đủ cho ta thấy một bà mẹ - biểu tượng vĩ đại của
người phụ nữ á Đông, phụ nữ Việt Nam .
Đường
“thơ đi” của Mẹ nhằm đến tận cùng nghệ thuật, tận cùng nhân
văn, và tận cùng bản ngã lương tri… được gói cả vào câu kết: “Chiếc
đòn gánh đốt đi rồi vẫn cong…”. Trời ạ! Một câu kết, một kiểu kết thể
hiện cái tài xuyên suốt, tài gói và cái tài “nói lái”, hay thuật “đòn bẩy”
(đóng cái nọ để mở cái kia) của Trương Hữu Thiêm. Bấy nhiêu khắc họa dường như
chưa đủ, chưa thỏa nên tác giả gửi gắm vào chiếc đòn gánh vô cảm mà như biết
nói, vô động mà như rưng rưng. Ai trong chúng ta cũng biết, một chiếc đòn gánh
tốt (gánh áo gánh cơm) ở quê phải được làm từ loại tre gai đực. Lúc mới đẽo, muốn
chiếc đòn gánh nẩy (như thế mới cảm thấy nhẹ gánh) thì phải đẽo ưỡn, khi chất
gánh lên mới chịu oằn xuống; thế nhưng trong Mẹ, chiếc đòn gánh của
Trương Hữu Thiêm không phải bàn cãi, đã đi trọn suốt cuộc đời người mẹ, nên vốn
dĩ để không đã “còng”, đốt đi lại càng “còng” hơn. Một sự vận chặt số phận vào
đời nhau đến lạ và, cách làm thơ nói chung, kết thơ nói riêng của Trương Hữu
Thiêm cũng… chẳng giống ai. Với lời lẽ ngôn từ mộc mạc, giản dị, không hề gạn
ép, không lạm dụng kỹ thuật, nhưng lại đầy tính nghệ thuật, đủ để bạn đọc cảm
nhận được cái hay, cái thơm, cái thảo… trong thơ.
Mất
mẹ! Trương Hữu Thiêm không ầm ĩ khóc lóc, kể lể công ơn hiếu đễ, không nức nở
hứa khói hứa nhang. Ông thương mẹ, báo đáp mẹ bằng cách nhìn nhận công bằng về
tấm lòng (nghĩa) của mẹ qua thơ, ấy vừa là hiếu, vừa là trọng và vừa là kính!
Điện
Biên, 2004
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét